TT - Ông Nguyễn Mạnh Hà - cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) - đánh giá như vậy khi trả lời báo chí về chủ trương thắt chặt tín dụng đối với thị trường bất động sản của Chính phủ. Ông Hà cho biết:
- Các chính sách về thắt chặt tín dụng sẽ có ảnh hưởng tới thị trường bất động sản trong thời gian tới. Nhưng với sự hỗ trợ của Nhà nước, hi vọng thị trường không bị ảnh hưởng nhiều lắm. Tuy nhiên người dân vẫn có cơ hội mua nhà vì sẽ có nhiều doanh nghiệp muốn bán sản phẩm nhanh (nhà ở - PV) để thu hồi vốn đầu tư nên người dân cũng có thêm sự lựa chọn sản phẩm mà mình mong muốn.
* Nhưng nhiều nghi ngại việc thắt chặt tín dụng sẽ khó khăn, hạn chế giao dịch bất động sản, thưa ông?
- Rất là khó khăn. Nhưng trong khó khăn thì các doanh nghiệp sẽ có sự điều chỉnh, người dân cũng có cơ hội để lựa chọn hơn. Như vậy thị trường sẽ có sự tự điều chỉnh chứ không phải thị trường bất động sản, nhà ở thắt chặt không có giao dịch nữa. Thậm chí có giao dịch sẽ mạnh hơn vì với lãi suất cao, tỉ giá ngoại tệ, giá vàng cao thì người dân sẽ có xu hướng đầu tư vào bất động sản cũng như tranh thủ giá bất động sản giảm để mua.
* Với tình trạng thiếu vốn, nguồn cung thấp cũng sẽ làm tăng giá bất động sản?
- Thị trường bất động sản có độ trễ nhất định chứ không phải siết vào nó thì sẽ không có sản phẩm ngay như sản xuất tivi, xe máy. Chu trình của một dự án nhà ở từ khi chuẩn bị đầu tư đến khi hoàn thiện phải 2-3 năm, có khi 5 -10 năm với dự án lớn. Vì vậy chính sách vốn không tác động ngay đến nguồn cung của thị trường.
Hiện nay thị trường Hà Nội chưa bị ảnh hưởng nhiều lắm bởi chính sách thắt chặt tiền tệ của Chính phủ. Như vậy, nguồn cầu của Hà Nội vẫn khá nhiều và khả năng mua nhà của người dân ở Hà Nội vẫn còn nhưng bao nhiêu và chừng nào thì không ai biết cụ thể. Ở TP.HCM nguồn vốn cho dự án nhà ở tạo lập từ nguồn vốn vay chiếm tỉ lệ nhiều hơn. Ở Hà Nội nguồn vốn chủ yếu tạo lập từ tiền tiết kiệm, tiền của gia đình, ít người vay mua nhà. Vì vậy phản ánh trong tỉ trọng tín dụng thị trường hai nơi khác nhau.
* Ông nhận định xu thế nhà ở cho người thu nhập thấp sẽ thế nào? Bộ Xây dựng có nghĩ cách phát hành trái phiếu nhà thu nhập thấp để người mua có thể trả tiền nhà dần dần?
- Vốn cho nhà ở thu nhập thấp cũng có những khó khăn. Nhưng nếu có ảnh hưởng đến thị trường thì cũng phải một thời gian nữa chứ không phải ảnh hưởng ngay.
Trong các quy định của Chính phủ và Bộ Xây dựng đã cho phép chủ đầu tư huy động vốn sau khi xây xong móng. Khi xây xong móng có nghĩa là người dân cũng bắt đầu phải đóng tiền mua nhà. Hiện nay quy định đã làm như thế rồi thì không phải nghĩ thêm việc phát hành trái phiếu.
* Nhà thu nhập thấp ở Hà Nội hiện nay đã có giá lên tới 14 triệu đồng/m2, đây là mức giá cao. Ông có nghĩ là nên quy định giá sàn hay giá trần cho loại nhà này không?
- Đã quy định về giá nhà thu nhập thấp rồi, giá phải tính đủ để nhà đầu tư không lỗ. Nhà nước không kiểm soát giá bán mà chỉ khống chế giá, đảm bảo chủ đầu tư có lợi nhuận ở mức tối đa 10%. Sở Xây dựng phải thẩm định và ai sai phải chịu trách nhiệm.
