(Cadn.com.vn) - Mặc dù khá nhiều hồ sơ xin vay vốn để mua, thuê nhà ở xã hội theo gói hỗ trợ 30 ngàn tỷ đồng của Chính phủ được gửi tới các ngân hàng (NH) ở Đà Nẵng, song tới nay chỉ có vài hồ sơ cá nhân được duyệt. Để tháo gỡ những vướng mắc, chiều 2-7, lãnh đạo TP Đà Nẵng, các NH, DN đã cùng ngồi lại để tìm giải pháp.
Cập nhật : 03/07/2013 09:31
Bà Lê Thị Thanh Toàn - Phó Giám đốc NH Công Thương chi nhánh Ngũ Hành Sơn – Đà Nẵng cho biết, hiện có 6 hồ sơ cá nhân xin vay vốn mua nhà ở xã hội, tuy còn nhiều vướng mắc về thủ tục song đơn vị đã linh động giải quyết cho 2 hồ sơ. Tương tự, NH Ngoại thương Đà Nẵng cũng linh động giải ngân cho 3 hồ sơ trong số 12 hồ sơ gửi đến. Như vậy kể từ khi triển khai gói này (11-6), tới nay các NH ở Đà Nẵng đã tiếp nhận khoảng 120 hồ sơ (Agribank Đà Nẵng nhiều nhất với 60 hồ sơ) nhưng mới có 5 hồ sơ cá nhân được giải ngân. Ông Đoàn Phúc – PGĐ Agribank Đà Nẵng cho hay trong thời gian tới sẽ giải ngân hết cho 60 hồ sơ này. Bởi vì đối tượng vay này phần lớn trong danh sách UBND TP đã duyệt đủ điều kiện mua căn hộ thu nhập thấp. Ông Phúc nói, gói hỗ trợ này quy định lãi suất 6%, thời hạn cho vay 10 năm, nhưng ở Agribank Đà Nẵng thời hạn có thể kéo dài tới 15 năm, thuận lợi cho nhiều người vay.
|
NH, DN và lãnh đạo TP cùng tìm cách gỡ khó để giải ngântừ gói hỗ trợ 30 ngàn tỷ đồng.
|
Giải thích về nhiều hồ sơ gửi tới nhưng chưa giải ngân được, đại diện các NH cho biết do vướng ở quy định thủ tục, tiêu chí đánh giá. Bà Toàn nói, đối tượng cho vay là người thu nhập thấp, nhưng tiêu chí như thế nào là thu nhập thấp thì không xác định được. Nếu đối tượng là công chức, lực lượng vũ trang hưởng lương ngân sách Nhà nước thì dễ, nhưng với đối tượng lao động tự do, kinh doanh cá thể, xác định thu nhập thế nào là thấp rất khó. Vì đây là gói hỗ trợ của Chính phủ, nếu việc xác định đối tượng cho vay không chính xác, khi đưa hồ sơ lên NHNN không duyệt, thì NH lấy tiền đâu để bù lãi suất? Ông Phúc thì cho rằng, cái vướng ở chỗ hiện chưa cấp được sổ đỏ cho nhà ở xã hội nên không thể dùng đó là tài sản thế chấp, không thể công chứng, NH muốn cho vay cũng ngại rủi ro.
|
Tương tự, đại diện SunGroup, đơn vị đang triển khai 3 block nhà ở xã hội, (mỗi block 10 tầng) cho biết TP cần hướng dẫn cách cấp sổ đỏ cho từng căn hộ để chủ đầu tư yên tâm có tài sản thế chấp. Đại diện Liên danh Đức Mạnh- 579 cho rằng, theo công văn mới nhất của Bộ Xây dựng, đối tượng vay gói này không nhất thiết phải là người thu nhập thấp, mà chỉ cần thỏa mãn các tiêu chí như chưa có nhà ở, có nhà ở dưới 5m2/người, đang cư trú tại địa phương... là đủ. Riêng ở Đà Nẵng, để duyệt được vay còn phải có danh sách xác nhận của UBND TP có đúng đối tượng được mua nhà ở xã hội không. Như vậy, về đối tượng cho vay đã chặt chẽ, đủ điều kiện rồi, các NH không phải tốn thời gian thẩm định lại đối tượng nữa cho chồng lấn, mà chỉ cần thẩm định có đủ điều kiện trả nợ không là đủ.
