Kỳ 2: "Ánh sáng cuối đường hầm"
(Cadn.com.vn) - Sau khi nêu quan điểm “nên để thị trường bất động sản (BĐS) rơi tự do”, “hãy để chúng chết đi” hay “thị trường sẽ cứu chúng ta”, TS Alan Phan (nguyên Chủ tịch Quỹ đầu tư Viasa Fund tại Hồng Kông) đã gặp phải “làn sóng” phản đối quyết liệt từ các nhà đầu tư. Chủ đề “Có nên cứu BĐS?” lại nóng lên một lần nữa sau khi NHNN dự kiến tung ra 30.000 tỷ đồng với lãi suất 6%/năm để mua nhà ở xã hội. Một lần nữa, dòng tiền nhàn rỗi lại ngập ngừng trước ngã rẽ đầy rủi ro này.
Nên “bỏ tiền” vào BĐS?
Liệu có một cuộc đổi ngôi ngoạn mục trên thị trường BĐS như những năm về trước hay không? Câu trả lời chắc chắn sẽ là không. Thế nhưng, đối với những phân khúc nhỏ và vừa, thị trường vẫn “thở đều” khi các giao dịch thực cho nhu cầu nhà ở vẫn thành công trong mức độ chấp nhận được. Đó chính là niềm tin cho tương lai gần của thị trường BĐS hiện nay, ít nhất từ nay cho đến hết năm 2013.
Có thể nói rằng, hơn 3 tháng kể từ khi Nghị quyết 02/NQ-CP được ban hành, thị trường địa ốc vẫn chưa khởi sắc. Trên thực tế, giá BĐS đã giảm mạnh, thậm chí có những khu vực giảm tới 30-50% song người mua vẫn hờ hững. Điều này cho thấy yếu tố giá và niềm tin phải được điều chỉnh theo hướng tích cực. Và như thế, thị trường phải lấy lại niềm tin của người dân. Điều này có nghĩa, Nhà nước cần phải minh bạch hóa thông tin về dự án, thị trường, chính sách... để kích cầu địa ốc.
Dưới góc nhìn bi quan, ông Lê Chí Hiếu (Tổng Giám đốc một Cty phát triển nhà) nhìn nhận, BĐS bệnh quá nặng, vì vậy Chính phủ cần có chính sách dài hơi, liên tục để vực dậy thị trường này. Giải pháp hỗ trợ không đồng nghĩa với việc Nhà nước dốc toàn lực giải cứu. BĐS phải mất 2-3 năm nữa mới được chữa khỏi bệnh. Riêng Chow Chee Fan (Tổng Giám đốc của Celadon City) cho rằng, bất cứ thị trường BĐS nào khi gặp khủng hoảng đều cần có bàn tay can thiệp của Nhà nước. Ông đề nghị, nếu Chính phủ cho người mua nhà vay với lãi suất thấp cố định trong vòng 10-15 năm thì thị trường sẽ có chuyển biến.
Tại Đà Nẵng, xu thế mua căn hộ của các tập đoàn BĐS như chung cư Lake View (HAGL), Azura (VinaCapital), Danang Plaza... để cho thuê đang quay trở lại. Nhiều người đang có vốn hoặc vay thêm NH để sở hữu những căn hộ để ở hoặc cho thuê có mức giá trung bình nhằm đón đầu thị trường trong dài hạn. Chủ trương chuyển đổi nhà thương mại sang nhà ở xã hội, xây dựng căn hộ có diện tích nhỏ được thực thi sẽ tạo ra một nguồn cung BĐS giá rẻ và vừa, kích cầu người tiêu dùng tới những địa chỉ thiết thực. Giới kinh doanh nhà đất tại Đà Nẵng nhận định, giá đã “rớt” xuống đáy và đứng im gần 1 năm nay rồi. Bây giờ là lúc cần tìm những phân khúc nhà ở chung cư cực rẻ để đầu tư kể cả đất nền ở vùng ven như Hòa Xuân, khu đô thị FPT, Golden Hills... Vấn đề còn lại là niềm tin và thời gian. Đây cũng là một quan điểm tích cực để thổi một làn gió mới trên “cánh đồng” BĐS đã khô cằn hơn 2 năm nay.
|
Phân khúc BĐS trung bình hiện đang được nhà đầu tư quan tâm (Trong ảnh: một DA BĐS phân khúc
trung bình tại Đà Nẵng được rao bán trên mạng).
|
Trở lại “sàn nhảy”!
