Nếu Nhà nước chỉ hỗ trợ lãi suất 6%/năm trong vòng ba năm đầu thì nhiều người thu nhập thấp rất khó tính toán, lo liệu để mua nhà.
Mấy tuần gần đây, tôi đọc thấy nhiều thông tin về việc Chính phủ sẽ cho người thu nhập thấp, cán bộ, công chức vay tiền lãi suất thấp để mua nhà. Lại lần nữa, vợ chồng tôi nhen nhóm hy vọng mình sẽ có cơ hội mua được một căn hộ nho nhỏ để có chỗ chui ra chui vào cho ba người (kể cả đứa con). Chỉ có như thế thì sau một ngày vất vả ở nơi làm việc, chúng tôi mới được trở về nhà của mình đúng nghĩa, không còn cảnh vài tháng phải mướt mồ hôi tìm chỗ trọ mới...
Thế nhưng sau khi đọc kỹ các bài báo, tìm thêm trên mạng những dự thảo về chính sách dành cho người thu nhập thấp và công nhân, viên chức mua nhà, niềm tin có căn nhà của vợ chồng tôi giảm dần. Trong đó, cái lo lắng lớn nhất là việc Nhà nước chỉ hỗ trợ lãi suất 6%/năm trong vòng ba năm đầu, những năm tiếp theo chưa biết ra sao.
Người mua nhà ở xã hội sẽ yên tâm hơn khi được Nhà nước hỗ trợ lãi suất cho đến hết chu kỳ vay nợ. Trong ảnh: Nhà ở xã hội chung cư Tô Hiến Thành,quận 10, TP.HCM.Ảnh: HTD
Tôi là viên chức làm việc trên 10 năm tại một đơn vị sự nghiệp công lập, thu nhập trên dưới 5 triệu đồng/tháng kể cả phụ cấp làm thêm giờ, thù lao từ việc tham gia các dự án của đơn vị. Thu nhập của chồng tôi cũng không cao hơn. Gia đình tôi chi tiêu tiết kiệm hết mức thì mỗi tháng cũng chỉ để dành được khoảng 2 triệu đồng (tháng nào con ốm hoặc gia đình hai bên có việc thì khoản tiền dành dụm này còn ít hơn hoặc không có). Nếu như gia đình tôi được mua nhà ở xã hội, không phải trả tiền thuê nhà thì mỗi tháng sẽ dư ra thêm 2 triệu đồng. Những khoản để dành của hai vợ chồng trong 10 năm làm công chức cộng với số tiền người thân hứa sẽ hỗ trợ ban đầu được khoảng 200 triệu đồng.
Chừng ấy vốn liếng trong tay, tôi nghĩ vợ chồng tôi có thể vay thêm khoảng 300 triệu đồng nữa để mua một căn hộ 40 m2 (giá khoảng 12 triệu đồng/m2 như tiêu chuẩn về nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp). Nếu Nhà nước cho chúng tôi trả khoản vay trên trong 10 năm, lãi suất 6%/năm thì mỗi tháng vợ chồng tôi sẽ trả khoảng 4 triệu đồng cả tiền gốc lẫn lãi suất.
Tuy nhiên, sau ba năm đầu, nếu lãi suất tăng lên thì gia đình tôi biết lấy khoản nào để trả nợ hằng tháng? Đồng ý là theo thâm niên, lương của vợ chồng tôi sẽ tăng thêm, thậm chí khi có nhà cửa ổn định, vợ chồng tôi cũng sẽ kiếm thêm việc làm vào ban đêm để tăng thu nhập. Nhưng theo thời gian, con tôi sẽ lớn lên, tiền học cho con cũng sẽ tăng dần, đó là chưa kể chúng tôi phải tích lũy để trả khoản tiền do người thân cho mượn mua nhà ban đầu. Nếu lãi suất tăng quá cao, gia đình tôi không có khả năng trả thì sao? Nhà nước có tiếp tục hỗ trợ hay thả nổi cho các ngân hàng tự quyết. Lúc đó thì dân nghèo chúng tôi chỉ có mất nhà!
