Tranh chấp, hai bên đều muốn giữ quyền làm chủ VPCC. Pháp luật về công chứng không quy định VPCC được tổ chức với sự tham gia của thành viên góp vốn.
TAND TP.HCM đang thụ lý một vụ tranh chấp giữa ông Đ. (Trưởng văn phòng công chứng (VPCC) T., nguyên đơn) và bà L. (đại diện chủ đầu tư, bị đơn). Đây là vụ tranh chấp kinh doanh thương mại đầu tiên liên quan đến VPCC ở TP.HCM kể từ khi các văn phòng này được phép hoạt động.
Thành lập trước, hợp tác sau
Theo đơn khởi kiện của ông Đ., VPCC T. được thành lập ngày 28-5-2009, đi vào hoạt động ngày 14-7-2009. Do thuê căn nhà của bà L. tại phường Tam Bình (quận Thủ Đức) để làm trụ sở văn phòng nên ông quen biết với bà L.
VPCC T. hoạt động được hơn một tuần thì ông và phía bà L. ký hợp đồng hợp tác. Nội dung bản hợp đồng này ghi rõ: Bên đầu tư lo thủ tục pháp lý cho việc bổ nhiệm công chứng viên, trình duyệt đề án thành lập VPCC. Bên đầu tư sẽ bỏ toàn bộ vốn để thành lập, tổ chức hoạt động cho VPCC với số vốn 700 triệu đồng. Lợi nhuận sau khi trừ chi phí sẽ được chia đôi cho chủ đầu tư và trưởng VPCC. Chủ đầu tư cùng tham gia quản lý, điều hành hoạt động VPCC. Trưởng VPCC chịu trách nhiệm về nghiệp vụ công chứng…
Quá trình hoạt động, các bên đã phát sinh mâu thuẫn trong việc quản lý tài chính, quản lý VPCC. Ông Đ. ngồi rà soát lại thì phát hiện các điều khoản thỏa thuận trong hợp đồng hợp tác vi phạm pháp luật. Cụ thể, ông cho rằng VPCC được thành lập theo loại hình DNTN theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Do đó, chủ đầu tư không thể nào lo thủ tục pháp lý để bổ nhiệm công chứng viên và thành lập VPCC được. DNTN do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp. Vì vậy, việc thỏa thuận cho phía bà L. đầu tư vào VPCC là trái pháp luật doanh nghiệp. Ngoài ra, pháp luật về công chứng và doanh nghiệp cũng không cho phép VPCC được tổ chức với sự tham gia của thành viên góp vốn...
Bên nào cũng muốn làm chủ
Từ đó, ông Đ. đã khởi kiện yêu cầu tòa tuyên hủy hợp đồng hợp tác đầu tư giữa hai bên. Ông Đ. khẳng định hợp đồng này có những mục đích, nội dung cơ bản vi phạm quy định của pháp luật và có sự nhầm lẫn khi ký kết.
Về việc này, bà L. lại trình bày khác. Theo đó, bà và ông Đ. quen biết từ trước nên hai bên cùng bàn bạc mở VPCC. Dựa trên sự tin tưởng, bà và hai người nữa đã đầu tư 700 triệu đồng để mua sắm máy móc, thiết bị. Ngoài ra, bà đã cải tạo nhà của mình để làm trụ sở VPCC. Ông Đ. với tư cách là trưởng VPCC sẽ chịu trách nhiệm về nghiệp vụ công chứng. Lợi nhuận thu về, sau khi trừ chi phí sẽ được chia đôi cho phía đầu tư và trưởng văn phòng.
Bà L. lý giải sở dĩ hợp đồng được ký sau ngày VPCC T. đi vào hoạt động là vì cả hai bên cùng lo tập trung hoàn tất công việc, sau đó mới có thời gian ngồi lại ký kết hợp đồng. “Việc điều khoản có ghi rằng chủ đầu tư lo thủ tục bổ nhiệm công chứng viên là do ông Đ. bận việc nên chúng tôi chuẩn bị giấy tờ hành chính cần thiết để nộp theo yêu cầu của pháp luật” - bà L. nói.
Theo bà L., hợp đồng hợp tác thể hiện ý chí của cả hai bên. Nếu ngay từ đầu, ông Đ. không đồng ý với những điều khoản thể hiện trong hợp đồng thì ông sẽ không ký. Bên cạnh đó, ông Đ. là một công chứng viên nên không thể nào có sự lừa dối hay sai trái trong bản hợp đồng mà ông không phát hiện ra. Trong quá trình VPCC T. hoạt động, bà không hề can thiệp vào chuyên môn nghiệp vụ của ông Đ. Vì vậy, khi xảy ra một số bất đồng, bà đã ngỏ lời với ông Đ. để cùng bàn bạc, đưa ra hướng giải quyết nhưng ông Đ. không đồng ý mà lại khởi kiện. Bà L. cho biết nếu ông Đ. không muốn hợp tác nữa thì cứ việc nghỉ, bà sẽ tiếp tục quản lý, duy trì hoạt động của VPCC T.
Chúng tôi sẽ thông tin tiếp khi có phán quyết của tòa.
Luật chỉ thừa nhận, cấp phép cho công chứng viên Trước đây, tại một VPCC tại Hà Nội cũng từng xảy ra mâu thuẫn giữa trưởng văn phòng và chủ đầu tư. Từ vụ tranh chấp này, nhiều chuyên gia pháp lý đã nhận định Luật Công chứng không quy định loại hình công ty cổ phần hay công ty TNHH đối với hoạt động công chứng. Do đó, việc các bên thỏa thuận với nhau về hình thức ăn chia, góp vốn... là việc của các bên, pháp luật không thừa nhận. Pháp luật chỉ thừa nhận, cấp phép hoạt động cho công chứng viên là người đứng đầu VPCC. Và công chứng viên đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi hoạt động của VPCC. |
TIẾN HIỂU
Nguồn: http://phapluattp.vn
Các bản tin khác
- Tăng thời hạn sử dụng giấy phép lái xe
- Nguy cơ ế vốn tín dụng hỗ trợ bất động sản
- Công bố thành lập Ban Tiếp công dân thành phố
- Xác định tiền sử dụng đất phải nộp khi chuyển mục đích sử dụng
- Đoàn công tác liên ngành khảo sát mô hình liên thông thủ tục công chứng, đăng ký quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và thuế tại Cộng hòa Algerie dân chủ và nhân dân
- Đề án Phát triển dịch vụ TP Đà Nẵng đến năm 2015, tầm nhìn đến 2020: Phải rà soát và hoàn thiện các tiểu đề án
- Tiếp tục sử dụng sân Vận động Chi Lăng đến tháng 4/2015
- Dân mong sớm có đất tái định cư
- Dân công sở lại bắt đầu lướt sóng bất động sản
- “Nếu luật sửa như vậy, không ai dám giao nhà”
- 6 tồn tại của pháp luật về bất động sản
- Làm rõ cơ chế bảo vệ người mua nhà
- Ngân hàng đồng loạt hạ lãi suất cho vay
- Nên mở rộng cửa cho người nước ngoài mua nhà
- Gỡ khó khăn về thuế cho doanh nghiệp
- Sẽ xây dựng chợ Hàn, chợ Cồn thành trung tâm thương mại lớn
- Đà Nẵng: Trên 80% hàng hóa tiêu thụ là hàng Việt
- Rủi ro khi mua nhà bằng giấy viết tay
- Luật Đất đai vào cuộc sống
- Xây sân bay Long Thành: Thiên thời - địa lợi - nhân hòa