Giao dịch nhà đất luôn liên quan đến những khoản tiền lớn, đồng thời có thể xảy ra nhiều rủi ro với cả người mua lẫn người bán, dẫn đến giao dịch không thành công, thậm chí còn làm hao tổn tiền bạc...
Thỏa thuận xong giá mua bán căn nhà hẻm ở Q.Phú Nhuận (TP.HCM) là 3,2 tỉ đồng, chị Ngân, người mua nhà, mới đề nghị được xem giấy tờ gốc thì chủ nhà cho hay giấy tờ nhà đang cầm cố ở ngân hàng. Chủ nhà đề nghị chị Ngân đặt cọc mua nhà 500 triệu đồng, bằng số tiền đang nợ ngân hàng, để họ lấy giấy tờ ra. Sau khi tham khảo ý kiến người thân và bạn bè, chị Ngân dù tiếc, vì chọn được căn nhà ưng ý, giá rẻ, nhưng vẫn quyết định không mua căn nhà này. “Xét về tính pháp lý, ngân hàng nhận thế chấp căn nhà thì phần nào mình cũng an tâm là nhà đã có đầy đủ giấy tờ. Thế nhưng mình đâu biết thực sự họ đang nợ ngân hàng bao nhiêu, nếu đặt cọc 500 triệu mà vẫn không lấy được giấy tờ nhà ra thì sao mua bán? Chưa kể, nhà đang thế chấp thì việc chuyển nhượng có thể bị hạn chế, việc đặt cọc mua căn nhà liệu có được công nhận...”, chị Ngân chia sẻ.
Săn nhà thế chấp ngân hàng - Ảnh: D.Đ.Minh |
Những lo lắng của chị Ngân không hề quá, bởi thực tế đã xảy ra rất nhiều trường hợp tương tự, dẫn đến việc mua bán kéo dài, thậm chí không thành. Lúc đó, người mua đòi lại tiền cọc cũng trần ai.
Một thực tế trong giao dịch nhà đất là thường người mua đặt cọc khoảng 10% giá trị căn nhà, sau khi ra công chứng xong mới trả hết phần còn lại, người bán giao giấy tờ. Đã có trường hợp công chứng hợp đồng xong xuôi, người mua mới cho biết không đủ tiền thanh toán hết toàn bộ theo thỏa thuận và xin... “phần còn thiếu trả sau”. Về pháp lý, hợp đồng đã công chứng tức việc mua bán đã xong, chỉ còn chờ... sang tên đổi chủ. Nếu không thực hiện tiếp hợp đồng chỉ có cách xin hủy công chứng, chấp nhận mất phí công chứng; còn nếu thực hiện tiếp thì không thể biết trước bên mua có thanh toán tiền theo đúng cam kết hay không...
Sử dụng trung gian
Theo giám đốc chi nhánh một ngân hàng ở TP.HCM, vẫn có cách giải quyết với trường hợp căn nhà đã được thế chấp và kể cả người mua có nhu cầu thế chấp chính căn nhà mua để vay vốn, trả tiền thanh toán căn nhà này, đó là ngân hàng sẽ làm đơn vị trung gian trong giao dịch. Khi đó, người mua, người bán và ngân hàng sẽ ký một hợp đồng thỏa thuận 3 bên. Bên mua phải nộp một khoản tiền vào tài khoản của ngân hàng (mà bên bán đang nợ). Khi ra công chứng mua bán nhà, ngân hàng sẽ thu hồi khoản mà bên bán đang nợ và trả lại phần còn dư cùng giấy tờ nhà đất đang cầm cố.
Hiện nay, hầu hết các ngân hàng đều thực hiện dịch vụ trung gian thanh toán mua bán bất động sản, không những với trường hợp nhà đang cầm cố thế chấp mà còn với các giao dịch nhà đất bình thường khác. Khi đó, hai bên mua bán cùng đến ngân hàng để được tư vấn và tiến hành ký hợp đồng ủy nhiệm thanh toán tiền chuyển nhượng bất động sản; bên bán giao giấy tờ chủ quyền bản chính cho ngân hàng; bên mua nộp tiền một lần hoặc nhiều lần (tùy theo thỏa thuận của hai bên và được thể hiện trong hợp đồng ủy nhiệm thanh toán) vào tài khoản đảm bảo thanh toán của ngân hàng... Trong quá trình mua bán, ngân hàng có vai trò như “trọng tài”, đảm bảo việc mua bán, thanh toán, giao nhà đúng theo các điều kiện thỏa thuận. Trường hợp phát sinh trục trặc về pháp lý, hầu hết các ngân hàng đều có các chuyên viên tư vấn cách giải quyết hoặc trợ giúp pháp lý khi được yêu cầu.
Tuy nhiên, lưu ý là các dịch vụ này ngân hàng đều có thu phí, mức phí tùy theo ngân hàng nhưng thường ở mức khoảng 0,2% giá trị giao dịch. Ngoài ra, khi mua bán thông qua ngân hàng, giá bất động sản sẽ phải ghi rõ ràng trong hợp đồng công chứng. Trong khi đó, thực tế nhiều trường hợp hai bên thỏa thuận giá mua bán ghi trên hợp đồng thấp hơn nhiều giá mua bán thực, nhằm né thuế thu nhập cá nhân (2% trên giá bán hay 25% trên lợi nhuận, nếu người bán có 2 căn nhà trở lên) và phí công chứng (tính trên giá trị giao dịch ghi trong hợp đồng)... “Chính vì thực tế này mà dịch vụ thanh toán qua ngân hàng chưa được nhiều người sử dụng”, một cán bộ ngân hàng nhìn nhận.
Thanh Xuân
Theo Thanh Niên
Các bản tin khác
- Đà Nẵng đề nghị xây dựng tuyến hành lang kinh tế Đông-Tây 2 từ nguồn vốn ODA
- Đột phá từ khai thác quỹ đất
- Lãi suất cho vay vẫn khó giảm, vì sao?
- Tạm dừng cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất một số trường hợp
- Phong thủy: Bài trí phòng ngủ thế này, vợ chồng trăm năm hạnh phúc
- Sở hữu đất biển trục Tây Bắc Đà Nẵng từ 230 triệu đồng
- 10 ôtô bán chạy nhất tháng 11/2016
- “Cú đấm” nhà giá thấp
- Trồng cây theo phong thủy để hút tài lộc
- Khu vườn ấn tượng với con đường đá nghệ thuật
- Bố trí hồ nước, sông đào tại dự án bất động sản ra sao cho hợp phong thuỷ?
- Thị trường căn hộ cao cấp: "Cuộc đua" chưa có điểm dừng
- Alphanam cam kết lãi tới 700 triệu/năm tại dự án Luxury Apartment
- Xây dựng chính sách phát triển quy hoạch đô thị bền vững, thân thiện môi trường
- Đà Nẵng sẽ có quảng trường trung tâm sát bờ sông Hàn
- Thi tuyển quy hoạch, kiến trúc Quảng trường trung tâm Đà Nẵng
- Ngân hàng Thế giới hỗ trợ Đà Nẵng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, chia sẻ kinh nghiệm hoạch định chính sách phát triển
- Doanh nghiệp bất động sản đang làm gì cho cuộc chơi lớn?
- Đến Bà Nà Hills, đón giáng sinh diệu kỳ
- Nợ tiền sử dụng đất, có được bán đất?