Ngày đầu tiên giải quyết cho vay vốn mua nhà ở xã hội, nhiều người dân bắt đầu cảm nhận những khó khăn từ gói hỗ trợ 30.000 tỉ đồng.
Nhiều người tỏ ra đặc biệt thất vọng khi các ngân hàng chỉ ưu tiên cho vay vốn doanh nghiệp, còn các cá nhân ký hợp đồng trước 7.1.2013 lại bị từ chối cho vay.
Nhà ở xã hội mua trước 7.1.2013 chưa được giải quyết cho vay ưu đãi - Ảnh: Diệp Đức Minh |
Bất công cho người mua nhà trước 7.1.2013
Chờ đợi mãi để được tiếp cận vốn vay, nhưng ngay sau khi đến NH Công thương (Vietinbank), chị Thanh (Hà Nội) tỏ ra vô cùng buồn bã vì những trắc trở. Trước đó, chị có mua một căn nhà ở xã hội tại khu đô thị Sài Đồng, Gia Lâm, Hà Nội với mức giá 13 triệu đồng/m2, diện tích 67 m2 do Handico 5 làm chủ đầu tư và hiện vẫn còn nợ 600 triệu đồng. “Tôi qua Vietinbank để hỏi, thì họ từ chối cho vay và nói chỉ giải quyết cho hợp đồng mua nhà ký sau thời điểm 7.1.2013 theo thông tư hướng dẫn của NHNN. Đã gọi là hỗ trợ người thu nhập thấp, người nghèo có nhà thì ai cũng phải như nhau, bình đẳng, tại sao lại phân biệt trước hay sau. Chính sách như vậy liệu có bất công với những người như tôi không” - chị Thanh nghẹn ngào nói. Chị cho biết thêm, nhiều người mua nhà ở dự án nhà thu nhập thấp Sài Đồng cũng trong hoàn cảnh tương tự đang bàn nhau làm lại hợp đồng mua bán nhà để hợp thức hóa điều kiện vay mua nhà.
Tìm đến một chi nhánh của BIDV trên địa bàn TP.HCM, nhân viên tín dụng tại đây hỏi chúng tôi đã tìm được dự án nào đáp ứng điều kiện diện tích 70 m2, giá 15 triệu đồng/m2 chưa. Chúng tôi đặt vấn đề là thế chấp chính căn nhà sẽ mua nên tìm hiểu NH có dự án nào liên kết với chủ đầu tư để thuận lợi trong quá trình thế chấp. Nhân viên này cho hay NH hiện phối hợp với một chủ đầu tư ở Nhà Bè, Q.7 có nhiều căn diện tích dưới 70 m2. Tuy nhiên những căn giá chỉ hơn 13 triệu đồng/m2 lại là những căn diện tích lên tới 200 m2, do đó nếu mua những căn này, chắc không được hỗ trợ lãi suất 6%/năm.
Ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, ngày 3.6 mới là ngày làm việc đầu tiên về triển khai gói tín dụng hỗ trợ vì ngày 1 và 2.6 rơi đúng vào ngày nghỉ. Bộ Xây dựng đang tiếp nhận văn bản của các DN xin vay vốn hỗ trợ từ gói 30.000 tỉ đồng để duyệt đợt 1, trước khi chuyển danh sách sang các NH. Về trường hợp những người dân ký hợp đồng mua nhà trước thời điểm 7.1.2013 không thuộc diện được vay tiền theo Thông tư 11 của NHNN, theo ông Nam khi xây dựng chính sách cũng đã tính kỹ, những trường hợp đó đã có phương án tài chính chi trả. Hạn chế từ thời điểm 7.1.2013 là đánh dấu mốc Nghị quyết 02 ra, nhằm tạo điều kiện, hỗ trợ cho những hợp đồng mới. Riêng những dự án khởi công trước 7.1.2013 thì chủ đầu tư vẫn được vay tiền từ gói tín dụng ưu đãi.
