Vì cả tin cho mượn sổ đỏ thế chấp ngân hàng, không ít gia đình đối mặt nguy cơ vô gia cư khi người quen nhận tiền rồi cao chạy xa bay.
Ông Vương Duy Thành (Từ Liêm, Hà Nội) cho biết thửa đất hơn 80 m2 sở hữu đang vướng vào vụ rắc rối, do cho mượn sổ đỏ để vay "ké" tiền ngân hàng. Năm 2012, ông Thành và bà Lê Thị Kim Thanh (Hà Nội) cùng ký hợp đồng ba bên tại phòng công chứng để bà Thanh đứng tên vay gần 2 tỷ đồng của ngân hàng.
Theo thỏa thuận giữa hai người, ông Thành được vay ké 40% số tiền này. Tuy nhiên, sau khi vay được tiền thì bà Thanh bỏ trốn. Cho tới khi ngân hàng chuẩn bị các thủ tục thu hồi nhà gia đình ông Thành mới té ngửa vì chưa nhận được đồng nào từ bà Thanh. "Gần đây ngân hàng cho biết khoản nợ cả gốc và lãi đã lên tới 2,3 tỷ đồng", ông Thành cho hay.
Nhiều khoản vay tại các ngân hàng có tài sản đảm bảo là nhà, đất của bên thứ ba. |
Gia đình ông Quang (Tây Hồ, Hà Nội) cũng đang lo lắng cho mảnh đất 700 mét vuông trị giá gần 20 tỷ đồng của nhà mình. Ông không có ý định vay ké, chỉ muốn bán đất để trang trải các khoản chi trong gia đình. Một công ty môi giới biết nhu cầu này đã trả giá cao hơn, nhanh chóng đặt cọc 200 triệu đồng với điều kiện ông Quang ký giấy đồng ý cho bên mua đem sổ đỏ thế chấp ngân hàng. Bên mua giải thích, họ không có tiền mặt, phải vay ngân hàng mới có nguồn thanh toán ngay cho ông. Mà muốn vay ngân hàng, họ cần thế chấp chính ngôi nhà sắp mua của ông.
Nhiều khoản vay tại các ngân hàng có tài sản đảm bảo là nhà, đất của bên thứ ba.
Một phần đã lớn tuổi, dễ tin người, phần vì không hiểu rõ các quy định nên ông Quang đồng ý viết giấy tờ sang tên và cho phép mang sổ đỏ đi thế chấp ngân hàng. Dù người mua chưa "mất tích" hay bỏ trốn nhưng trường hợp này được nhiều cán bộ pháp chế của các ngân hàng nhận định rủi ro rất lớn.
Luật sư Nguyễn Thị Phương - Phó giám đốc Trung tâm Pháp chế Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho rằng hầu hết các tài sản đảm bảo khoản vay hiện nay ở ngân hàng đều là của bên thứ ba, không phải của người trực tiếp đứng tên vay. Đây cũng là những vướng mắc mà nhiều nhà băng gặp phải khi xử lý tài sản đảm bảo.
Trao đổi với VnExpress.net, nhiều luật sư cho rằng, trong những tình huống này, chính các nạn nhân cũng có những sai sót khi chưa tìm hiểu kỹ lưỡng. Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế của Hiệp hội Ngân hàng cho biết: "Tất cả những trường hợp cho mượn sổ đều vì tin tưởng, yên tâm người vay không lừa mình nhưng thực tế lại ngược lại".
Ông Đức cũng cho rằng trong câu chuyện này, văn phòng công chứng cần phải làm đúng trách nhiệm của mình. "Phải kiểm tra, giải thích kỹ được sự tự nguyện và tự thỏa thuận của những người dân nếu ký hợp đồng này. Tôi e đến 70-80% người dân không biết là có thể mất trắng ngôi nhà", ông Đức lo ngại.
Theo bà Phương, rất nhiều người dân không tìm hiểu và đọc kỹ lưỡng hợp đồng trước khi đặt bút ký. "Nhìn chung người dân phải đọc thật kỹ các điều khoản vì ngay trong hợp đồng cũng có nhiều chỗ cài cắm. Rất nhiều người dễ dàng đồng ý trong khi không hiểu những rủi ro có thể xảy ra như mất nhà khi người vay không trả được nợ. Nếu có nhu cầu vay tiền thực sự và có mảnh đất thế chấp, cứ mạnh dạn đến ngân hàng chúng tôi sẵn sàng hướng dẫn", bà Phương khuyến cáo.
Một cán bộ pháp chế tại Ngân hàng Quốc tế (VIB) cũng thừa nhận các ngân hàng rất khổ với những trường hợp vay chung hay cho mượn sổ đỏ kiểu này. Theo anh, phần lớn các cán bộ thẩm định không biết rằng có sự việc trên. "Đó hoàn toàn là những thỏa thuận dân sự giữa bên vay và người có sổ đỏ. Theo quy định, tài sản đảm bảo phải không có tranh chấp, không có mua bán, nên nếu hai bên tự viết những giấy tờ đặt cọc, các hợp đồng mua - bán nào đó với nhau thì ngân hàng không thể biết được", cán bộ này cho biết.
Trên thực tế, nhiều ngân hàng đưa ra những quy định khá chặt chẽ với các khoản vay có tài sản đảm bảo của bên thứ ba. "Một số ngân hàng chỉ chấp nhận với người trong gia đình, tứ thân phụ mẫu... để giảm thiểu rủi ro, tranh chấp phát sinh", một cán bộ pháp chế cho biết. Thế nhưng, Luật sư Trương Thanh Đức còn cho rằng cũng có những trường hợp cán bộ thẩm định biết rõ những tình tiết này nhưng vì nhiều lý do nên đã "nhắm mắt" bỏ qua.
Các bản tin khác
- Vicoland bàn giao 140 sổ hồng cho khách hàng mua chung cư
- Đơn giản hóa TTHC 15 lĩnh vực ngành tư pháp
- Kỳ họp thứ 4 HĐND thành phố khóa IX: Phát triển đô thị, tạo động lực đột phá
- Giá đất một số khu tái định cư mới
- Vì sao chấm dứt chuyển nhượng chung cư diện giải tỏa?
- Thị trường bất động sản: Đủ chiêu "câu khách"
- Vì sao giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản chậm?
- Tổ hợp giải trí 11.000 tỷ tại Đà Nẵng sắp vận hành
- 9,5 tỷ đồng cải tạo nút giao thông Nguyễn Hữu Thọ-Lê Đại Hành-Trịnh Đình Thảo
- Xây dựng đường hầm chui qua đường Trường Sa kết nối dự án The Empire
- “Giải mã” sức hút của Coco Ocean-Spa Resort
- Khu nghỉ dưỡng 3.500 tỷ đồng hướng biển tại Quảng Nam
- Làm giàu từ bất động sản, không dễ như quảng cáo
- Ưu tiên, hỗ trợ cho các hộ dân Cồn Dầu chấp thuận giải tỏa, bàn giao mặt bằng sớm
- Rủi ro khi mua bán đất còn nợ thổ cư
- Bất động sản nghỉ dưỡng đối mặt thách thức chưa từng có
- Bất động sản nghỉ dưỡng: Cơ hội lớn, rủi ro lớn
- Đà Nẵng: Khách du lịch tăng cao, bất động sản hưởng lợi
- VNE chuyển nhượng dự án VNECO Plaza tại Đà Nẵng
- Đà Nẵng điều chỉnh và thông qua một số dự án kiến trúc quy hoạch quan trọng