Trong chương trình “Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời” ngày 2-6, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang đã giải đáp thắc mắc liên quan đến tiến độ cấp “sổ đỏ” cũng như nghĩa vụ tài chính mà người dân phải thực hiện khi nhận “sổ đỏ”, điều đang bị cho là còn bất hợp lý.
Người dân đến làm thủ tục nộp thuế trước bạ nhà đất tại Chi cục Thuế Q.Bình Thạnh, TP.HCM (ảnh chụp chiều 23-5) - Ảnh: H.T.V.
|
* Tiến độ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (“sổ đỏ”) ở thời điểm hiện nay so với đầu năm 2013 tiến triển ra sao, thưa Bộ trưởng?
- Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang: Hiện có 22 tỉnh có tỷ lệ cấp “sổ đỏ” thấp, chúng tôi đã bàn giải pháp tháo gỡ, đồng thời đề nghị lãnh đạo các tỉnh tăng cường chỉ đạo công tác này. Vừa qua, một số tỉnh đã có chuyển biến tích cực như TP.HCM, Lai Châu, Tuyên Quang, Khánh Hòa, Thừa Thiên Huế... nhưng cũng có một số tỉnh chỉ đạo chưa quyết liệt.
Tôi nghĩ rằng cần công khai kết quả thực hiện việc cấp “sổ đỏ” của các địa phương trong 6 tháng đầu năm để những địa phương mà kết quả đạt thấp phải phấn đấu để hoàn thành chỉ tiêu trong 6 tháng cuối năm.
* Thưa Bộ trưởng, một số hộ dân ở TP.HCM đề nghị giải thích rõ vì sao tiền sử dụng đất (hệ số K) của người dân lại cao như vậy? Hệ số K liệu có điều chỉnh được không và trong trường hợp không thể điều chỉnh được mà người dân không có đủ tiền để nộp tiền sử dụng đất thì giải quyết thế nào?
- Hệ số K theo Thông tư 93 của Bộ Tài chính quy định là hệ số điều chỉnh giá đất để tính tiền thu sử dụng đất khi cấp “sổ đỏ” lần đầu, và do UBND địa phương quy định.
Trong quy định hệ số K của TP.HCM vừa rồi dao động từ 2-4,5 lần so với giá quy định và có thể nói là hệ số K tương đối cao, nên người dân xin trả lại hoặc không nhận sổ.
Để giải quyết vấn đề này chúng tôi đã bàn với Bộ Tài chính và đề nghị với TP.HCM cũng như các tỉnh khác cần vận dụng Thông tư 93 sao cho phù hợp, tức là tính hệ số K.
Thời gian qua, TP.HCM cũng có bước chuẩn bị để tới đây có thể điều chỉnh hệ số K xuống 1,3 - 2 lần. Chúng tôi đánh giá cao cách xử lý kịp thời của TP.HCM. Chúng tôi cũng mong rằng các địa phương khác cũng cần rút kinh nghiệm qua việc làm của TP.HCM trong tính toán hệ số K liên quan đến việc cấp “sổ đỏ” cho người dân.
* Thưa Bộ trưởng, nhiều ý kiến băn khoăn về việc vì sao Nhà nước có chính sách cho người dân nợ tiền sử dụng đất nhưng lại tính lãi chậm nộp cao, cụ thể là 0,05%/ngày, tương ứng với 18%/năm, cao hơn cả lãi vay sản xuất kinh doanh. Vì thế, người dân đã xin trả lại “sổ đỏ”, dù mọi thủ tục hành chính đã xong. Xin Bộ trưởng cho biết giải pháp nào đối với những trường hợp này?
- Trong Nghị định 120 của Chính phủ có quy định khi người dân chưa có đủ điều kiện về kinh tế thì có thể ghi nợ tiền sử dụng đất.
Việc ghi nợ được thực hiện trong 5 năm, người dân chỉ phải trả theo giá ở thời điểm cấp “sổ đỏ”. Từ thông tin trên có thể thấy ở một số địa phương, vấn đề ghi nợ chưa được triển khai hoặc người dân chưa biết được chính sách này để có thể làm đơn đề nghị ghi nợ.