Còn ông Trần Văn Can, Tổng giám đốc Handico 5 cho rằng, quy định như vậy không đúng với chủ trương của Chính phủ và thẳng thắn cho biết đã có NH “xui” làm lại hợp đồng mua nhà cho người dân thuộc diện vay tiền mua nhưng do phức tạp, liên quan nhiều vấn đề nên Handico 5 đang cân nhắc. “Dù ký hợp đồng mua nhà ở thời điểm nào thì cũng nên cho vay để người dân sớm có nhà ở” - ông Can kiến nghị.
Không nên chỉ tập trung cho DN
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, các cơ quan chức năng và NH đang có xu hướng giải ngân tín dụng cho DN thay vì khách hàng. Điển hình nhất là, ngày 28.5 lãnh đạo Bộ Xây dựng đã đi dự lễ khởi công dự án nhà ở xã hội của Tổng công ty đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD), với khoảng 1.000 căn hộ. “Mục đích là của gói tín dụng lần này là hỗ trợ người dân mua nhà từ đó giải quyết hàng tồn kho và giải quyết nợ xấu. Đáng lẽ tiền từ gói tín dụng phải tập trung cho các dự án đang và đã xây dựng hoàn thành thì Bộ lại duyệt cho dự án HUD vay tiền để triển khai dự án khi gói tín dụng chưa có hiệu lực. Dự án đến năm 2015 mới hoàn thành, nếu không khéo sẽ tăng thêm nguồn cung trong khi nguồn tồn kho hiện tại lại không xử lý được. Như vậy là đi ngược lại chủ trương của Chính phủ”, ông Châu đặt vấn đề.
Trước đó, trong gói tín dụng 10.000 tỉ đồng cho vay lãi suất 6%/năm, BIDV cũng cho biết, 2 năm đầu NH sẽ tập trung vào cho vay DN để tăng nguồn hàng, sau đó giải ngân cho khách hàng cá nhân theo đúng tỷ lệ 70% tổng vốn dành cho đối tượng này, 30% dành cho DN.
Thông tin từ Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, hiện Sở đã “cơ cấu” được nguồn nhà ở xã hội từ nhà tái định cư, nhà thương mại chuyển qua và các dự án nhà xã hội đang triển khai. Dự kiến trong tháng 6 này sẽ công bố chính thức tên các dự án để người đủ điều kiện làm hồ sơ đăng ký tham gia thuê, thuê mua và mua nhà.
A.Vũ - T.Xuân - Đ.Sơn - Lê Quân
Theo Thanh Niên
Các bản tin khác
- Đà Nẵng bỏ quy định cấm chuyển nhượng “sổ đỏ”
- Đất nền tại các khu đô thị “xanh” hút hàng
- Hết thời siêu lợi nhuận, BĐS đón cơ hội mới
- Thời hạn cho vay thuê, mua nhà ở xã hội là 15 và 20 năm
- Chuyển nhượng đất cho chồng, có nộp thuế thu nhập cá nhân?
- Bán nhà, đất: Nộp thuế theo giá nào?
- Vốn ngoại tiếp tục chảy mạnh vào bất động sản
- Đà Nẵng cấm ghép thửa đất ở khu vực nhạy cảm
- Hủy một số Quyết định của Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng về phê duyệt quy hoạch trên địa bàn huyện Hoà Vang
- Tín hiệu tốt cho thị trường bất động sản 2016
- Cuối năm, bất động sản tiếp tục bứt phá
- Quy trình thế chấp, giải chấp dự án nhà ở và nhà ở hình thành trong tương lai
- Sớm quy hoạch tổng thể hai bờ sông Hàn Bài cuối: Đánh thức "thiếu nữ" sông Hàn
- Quy hoạch dự án Ga Đà Nẵng mới Mua đất, coi chừng trắng tay!
- Sớm quy hoạch tổng thể hai bờ sông Hàn Bài 2: Tìm kiếm kiến trúc cảnh quan
- Một khu nghỉ dưỡng Việt được vinh danh "sang trọng bậc nhất thế giới"
- Sớm quy hoạch tổng thể hai bờ sông Hàn
- Cuối năm là thời cơ tốt để vay mua nhà
- Nhà đầu tư Thái Lan sẽ rót vốn vào thị trường nhà ở
- InterContinental Danang Sun Peninsula Resort nhận danh hiệu "Khu Nghỉ Dưỡng Sang Trọng Bậc Nhất Thế Giới 2015"