Kỳ 1: Coi chừng “cò”... lừa!
Thời gian qua, rất nhiều mẩu tin rao vặt bán đất giá rẻ được báo chí và các trang web dịch vụ đăng tải với lý do đại hạ giá để cứu vãn vốn đã đầu tư đất đai hoặc bán tháo một số lô đất để trả tiền vay mượn. Tuy nhiên, hầu hết những lô đất này đều trong diện quy hoạch, hành lang an toàn đường dây điện cao thế 110kV hoặc đất nông nghiệp và có dấu hiệu tiêu cực, lừa đảo.
Một cò đang mời gọi mua đất nông nghiệp có giấy phép xây dựng nhà ở dưới đường dây điện 110kV - nhánh rẽ Xuân Hà và trong khu vực đang lập quy hoạch.
Từ một mẩu tin rao vặt bán lô đất rộng 100m2 ở đường Tôn Đản nối dài (phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ) với giá 90 triệu đồng trên trang quảng cáo của một tờ báo phát hành rộng rãi ở khu vực miền Trung-Tây Nguyên, chúng tôi liên lạc gặp “cò” M. Lô đất này chỉ cách đường Tôn Đản nối dài khoảng 60m, đường đi vào thuận lợi, thoáng đãng và xây dựng sẵn móng nhà. “Cò” M. hẹn nhiều người đến xem đất cùng lúc và liến thoắng: “Tuy là đất nông nghiệp, chưa được tách thửa, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) riêng do Luật Đất đai đang trong quá trình sửa đổi, nhưng không trong diện giải tỏa. Chúng tôi sẽ bao phí cho quy tắc đô thị (QTĐT) để anh xây dựng nhà, đến giữa năm nay, khi thực hiện Luật Đất đai mới, anh làm sổ đỏ vô tư!”.
M. còn chỉ các khu đất xung quanh, nói là của ông A, B, C…, là cán bộ lãnh đạo các cơ quan, chính quyền, ngành tư pháp của quận Cẩm Lệ và thành phố, cùng tuyến đường dây điện 110kV đi qua để chứng minh khu vực không giải tỏa, tất cả người đến xem đất đều bị thuyết phục. Riêng chúng tôi, với nghi ngại khó làm được sổ đỏ cho riêng mình khi có nhiều thửa đất cùng chung một sổ đỏ đất nông nghiệp, “cò” M. liền giới thiệu một lô đất nông nghiệp đã có sổ đỏ riêng, diện tích 280m2, thời hạn sử dụng đến năm 2016 với giá khuyến mãi… 180 triệu đồng.
Tuy nhiên, trước yêu cầu cung cấp số thửa hoặc vị trí 2 khu đất nói trên để chúng tôi nhờ người quen xác nhận quy hoạch trước khi mua đất, “cò” M. sau một hồi lục lọi giấy tờ hợp đồng chuyển nhượng đất, bản photocopy sổ đỏ trong cốp xe máy rồi nói: “Tôi để ở nhà hết rồi, sẽ gửi cho anh sau!”.
Điều đáng nói là khi đến UBND phường Hòa Phát, chúng tôi ngỡ ngàng nhìn thấy vị trí 2 khu đất nói trên nằm trong sơ đồ ranh giới dự án Khu dân cư Nam đường Lê Trọng Tấn vừa công bố quy hoạch trước Tết Quý Tỵ, dự kiến triển khai từ năm 2013.
