Ngày đầu tiên giải quyết cho vay vốn mua nhà ở xã hội, nhiều người dân bắt đầu cảm nhận những khó khăn từ gói hỗ trợ 30.000 tỉ đồng.
Nhiều người tỏ ra đặc biệt thất vọng khi các ngân hàng chỉ ưu tiên cho vay vốn doanh nghiệp, còn các cá nhân ký hợp đồng trước 7.1.2013 lại bị từ chối cho vay.
Nhà ở xã hội mua trước 7.1.2013 chưa được giải quyết cho vay ưu đãi - Ảnh: Diệp Đức Minh |
Bất công cho người mua nhà trước 7.1.2013
Chờ đợi mãi để được tiếp cận vốn vay, nhưng ngay sau khi đến NH Công thương (Vietinbank), chị Thanh (Hà Nội) tỏ ra vô cùng buồn bã vì những trắc trở. Trước đó, chị có mua một căn nhà ở xã hội tại khu đô thị Sài Đồng, Gia Lâm, Hà Nội với mức giá 13 triệu đồng/m2, diện tích 67 m2 do Handico 5 làm chủ đầu tư và hiện vẫn còn nợ 600 triệu đồng. “Tôi qua Vietinbank để hỏi, thì họ từ chối cho vay và nói chỉ giải quyết cho hợp đồng mua nhà ký sau thời điểm 7.1.2013 theo thông tư hướng dẫn của NHNN. Đã gọi là hỗ trợ người thu nhập thấp, người nghèo có nhà thì ai cũng phải như nhau, bình đẳng, tại sao lại phân biệt trước hay sau. Chính sách như vậy liệu có bất công với những người như tôi không” - chị Thanh nghẹn ngào nói. Chị cho biết thêm, nhiều người mua nhà ở dự án nhà thu nhập thấp Sài Đồng cũng trong hoàn cảnh tương tự đang bàn nhau làm lại hợp đồng mua bán nhà để hợp thức hóa điều kiện vay mua nhà.
Tìm đến một chi nhánh của BIDV trên địa bàn TP.HCM, nhân viên tín dụng tại đây hỏi chúng tôi đã tìm được dự án nào đáp ứng điều kiện diện tích 70 m2, giá 15 triệu đồng/m2 chưa. Chúng tôi đặt vấn đề là thế chấp chính căn nhà sẽ mua nên tìm hiểu NH có dự án nào liên kết với chủ đầu tư để thuận lợi trong quá trình thế chấp. Nhân viên này cho hay NH hiện phối hợp với một chủ đầu tư ở Nhà Bè, Q.7 có nhiều căn diện tích dưới 70 m2. Tuy nhiên những căn giá chỉ hơn 13 triệu đồng/m2 lại là những căn diện tích lên tới 200 m2, do đó nếu mua những căn này, chắc không được hỗ trợ lãi suất 6%/năm.
Ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, ngày 3.6 mới là ngày làm việc đầu tiên về triển khai gói tín dụng hỗ trợ vì ngày 1 và 2.6 rơi đúng vào ngày nghỉ. Bộ Xây dựng đang tiếp nhận văn bản của các DN xin vay vốn hỗ trợ từ gói 30.000 tỉ đồng để duyệt đợt 1, trước khi chuyển danh sách sang các NH. Về trường hợp những người dân ký hợp đồng mua nhà trước thời điểm 7.1.2013 không thuộc diện được vay tiền theo Thông tư 11 của NHNN, theo ông Nam khi xây dựng chính sách cũng đã tính kỹ, những trường hợp đó đã có phương án tài chính chi trả. Hạn chế từ thời điểm 7.1.2013 là đánh dấu mốc Nghị quyết 02 ra, nhằm tạo điều kiện, hỗ trợ cho những hợp đồng mới. Riêng những dự án khởi công trước 7.1.2013 thì chủ đầu tư vẫn được vay tiền từ gói tín dụng ưu đãi.
