Ngày 12-7, UBND thành phố tố chức Hội thảo các ý tưởng xây dựng Đà Nẵng lần thứ 2 với chủ đề “Phát triển Đà Nẵng trở thành thành phố mang tầm vóc khu vực ASEAN và châu Á: Từ ý tưởng đến giải pháp” với mục đích tham khảo ý kiến của các nhà hoạch định chính sách, nhà khoa học, chuyên gia kinh tế, các nhà đầu tư, doanh nhân … trong và ngoài nước trong việc xây dựng Đà Nẵng ngày một phát triển hơn.
Tại Hội thảo này, nhiều ý tưởng về xây dựng Đà Nẵng từng bước trở thành một đô thị ngang tầm với các đô thị hiện đại trong khu vực và nhấn mạnh đến đặc trưng của một “đô thị đáng sống” hay “thành phố sống tốt” đã được các đại biểu tham dự tập trung thảo luận.
Nhiều khó khăn, thách thức
Theo TS. Trần Du Lịch - Trưởng nhóm Tư vấn hợp tác phát triển Vùng duyên hải miền Trung, trong những năm gần đây, do tác động không thuận lợi của kinh tế vĩ mô, đặc biệt là sự ảm đạm và trì trệ của thị trường bất động sản, sự khó khăn của các doanh nghiệp…nên tốc độ đầu tư của Đà Nẵng có chậm lại. Thế nhưng, thành phố vẫn là điểm sáng so với bức tranh kinh tế chung của cả nước về sự năng động trong phát triển, vẫn là điểm hấp dẫn về đầu tư và du lịch. Trong chặng đường 15 năm qua, Đà Nẵng là một trong số ít đô thị biết tận dụng quỹ đất, quá trình đô thị hóa là “con gà đẻ trứng vàng” và phát triển hạ tầng đô thị có bộ mặt đẹp như hôm nay, điều mà rất nhiều đô thị của Việt Nam chưa làm được. Vấn đề đặt ra là trong thời gian tới, Đà Nẵng sẽ tiếp tục khai thác “quả trứng vàng” này như thế nào và nguồn tài chính trong quá trình xây dựng đô thị sắp tới là gì? Liệu Đà Nẵng có thể sử dụng các loại hình đầu tư như PPP (hợp tác công - tư), các loại hình khác để có được những công trình lớn hơn nữa so với những gì Đà Nẵng đã làm được? Để Đà Nẵng trở thành một đô thị ngang tầm với các đô thị hiện đại trong khu vực và thật sự như một “viên kim cương” tỏa sáng trên bờ biển Đông, ra thế giới”, và để có thể biến ý tưởng trở thành hiện thực thì nhiệm vụ của thành phố còn hết sức nặng nề và có nhiều thử thách trong vài thập niên tới.
TS. Trần Du Lịch phát biểu tại Hội thảo
Hiện nay, Đà Nẵng đã định hướng phát triển trở thành một trung tâm dịch vụ, du lịch và công nghệ có giá trị kỹ thuật cao, giá trị gia tăng cao. Trên cơ sở đó, tất cả các giải pháp phải được đặt ra và triển khai để có một đô thị có chất lượng phát triển bền vững theo hướng có tiềm năng cạnh tranh với giá trị gia tăng cao trên mọi mặt, không chỉ với các trung tâm dịch vụ và du lịch trong nước mà còn trên thế giới. Đà Nẵng được xây dựng dựa trên triết lý là “thành phố sống tốt”, muốn tuân thủ vậy phải xây dựng một bộ tiêu chí về đô thị trong tương lai như thế nào? “Vấn đề quan trọng nhất là phải gắn mục tiêu phát triển, định hướng phát triển của thành phố với một bộ tiêu chí để tuân thủ trong quá trình đầu tư xây dựng dự án, kêu gọi đầu tư và phát triển không gian đô thị. Đây phải là bộ tiêu chí chi phối toàn bộ cách phát triển của Đà Nẵng trong dài hạn” – ông Trần Du Lịch khuyến nghị.
