Hết 3 năm hưởng mức vay mua nhà 6%, nếu lãi suất thả nổi vọt lên rất cao, người có thu nhập thấp dễ rơi vào cảnh mất khả năng chi trả, vỡ nợ - chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ với VnExpress.
- Dự thảo Thông tư về cho vay hỗ trợ nhà ở của Ngân hàng Nhà nước trong gói 30.000 tỷ giải cứu bất động sản quy định lãi suất ưu đãi là 6% trong 3 năm đầu và thả nổi sau đó. Ông đánh giá thế nào?
- 6% là một mức lãi suất hấp dẫn nhưng nếu chỉ cố định trong 3 năm rồi thả nổi sau đó sẽ vô cùng bất ổn. Người dân mua nhà là mua tài sản cho cả đời nên việc trả nợ phải dựa trên thu nhập, với diện này thường là thu nhập thấp. Không có gì đảm bảo lãi suất sẽ không vọt lên 19-20% như từng xảy ra. 6% họ còn chịu được nhưng nếu cao hơn thì có thể rơi vào bẫy tài chính. Nhiều người dân sẽ vỡ nợ, việc bị siết nhà và ra đường là chuyện có thể tính tới.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng nên áp dụng lãi suất cố định trong suốt thời gian cho vay mua nhà. Ảnh: Thanh Lan. |
- Ông có thể phân tích rõ hơn về những hệ quả của việc thả nổi lãi suất sau 3 năm?
- Tôi e nhiều người sẽ liều mạng vay tiền để có một căn nhà. Họ cứ chậc lưỡi sau 3 năm tính tiếp, lãi suất thả nổi đến mức nào và trả được không thì họ chưa nghĩ đến. Như vậy là rất phiêu lưu, mạo hiểm và nhiều người Việt Nam sẽ làm vậy.
Hậu quả dĩ nhiên lại là nợ xấu và ngân hàng sẽ siết nợ, thu hồi lại tài sản đó. Lúc này cả hai bên đều “thua”, ngân hàng dù lấy lại tài sản bán đi cũng chưa chắc bù lỗ được còn người dân thì mất nhà. Đừng để không chỉ bất động sản rơi tự do mà người dân cũng “rơi tự do” vì không có tiền trả nợ.
- Vậy ông nghĩ sao về thời hạn cho vay 10 năm?
- Thời hạn như vậy quá ngắn, rất ít gia đình thu xếp được và cần nới lên 20 năm. Trong tín dụng cho vay mua nhà, quan trọng nhất là thời gian trả nợ, càng dài càng tốt và dù lãi suất có hơi cao một chút thì vẫn chịu được. Ở Mỹ, ngay chính ngôi nhà tôi mua được hưởng thời hạn vay 30 năm.
Cho vay doanh nghiệp thì lấy doanh thu hiện tại trong ngắn hạn để trả nợ còn cho vay mua nhà ở thì đó là doanh thu hình thành rất dài trong nhiều năm, có thể còn nhiều rủi ro. Theo tôi nên nghĩ vậy để có cấu trúc phù hợp cho gói tín dụng này.
- Theo ông lãi suất và thời hạn như thế nào là phù hợp?
- Theo tôi Nhà nước nên tính toán để cho vay với lãi suất từ 5-10% nhưng phải là lãi suất cố định. Thời gian trả nợ ít nhất 20, thậm chí 30 năm thì người dân mới chịu được. Nếu lãi suất thả nổi thì nên quy định rõ việc điều chỉnh sẽ dựa trên những chỉ số cụ thể nào (ví dụ như CPI) thay vì chỉ nói chung chung “dựa theo thị trường”.
- Nhưng để cho vay thời hạn dài, lãi suất cố định thì ngân hàng lấy nguồn vốn dài hạn từ đâu khi thị trường vốn của VN còn kém phát triển?
- Chính phủ có thể phát hành trái phiếu trung và dài hạn, nếu chưa được 20 năm thì ít nhất là 10-15 năm. Nếu không thì có thể kể đến những nguồn tài trợ dài hạn của các tổ chức quốc tế. Công cụ mà Chính phủ nhiều nước tiên tiến áp dụng là thành lập công ty tài chính. Công ty này sẽ dùng nguồn vốn dài hạn trên thị trường vốn để tài trợ vốn thông qua việc mua những nợ bất động sản của các ngân hàng thương mại.