Vicoland còn nợ TP 56 căn hộ
Mặc dù nhận hết tiền từ đầu năm 2012 (khoảng 1,5 năm) nhưng tới nay Vicoland mới giao cho TP 44 căn hộ thu nhập thấp trong tổng số 100 căn hộ mà TP mua. Với mức giá mua vào 5 triệu đồng/m2, mỗi căn 300 triệu đồng, TP cũng bán ra cho công chức bằng giá mua vào. Tuy nhiên, việc bán rất khó khăn, tới nay vẫn chưa hết 44 căn, một phần lý do chất lượng của căn hộ “có vấn đề”.
|
Phó Chủ tịch Thường trực TP Đà Nẵng Võ Duy Khương cho biết gói hỗ trợ 30 ngàn tỷ đồng này nhằm góp phần phá băng bất động sản, hỗ trợ DN, người dân trong điều kiện ngân sách rất khó khăn. Ở Đà Nẵng chủ trương này đã được triển khai xuống các NH, DN, người dân, song tiến độ giải ngân còn hạn chế do một số vướng mắc. Rút kinh nghiệm từ những gói hỗ trợ trước, lần này ở Đà Nẵng phải triển khai nhanh cố gắng mỗi tháng giải ngân từ 500-700 tỷ đồng. Theo Phó Chủ tịch Võ Duy Khương, đối tượng để vay mua nhà xã hội từ gói hỗ trợ này, ngoài các tiêu chí như chưa có nhà ở hoặc có nhưng dưới 5m2/người, cư trú tại địa phương, thì phải thu nhập thấp, tức là thu nhập chưa đủ để đóng thuế thu nhập. Với các DN thực hiện nhà ở xã hội (được vay 9 ngàn tỷ đồng) cần báo cáo cụ thể danh sách những dự án đã được phê duyệt, đã triển khai, đã hoàn thành... để trình Bộ Xây dựng, thông báo cho các NH biết để thẩm định cho vay. Theo chỉ đạo của Phó Chủ tịch Võ Duy Khương, các NH trên địa bàn TP cần bớt thủ tục rườm rà, dù biết rằng chậm, chắc sẽ an toàn cho NH, nhưng chậm quá cơ hội từ gói hỗ trợ sẽ trôi qua, gây bất lợi do người dân, DN.
Hải Hậu
Các bản tin khác
- Đà Nẵng: Ra mắt giai đoạn 2 dự án Kim Long City - Khu E
- Bốn bộ bàn pháp lý condotel
- Lý do người Việt thích gom mua đất
- Bàn cách gỡ khó cho condotel
- Hoán đổi, thu hồi các khu đất, dự án để phục vụ công cộng
- Sớm nghiên cứu, triển khai khu vui chơi giải trí về đêm
- Xu hướng thị trường bất động sản 2018–2019: 3 cơ hội , 4 thách thức, 5 xu hướng
- Thị trường bất động sản: Minh bạch... là vàng
- Dự án di dời ga Đà Nẵng: Còn nhiều khúc mắc
- Giá đất tái định cư tại một số dự án
- Sớm triển khai dứt điểm các dự án tồn đọng
- Giáo sư đại học Harvard nói gì về bất động sản Việt Nam?
- Luật sư mách nước để tránh chuyện "mua đầu dê, nhận thịt chó" khi nhận bài giao căn hộ
- CEO ngoại nêu 3 lý do khiến condotel hấp dẫn
- Đà Nẵng kêu gọi “Hiến kế xây dựng thành phố thông minh"
- Hoa tươi và quà tặng hút khách dịp 8-3
- Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 ra đời như thế nào?
- Nhiều điểm mới tại lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2018
- Ưu đãi chưa từng có dành tặng du khách vui chơi Sun World Danang Wonders
- “Bỏng tay” tại dự án Halla Jade Residence Đà Nẵng