Chúng tôi cho rằng, về phía các địa phương thì chính sách này người dân phải được biết, các cơ quan chuyên môn phải giải thích rõ cho người dân.
Tuy nhiên, tôi cũng đề nghị với người dân, trong trường hợp nếu điều kiện kinh tế cho phép thì không nên nợ, còn nếu có ghi nợ thì cố gắng trong 5 năm trở lại, vì sau 5 năm thì việc tính giá sẽ tính tại thời điểm nộp tiền thì sẽ rất khác.
* Một nhóm cán bộ, viên chức của văn phòng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở một tỉnh miền núi cho biết chỉ tiêu cấp giấy chứng nhận được giao cao gấp 2 lần những năm trước cộng lại nhưng kinh phí không có thêm, thậm chí kinh phí đo đạc cũng không có. Vậy họ phải làm thế nào để hoàn thành nhiệm vụ, thưa Bộ trưởng?
- Nhiệm vụ thì nặng như vậy nhưng kinh phí thì hết sức hạn hẹp, trong một vài năm gần đây, việc thu phí sử dụng đất đai rất ít, đặc biệt là tại các tỉnh trung du, miền núi. Trong thời gian qua, có một số tỉnh đã dành một khoản kinh phí hỗ trợ để cấp “sổ đỏ” nhưng đây chỉ là những tỉnh có điều kiện. Còn các tỉnh trung du, miền núi thì rất khó khăn.
Năm 2012, Chính phủ cũng có hỗ trợ 1.000 tỷ đồng cho 42 tỉnh, nhưng trong năm 2013 thì rất khó khăn, chúng tôi cũng chia sẻ với các tỉnh. Trong điều kiện khó khăn hiện nay, chúng tôi cũng cố gắng tìm mọi biện pháp để bàn với Bộ Tài chính và kiến nghị với Chính phủ, Quốc hội để hỗ trợ cho các tỉnh, vì đây là nguồn của Trung ương hỗ trợ cho địa phương chứ không có chương trình riêng. Vì vậy, phải tùy theo khả năng ngân sách Trung ương. Nhưng chúng tôi mong muốn Chính phủ và Quốc hội dành một khoản hỗ trợ nhất định trong cấp “sổ đỏ”, đặc biệt là trong năm 2013 và những năm tiếp theo cho những tỉnh tỷ lệ cấp sổ đạt quá thấp, đặc biệt là những tỉnh trung du, miền núi.
Chinhphu.vn
Các bản tin khác
- Thu hồi rừng để thực hiện dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp Tây Nam Suối Đá
- Mua nhầm đất quy hoạch
- Người nước ngoài mua nhà tại VN cần điều kiện gì?
- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự Lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2015
- Thuế nhập khẩu ô-tô sẽ giảm
- Chỉ có 32 trường hợp mua nhà ở chung cư
- Đà Nẵng yêu cầu các dự án chậm tiến độ phải báo cáo trước ngày 20/11
- Triển khai một số dự án công viên trên địa bàn thành phố
- Bất động sản nóng cuộc đua săn vốn ngoại
- Lập Hội đồng thẩm định điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020
- InterContinental Danang: Khu nghỉ dưỡng sang trọng bậc nhất Châu Á 2015
- Rầm rộ săn đất nông trại
- Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm!
- Di dời khu “ổ chuột” chợ Cồn: Dân ồ ạt bán nhà
- Căn hộ thông minh – Xu hướng nóng trên thị trường BĐS cao cấp
- Đường Phạm Hồng Thái: Tuyến phố ẩm thực đêm
- Hộ nợ tiền sử dụng đất tái định cư được cấp phép xây dựng nhà ở
- Được vay đến 80% trong 15 năm để mua nhà ở xã hội
- Sẽ có thêm chính sách hỗ trợ người dân mua nhà
- InterContinental Danang: Đạt danh hiệu "Khu nghỉ dưỡng sang trọng bậc nhất châu Á 2015"