Còn ông Trần Văn Can, Tổng giám đốc Handico 5 cho rằng, quy định như vậy không đúng với chủ trương của Chính phủ và thẳng thắn cho biết đã có NH “xui” làm lại hợp đồng mua nhà cho người dân thuộc diện vay tiền mua nhưng do phức tạp, liên quan nhiều vấn đề nên Handico 5 đang cân nhắc. “Dù ký hợp đồng mua nhà ở thời điểm nào thì cũng nên cho vay để người dân sớm có nhà ở” - ông Can kiến nghị.
Không nên chỉ tập trung cho DN
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, các cơ quan chức năng và NH đang có xu hướng giải ngân tín dụng cho DN thay vì khách hàng. Điển hình nhất là, ngày 28.5 lãnh đạo Bộ Xây dựng đã đi dự lễ khởi công dự án nhà ở xã hội của Tổng công ty đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD), với khoảng 1.000 căn hộ. “Mục đích là của gói tín dụng lần này là hỗ trợ người dân mua nhà từ đó giải quyết hàng tồn kho và giải quyết nợ xấu. Đáng lẽ tiền từ gói tín dụng phải tập trung cho các dự án đang và đã xây dựng hoàn thành thì Bộ lại duyệt cho dự án HUD vay tiền để triển khai dự án khi gói tín dụng chưa có hiệu lực. Dự án đến năm 2015 mới hoàn thành, nếu không khéo sẽ tăng thêm nguồn cung trong khi nguồn tồn kho hiện tại lại không xử lý được. Như vậy là đi ngược lại chủ trương của Chính phủ”, ông Châu đặt vấn đề.
Trước đó, trong gói tín dụng 10.000 tỉ đồng cho vay lãi suất 6%/năm, BIDV cũng cho biết, 2 năm đầu NH sẽ tập trung vào cho vay DN để tăng nguồn hàng, sau đó giải ngân cho khách hàng cá nhân theo đúng tỷ lệ 70% tổng vốn dành cho đối tượng này, 30% dành cho DN.
Thông tin từ Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, hiện Sở đã “cơ cấu” được nguồn nhà ở xã hội từ nhà tái định cư, nhà thương mại chuyển qua và các dự án nhà xã hội đang triển khai. Dự kiến trong tháng 6 này sẽ công bố chính thức tên các dự án để người đủ điều kiện làm hồ sơ đăng ký tham gia thuê, thuê mua và mua nhà.
A.Vũ - T.Xuân - Đ.Sơn - Lê Quân
Theo Thanh Niên
Các bản tin khác
- Cân bằng, hài hòa giữa bảo tồn và phát triển Sơn Trà
- Bùng nổ "dạ tiệc trắng" kỷ niệm 3 năm SKY36 Đà Nẵng
- “Thủ phủ” condotel: Sức hút từ cách làm du lịch chuyên nghiệp
- Công bố quyết định công nhận quận Liên Chiểu là đơn vị hành chính loại I
- Kịch bản nào cho bất động sản cuối năm 2017?
- Dự án không gian làm việc chung hút nhà đầu tư ngoại
- Quy định giá đất ở tái định cư hộ chính tại một số dự án quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn
- Cocobay sắp khai trương tạo cơ hội sinh lời với nhà đầu tư
- Đội Ý đăng quang DIFF 2017
- Trao giải cuộc thi phương án quy hoạch, thiết kế Quảng trường trung tâm Đà Nẵng
- Nhà cổ 650 tỷ: Đại gia Đà Nẵng khiến dân chơi ngả mũ
- Trực tiếp Tọa đàm: Đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng - Cơ hội, rủi ro?
- Đà Nẵng: Điều chỉnh quy hoạch, xây khách sạn khu đất góc đường Trần Hưng Đạo và Hà Thị Thân
- Phố mới bên sông Cổ Cò
- Đề xuất thành lập Lãnh sự quán Hàn Quốc tại Đà Nẵng
- Cựu Chủ tịch Hiệp hội môi giới Mỹ chia sẻ kỹ năng bán bất động sản
- Cơ hội đầu tư 790 triệu, nhận về hơn 200 triệu/năm
- Đà Nẵng cơ bản hoàn tất các hạng mục chuẩn bị cho tuần lễ cấp cao APEC
- Hoà Bình Green Đà Nẵng - công trình phục vụ APEC 2017
- Có nên đặt cọc mua nhà chưa có sổ đỏ?