Sáng tạo trong việc triển khai thực hiện những cái mới
Cũng theo TS. Trần Du Lịch, chất lượng đô thị còn tùy thuộc vào chất lượng dân cư. Muốn trở thành một đô thị tầm cỡ thì Đà Nẵng phải có quy mô dân số trong tương lai khoảng 3 triệu dân. Ngoài ra, phát triển kinh tế tri thức và dịch vụ chất lượng cao phải cần đến nguồn nhân lực chất lượng cao. Tuy nhiên, thực tế là Đà Nẵng hiện thiếu nguồn nhân lực trên một số lĩnh vực chất lượng cao, kể cả du lịch. Chất lượng lao động, và dân cư đô thị trong tương lai, cụ thể là nguồn nhân lực, bố trí dân cư chính là bài toán đặt ra cho lãnh đạo Đà Nẵng. Bên cạnh đó, muốn quản lý đô thị tốt thì mô hình tổ chức chính quyền phải như thế nào? Do vậy, ông đề xuất Đà Nẵng phải tính đến một mô hình quản lý đô thị để tránh tình trạng HĐND ra Nghị quyết thì Trung ương lại nói sai, tuy đúng về mặt thực tiễn nhưng lại sai về mặt pháp lý. Ông khẳng định một khuôn khổ pháp lý trong mô hình chính quyền phù hợp sẽ thúc đẩy và nâng cao hiệu quả phát triển của đô thị đó trong tương lai.
Đồng tình với TS. Trần Du Lịch, TS. Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế trung ương nhận định thách thức lớn nhất với Đà Nẵng là ở mô hình quản trị. Ông nói Đà Nẵng phải là một thành phố văn minh, bao gồm các yếu tố “xanh – thông minh – đáng sống – đáng kinh doanh đầu tư”. Muốn vậy, cần rất nhiều những giải pháp, ý tưởng mang tính đột phá từ các chuyên gia, nhà khoa học và doanh nghiệp để kêu gọi nguồn vốn đầu tư, nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, nguồn nhân lực… của các ngành dịch vụ chất lượng cao, mang lại giá trị gia tăng lớn. Đồng thời, Đà Nẵng phải là một thành phố mở, thành phố kết nối, kết nối với duyên hải miền Trung, với Tây Nguyên, với cả nước và quốc tế. Công tác quy hoạch đô thị của Đà Nẵng cần phải có những bước đột phá hơn nữa để đưa thành phố lên tầm cao mới, trở thành thành phố mang tầm vóc ASEAN và châu Á, xây dựng Đà Nẵng trở thành một mô hình mới đi cùng với thời đại và có sức lan tỏa mạnh.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: quy hoạch dài hạn của Đà Nẵng trong vòng 30 – 50 năm tới cần phải được cụ thể hoá và có bản sắc riêng
Theo bà Phạm Chi Lan - Chuyên gia kinh tế, quy hoạch dài hạn của Đà Nẵng trong vòng 30 – 50 năm tới cần phải được cụ thể hoá và có bản sắc riêng. Ngoài vấn đề môi trường, Đà Nẵng còn phải chú trọng đến yếu tố công bằng trong quá trình phát triển của thành phố sao cho mọi người đều được hưởng lợi, chất lượng cuộc sống nói chung không quá bất bình đẳng, tránh bị dẫn dắt theo các lợi ích nhóm và phải đảm bảo hiệu quả trong phát triển. Trong bối cảnh đó, các vấn đề “phần mềm” của thành phố cũng cần được chú trọng, bao gồm chính quyền hiện đại, thể chế hiện đại. Chính quyền thành phố phải là một chính quyền phục vụ và thân thiện với người dân, được triển khai thực hiện thông qua các biện pháp chính sách cụ thể; giữ vững được tính tiên phong, sáng tạo trong việc triển khai thực hiện những cái mới, ví dụ như Đà Nẵng có thể là địa phương xung phong đi đầu trong việc triển khai thực hiện cơ chế PPP – tuy khó thực hiện nhưng lại có lợi về lâu dài cho thành phố. Bà cũng nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của chính quyền trong việc “mở đường”, kết nối với Chính phủ, các địa phương bạn và các tổ chức quốc tế; cũng như vai trò của chính quyền trong việc giám sát và đánh giá quá trình thực hiện, đảm bảo cao nhất lợi ích của cộng đồng và “thổi còi” kịp thời những vi phạm. Doanh nghiệp sẽ là người đóng vai trò chính trong việc triển khai thực hiện các ý tưởng. Về phía người dân, bà cho rằng cần đẩy mạnh phát huy ý thức công dân, ý thức cộng đồng sẵn có cũng như tinh thần chia sẻ lợi ích, cùng nhau đóng góp cho sự phát triển chung. Người dân sẽ tham gia tối đa và giám sát quá trình thực hiện của chính quyền cũng như doanh nghiệp.
