Nhiều người vì thiếu thông tin và không xác minh đầy đủ nên đã mua đất giá rẻ. Hậu quả là không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), thậm chí không được xây dựng nhà cấp 4 để ở hoặc không được xác nhận có nhà ở để làm hợp đồng cung cấp điện, nước.
Một hộ giải tỏa với giấy tờ đất và nhà ở chưa hợp pháp không được bố trí đất tái định cư.
Chị H. mua một lô đất thổ cư của người dân ở xã Hòa Sơn (huyện Hòa Vang) vào năm 2010, dù đã cẩn trọng dò hỏi thông tin về quy hoạch nhưng đến nay vẫn không tài nào tách thửa, làm sổ đỏ vì trước ngày chị chồng tiền mua đất ít ngày, khu vực đó được thành phố chọn để lập quy hoạch. Không làm được sổ đỏ, chị tìm đủ mọi cách xin xây dựng nhà cấp 4 để ở, ngay cả chủ đất đứng ra xin giấy phép xây dựng nhà cấp 4 cho chị cũng không được. UBND xã chỉ đồng ý cho xây dựng nối tiếp vào nhà ở hiện trạng, tức là chỉ cho cơi nới nhà ở.
Nhiều người dân đã mua đất nông nghiệp, đất “3 lá”, “2 lá” tại phường Thanh Khê Đông, Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê) và đã xây dựng nhà ở nhiều năm, nhưng đến nay chưa thể làm được sổ đỏ với lý do thửa đất không phải là đất ở, nằm trong vùng quy hoạch… Nhiều khu vực không bị quy hoạch thì cũng khó chuyển đổi mục đích sử dụng đất vì theo Sở Tài nguyên-Môi trường, Quyết định số 31/2012/QĐ-UBND ngày 31-7-2012 của UBND thành phố quy định hồ sơ đề nghị chuyển đổi mục đích sử dụng đất phải gồm có: sổ đỏ và đơn đề nghị chuyển mục đích sử dụng đất. Phần lớn hồ sơ của công dân chỉ là giấy tờ “3 lá”, “2 lá”, không có sổ đỏ hoặc chưa được cơ quan chức năng cấp sổ đỏ cho lô đất hiện trạng nên chưa đủ điều kiện để chuyển mục đích sử dụng đất.
Hiện vẫn còn không ít hộ mua đất, xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp không được ký hợp đồng cấp điện, nước trực tiếp với Nhà nước mà phải câu điện và dùng nước nhờ từ hàng xóm do chưa có giấy tờ hợp pháp về nhà đất. Các quận, huyện chủ trương giao UBND các phường, xã xác nhận cho các hộ dân có nhà ở nhưng chưa có giấy tờ hợp pháp về nhà đất làm cơ sở để ngành Điện lực, chi nhánh cấp nước các quận, huyện làm thủ tục đấu nối điện, nước. Tuy nhiên, nhiều “cò” lại đem giấy xác nhận này để nâng giá bán nhà và đất, làm nhiều người nhầm tưởng giấy xác nhận là một loại giấy tờ phụ của sổ đỏ nên bỏ tiền mua đất. Thực tế, giấy xác nhận chỉ phục vụ tạm thời cho việc đề nghị cung cấp điện, nước sinh hoạt, chứ không có giá trị để xác lập quyền sử dụng đất và sở hữu nhà ở.
Những trường hợp mua đất và làm nhà ở trên đất nông nghiệp sẽ gánh chịu thiệt thòi, thậm chí là trắng tay khi giải tỏa. Bởi theo Thông báo số 68/TB-UBND của UBND thành phố ngày 1-6-2011, các trường hợp thu hồi đất không phải là đất ở nhưng sử dụng trước ngày 1-7-2004, nếu được giải quyết bố trí tái định cư thì chỉ giải quyết bố trí thuê căn hộ chung cư, không bố trí đất tái định cư. Không giải quyết bố trí tái định cư các trường hợp sử dụng đất sau ngày 1-7-2004. Không công nhận và xem xét giải quyết về đền bù, bố trí tái định cư các trường hợp được UBND phường, xã xác nhận mua bán chuyển nhượng đất ở có nguồn gốc từ đất nông nghiệp, lâm nghiệp và các loại đất khác chưa làm xong thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất. Nếu Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND phường, xã xác nhận sẽ bị xử lý kỷ luật. Trong khi đó, đơn giá bồi thường đất nông nghiệp rất thấp, còn nhà ở vì được cho là xây dựng trái phép nên không được bồi thường. Còn nếu mua đất thổ cư giá rẻ tại khu vực đã quy hoạch, dự án chậm triển khai và không xây dựng được nhà ở trên đất cũng khó được bố trí đất tái định cư khi giải tỏa do không ở thực tế.
Bài và ảnh: NAM TRÂN
Theo Báo Đà Nẵng
Các bản tin khác
- WB ủng hộ triển khai dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng
- Sớm chốt phương án triển khai di dời ga đường sắt
- Đà Nẵng định xây hầm vượt sông Hàn hơn 4000 tỷ theo hợp đồng BT
- Nhà đầu tư săn lùng đất nền Nam Hòa Xuân
- Đà Nẵng: Xuất hiện cơn sốt đất nền Khu đô thị sinh thái Nam Hòa Xuân
- Việt kiều mua nhà cần giấy tờ gì?
- Mua nhà được cam kết lợi nhuận: Hợp đồng phải chặt
- Vì sao người nước ngoài vẫn ngại mua nhà tại Việt Nam?
- Sốt dự án đô thị sinh thái tại Đà Nẵng
- Đà Nẵng sắp xây hầm 4.000 tỷ qua sông Hàn
- Nhiều đại gia ngoài ngành bất ngờ lấn sân sang bất động sản
- Nhiều kẽ hở khiến người mua nhà thua thiệt
- Ô tô nhỏ sắp tràn vào VN
- Người mua nhà chịu thiệt vì nhiều “lỗ hổng” pháp luật
- Gần 230 tỷ đồng đầu tư xây dựng Nút giao khác mức Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương
- Môi giới bất động sản chuẩn bị dồn về Đà Nẵng
- Đua nhau làm dự án đổi lấy đất
- Loạt thương vụ chuyển nhượng cao ốc đốt nóng thị trường năm 2016
- Việt kiều đổ vốn vào bất động sản nghỉ dưỡng
- Căn hộ nghỉ dưỡng F.Home chào sàn Sài Gòn