* Quy định về nhà thu nhập thấp có hình thức bán trả góp và trả một lần nhưng hiện nay đều áp dụng trả một lần nên khó cho người mua. Tại sao không áp dụng trả góp?
- Đây là vấn đề tài chính nhà ở. Nhà nước tạo điều kiện cho người dân được vay thì người dân mới trả một lần, chủ đầu tư được vay thì mới thu của người mua dần dần. Nhưng hiện nay Nhà nước chưa có hỗ trợ triệt để cho chủ đầu tư nhà thu nhập thấp hoặc cho người mua nhà vay với thời gian dài để họ trả góp. Người mua nhà là người có thu nhập thấp nhưng chủ đầu tư cũng khó khăn rồi mà bắt chủ đầu tư thu dần 10-15 năm thì họ không chịu nổi. Nhà nước có chủ trương hỗ trợ cho chủ đầu tư thì mới bắt buộc được.
* Hiện nay tín dụng cho nhà thu nhập thấp khó khăn. Nhiều dự án bị đình trệ vì ngân hàng không cho vay?
- Thật ra cũng có những cái vướng vì thủ tục đang phải giải quyết. Theo thông báo của Ngân hàng Phát triển VN, không thiếu vốn cho nhà thu nhập thấp vay mà phải hoàn thiện các thủ tục, kể cả các chủ đầu tư cũng phải hoàn thiện thủ tục và đất đai, dự án, đối tượng.
* Thưa ông, thực hiện chủ trương cắt giảm đầu tư theo nghị quyết 11 của Chính phủ sẽ có khoảng bao nhiêu dự án bất động sản phải cắt giảm, tạm hoãn?
- Trong nghị quyết của Chính phủ chỉ nói thắt chặt cho vay đầu tư chứng khoán và bất động sản. Còn cắt dự án nào cụ thể thì phải phụ thuộc ngân hàng khi họ xem xét tính khả thi của dự án theo các tiêu chí cho vay chứ Nhà nước không quy định cho vay dự án này hay dự án kia. Nghị quyết 11 của Chính phủ nói rõ không khởi công mới những dự án không hiệu quả nên phải tính toán hiệu quả của từng dự án. Ví dụ những dự án nhà ở cao cấp cũng không nên cho vay, ít nhất là trong giai đoạn này. Còn với những dự án nhà trung bình, nhà thu nhập thấp thị trường đang thiếu mà có thể hoàn thành sớm, đẩy nhanh tiến độ thì không có lý do gì để không cho vay.
Người Việt phải dành 80% thu nhập để mua nhà
Đó là thông tin được bà Trần Thị Hạnh - tư vấn dự án nhà ở cho người thu nhập thấp của Chương trình định cư con người của Liên Hiệp Quốc (UN-HABITAT) tại Việt Nam - đưa ra tại hội thảo tham vấn và hỗ trợ kỹ thuật cho chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Bộ Xây dựng phối hợp với UN-HABITAT tổ chức ngày 8-3.
Đánh giá về thị trường nhà ở và tài chính nhà ở của UN-HABITAT cho rằng 80% thu nhập của các hộ gia đình ở Việt Nam được gom góp để mua nhà. Trong khi đó, trên thế giới tỉ lệ này chỉ là 33%. Cũng theo các chuyên gia của UN-HABITAT, hiện nay nhu cầu về nhà ở tại nước ta vẫn tiếp tục tăng do số hộ gia đình tăng. Tuy nhiên, hiện có khoảng 70% số hộ chưa có phương tiện sinh hoạt phù hợp và đang thiếu gần 20 triệu căn hộ. Trong khi đó, tình trạng đô thị hóa ở Việt Nam đang tăng nhanh và dự kiến đạt 45% vào năm 2020 cũng đang tạo áp lực về nhà ở và hạ tầng cơ sở.