Tóm lại Chính phủ phải tự cân đối trong các bài toán để có được nguồn vốn dài hạn và phải mạnh bạo thì mới giải quyết được bài toán này.
- Nếu không có gì thay đổi về cấu trúc gói cho vay này, lãi suất vẫn cố định 3 năm đầu và ở 6% thì ông có lời khuyên nào với người dân?
- Vấn đề chính là thu nhập của họ, trong 3 năm vừa rồi có ổn định không. Nếu phải trả gốc và lãi cho ngân hàng quá 50% thu nhập mỗi tháng thì tôi khuyên họ không nên vay.
Tôi thấy người Việt Nam rất khác với người Mỹ. Tiền mua nhà của người Mỹ chỉ có một phần ba là tiết kiệm tự có, còn lại là đi vay, chủ yếu ở ngân hàng. Việt Nam thì ngược lại, khi mua nhà người dân sử dụng toàn bộ tiền tiết kiệm hoặc mượn của người thân và họ rất ngại làm việc với ngân hàng. Có thể vì chưa quen văn hóa tín dụng. Nếu có vay, họ sẵn sàng dồn hết số tiền có được để trả ngân hàng cho xong. Đây cũng là điều tốt nhưng dân Mỹ thì sẵn sàng vay nợ trong cả một thời gian dài, tiền nhàn rỗi sẽ dồn đầu tư vào việc khác thay vì thanh lý hợp đồng tín dụng. Điều này cũng góp phần tạo sự khác biệt giữa việc mua nhà của người Việt Nam và các nước khác.
- Ông đánh giá thế nào về sức lan tỏa của gói cứu trợ 30.000 tỷ đồng đối với thị trường bất động sản cũng như tính khả thi khi đến với người dân?
- Tôi nghĩ để tháo gỡ thị trường bất động sản chỉ với 30.000 tỷ đồng quả là một ảo ảnh, so với với con số hàng triệu tỷ của thị trường thì chưa giải quyết được gì. Tuy nhiên, dù sao đây được xem là một bước giải quyết ban đầu khá tích cực của Chính phủ và tôi nghĩ sau đó vẫn cần những gói giải pháp khác nữa. Người dân cũng nên hiểu đây chỉ là phương án tháo gỡ bước đầu và Chính phủ chưa dừng lại ở gói này. Do đó, không nên ào ạt, nhảy xô vào vay mà cần bình tĩnh để suy xét khả năng trả nợ của mình.
Thanh Thanh Lan
Theo Vnexpress.net
Các bản tin khác
- Trắng tay vì vay tiền bằng hợp đồng bán nhà, đất
- Chuyên gia BĐS: Đừng trông chờ giá nhà đất tiếp tục giảm sâu
- "Giấy tờ tuỳ thân" trong hồ sơ yêu cầu công chứng là giấy tờ gì?
- Quá ít người nước ngoài mua được nhà tại Việt Nam
- ĐÀ NẴNG: BẮT TẠM GIAM HAI ĐỐI TƯỢNG LÀM GIẢ CON DẤU, TÀI LIỆU
- Nhà đất bị ép giá vì phong thủy xấu
- Phong thủy chọn biệt thự, chung cư năm Rồng
- Mức thu phí công chứng mới
- Trong năm nay, một số phân khúc BĐS sẽ ấm hơn
- Cho cấp phép xây dựng dọc tuyến đường sắt Bắc Nam đoạn qua Cẩm Lệ
- DÒNG TIỀN SẼ CHẢY VỀ ĐÂU?
- Phòng Tư pháp cấp huyện có thẩm quyền chứng thực giấy tờ, văn bản song ngữ
- DANH MỤC 9 LOẠI HÀNG HÓA, DỊCH VỤ PHẢI ĐĂNG KÝ HỢP ĐỒNG MẪU
- Thị trường bất động sản năm 2012: Dự báo táo bạo
- Tin tức, dự án BĐS nổi bật tuần từ 9/1 đến 15/1
- Địa ốc đón dòng kiều hối cuối năm
- “Cứu” thị trường BĐS: Nhìn Mỹ ngẫm ta
- Mua bán xe máy phải qua công chứng
- “Tam giác vàng” của Đà Nẵng
- Cảnh giác với "sổ đỏ” giả thời công nghệ cao