Để tránh mua phải căn hộ bị treo giấy tờ, hoặc xảy ra những tranh chấp với chủ đầu tư… khách hàng nên tham khảo ý kiến luật sư và tìm hiểu kỹ về dự án cũng như chủ đầu tư trước khi quyết định mua.
Anh Huân, ở trọ khu vực Ba Đình, Hà Nội đang tìm mua căn hộ khoảng 1 tỷ đồng để ở suốt 3 tháng nay. Tuy nhiên, khách hàng này đang rất bối rối.
"Những dự án tầm giá đó đều chưa hoàn thiện, phải chờ vài năm mới ở được. Tôi lo không biết đóng tiền rồi, chủ đầu tư có xây dựng tiếp không hay lại 'đắp chiếu' dự án. Bên cạnh đó, tôi cũng băn khoăn về giấy tờ pháp lý của dự án mà không biết tìm hiểu qua nguồn nào", anh Huân cho hay.
Khách hàng này cũng nói, chủ yếu những thông tin anh tìm hiểu qua các diễn đàn, trang web và người thân quen... Trong đó, mỗi người lại đưa ra những ý kiến khác nhau khiến anh gần như bị nhiễu thông tin nên vẫn chưa quyết định được.
Theo các chuyên gia, bên cạnh vị trí dự án và vấn đề tài chính, yếu tố rất quan trọng cần lưu ý khi mua một căn hộ là tính pháp lý của dự án. Ông Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam để không bị hớ, người mua nên chủ động hơn trong đòi hỏi chủ đầu tư công khai thông tin.
"Trước đây, khi mua nhà, chủ đầu tư nói gì, người dân nghe thế. Tuy nhiên, bây giờ khách hàng nên yêu cầu họ cung cấp những thông tin cần thiết về dự án, kể cả giấy tờ pháp lý như sổ đỏ khu đất, giấy tờ chứng minh nghĩa vụ nộp thuế của chủ đầu tư", ông Liêm nói. Bên cạnh đó, theo ông Liêm, khách hàng cũng cần tìm hiểu xem dự án này do chính chủ đầu tư đó trúng thầu hay chỉ là thứ cấp.
Khi mua nhà, khách hàng nên yêu cầu chủ đầu tư cung cấp giấy tờ chứng minh tính pháp lý của dự án. Ảnh: Hoàng Lan |
Ông Phạm Thanh Tuấn - Phó tổng giám đốc Công ty Đầu tư và Dịch vụ Kiến Á cũng cho rằng người mua nên yêu cầu chủ đầu tư chứng minh pháp lý để không gặp khó khăn khi mua bán, sang nhượng sau này.
"Bên cạnh đó, khách hàng cũng nên đòi chủ đầu tư cung cấp giấy phép được cấp bởi Sở Xây dựng địa phương và xem kỹ các thiết kế so với căn hộ xây dựng thực tế. Vì nếu có sự cong vênh trong xây dựng của chủ đầu tư thì sau này, việc cấp sổ đỏ, sổ hồng sẽ gặp khó", ông Tuấn cho hay.
Về các nguồn thông tin để tìm hiểu về tính pháp lý của dự án, ông Tuấn cho biết, người mua có thể tìm hiểu thông qua Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch. "Người dân có thể nêu thắc mắc với đại diện của các Sở thông qua Phòng tiếp dân", ông Tuấn cho hay.
Các điều khoản trong hợp đồng cũng rất quan trọng khi mua căn hộ, theoluật sư Trần Đình Triển, Đoàn luật sư Hà Nội. Hiện nay, rất nhiều tranh chấp giữa chủ đầu tư và người mua nhà xảy ra do những điều khoản trong hợp đồng mua bán không rõ ràng.
"Khi ký hợp đồng, người mua nên chú ý đến tiến độ xây dựng và thanh toán, tiêu chuẩn, chất lượng thi công căn hộ, cách tính diện tích, lãi phạt khi chậm tiến độ hoặc vi phạm hợp đồng... ", luật sư Triển cho hay.
