Vì cả tin cho mượn sổ đỏ thế chấp ngân hàng, không ít gia đình đối mặt nguy cơ vô gia cư khi người quen nhận tiền rồi cao chạy xa bay.
Ông Vương Duy Thành (Từ Liêm, Hà Nội) cho biết thửa đất hơn 80 m2 sở hữu đang vướng vào vụ rắc rối, do cho mượn sổ đỏ để vay "ké" tiền ngân hàng. Năm 2012, ông Thành và bà Lê Thị Kim Thanh (Hà Nội) cùng ký hợp đồng ba bên tại phòng công chứng để bà Thanh đứng tên vay gần 2 tỷ đồng của ngân hàng.
Theo thỏa thuận giữa hai người, ông Thành được vay ké 40% số tiền này. Tuy nhiên, sau khi vay được tiền thì bà Thanh bỏ trốn. Cho tới khi ngân hàng chuẩn bị các thủ tục thu hồi nhà gia đình ông Thành mới té ngửa vì chưa nhận được đồng nào từ bà Thanh. "Gần đây ngân hàng cho biết khoản nợ cả gốc và lãi đã lên tới 2,3 tỷ đồng", ông Thành cho hay.
Nhiều khoản vay tại các ngân hàng có tài sản đảm bảo là nhà, đất của bên thứ ba. |
Gia đình ông Quang (Tây Hồ, Hà Nội) cũng đang lo lắng cho mảnh đất 700 mét vuông trị giá gần 20 tỷ đồng của nhà mình. Ông không có ý định vay ké, chỉ muốn bán đất để trang trải các khoản chi trong gia đình. Một công ty môi giới biết nhu cầu này đã trả giá cao hơn, nhanh chóng đặt cọc 200 triệu đồng với điều kiện ông Quang ký giấy đồng ý cho bên mua đem sổ đỏ thế chấp ngân hàng. Bên mua giải thích, họ không có tiền mặt, phải vay ngân hàng mới có nguồn thanh toán ngay cho ông. Mà muốn vay ngân hàng, họ cần thế chấp chính ngôi nhà sắp mua của ông.
Nhiều khoản vay tại các ngân hàng có tài sản đảm bảo là nhà, đất của bên thứ ba.
Một phần đã lớn tuổi, dễ tin người, phần vì không hiểu rõ các quy định nên ông Quang đồng ý viết giấy tờ sang tên và cho phép mang sổ đỏ đi thế chấp ngân hàng. Dù người mua chưa "mất tích" hay bỏ trốn nhưng trường hợp này được nhiều cán bộ pháp chế của các ngân hàng nhận định rủi ro rất lớn.
Luật sư Nguyễn Thị Phương - Phó giám đốc Trung tâm Pháp chế Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho rằng hầu hết các tài sản đảm bảo khoản vay hiện nay ở ngân hàng đều là của bên thứ ba, không phải của người trực tiếp đứng tên vay. Đây cũng là những vướng mắc mà nhiều nhà băng gặp phải khi xử lý tài sản đảm bảo.
Trao đổi với VnExpress.net, nhiều luật sư cho rằng, trong những tình huống này, chính các nạn nhân cũng có những sai sót khi chưa tìm hiểu kỹ lưỡng. Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế của Hiệp hội Ngân hàng cho biết: "Tất cả những trường hợp cho mượn sổ đều vì tin tưởng, yên tâm người vay không lừa mình nhưng thực tế lại ngược lại".
Ông Đức cũng cho rằng trong câu chuyện này, văn phòng công chứng cần phải làm đúng trách nhiệm của mình. "Phải kiểm tra, giải thích kỹ được sự tự nguyện và tự thỏa thuận của những người dân nếu ký hợp đồng này. Tôi e đến 70-80% người dân không biết là có thể mất trắng ngôi nhà", ông Đức lo ngại.
Theo bà Phương, rất nhiều người dân không tìm hiểu và đọc kỹ lưỡng hợp đồng trước khi đặt bút ký. "Nhìn chung người dân phải đọc thật kỹ các điều khoản vì ngay trong hợp đồng cũng có nhiều chỗ cài cắm. Rất nhiều người dễ dàng đồng ý trong khi không hiểu những rủi ro có thể xảy ra như mất nhà khi người vay không trả được nợ. Nếu có nhu cầu vay tiền thực sự và có mảnh đất thế chấp, cứ mạnh dạn đến ngân hàng chúng tôi sẵn sàng hướng dẫn", bà Phương khuyến cáo.
Một cán bộ pháp chế tại Ngân hàng Quốc tế (VIB) cũng thừa nhận các ngân hàng rất khổ với những trường hợp vay chung hay cho mượn sổ đỏ kiểu này. Theo anh, phần lớn các cán bộ thẩm định không biết rằng có sự việc trên. "Đó hoàn toàn là những thỏa thuận dân sự giữa bên vay và người có sổ đỏ. Theo quy định, tài sản đảm bảo phải không có tranh chấp, không có mua bán, nên nếu hai bên tự viết những giấy tờ đặt cọc, các hợp đồng mua - bán nào đó với nhau thì ngân hàng không thể biết được", cán bộ này cho biết.
Trên thực tế, nhiều ngân hàng đưa ra những quy định khá chặt chẽ với các khoản vay có tài sản đảm bảo của bên thứ ba. "Một số ngân hàng chỉ chấp nhận với người trong gia đình, tứ thân phụ mẫu... để giảm thiểu rủi ro, tranh chấp phát sinh", một cán bộ pháp chế cho biết. Thế nhưng, Luật sư Trương Thanh Đức còn cho rằng cũng có những trường hợp cán bộ thẩm định biết rõ những tình tiết này nhưng vì nhiều lý do nên đã "nhắm mắt" bỏ qua.
Các bản tin khác
- Hướng dẫn thẩm quyền về công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người SDĐ, nhà ở
- Nở rộ triển lãm bất động sản
- Đại gia Việt với cuộc chơi bất động sản hạng sang
- Cơ hội chiết khấu 7% tại đô thị sinh thái Hòa Xuân
- Cơ hội cuối để sở hữu "Tuyệt tác bên bờ biển"
- Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân: Không gian sống lý tưởng
- Nhà vừa túi tiền, nhu cầu thực sự chưa bao giờ hết "nóng"
- Gói hỗ trợ 30.000 tỷ có thể sẽ hết vào tháng 4-2016
- Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân: Chốn đi về của người Đà Nẵng
- Phấn đấu thành lập Hiệp hội công chứng quốc gia trong năm 2016
- "Khó có thể xảy ra bong bóng bất động sản"
- Bất động sản cháy hàng, dự án khu đô thị sinh thái Hòa Xuân mở bán sớm hơn dự kiến
- Nhà đầu tư nước ngoài với cuộc chơi bất động sản đỉnh cao
- Sức hút của Dự án Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân
- Hơn 3.500 tỷ đồng xây dựng nhà ga hàng không quốc tế Đà Nẵng
- Giá đất Đà Nẵng tăng mạnh
- Nở rộ căn hộ officetel
- Giá nhà đất vẫn cao so với thu nhập người dân
- Đăng ký trực tuyến về bất động sản sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế - xã hội
- Thực hiện các bước thu hồi một số dự án ven biển