Khách hàng cá nhân vay đang là “con gà đẻ trứng vàng” của các ngân hàng, nên nhiều ngân hàng đưa ra những mời gọi với lãi suất rất hấp dẫn. Thế nhưng, xem kỹ lại thì không hẳn vậy…
Anh Nguyễn Đình (Q.8, TP.HCM) đang thiếu khoảng 300 triệu đồng cho kế hoạch xây lại căn nhà của mình. Tham khảo qua lãi suất (LS) của các ngân hàng (NH) đang cho vay xây nhà, anh Đình chọn một NH nước ngoài khi thấy đưa ra mức LS khoảng 6%/năm trong 3 tháng đầu cho vay. Tuy nhiên, khi đến tìm hiểu thì nhân viên NH này cho biết qua tháng thứ 4 LS cho vay sẽ thả nổi - mức ở hiện tại khoảng 14 - 15%/năm. Anh Đình nhận xét: “Một số NH trong nước đang áp dụng mức LS 12%/năm cố định trong 1 - 2 năm, còn NH nước ngoài tôi tìm hiểu thì 3 tháng đầu LS quá hấp dẫn nhưng sau đó lại khôn lường với LS thả nổi... Ngoài ra, thời gian cho vay tối thiểu của NH nước ngoài này là 5 năm, trong khi các NH trong nước thì có tiền khi nào trả khi đó mà không bị phạt trả lãi trước hạn... Xem ra, NH nước ngoài tưởng ưu đãi hơn nhưng không hẳn vậy”.
Khách hàng cá nhân nên đọc kỹ hợp đồng vay - Ảnh: D.Đ.Minh
Với những thông tin trên, theo một cán bộ tín dụng ở TP.HCM, đem lên “cân đo” thì thực chất LS giữa NH nước ngoài với NH trong nước cũng ngang nhau. “Cách làm của NH nước ngoài tạo cho khách hàng cảm giác LS thấp, qua đó thu hút lượng khách về NH mình. Nhưng LS thả nổi sau đó là cả một vấn đề. Với kiểu cho vay này, một số chọn cách thỏa thuận LS những tháng sau đó, còn một số NH thì quy định lãi vay sẽ bằng LS huy động trên 12 tháng cộng với biên độ phần trăm NH đưa ra (trung bình là 4%). Cách này, thoạt nhìn thì có vẻ minh bạch hơn nhưng thực ra lãi vay cũng rất cao. Bởi LS huy động trên 12 tháng hiện nay không áp dụng trần, mặt bằng chung đang được nhiều NH áp dụng là khoảng 10,5%/năm, cộng với biên độ 4% thì người vay phải trả mức 14,5%/năm - một mức lãi vay không hề rẻ”, chuyên gia này phân tích và khuyến cáo: “Người vay phải đọc kỹ các hợp đồng vay vốn, phương thức tính LS vay sau thời gian được “khuyến mãi” và có bị phạt khi trả nợ vay sớm hay không”.
Chờ gói hỗ trợ của nhà nước?
Thông tin Ngân hàng Nhà nước (NHNN) VN đang lấy ý kiến về dự thảo tung ra gói 30.000 tỉ đồng thông qua 5 NH thương mại (tỷ lệ vốn nhà nước chi phối lớn) cho cá nhân vay mua nhà với LS 6%/năm khiến nhiều người vay mua nhà kỳ vọng. Người vay sẽ được hưởng mức LS 6%/năm từ nay đến 16.4.2016 (3 năm). Tuy nhiên, dự thảo không đưa ra cách tính LS sau 3 năm người vay được hưởng sẽ là bao nhiêu, nên nhiều người tỏ ra e ngại, dù biết đây là gói hỗ trợ LS từ phía nhà nước. Hơn nữa, quy định người vay phải mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2, cho thấy muốn được hưởng ưu đãi này thì hầu như chỉ có cách ra các quận ven để sống. “Chưa biết khi nào nhà nước cho áp dụng gói hỗ trợ này, nhưng 2 tuần nay vợ chồng tôi thử đi tìm nhà phù hợp các tiêu chí vay 6% mà thấy khó quá. Những khu vực gần trung tâm một chút thì giá nhà quá 15 triệu/m2, diện tích cũng vượt quá 70 m2/căn. Còn nhà phù hợp tiêu chí lại xa quá, bất tiện trong việc con cái học hành, công việc làm hiện tại… Giá mà tiêu chí này được nhà nước nới lỏng hơn thì tôi nghĩ hiệu quả của gói hỗ trợ sẽ cao hơn rất nhiều”, chị Ngọc Anh (Q.Tân Bình, TP.HCM), chia sẻ.
Thanh Xuân
Báo Thanh Niên
Các bản tin khác
- Tiếp tục gia tăng đầu tư vào bất động sản
- 1.300 tỷ đồng xây dựng khu nhà ở hỗn hợp nam cầu Trần Thị Lý
- Chống rửa tiền qua bất động sản
- Nét đẹp nữ doanh nhân
- Hội môi giới bất động sản VN sẽ thành lập vào tháng 12
- Sun City Riverside Da Nang: Dấu son mới của BĐS Đà Nẵng
- Dòng vốn đầu tư chảy mạnh vào Đà Nẵng
- Góp vốn mua nhà dự án: Đọc kỹ hợp đồng để tránh mắc bẫy
- Chờ quy định, hồ sơ đất “đóng băng”
- Nên có cơ quan thẩm định giá đất độc lập
- Sự thật từ một vụ án đòi nhà
- Chủ động quỹ đất tái định cư
- Bất động sản: Nên mua hay bán ở thời điểm này?
- 3 dự án mở rộng diện tích đầu tư
- Đẳng cấp hạ tầng du lịch Đà Nẵng
- Nâng tầm thị trường bất động sản
- Công bố 26 đồ án kiến trúc quy hoạch
- Sửa đổi Luật Đất đai: Phải giải quyết tận gốc vấn đề sở hữu
- Bất động sản có tín hiệu "ấm" lại
- Sẽ cho phép chuyển nhượng văn phòng công chứng?