“Đà Nẵng vẫn còn thời gian để sửa chữa trong phát triển đô thị, tránh tình trạng như ở thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Khi nghiên cứu, chúng ta cần đứng trên nhiều góc nhìn khác nhau, nhưng điều quan trọng nhất vẫn là vấn đề nhân lực”. Đó là ý kiến của ông Nomura Norihiko, Trưởng phòng Sáng kiến chung, Cục Chính sách Yokohama tại buổi giao lưu của Đoàn chính quyền và doanh nghiệp thành phố Yokohama (Nhật Bản) với Câu lạc bộ Cán bộ trẻ thành phố Đà Nẵng sáng 10-4.
Cần quản lý cảnh quan đô thị
Theo các chuyên gia Nhật Bản, với vị trí thuận lợi có biển và núi, Đà Nẵng nên mở rộng không gian đô thị theo hướng Đông Nam; đồng thời cần quản lý cảnh quan đô thị, nhất là quy định chiều cao, phát triển tập trung ở những khu đô thị mới, không tràn lan… Trong ảnh: Đô thị Đà Nẵng nhìn từ trên cao về hướng Ngũ Hành Sơn. Ảnh: Văn Nở
Chia sẻ một số kinh nghiệm trong công tác xây dựng, quản lý chính quyền và chính sách an sinh xã hội, Phó Thị trưởng thành phố Yokohama Suzuki Takashi cho biết: “Đà Nẵng là thành phố thân thiện với môi trường, thành phố du lịch và đáng sống. Tuy nhiên, trong tương lai thành phố sẽ đối mặt với các vấn đề dân số, giao thông và xử lý nước thải… Thành phố Yokohama đã từng hứng chịu sự gia tăng dân số đột ngột làm ảnh hưởng đến môi trường và giao thông. May mắn là chúng tôi đã nhanh chóng vượt qua khó khăn này”.
Theo ông Suzuki Takashi, vào khoảng năm 1951, thành phố Yokohama chỉ có khoảng 1 triệu người như thành phố Đà Nẵng bây giờ và hiện nay dân số đã tăng lên 3,7 triệu người, tăng gần gấp 4 lần. Đặc biệt vào những năm của thập niên 60-70 của thế kỷ XX, dân số tăng 100.000 người/năm. “Tôi nghĩ, những cuộc thảo luận giữa hai thành phố sẽ đưa ra những vấn đề để giải quyết. Hai bên có thể trao đổi những kinh nghiệm trong công tác xây dựng và quản lý đô thị. Với sự hỗ trợ của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) về dự án Nghiên cứu chiến lược phát triển gắn kết Đà Nẵng và vùng phụ cận (DaCRISS) sẽ giúp thành phố giải quyết tốt các vấn đề về cơ sở hạ tầng, xử lý nước thải”, ông Suzuki Takashi nhấn mạnh.
Trình bày dự án DaCRISS, ông Iwata, thành viên của đoàn Yokohama, cho biết: “Mục đích chúng tôi tham gia dự án này là để phát triển kinh tế miền Trung, trong đó chú trọng nhất là phát triển đô thị. Chúng tôi đã nghiên cứu, tìm ra nhiều vấn đề và các điểm yếu, mạnh của thành phố các bạn”. Theo ông Iwata, điểm mạnh của thành phố Đà Nẵng là giàu nguồn lực thiên nhiên và văn hóa như nằm gần 3 di sản thế giới, có bãi biển và đồi núi, lòng hiếu khách; nguồn nhân lực dồi dào. Tuy nhiên, bên cạnh đó thành phố cũng đối mặt với thiên tai, vị trí địa lý nằm khá xa hai trung tâm tăng trưởng chính là thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, dẫn đến kết nối kém với thị trường toàn cầu; tốc độ phát triển đô thị quá nhanh sẽ nảy sinh nhiều vấn đề như tắc nghẽn giao thông, dân số, suy giảm môi trường, suy thoái cảnh quan đô thị… “Về phát triển kinh tế, theo tôi, Đà Nẵng cần đẩy mạnh phát triển ngành kinh tế chủ lực, đặc biệt cần hướng tới phát triển du lịch và công nghệ cao. Nếu thành phố vượt qua được những khó khăn về vấn đề nước thải, xử lý nước thải và môi trường là một thành công. Với vị trí thuận lợi có biển và núi, thành phố nên mở rộng không gian đô thị theo hướng Đông Nam về phía Hội An. Bên cạnh đó, cần quản lý cảnh quan đô thị, nhất là quy định chiều cao, phát triển tập trung ở những khu đô thị mới, không tràn lan…”, ông Iwata gợi ý.
Vào cuộc chậm sẽ mất thời cơ
Phó Thị trưởng thành phố Yokohama Suzuki Takashi chia sẻ kinh nghiệm với cán bộ trẻ thành phố. |
Tại buổi giao lưu, ông Bùi Văn Tiếng, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy, nói: “Những ý kiến của các vị trong đoàn thông qua buổi trao đổi này không chỉ là ý kiến khách quan khoa học của người đứng bên ngoài nhìn vào mà còn là những ý kiến những người trong cuộc có gắn bó với Đà Nẵng và đã khảo sát tìm hiểu có thực tiễn đối với thành phố chúng tôi”.
