Theo Sở Tư pháp TP.HCM, ý thức chấp hành pháp luật chưa cao, công tác hậu kiểm chưa tốt mà bỏ công chứng, chứng thực nhà đất là rất rủi ro.
“Việc công chứng, chứng thực các hợp đồng về quyền sử dụng đất là cần thiết để đảm bảo an toàn pháp lý cho việc thực hiện các quyền của người sử dụng đất”. Đó là quan điểm của Sở Tư pháp TP.HCM trong văn bản gửi Bộ Tư pháp góp ý Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.
Công chứng là cần thiết
Theo Sở Tư pháp, các hợp đồng chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất… là những giao dịch mang tính chất quan trọng và chuyển dịch, cần được xác định chính xác về chủ thể, đối tượng, mục đích, nội dung và phạm vi giao dịch.
“Đây là những giao dịch hết sức phức tạp, có giá trị lớn và phát sinh nhiều tranh chấp nhất hiện nay nên phải có sự tư vấn, giải đáp pháp luật cho các bên trong việc giao kết hợp đồng. Hợp đồng giao dịch có công chứng là một chứng cứ không phải chứng minh, là căn cứ để tòa án xét xử khi xảy ra tranh chấp” - Sở Tư pháp nêu.
Làm thủ tục công chứng nhà, đất tại Phòng Công chứng số 1, TP.HCM. Ảnh: HTD
Để công chứng hợp đồng mua bán nhà, chuyển quyền sử dụng đất, công chứng viên phải thực hiện rất nhiều khâu như: kiểm tra giấy tờ tùy thân, giấy tờ đối với tài sản phải đăng ký quyền sở hữu sử dụng, kiểm tra tài sản này có bị ngăn chặn hay không, các loại chứng từ về tình trạng hôn nhân, đồng sở hữu, những người thừa kế theo pháp luật hay di chúc.
“Công chứng viên phải xem xét bên chuyển nhượng có dấu hiệu bị đe dọa, cưỡng ép, có sự nghi ngờ về năng lực hành vi dân sự, điều kiện sức khỏe, tinh thần khi thực hiện giao dịch hay không hoặc có sự nghi ngờ đối tượng của hợp đồng, giao dịch là không có thật hay không. Ngoài ra còn kiểm tra nội dung hợp đồng có điều khoản nào vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội hay không” - Sở phân tích.
Cạnh đó, một lý do cần thiết phải công chứng, chứng thực hợp đồng chuyển nhượng nhà đất là nhằm ngăn chặn giả mạo giấy tờ. “Gần đây, dù đã qua công chứng nhưng vẫn xảy ra trường hợp sử dụng giấy tờ giả, mạo danh người khác trên các giấy tờ để lừa đảo chuyển nhượng bất động sản. Nếu pháp luật không bắt buộc phải công chứng, chứng thực thì tình trạng trên sẽ ngày càng nhiều, phát sinh hàng loạt tranh chấp, tạo gánh nặng cho cơ quan, chính quyền, tòa án, gây mất ổn định trong nhân dân” - Sở phân tích.
Thủ tục công chứng thuận lợi cho dân
Theo Sở Tư pháp, thủ tục công chứng, chứng thực đang thực hiện thuận lợi do chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng và không phân biệt địa hạt. Riêng tại TP.HCM, số lượng phòng công chứng và văn phòng công chứng hiện đã phủ sóng khắp các quận, huyện, do đó không có khó khăn gì cho người dân.
“Việc đăng ký tại văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất là để Nhà nước quản lý, theo dõi biến động của mảnh đất đó. Còn văn bản công chứng được xem là một chứng cứ, làm cơ sở để các cơ quan nhà nước xem xét cấp giấy, cập nhật biến động (do cơ quan nhà nước không trực tiếp nhìn thấy hai bên giao dịch ký tên, không thể kiểm tra năng lực hành vi dân sự của các bên…)” - Sở Tư pháp giải thích sự khác nhau trong công việc của hai bên.
Sở Tư pháp cũng kiến nghị: Với hợp đồng cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất (là những giao dịch ít quan trọng hơn) thì có thể lựa chọn hình thức công chứng, chứng thực theo yêu cầu của các bên.
CẨM TÚ
Theo PLTPHCM
Các bản tin khác
- Khi xe nhập tràn về…
- “Mục tiêu gói 30.000 tỷ không phải tiêu thật nhanh”
- Đổi đô, bán vàng miếng không đúng chỗ: Nếu bị bắt là mất hết!
- Cầu Rồng đoạt giải thưởng EEA danh giá nhất thế giới
- Khai trương Premier Village Danang Resort
- Đà Nẵng sẽ chấm dứt chủ trương cho chuyển đổi tên nhận quyền sử dụng đất
- Động lực mới cho phát triển
- “Và con tim đã vui trở lại”
- Bất động sản khó khăn do “quá tôn trọng thị trường”
- Giao hết tiền mua đất khi công chứng liệu có an toàn?
- Khởi công dự án Bến du thuyền và CLB Thể thao dưới nước
- Tìm hiểu kỹ khi mua căn hộ chung cư
- Những điểm cần lưu ý khi ký hợp đồng mua bán nhà ở
- Hoạt động của Bộ trưởng Hà Hùng Cường tại Sydney và Canberra: Bước phát triển mạnh mẽ trong quan hệ hợp tác pháp luật và tư pháp giữa Việt Nam và Ô-xtrây-lia
- Tiền đang "chạy" khỏi ngân hàng?
- Tòa nhà hành chính độc đáo ở Đà Nẵng sắp hoàn thành
- Thị trường bất động sản Đà Nẵng đang được đánh thức
- Đà Nẵng triển khai Luật Đất đai năm 2013
- “Gói 50.000 tỷ” không hỗ trợ lãi suất, không tiền ngân sách
- Tiếp tục nới điều kiện mua nhà theo gói 30.000 tỷ đồng