Theo ông Triển, hợp đồng cũng phải nêu cụ thể giá cả và không đặc biệt không thỏa thuận theo USD vì vi phạm quy định ngoại hối. Trong hợp đồng cũng nêu rõ các giai đoạn nộp tiền. Mức thông thường là từ khi khởi công đến khi làm xong móng chủ đầu tư sẽ thu 20% giá trị căn hộ. Số tiền phải nộp có thể chia làm nhiều đợt, nhưng thường khi nhận nhà phần thô mới nộp đến 70%, và còn lại 30% khi nhận nhà mới trả nốt.
Ông Triển cho rằng, hiện có một điểm khá bất lợi cho nhiều người mua nhà là hợp đồng mua bán thường do chủ đầu tư hoặc đơn vị phân phối soạn sẵn. Trong các hợp đồng hiện tại hầu như không đề cập chuyện thưởng phạt đối với chủ đầu tư mà chỉ có khoản phạt người mua.
"Tôi cho rằng, thời gian tới, Bộ Xây dựng nên xây dựng một mẫu hợp đồng mua bán căn hộ và buộc các chủ đầu tư phải căn cứ vào đó. Không nên để mỗi nơi tạo ra một loại hợp đồng, rồi ép người mua ký kết. Còn khi xảy ra tranh chấp, chủ đầu tư luôn thắng", ông Triển nói.
Để tránh việc mua phải các dự án chậm tiến độ, các chuyên gia cũng khuyên khách hàng nên tham khảo, tìm hiểu về năng lực tài chính của chủ đầu tư. "Nên tìm hiểu những dự án mà chính chủ đầu tư đó đã xây để hiểu được năng lực quản trị, tiến độ thi công... của họ ", ông Triển nhận định.
Theo TS Phạm Sỹ Liêm, để tránh những bất lợi về sau, người mua nhà nên tìm một luật sư để được tư vấn pháp lý một cách đầy đủ nhất. "Rất ít người Việt Nam có thói quen tìm đến luật sư để được tư vấn khi mua nhà. Điều này gây ra nhiều hệ lụy trong quá trình xử lý những phát sinh, kiện cáo sau này", ông Liêm nói.
Ngọc Tuyên
Theo Vnexpress
Các bản tin khác
- Kế hoạch đơn giản hóa TTHC trọng tâm năm 2015
- Dừng dự án "Hải đăng" trên sông Hàn
- Mô hình chợ đêm sông Hàn: Giải bài toán thiếu sản phẩm du lịch đêm
- Triển khai Luật Công chứng 2014: Lúng túng phí chứng nhận bản dịch
- Giao dịch căn hộ vượt mốc 10.000 căn sau nhiều năm
- Luật Công chứng 2014: Công chứng được chứng nhận bản dịch
- Tăng khung giá đất gấp đôi, giá nhà 2015 có tăng?
- Cơ hội mới cho thị trường bất động sản (05/01/2015)
- 2015-Năm khởi sắc của doanh nghiệp (03/01/2015)
- Có được ra nước ngoài công chứng?
- Thị trường bất động sản khởi đầu vòng quay mới
- Phê duyệt và công bố 10 sự kiện nổi bật năm 2014 của ngành Tư pháp
- Đà Nẵng 2014: 10 sự kiện tiêu biểu
- Ban Tuyên giáo Đảng ủy phối hợp với Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp tổ chức tọa đàm “Ngành Tư pháp thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”
- Nhìn lại những sự kiện bất động sản nổi bật năm 2014
- Lãi suất cho vay hỗ trợ nhà ở trong năm 2015 là 5%
- Bất động sản 2015 đặt cược vào đòn bẩy chính sách
- Chủ đầu tư phải làm sổ đỏ trong vòng 1 tháng
- Thêm công trình tô điểm sông Hàn
- Làn sóng bất động sản đua săn dòng tiền cuối năm