Giống như một thực thể sống động và đặc trưng của bán đảo Sơn Trà, cây đa cổ thụ trở thành điểm đến không thể bỏ qua của hầu hết du khách đến khám phá nơi này. Trường tồn với thời gian qua hàng trăm năm, cây đa chứng tỏ sức sống mãnh liệt của mình, đứng sừng sững giữa trời, bất chấp bão táp, nắng hạn, gợi sự hiếu kỳ của những ai quan tâm đến tự nhiên. Cây đa vừa được lập hồ sơ đề nghị là “Cây Di sản Việt Nam”.
Rất nhiều du khách mong muốn tìm hiểu về độ tuổi của cây đa cổ thụ độc đáo trên bán đảo Sơn Trà.
Chưa xác định được độ tuổi
Dù chưa có chứng cứ khoa học nào xác minh được độ tuổi thực của cây đa, nhưng bất kỳ ai từng chiêm ngưỡng sự kỳ vĩ của cây đa có chiều cao 26m, chu vi thân 10m và hệ thống 26 rễ phụ, đều chắc chắn rằng cây xứng đáng được đưa vào hàng “cụ”.
Quả vậy, theo khảo sát của Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng (BQL), trong rừng Sơn Trà hiện nay, chỉ có duy nhất cây đa này là hoành tráng nhất và có sức phát triển mạnh mẽ nhất trong số những cây thuộc họ đa quanh đó. Hàng nghìn đoàn khách du lịch lớn nhỏ đã ghé chân nghỉ tại đây, để được sờ tận tay, nhìn tận mắt những rễ phụ phát triển mạnh mẽ thành những thân đa vững chắc, tạo thành một thế đứng lạ lẫm, uy nghi và đẹp tuyệt vời.
Đứng dưới tán cây khổng lồ như một chiếc dù xanh rợp bóng mát, không ai khỏi thắc mắc: “Cụ” đa do ai trồng, được bao nhiêu năm tuổi?... Chiều lòng khách, nhiều hãng lữ hành đã phải đưa ra những mốc thời gian mơ hồ qua những tên gọi như: “Cây đa ngàn năm”, “Bách niên đại thụ”... Thậm chí, có người còn đùa: “Năm ngoái ngàn tuổi rồi, năm nay phải ngàn lẻ một”. Vì vậy, ông Phan Xuân Tiệp, Phó trưởng BQL, người đã có nhiều năm ngắm nghía, khảo sát, trăn trở cùng cây đa Sơn Trà không khỏi suy nghĩ: “Trên bán đảo có nhiều điểm đến như Bàn Cờ Tiên, Đồi Vọng Cảnh... mà chúng tôi có thể đưa ra các truyền thuyết huyền hoặc để thu hút du khách, nhưng cây đa thì sờ sờ ra đó, không thể dựng nên huyền thoại được. Cần phải có sự xác định nghiêm túc và khoa học để chứng minh độ tuổi của cây, giải đáp thắc mắc của người dân và du khách khắp nơi”.
Theo ông Tiệp, nhiều năm nay, kể từ khi bán đảo Sơn Trà được đưa vào khai thác du lịch, cây đa, cùng với tuyến du lịch không gian xanh và chùa Linh Ứng đã trở thành “bộ ba” đặc trưng của bán đảo, tạo nên sức hấp dẫn khó cưỡng đối với du khách đến Đà Nẵng. Nhất là khi bán đảo Sơn Trà đã, đang và sẽ được phát triển du lịch theo hướng sinh thái, thì việc nhanh chóng xác định độ tuổi của một loài cây vào hàng cổ nhất nhì bán đảo này, làm cơ sở để bảo tồn cây và tạo sức hấp dẫn cho du lịch, lại càng trở nên cấp thiết.
Đề nghị công nhận “Cây Di sản Việt Nam”
Theo nhiều nhà chuyên môn, bên cạnh giá trị về du lịch, cây đa và nhiều cây thuộc họ đa khác trên bán đảo Sơn Trà là một trong những loại thức ăn quan trọng của loài vọoc chà vá chân nâu quý hiếm hiện có trên bán đảo. “Cây đa có nhiều tán rộng, cành to, cao... nên cũng là nơi ngủ, nghỉ, sinh hoạt ưa thích của loài động vật quý hiếm này. Trong một lần đi khảo sát, tôi đã từng gặp voọc trên cây đa. Nếu bảo tồn tốt, có thể tận dụng cây đa làm thành cầu cây xanh cho các loài động vật di chuyển qua lại, khi việc xây dựng các đường bê-tông đang làm chia cắt các khu vực sống của chúng”, ông Trần Hữu Vỹ, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh, chia sẻ.