Một số tay “cò” dẫn chúng tôi đến xem mua đất nông nghiệp, đất thổ cư (đất vườn nhà dân) và nhiều thửa đất ở đã có sổ đỏ riêng tại khu vực Phong Bắc, lân cận cầu vượt Hòa Cầm, đối diện Khu công nghiệp Hòa Cầm… thuộc phường Hòa Thọ Đông và Hòa Thọ Tây (quận Cẩm Lệ) với giá khá mềm. Do nghi ngờ những lô đất này nằm trong quy hoạch dự án chậm triển khai nên chúng tôi liền đề nghị cung cấp số thửa hoặc vị trí khu đất để nhờ người quen xác nhận quy hoạch, các “cò” đều nói quên ở nhà hoặc gửi sau, nhưng không thấy hồi âm. Đặc biệt, “cò” H. đang rao bán một số lô đất nông nghiệp giá rẻ nằm ven kênh thoát nước Khe Cạn thuộc phường Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê), quảng cáo rằng sau này khi kiên cố hóa kênh thoát nước Khe Cạn, đất sẽ có mặt tiền đường 5m. “Cò” H. còn cho hay, do đất nằm dưới đường dây điện cao thế 110kV nên chắc chắn không giải tỏa, phù hợp với người ít tiền mua đất xây dựng nhà cấp 4 để ở.
Điều đáng nói là “cò” H. được cấp giấy phép xây dựng nhà ở cấp 4 cho khu đất nằm trong hành lang an toàn điện 110kV, việc mà rất ít người làm được. Tay “cò” này chia đất thành nhiều lô để bán với giấy viết tay và sẽ tiến hành xây dựng nhiều nhà cấp 4 cùng lúc trên khu đất này. Trong khi đó, theo UBND phường Thanh Khê Tây, khu vực này đang được lập quy hoạch chi tiết và sẽ giải tỏa.
Một tay “cò” ở phường Hòa Phát cũng giới thiệu chúng tôi mua một lô đất cùng chung thửa đất ở phía Nam đường vào kho bom CK55 có khoảng 30 nhà và lô đất trên đó với khẳng định: “Khu vực này giữ lại chỉnh trang, không giải tỏa. Giá bán 160 triệu đồng/lô, bao phí cho QTĐT đến khi anh xây dựng nhà xong!”. Theo người dân xung quanh, không rõ khu vực này có giải tỏa hay không mà trước đây khi người dân xây dựng nhà trái phép thì bị lực lượng QTĐT đến lập biên bản, tháo dỡ. Còn bây giờ cả cán bộ QTĐT từng đến tháo dỡ nhà dân cũng mua đất, làm nhà ở vô tư.
Bài và ảnh: NAM TRÂN
Theo Báo Đà Nẵng
Các bản tin khác
- Bảo vệ sông Cổ Cò
- Đầu tư vào Đà Nẵng: “Triển vọng phát triển du lịch vẫn dồi dào”
- Đà Nẵng quảng bá hình ảnh du lịch nhân Tuần lễ Cấp cao APEC
- Đầu tư mua bán bất động sản, khách hàng phải biết tự bảo vệ mình
- Đầu tư condotel: Vì sao Đà Nẵng có ưu thế hút dòng tiền?
- Địa ốc Đà Nẵng: Khu vực nào đang thu hút khách hàng?
- Xúc tiến thành lập Lãnh sự quán Hàn Quốc tại Đà Nẵng
- Lung linh sông Hàn
- Những điều cần chú ý khi "chốt" mua đất nền
- Sun World: Hành trình bứt phá của du lịch Việt
- Xuất hiện nhân tố mới chi phối thị trường bất động sản đầu tư
- Condotel, khách sạn nguy cơ mất khách vì ‘Uber bất động sản’
- Phố chuyên doanh Nguyễn Đình Tựu khoác áo mới
- Người nước ngoài chỉ được mua tối đa 30% nhà tại đặc khu kinh tế
- Gỡ nút thắt cho người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở Việt Nam
- Bổ sung quỹ đất tái định cư đường Hòa Phước - Hòa Khương
- Đà Nẵng xây dựng thêm cầu mới từ Hòa Xuân qua đường Bùi Tá Hán
- MBLand khởi động bán hàng dự án Pan Pacific Danang Resort
- Đừng 'chôn tiền' vào đất nền vì không biết những điều này
- Biệt thự nghỉ dưỡng bán chạy ở Đà Nẵng