Theo ông Tiếng, ý kiến về phát triển không gian đô thị và thế nào là một thành phố môi trường là những ý kiến hết sức tâm huyết. Ông Tiếng cũng bày tỏ sự kỳ vọng vào kết quả khảo sát của các chuyên gia Nhật Bản sẽ được đưa ra vào tháng 8 tới và mong muốn có thêm những cuộc giao lưu khác chuyên sâu hơn để giúp thành phố phát triển không gian đô thị trong tương lai. Ông Tiếng chia sẻ: “Tôi rất tâm đắc về ý kiến nói rằng chúng ta nên bắt đầu từ con người. Trên lĩnh vực đào tạo, tôi tin thành phố Yokohama sẽ giúp Đà Nẵng thực hiện tốt lĩnh vực này. Trong chiến lược cán bộ, chúng tôi hết sức coi trọng đội ngũ cán bộ trẻ”.
Trong thời gian qua, thành phố Đà Nẵng đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ, cụ thể là đưa những người có năng lực đi du học ở nước ngoài, trong đó có Nhật Bản. “Các cán bộ trẻ có đủ thông minh để tiếp thu khoa học công nghệ và ứng xử trong quản lý xã hội, nhưng điều chúng tôi mong đợi thu hoạch từ các lưu học sinh là khả năng ứng phó rủi ro. Thành phố cũng đã nhanh chóng đưa các em vào vị trí công tác bởi muốn biết bơi thì tốt nhất là phải nhảy xuống nước. Đối với nhiều trường hợp, nếu vào cuộc chậm sẽ mất thời cơ”, ông Bùi Văn Tiếng nhấn mạnh.
Nhật Bản chia sẻ công nghệ mới và xử lý môi trường với Đà Nẵng Nhân sự kiện ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác kỹ thuật lâu dài với thành phố Đà Nẵng nhằm thắt chặt quan hệ hợp tác giữa hai thành phố Yokohama (Nhật Bản) và Đà Nẵng (Việt Nam) trên nhiều lĩnh vực, sáng 10-4, Đoàn chính quyền và doanh nghiệp thành phố Yokohama đã có buổi làm việc với Hội Doanh nhân trẻ (DNT) thành phố Đà Nẵng. Tại buổi làm việc, Hội DNT Đà Nẵng giới thiệu các lĩnh vực là thế mạnh các doanh nghiệp và ngành nghề, lĩnh vực nhiều tiềm năng phát triển như xây dựng, cơ khí, kiến trúc, sản xuất thép, quảng cáo, truyền thông, đào tạo, tư vấn luật… với mong muốn nhận được những chia sẻ về kinh nghiệm và tìm hiểu những công nghệ mới trong hoạt động sản xuất kinh doanh từ phía Nhật. Đoàn chính quyền và doanh nghiệp thành phố Yokohama cũng bày tỏ mong muốn qua cuộc gặp gỡ lần này sẽ thắt chặt tình cảm quan hệ gắn bó giữa hai thành phố; đồng thời, sẽ tìm kiếm các cơ hội đầu tư, hợp tác, chuyển giao công nghệ với các doanh nghiệp cùng lĩnh vực ở Đà Nẵng. Chiều cùng ngày, Đoàn chính quyền và doanh nghiệp thành phố Yokohama làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng về lĩnh vực môi trường. Tại buổi làm việc, nhiều vấn đề về môi trường đã được hai bên đặt ra như: Các kế hoạch hạn chế ô nhiễm môi trường khi dân số tăng, kinh tế ngày càng phát triển; tình hình rác thải, nước thải và các biện pháp xử lý rác thải, nước thải trên địa bàn Đà Nẵng; kế hoạch ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu… Dịp này, chính quyền và doanh nghiệp thành phố Yokohama cũng đã chia sẻ những kinh nghiệm trong việc xử lý ngập lụt, xây dựng hệ thống xử lý nước thải... THANH TÌNH |
Bài và ảnh: ĐOÀN LƯƠNG
Theo Báo Đà Nẵng
Các bản tin khác
- Người thuê nhà cần biết 5 thay đổi lớn từ 01/7/2021
- Cách tính tiền Bảo hiểm xã hội một lần năm 2021
- Nhiều quy định về nâng lương cán bộ, công chức sắp thay đổi?
- Đà Nẵng điều chỉnh giảm 10% giá đất so với hiện nay
- Từ 01/7/2021, đăng ký thường trú, tạm trú có thể bị thu hồi Sổ hộ khẩu
- Vì sao Chứng minh nhân dân không nên ép dẻo?
- Thủ tục sang tên xe máy mới nhất: Kinh nghiệm thực hiện từ A đến Z
- Cách ghi số và ký hiệu văn bản đúng chuẩn Nghị định 30
- Hướng dẫn mới nhất về cấp Giấy xác nhận số CMND từ 18/11/2019
- Từ 22/5, chính thức cấp bản sao điện tử cho người dân
- Trường hợp nào gây thiệt hại mà không phải bồi thường?
- Một năm, người lao động được nghỉ việc riêng mấy lần?
- Đất không có Sổ đỏ có được chia thừa kế không?
- Hôm nay (15/5), nhiều chính sách mới bắt đầu có hiệu lực
- Từ 20/4/2020: Giấy ủy quyền chỉ được chứng thực trong 4 trường hợp
- 6 giao dịch về nhà ở không cần đến Sổ đỏ
- Các Văn phòng Công chứng tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định về phòng chống dịch Covid 19
- Đà Nẵng: Mức giá đất ở cao nhất là 98,8 triệu đồng/m2
- Có Sổ đỏ trong tay, người dân được hưởng lợi thế nào?
- Thủ tục cấp Sổ đỏ khi mua bán nhà đất bằng giấy viết tay