Giới kinh doanh cổ phiếu thường đùa, lên sàn chứng khoán như đi “sàn nhảy”. Điều này có nghĩa, người tham gia phải động não, không yếu bóng vía và động tác “lướt sóng” phải thuần thục. Giờ đây, với trải nghiệm bằng chính tài sản của mình nên các nhà đầu tư đã thận trọng với những cổ phiếu có tính thanh khoản cao, hoạt động kinh doanh ổn định, đảm bảo cổ tức nhiều hơn lãi tiết kiệm. Những kiểu mạo hiểm vào cổ phiếu “bèo” nhằm “đánh quả” sẽ không còn nữa mà nhường lại cho cách đầu tư bài bản với các danh mục “blue chip”.
Bà N.T.N.M (Trưởng phòng Kinh doanh của một Cty CP Chứng khoán) cho biết, lãi suất tiết kiệm giảm, NH thừa vốn nên không huy động vượt trần như trước. Khả năng lãi suất sẽ giảm thêm trong thời gian tới. Vì vậy, nhà đầu tư sẽ chuyển tiền sang kênh khác, trong đó chứng khoán là kênh hấp dẫn. Ông Andy Ho (Giám đốc Đầu tư Tập đoàn Vina Capital) nêu quan điểm, dòng tiền sẽ còn tiếp tục tham gia vào thị trường chứng khoán trong thời gian tới. Khi lãi suất NH không hấp dẫn, các nhà đầu tư sẽ dồn vốn vào chứng khoán. Tuy nhiên, khó có chuyện họ sẽ đẩy tiền vào nhóm cổ phiếu đầu cơ mà tập trung vào những ngành hàng tiêu dùng thiết yếu, phục vụ nhu cầu đời sống của người dân. Trên thực tế, cổ phiếu VNM (Vinamilk), đã tăng giá 30%, đi từ mức 100.000 đồng lên 130.000 đồng/CP, GAS (Tổng Cty khí Việt Nam) tăng từ 39.000 đồng lên 59.000 đồng/CP, BMP (Cty CP nhựa Bình Minh) tăng từ 52.000 đồng lên 71.000 đồng/cổ phiếu, REE của Cty CP Cơ điện lạnh cũng đã vượt lên 1.000 đồng/cổ phiếu, tăng khoảng 20%.
Theo dữ liệu của hãng truyền thông Mỹ Bloomberg, chỉ số Vn-Index biến động hơn 20% trong 4 năm qua. Nếu tính riêng năm nay, đến hết ngày 11-4, chỉ số này đã tăng 22%, cao nhất trong số 47 thị trường sơ khai và mới nổi trên toàn cầu. Đến thời điểm hiện tại, các nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 195 triệu USD cổ phiếu Việt Nam.
Định hướng mới nhất về kênh đầu tư là Bảo Việt đang lên kế hoạch “đổ” tiền vào chứng khoán vì lãi suất tiết kiệm đang có nguy cơ thấp hơn cổ tức. Họ cho rằng, thị trường chứng khoán mặc dù chưa được đánh giá ổn định, song vẫn có một số DN tốt, khả năng chi trả cổ tức cao hơn lãi suất gửi tiết kiệm. Chính vì vậy, thay vì gửi nguồn tiền nhàn rỗi của khách hàng vào tài khoản tiết kiệm NH, Bảo Việt đã quyết định đầu tư sang chứng khoán để hưởng cổ tức.
Gửi tiền nhàn rỗi vào đâu là một bài toán khó, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay. Nếu đứng trước nhiều rủi ro, người ta sẽ chọn phương án ít rủi ro nhất. Lĩnh vực đầu tư nào sinh lợi nhiều hơn, người có tiền sẽ đưa dòng tiền vào kênh đó. Thế nhưng, lợi nhuận càng nhiều, rủi ro càng lớn là một quy luật. Chính vì thế, BĐS phân khúc trung bình cùng với những cổ phiếu có mức lợi tức cao được xem như là nơi dòng tiền nhàn rỗi có thể chảy qua, ít nhất trong bối cảnh nền kinh tế chưa thoát khỏi suy giảm. Và đó cũng chính là “ánh sáng cuối đường hầm”, giúp mọi người có thể tìm lối ra cho kênh đầu tư trong tương lai.
Văn Khoa
Theo Báo CA ĐN
Các bản tin khác