Sự kiện Tòa án nhân dân quận 3 (Tp.HCM) đầu tuần này vừa tuyên buộc Công ty Quốc Cường Gia Lai phải bồi thường cho khách hàng số tiền 258 triệu đồng lãi phạt do chậm giao nhà đã mở ra một "tiền lệ" tốt trên thị trường bất động sản (BĐS) nhằm bảo vệ quyền lợi khách hàng mua nhà.
|
|||
|
|||
|
|||
Nhiều chuyên gia cho rằng thay vì “ăn vạ” chủ đầu tư, khách mua nên đưa các vụ tranh chấp ra tòa để đòi quyền lợi nếu không thỏa thuận được với chủ đầu tư. Tuy nhiên, trước khi ký hợp đồng mua nhà, khách hàng phải xem kỹ hợp đồng thay vì nhắm mắt ký vào những hợp đồng đã soạn sẵn.
Ra tòa để đòi quyền lợi Chị Nguyễn Thị Hồng (quận 5, Tp.HCM) cho biết đang hoàn tất các thủ tục pháp lý để khởi kiện Công ty CP xây dựng - đầu tư B, chủ đầu tư dự án một khu chung cư ở Bình Tân. Trước đó vào tháng 6/2011, chị Hồng ký hợp đồng với chủ đầu tư để mua một căn hộ dự án này, thời gian giao nhà theo hợp đồng là tháng 12/2011. Thế nhưng đến nay đã hơn một năm rưỡi sau thời hạn này, chị Hồng vẫn chưa nhận được nhà. “Trước khi quyết định mua nhà, tôi đến tận dự án thấy gần xong phần thô nên mới ký hợp đồng. Đến nay tôi đã thanh toán đủ 70% giá trị căn nhà, tương đương 900 triệu đồng nhưng chẳng nghe ai gọi giao nhà, tôi gọi điện đến thì cứ hẹn lần hẹn lữa. Bây giờ tôi quyết định khởi kiện ra tòa yêu cầu công ty này phải chịu trách nhiệm với các điều khoản trong hợp đồng” - chị Hồng nói. Theo luật sư của chị Hồng, trong hợp đồng có điều khoản nếu chậm giao nhà chủ đầu tư phải bồi thường theo lãi suất ngân hàng, nhưng lại thiếu điều kiện cho phép khách hàng đòi lại tiền. Điều bất hợp lý là trong bản hợp đồng chủ đầu tư soạn sẵn có thòng điều khoản “nếu khách thanh toán chậm sẽ bị mất hết số tiền đã trả”. Gia đình anh Huỳnh Thanh Liêm (Q.Thủ Đức, Tp.HCM) cũng cho biết sẽ đưa Công ty bất động sản T, chủ đầu tư một dự án căn hộ ở Bình Dương, ra tòa án để đòi quyền lợi. Đến thời điểm này, theo hợp đồng, chủ đầu tư đã giao nhà. Gia đình anh Liêm đã thanh toán cho chủ đầu tư 500 triệu đồng tiền mua căn hộ dự án này nhưng dự án vẫn chưa triển khai gì. “Một năm nay chúng tôi đã chạy tới chạy lui đòi tiền nhiều lần nhưng chủ đầu tư vẫn cứ chây ì không trả lại tiền cũng không triển khai” - anh Liêm nói. Theo anh Liêm, sau khi tòa tuyên án Công ty Quốc Cường Gia Lai phải bồi thường cho khách hàng do chậm giao nhà, gia đình anh cũng quyết định khởi kiện chủ đầu tư dự án T. Tuy nhiên, điều anh Liêm lo lắng là chẳng biết có đòi được tiền hay không sau khi thắng kiện, vì nhiều chủ đầu tư hiện nay không còn tiền.
