(ĐTCK) Chính sách chậm ban hành, thị trường bất động sản càng lún sâu vào khủng hoảng.
Năm 2013 được cho là năm của nhà giá rẻ, với hàng loạt chính sách hỗ trợ cho cả DN và người dân mà Chính phủ đã ban hành. Tuy nhiên, mong ước của người dân được sở hữu một căn nhà giá rẻ xem ra vẫn còn xa vời, mà nguyên nhân chính là sự chậm trễ của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc xây dựng và ban hành những văn bản hướng dẫn thi hành.
Chưa biết khi nào hướng dẫn chuyển đổi dự án nhà thương mại sang nhà ở xã hội được ban hành
Từ chờ được chuyển đổi dự án
Ngày 7/1/2013, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký ban hành Nghị quyết số 02/2013/NQ - CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu. Một trong những giải pháp được các DN hoạt động sản xuất - kinh doanh bất động sản trông chờ nhất là việc Chính phủ cho phép chuyển đổi một số dự án từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội. Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng phối hợp với các cơ quan chức năng và địa phương rà soát lại toàn bộ các dự án bất động sản, đồng thời, xây dựng tiêu chí cho việc chuyển đổi trên.
Thông tư hướng dẫn các tiêu chí chuyển đổi dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội của Bộ Xây dựng đang được các DN bất động sản rất trông đợi. Bởi đây sẽ là căn cứ pháp lý quan trọng giúp các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương xem xét, cho phép các DN được chuyển đổi dự án, tìm lối ra cho căn hộ tồn kho.
Tuy nhiên, một chuyên gia của Bộ Xây dựng cho biết, thông tư này vẫn đang trong quá trình xây dựng và chưa biết khi nào mới được ban hành.
Để tạo điều kiện cho DN tham gia xây dựng nhà ở xã hội một cách bài bản và dài hơi hơn, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, Bộ này đã xây dựng dự thảo Nghị định về phát triển nhà ở xã hội trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành. Theo đó, nhiều chính sách sẽ được luật hóa cụ thể như miễn tiền sử dụng đất, hỗ trợ lãi vay cho người dân mua nhà hay các chính sách giảm thuế VAT… Điều này cũng có nghĩa là các DN sẽ phải tiếp tục… chờ.
… đến chờ vốn giá rẻ
Liên quan đến việc tháo gỡ khó khăn về vốn cho thị trường bất động sản, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đặng Thanh Bình mới đây cho biết, dự kiến trong quý I/2013, NHNN sẽ phối hợp với Bộ Xây dựng ban hành Quy chế cho vay mua nhà ở xã hội với lãi suất thấp và kỳ hạn trả nợ phù hợp. Theo đó, các ngân hàng thương mại nhà nước (NHTMNN) dành tối thiểu 3% tổng dư nợ cho vay các đối tượng được hỗ trợ vay vốn về nhà ở. NHNN sẽ hỗ trợ một phần nguồn vốn cho vay đối với các ngân hàng này thông qua việc cấp hạn mức tín dụng hàng năm, hình thức hỗ trợ thông qua công cụ tái cấp vốn. Trong đó, dành từ 20.000 - 40.000 tỷ đồng vốn cung ứng hàng năm để cho vay đối với các NHTMNN. Số tiền này được cho vay theo hạn mức với thời hạn tối đa là 1 năm và quay vòng trong 10 năm, lãi suất bằng lãi suất chiết khấu của NHNN.
Ông Bình cũng cho biết, theo định hướng của NHNN, lãi suất cho vay của NHTM đối với khách hàng bằng lãi suất chiết khấu + (1-2%)/năm, hoặc bằng trần lãi suất huy động + 1%/năm... Ngoài ra, NHNN sẽ cân nhắc việc đưa các khoản mục còn lại của lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản ra khỏi lĩnh vực không khuyến khích trong năm 2013. Cùng với đó, NHNN sẽ hoàn thiện Đề án Xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng và Đề án thành lập Công ty Quản lý tài sản ViệtNam.
Tuy nhiên, tại phiên họp Chính phủ với đại diện các bộ, ngành mới đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng, do thiếu các văn bản hướng dẫn cụ thể của các bộ, ngành, nên các vấn đề được Chính phủ quyết định trong Nghị quyết 02/2013/NQ-CP vẫn chưa thể triển khai. “Nếu để chậm trễ, cơ hội tốt đầu năm sẽ qua đi”, ông Vinh nhấn mạnh.
Đồng tình với ý kiến của ông Vinh, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, một chính sách mới được ban hành bao giờ cũng có độ trễ từ 3 - 6 tháng mới có thể đi vào cuộc sống. Vì vậy, chỉ cần các cơ quan quản lý nhà nước kéo dài thời gian xây dựng chính sách thêm vài tháng thì cơ hội thoát khỏi khó khăn của nhiều DN sẽ qua đi và thị trường bất động sản sẽ càng lún sâu vào cuộc khủng hoảng.
Minh Nhật
Theo ĐTCK
Các bản tin khác
- Nhật Bản hỗ trợ Đà Nẵng phát triển đô thị bền vững
- Ai công chứng hợp đồng mua bán đất?
- Bất động sản Đà Nẵng trong năm 2015: Kỳ vọng khởi sắc
- Mở ra một trang mới trong đăng ký hộ tịch
- Đà Nẵng, giao dịch không dùng tiền mặt đang tăng nhanh
- Giá đất sẽ tăng gần 2 lần
- Liên thông thực hiện TTHC công chứng, đăng ký QSDĐ, thuế
- Luật nhà ở (sửa đổi) vừa được thông qua ảnh hưởng thế nào đến tâm lý thị trường?
- Áp dụng biểu thuế mới cho bất động sản: Sẽ ít người bị ảnh hưởng hơn (17/12/2014)
- Thuế chuyển nhượng nhà đất: Một cách tính: 2% trên giá trị giao dịch
- Khởi động kế hoạch kinh doanh mới
- Quy định mới về quản lý tiền thu được từ sắp xếp lại nhà, đất
- Chuyển từ công chứng tay sang công chứng điện tử
- Thư mời đăng ký tham gia và cung cấp thông tin, hồ sơ bình xét 100 doanh nghiệp tiêu biểu
- Đô thị FPT Đà Nẵng sử dụng tài nguyên hiệu quả đầu tiên tại Việt Nam
- Thông tư 78/2014/TT-BTC hướng dẫn thuế TNDN năm 2014
- Bà Nà Hills thêm 3 cụm công trình mới trong năm 2015
- Căn hộ đón dòng tiền cuối năm
- Xây dựng Đà Nẵng thành điểm đến nổi bật nhất năm 2015
- Đối thoại đầu tuần: Hải Châu xây dựng và phát triển đô thị