Chính vì những giá trị không thể bỏ qua đó, đầu năm nay, BQL đã gửi đơn đề nghị Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam xác định độ tuổi và công nhận cây đa là Cây Di sản Việt Nam. Theo TS Võ Văn Minh, Trưởng khoa Sinh-Môi trường, Đại học Sư phạm Đà Nẵng, việc công nhận cây đa là “Cây Di sản Việt Nam” sẽ có ý nghĩa rất lớn trong việc bảo tồn một loài cây có bề dày thời gian như vậy.
“Tồn tại qua hàng trăm năm tại một khu vực nhất định, chứng tỏ cây đa đã thích nghi với điều kiện sinh thái tại đây và tạo nên sự ổn định của hệ sinh thái trong khu vực, chịu đựng qua điều kiện thời tiết khắc nghiệt như mưa bão; giữ khu vực đất ở xung quanh vững chắc, nơi trú ngụ, dừng chân của nhiều loài động vật; che mát, giữ ẩm cho các loài thực vật và vi sinh vật”, ông Minh đánh giá. Trong khi chờ đợi việc công nhận Cây Di sản, trước mắt, để cứu cây đa cổ thụ khỏi nguy cơ gãy đổ trong mùa mưa bão, hạn chế việc chết rễ do đâm xuống mặt đường bê-tông, các cơ quan hữu quan đã tìm cách vén những rễ mới mọc về phía ta-luy âm giúp rễ phát triển tốt, tạo thêm các thân nâng đỡ cả cây.
Ông Minh tin rằng, việc bảo tồn cây đa này sẽ giúp nâng cao nhận thức cho cộng đồng (địa phương, du khách) về giá trị lịch sử, giá trị bảo tồn gene, đa dạng sinh học, văn hóa ứng xử với thiên nhiên, môi trường. “Nếu không được bảo vệ, ghi nhận như là một di sản thì sớm hay muộn cũng sẽ bị tác động của con người, làm cho nó mau chóng già cỗi, rễ, cành và cây con khó phát sinh, phát triển,... thậm chí gãy đổ vào mùa mưa bão do tác động của các công trình xây dựng”, TS Minh khẳng định.
Bài và ảnh: HẰNG VANG
Báo Đà Nẵng
Các bản tin khác
- Sở Xây dựng tiếp nhận hồ sơ đăng ký thuê nhà ở xã hội: Sau thời gian thuê 5 năm, sẽ xem xét để gia hạn
- “Ông hoàng Resort” Bill Bensley bật mí về những công trình huyền thoại
- Tránh rủi ro khi mua nhà đã hình thành
- Đất Đà Nẵng tăng 7-8 lần từ 2012
- Sun River City - "tâm bão" của miền đất hứa
- Đà Nẵng đẹp lạ trong sương mù
- Quy định pháp luật tác động đến thị trường bất động sản 2018
- Người nước ngoài có được mua nhà phố riêng lẻ ở Việt Nam?
- Cuộc đua BĐS ‘vừa túi’ ở Đà Nẵng
- Bất động sản 2018 sẽ tăng giá đồng loạt các phân khúc?
- Nam Đà Nẵng - Bắc Hội An đón thêm 2 dự án mới
- Phó thủ tướng chỉ đạo về việc "sổ đỏ ghi tên cả nhà"
- Nghị quyết về việc thông qua Chương trình phát triển nhà ở thành phố Đà Nẵng
- Đà Nẵng có cơ hội để sánh ngang Bali hay Phuket?
- Bất động sản Nam Đà Nẵng: "Cơn sốt" chưa có hồi kết
- Vấn đề bạn đọc quan tâm: Giải tỏa chợ tạm An Trung 2
- Quy định giá đất ở tái định cư tại một số khu dân cư
- Thuế bằng 0%, thị trường ô tô bùng nổ
- Tây Bắc Đà Nẵng: Sôi động những dự án động lực
- Đà Nẵng tưng bừng chào đón năm mới 2018