Thị trường bất động sản sẽ minh bạch hơn
Ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM, cho rằng qua vụ án Quốc Cường Gia Lai phải bồi thường cho khách hàng sẽ mở ra nhiều vụ án khác tương tự vì hiện nay các tranh chấp dạng này rất nhiều. “Án lệ” này cũng là lời cảnh báo đối với các chủ đầu tư không giữ chữ tín, giúp thị trường bất động sản minh bạch hơn. “Thời gian qua người dân không dám khởi kiện vì các giao kết trong hợp đồng không có lợi cho khách hàng” - ông Châu nói. “Trong câu chuyện này có một phần lỗi của khách hàng là vào thời kỳ bất động sản “sốt nóng”, khách hàng chỉ chăm chăm làm sao mua được sản phẩm để “lướt sóng”, chuyển nhượng lại kiếm lời mà không chú ý đến các điều khoản của hợp đồng” - ông Châu cho biết. Thị trường bất động sản khó khăn, nhiều khách hàng mới quan tâm đến quyền lợi của mình, trong đó có vấn đề thời hạn giao nhà.
Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, thời gian qua khi xảy ra tranh chấp khách hàng chủ yếu chỉ “ăn vạ” chủ đầu tư mà ít đòi quyền lợi trước pháp luật. “Nếu hòa giải không thành, khách hàng nên kiện ra tòa án để đòi quyền lợi. Việc này thúc đẩy các công ty bất động sản đối xử một cách công bằng, đảm bảo quyền lợi của khách hàng” - ông Doanh nói. Tuy nhiên, ông Doanh cũng cảnh báo trong các hợp đồng được soạn sẵn, chủ đầu thường “thòng” nhiều khoản bất lợi cho khách hàng, nhất là với các hợp đồng góp vốn. Theo luật sư Hà Hải (Đoàn luật sư Tp.HCM), có nhiều lý do dẫn đến tranh chấp giữa khách hàng và chủ đầu tư, trong đó chủ yếu là giao nhà chậm và phần lớn lỗi này thuộc về chủ đầu tư. Tuy nhiên, phần lớn khách hàng không tìm hiểu kỹ hợp đồng nên gặp nhiều khó khăn khi đòi quyền lợi nếu có tranh chấp xảy ra, do chủ đầu tư khôn khéo “cài” vào hợp đồng một số điều khoản bất lợi cho khách hàng. “Hợp đồng mua bán loại này tuy có nội dung chủ đầu tư cam kết bồi thường do việc giao nhà chậm nhưng không rõ ràng, chung chung, không thể hiện rõ mức phạt cụ thể, nên khi tranh chấp phát sinh hai bên không thỏa thuận được khoản tiền bồi thường” - luật sư Hải nói. Và để bảo vệ quyền lợi của mình, trước khi đặt bút ký hợp đồng khách hàng nên cố gắng đạt được thỏa thuận về mức bồi thường cho các loại vi phạm dẫn đến việc chậm giao nhà. Trong trường hợp có tranh chấp xảy ra, nếu hai bên không thỏa thuận được mức bồi thường, khách hàng có thể khởi kiện ra tòa để đòi quyền lợi. |
|||
(Theo TTO)
|
Các bản tin khác
- Xây dựng trường học quốc tế
- Tăng cường công tác quản lý và sử dụng đất đai
- Rút ngắn thời gian cấp giấy chứng nhận sử dụng đất
- Dự kiến bỏ công chứng mua bán nhà đất: Rắc rối khi xảy ra tranh chấp
- Hai cấp xét xử vụ kiện mua bán nhà... trên giấy(?)
- Chính phủ đồng ý miễn thuế thu nhập cá nhân
- Có nên mua nhà, đất ở thời điểm này?
- Khác biệt khi mua nhà tại Canada và Việt Nam
- Những yếu tố cần thiết để ngôi nhà của bạn hợp phong thuỷ
- Đà Nẵng: Quy định mới về việc thu nợ tiền đất tái định cư
- Nhà đầu tư Hà Nội 'nhòm ngó' bất động sản miền Trung
- Đề nghị tăng diện tích tách thửa đất
- Quy định mới về thủ tục cấp GCN Quyền sử dụng đất
- Cấm chuyển nhượng đất nông nghiệp trên địa bàn quận Thanh Khê
- VinaLiving giới thiệu cụm biệt thự siêu cao cấp
- Thị trường BĐS tê liệt - Bài 2: Bong bóng chỉ xì chứ không nổ
- Xóa bỏ hình thức chia lô, bán nền ở các đô thị
- Công nghệ làm giả giấy tờ đất
- Đất nền Đà Nẵng sốt giá
- Trưởng văn phòng công chứng kiện người bỏ vốn