Tôi chia sẻ nỗi lo này với những chị em đồng cảnh ngộ trong đơn vị, té ra nhiều người cũng thắc thỏm giống tôi. Ai nấy đều sợ lãi suất tăng cao, thu nhập hằng tháng không đủ trả tiền lãi, tiền gốc, tiến không được lùi không xong vì muốn bán nhà để trả nợ cũng khó bởi nhà chưa có chủ quyền.
Giá như Nhà nước hỗ trợ lãi suất 6%/năm cho đến hết chu kỳ vay nợ thì người mua nhà yên tâm hơn. Trường hợp không thể giữ nguyên mức lãi suất 6%, Nhà nước chỉ nên tăng tối đa đến 7% hoặc đưa ra mức cố định nào đó để số đông công chức, viên chức có thể tính toán, lo liệu được số tiền mình phải trả.
Nghị quyết 02/NQ-CP ban hành ngày 7-1-2013 của Chính phủ ước lượng gói kích cầu bất động sản 20.000-40.000 tỉ đồng. Và Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong dự thảo Thông tư cho vay mua nhà theo Nghị quyết 02, dự kiến dành tối đa 30.000 tỉ đồng để hỗ trợ cho cả người mua nhà và doanh nghiệp bất động sản.
Nhưng vấn đề hiện nay của thị trường bất động sản là hàng tồn kho, nhà thương mại xin chuyển sang nhà ở xã hội, sức mua thị trường yếu… Vì thế Hiệp hội Bất động sản TP.HCM mới đây đã gửi công văn đề nghị NHNN nên dùng số tiền 30.000 tỉ đồng để hỗ trợ cho người mua nhà.
Theo dự thảo Thông tư của NHNN quy định về cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02 thì người mua nhà được vay trong 10 năm, áp dụng lãi suất vay 6% trong ba năm, đến 15-4-2016. Sau thời điểm này, NHNN sẽ công bố mức lãi suất cho vay phù hợp để tiếp tục hỗ trợ khách hàng đã vay vốn.
Việc NHNN không nói rõ lãi suất mới sau 15-4-2016 như thế nào sẽ khiến người dân không yên tâm và có thể không dám vay mua nhà. Do đó cần có nhiều phương án lý giải hơn như sau 15-4, nếu lãi suất mới thấp hơn 6%, người vay được hưởng theo mức lãi suất mới, nếu lãi suất mới cao hơn 6% thì vẫn được hỗ trợ vay với mức 6% không?
B.NHƠN
|
PHẠM TRANG (Quận Thủ Đức, TP.HCM)
Các bản tin khác
- Mua nhà bằng hợp đồng vay vốn: Khách hàng tự "thả gà ra đuổi"
- Khai trương Công viên APEC tại Đà Nẵng
- Không chỉ cảnh đẹp, đây mới là điều khiến Ba Na Hills ngày càng hấp dẫn
- Những lưu ý khi mua đất nằm trong diện quy hoạch
- Hé lộ siêu dự án “một bước tới biển” ở Tây Bắc Đà Nẵng
- APEC 2017: Thương hiệu Đà Nẵng đang ghi dấu ấn trên toàn cầu
- Động lực bùng nổ lợi nhuận ngân hàng 2017
- Công khai các dự án bất động sản đang thế chấp ngân hàng
- Nhiều dự án ven sông Cổ Cò tiếp tục hút khách
- 1.800 tỉ đồng cho dự án tháp đôi Movenpick Hotels & Residences Risemount Apartment Da Nang
- Những rắc rối khó lường khi mua đất chung sổ đỏ
- Những lưu ý khi đầu tư condotel Đà Nẵng
- Bất động sản Đà Nẵng và xu hướng rời phố về ven đô
- Thị trường bất động sản Nam Đà Nẵng và “cú hích” APEC (Kỳ cuối: Địa điểm đáng để đầu tư)
- Chỉ có 15 người nước ngoài sở hữu nhà tại Việt Nam
- Thị trường bất động sản nam Đà Nẵng và “cú hích” APEC (Kỳ 1: Điểm đến lý tưởng)
- Lợi thế bất động sản ven đô Đà Nẵng
- Trước thềm APEC, dòng vốn 35.000 tỷ lan tỏa tới thị trường địa ốc Đà Nẵng
- Không thể chậm trễ!
- Đại gia mới xuất hiện: Cuộc đổi vận ngàn tỷ ở Đà Nẵng