Không được tham gia gói ưu đãi 30.000 tỷ nhưng các ngân hàng cổ phần cũng rục rịch vào cuộc đua cho vay mua nhà. Tuy nhiên, hầu hết các gói cho vay chỉ rơi vào các căn hộ ở những dự án trung và cao cấp.
Gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng cho người thu nhập thấp, công chức, viên chức đã được kích hoạt từ đầu tháng 6. Tuy nhiên, chỉ có 5 ngân hàng quốc doanh được chỉ định tham gia cho vay theo chương trình này với lãi suất ưu đãi không quá 6% một năm. Cũng từ cuối tháng 5, đầu tháng 6, khối các ngân hàng cổ phần bắt đầu tung những chương trình ưu đãi cho vay mua nhà ở một cách rầm rộ hơn hẳn trước kia.
Bên ngoài một chung cư nhà thu nhập thấp tại Hà Nội. Ảnh: Hoàng Hà.
Hầu hết lãi suất của các gói cho vay mua nhà này đều được quảng cáo là hấp dẫn, từ 6-9% một năm trong vài ba tháng hoặc một năm đầu tiên như VPBank hay thậm chí 0% như VietCapital Bank... Một số ngân hàng khác chủ động bắt tay với các dự án để bán chéo sản phẩm và cho vay ưu đãi. HDBank mời chào cho vay mua căn hộ Dragon Hill (TP HCM) với lãi suất 0%, ABBank cam kết cho vay mua chung cư Trường Thọ (TP HCM) lãi suất được quảng cáo "thấp hơn 3% lãi suất thông thường". Tương tự, mới đây SeaBank cũng cam kết cho vay mua căn hộ Beriver Long Biên (Hà Nội) lãi suất 8,8%.
DaiABank cũng vừa tuyên bố cán bộ công chức, viên chức và lực lượng vũ trang nhân dân thu nhập 4 triệu đồng một tháng có thể vay mua nhà tối đa trong 15 năm. Ngân hàng cũng cho phép thế chấp chính hợp đồng mua bán giữa khách và chủ đầu tư.
Không chỉ vậy, để đẩy mạnh lĩnh vực bán lẻ, nhiều ngân hàng cũng bắt đầu mượn "chiêu" triển khai gói cước nhắm tới từng đối tượng mà các hãng viễn thông đang áp dụng. VietBank vừa công bố 2 gói cho vay ưu đãi cho nhà giáo, bác sĩ. Không riêng gì VietBank, một số lãnh đạo ngân hàng cổ phần khác cũng bật mí sẽ theo chiêu này của các nhà mạng. "Cho vay ưu đãi từng ngành nghề, đối tượng - nhất là những người có thu nhập cao và biết cách tiêu tiền - là một lựa chọn tốt để phát triển tín dụng cá nhân hiện nay", phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần tại Hà Nội cho biết.
Trao đổi với VnExpress.net, hầu hết các lãnh đạo đều khẳng định mở rộng cho vay cá nhân, đặc biệt là vay mua nhà trong bối cảnh thị trường đang trầm lắng như hiện nay là bước đi chiến lược nếu muốn dẫn đầu trong lĩnh vực bán lẻ. Ông Phan Huy Khang - Tổng giám đốc Sacombank - cho biết trong 6 tháng đầu năm, cơ cấu dư nợ khách hàng cá nhân tăng trưởng khá tốt (khoảng 2%) trong khi tín dụng của cả ngân hàng tăng trưởng khoảng 4-5%.
Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần có thị phần lớn ở Hà Nội cũng cho biết tỷ trọng khách hàng cá nhân tại nhà băng này đang ngày một tăng lên. Tuy nhiên, ông Lê nói thêm phân khúc nhà cao cấp hiện nay rất khó bán nên những gói cho vay được thiết kế liên kết với những dự án trung cấp và bình dân thường nhận được nhiều quan tâm của khách hàng hơn cả.
Tuy nhiên, hầu như không có nhiều dự án nhà ở xã hội, giá rẻ trong những gói ưu đãi được các nhà băng trưng ra gần đây. Lý giải thực tế trên, nhiều chuyên gia cho rằng nguồn vốn để cho vay của khối cổ phần khác hoàn toàn với các ngân hàng quốc doanh - được ngân sách hỗ trợ trong gói vay mua nhà 30.000 tỷ. "Ngân hàng cũng là doanh nghiệp. Vì phải tự lực vốn nên rất khó yêu cầu họ chú trọng cho vay nhà thu nhập thấp. Thay vì thế, họ cần đầu tư vào nhóm khách hàng có thu nhập cao để tạo lợi nhuận", một chuyên gia phân tích.
Về phần mình, ông Đặng Bảo Khánh - Tổng giám đốc SeaBank - cho biết, nếu dùng vốn tự có hoặc vốn tự huy động chủ yếu ngắn hạn để cho vay mua nhà thì các ngân hàng cổ phần sẽ gặp những rủi ro lớn về cân đối kỳ hạn. "Hầu hết các khoản cho vay mua nhà đều 10-20 năm. Nguồn vốn cho vay dài hạn của chúng tôi không có nhiều nên phải lựa cơm gắp mắm", ông Khánh chia sẻ.
Thanh Thanh Lan
Theo vnexpress
Các bản tin khác
- Bán 100 căn hộ chung cư thu nhập cho cán bộ công chức
- BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP HÀ HÙNG CƯỜNG: TP.HCM là điển hình về xã hội hóa công chứng
- Bong bóng bất động sản còn tiếp tục xì hơi
- Cuối năm, căn hộ sẽ còn giảm giá?
- Một số vấn đề về công tác quản lý Đăng ký và Công chứng theo quy định của pháp luật Tây Ban Nha, kinh nghiệm cho Việt Nam trong quá trình nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật công chứng năm 2006
- Rắc rối số nhà
- MUA LẠI PHIẾU ĐẤT TÁI ĐỊNH CƯ VẪN ĐƯỢC HỖ TRỢ VAY VỐN
- Nhà băng vào cuộc đua giảm lãi suất
- Gắn mác vỡ nợ để bán nhà đất
- Hơn 714 tỷ đồng đền bù giải tỏa và tái định cư Dự án Phát triển bền vững TP Đà Nẵng
- Bất động sản “đóng băng”: Từ ông chủ trở thành nhân viên... giữ xe
- Chuyển giao sơ đồ quỹ đất để bố trí tái định cư cho các hộ giải toả
- Hưởng lợi từ xã hội hóa dịch vụ công chứng
- Hộ tái định cư vay vốn ngân hàng trả nợ tiền sử dụng đất như thế nào?
- Phê duyệt phương án bồi thường, tái định cư dự án khu ký túc xá sinh viên tập trung phía tây tại KCN Hòa Khánh
- Đà Nẵng: Doanh nghiệp được hỗ trợ vay vốn để tiếp tục triển khai dự án
- Rắc rối vì không biết người ủy quyền đã chết
- ĐỀ NGHỊ CÁC NGÂN HÀNG NHANH CHÓNG GIẢM LÃI SUẤT
- Thị trường BĐS đang diễn ra quá trình "chọn lọc tự nhiên"
- Đà Nẵng: Không cho chia nhỏ các lô đất lớn