Đưa ý tưởng thành hiện thực
Phát biểu kết luận tại Hội thảo, ông Trần Thọ, Phó Bí thư thường trực phụ trách Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố hoan nghênh và ghi nhận các ý kiến được đề xuất tại Hội thảo. Ông cho rằng nhiều ý tưởng, giải pháp hay rất đáng ghi nhận, tiêu biểu như các ý tưởng về phát triển đô thị nước, phát triển đô thị trên cao, tăng trưởng xanh bền vững, quy mô dân số, chất lượng dân số, chiếu sáng tạo điểm nhấn ở hai bờ sông Hàn, đặc biệt tại bờ Đông, phát triển du thuyền trên biển kết nối Đà Nẵng với Lăng Cô để khai thác tiềm năng hiếm có tại khu vực này, xây dựng thành phố thông minh trên nhiều lĩnh vực, xây dựng thành phố tiên phong, minh bạch phục vụ cho người dân…. Các ý tưởng đều hướng đến xây dựng Đà Nẵng trở thành một thành phố mang bản sắc riêng, nâng tầm Đà Nẵng trở thành phố mang tầm vóc ASEAN và châu Á.
Ông cho biết thêm, qua Hội thảo này, lãnh đạo thành phố sẽ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện ý tưởng và lựa chọn những giải pháp khả thi để hoạch định triển khai trong thời gian sắp đến. Cũng theo ông Trần Thọ, ý tưởng tuy hay nhưng quan trọng là phải biến ý tưởng thành hiện thực. Ý tưởng và giải pháp phải đi liền với nhau, có mối quan hệ biện chứng, qua lại với nhau để đưa ý tưởng trở thành hiện thực. Vì vậy, thành phố rất mong các nhà khoa học, cách chuyên gia đầu ngành, bạn bè quan tâm giúp cho thành phố có những giải pháp khả thi để triển khai thực hiện. Đà Nẵng sẽ lựa chọn “ý tưởng của ý tưởng” để hoạch định những chủ trương, chính sách của thành phố trong thời gian sắp đến. Ông cũng đặc biệt nhấn mạnh các ý kiến được tổng hợp từ Hội thảo này sẽ giúp thành phố hoàn thiện báo cáo tổng kết 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 33 sẽ trình Bộ Chính trị trong Quý III này, trong đó Đà Nẵng sẽ kiến nghị những công việc vượt thẩm quyền.
QUỲNH ĐAN
Theo Cổng TTĐT ĐN
Các bản tin khác
- Quỹ BĐS ngoại mới thành lập đang “nhòm ngó” thị trường Việt Nam
- Ngân hàng hạ lãi suất, tiền sẽ chảy về BĐS?
- Chính phủ: Sẽ không thu hồi đất đai để chia lại
- ĐÀ NẴNG: "SẮC MÀU THÁNG BA"
- Sẽ công khai số xêri phôi giấy chủ quyền nhà đất bị mất
- Hàng trăm phôi sổ đỏ biến mất
- QUY ĐỊNH XỬ LÝ TÀI SẢN BẢO ĐẢM LÀ NHÀ, ĐẤT
- Loạn "sổ đỏ" giả: Bỏ tiền tỷ mua đất "ảo"
- Bất động sản sẽ khởi sắc vào cuối năm
- Nỗ lực "phá băng" bất động sản
- Tăng lệ phí trước bạ ô-tô
- Đà Nẵng: Kêu gọi đầu tư 4 dự án thương mại
- Không giải quyết hồ sơ tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất thuộc dự án Khu đô thị mới Hòa Vang
- Thị trường BĐS và bài toán cơ cấu
- HÙNG “CÒ” VÀ NHỮNG TRÒ MA THUẬT
- Bắt nữ giám đốc lừa đảo hàng trăm tỷ đồng
- ĐƯA ĐÀ NẴNG TRỞ THÀNH ĐỊA PHƯƠNG ĐỨNG ĐẦU VỀ CHẤT LƯỢNG CCHC VÀ DỊCH VỤ CÔNG
- Hai xu hướng cho doanh nghiệp BĐS thời khó khăn
- Tạm trú tại Việt Nam trên 90 ngày phải có bảo lãnh
- Thị trường BĐS năm 2012: Khó khăn và cơ hội