Dù ghi nhận các nỗ lực phát triển nhà ở xã hội cho người nghèo đô thị của Chính phủ trong thời gian gần đây nhưng UN-HABITAT vẫn đánh giá nguồn cung nhà cho người nghèo, người thu nhập thấp còn hạn chế, khó tiếp cận. Thế nhưng việc phát triển nhà ở xã hội gặp vướng mắc rất lớn về việc bố trí quỹ đất sạch phục vụ dự án. Các dự án này phụ thuộc rất nhiều vào quỹ đất 20% trong các dự án xây dựng nhà ở đô thị có diện tích từ 10ha trở lên. Nhưng với số lượng lớn dự án xây dựng nhà ở xã hội thì diện tích trên không đủ.
Tại hội thảo, các chuyên gia của UN-HABITAT cũng chỉ ra nhiều bất cập trong quản lý đất đai ở Việt Nam. Đó là cơ chế giao đất còn tạo điều kiện cho độc quyền, găm giữ và đầu cơ đất đai, lãng phí đất đai cho các dự án phát triển nhà ở do đất bị bỏ hoang, bị “treo” do chưa có quy hoạch hay bị sử dụng sai mục đích. Tại các đô thị, có những dự án hàng chục hecta nằm trên các khu đất vàng nhưng để không. Số liệu năm 2009 cho thấy có hơn 3,7 triệu m2 đất bỏ hoang hoặc chưa sử dụng trong tổng số 6,3 triệu m2 đất do các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đang trực tiếp quản lý trên địa bàn TP.HCM.
Các chuyên gia đề nghị Nhà nước cần hoàn thiện hơn nữa các thể chế trong việc quản lý, điều tiết về nhà ở. Đề nghị các bộ ngành, địa phương phải được phân công trách nhiệm cụ thể về phát triển nhà ở để tránh tình trạng chồng chéo hiện nay khi Bộ Xây dựng thiếu quyền lực về quản lý đất đai và nhà ở ngành dọc, trùng lặp với trách nhiệm với Bộ Tài nguyên - môi trường. Bà Nguyễn Thị Hiền, chuyên gia của UN-HABITAT, kiến nghị cần thành lập mới Bộ Phát triển đô thị và nhà ở để quản lý và phát triển nhà theo ngành dọc, được lập kế hoạch quản lý và sử dụng, đăng quyền sử dụng đất để Bộ Tài nguyên - môi trường chỉ còn chịu trách nhiệm quy hoạch lãnh thổ, bản đồ địa chính.
TUẤN PHÙNG
|
Thứ Tư, 09/03/2011, 07:20
Chú thích ảnh: Một dự án xây dựng căn hộ tại huyện Bình Chánh, TP.HCM - Ảnh: Hải Đăng
Nguồn: Một dự án xây dựng căn hộ tại huyện Bình Chánh, TP.HCM - Ảnh: Hải Đăng
Các bản tin khác
- Vườn sân thượng phủ kín 70 thùng rau
- Thuận thì mua, vừa là bán!
- Office-tel: Xu hướng đầu tư thời hội nhập
- Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà họp khẩn gỡ vướng cấp sổ đỏ
- F.HOME Condotel: Căn hộ sinh lợi ấn tượng
- Mua nhà trên đất vườn: Chấp nhận "đánh bạc"
- Sức nóng bất động sản Việt ‘tỏa nhiệt’
- Giá đất tái định cư một số khu dân cư trên địa bàn thành phố
- Đà Nẵng: Khách du lịch săn đất ven sông và gần biển
- Bay lên từ đôi cánh mới
- Giao dịch căn hộ cao cấp chiếm ưu thế
- Hơn 42 tỷ đồng thảm bê tông nhựa và lát gạch vỉa hè các tuyến đường
- Xây dựng đường văn minh đô thị kiểu mẫu
- Kết thúc gói 30.000 tỉ, vẫn còn cơ hội mua nhà giá rẻ
- Đường Quang Trung: Dấu xưa vang mãi
- Giữ thoáng cửa “rước” lộc vào nhà “ầm ầm”
- Mua đất nền dự án: Những điều đặc biệt cần lưu ý
- Nhiều người nước ngoài mua căn hộ cao cấp tại Việt Nam
- Phê duyệt tổng mặt bằng quy hoạch xây dựng Tuyến đường Quốc lộ 14G
- Nhận giấy hồng xong, ủy quyền cũng chấm dứt?