(ĐNĐT) - Chiều ngày 2-8, UBND thành phố Đà Nẵng và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đã tổ chức Hội nghị tổng kết "Dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên thành phố Đà Nẵng".
Dự án do UBND thành phố Đà Nẵng làm chủ quản và Sở GTVT là chủ dự án, Ban quản lý các dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên thành phố Đà Nẵng điều hành. Thời gian thực hiện dự án là từ 25-11-2008 đến 30-6-2013 với mục tiêu nâng cao tính hiệu quả và tính bền vững của các dịch vụ đô thị ở thành phố thông qua việc nâng cấp đô thị, cải thiện cơ sở hạ tầng môi trường và xây dựng các tuyến đường giao thông chiến lược.
Dự án có 4 hợp phần nhỏ, bao gồm: Hợp phần A là nâng cấp cơ sở hạ tầng các khu thu nhập thấp, khu tái định cư và chương trình cho vay cải thiện nhà ở; hợp phần B là cải tạo cơ sở hạ tầng môi trường; hợp phần C bao gồm cầu và đường; hợp phần D - nâng cao nâng lực và hỗ trợ thực thi dự án.
Sau 5 năm triển khai với không ít trở ngại và khó khăn ban đầu, cuối cùng dự án đã hoàn thành đúng thời gian quy định với chất lượng đạt yêu cầu đề ra. Kết quả, hợp phần A đã hoàn thành nâng cấp hạ tầng cấp III tổng cộng 13 khu dân cư thu nhập thấp, xây dựng 30 km đường bê tông nhựa, kéo 33,3 km đường chiếu sáng, lắp đặt 565 bộ đèn chiếu sáng, đồng thời xây dựng 41,4 km hệ thống cấp nước và 32,5 km đường mương thoát nước. Ngoài ra, còn xây dựng các khu nhà sinh hoạt cộng đồng, trường mẫu giáo và chợ tại các khu dân cư.
Hợp phần B hỗ trợ thành phố cải tạo môi trường sông Phú Lộc, giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân cũng như giúp người dân phát triển kinh tế gia đình. Cải thiện hệ thống thoát nước tại quận Hải Châu, Thanh Khê, Liên Chiểu, Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn; xây dựng hệ thống thoát nước mới tại quận Liên Chiểu, Sơn Trà, Cẩm Lệ và Ngũ Hành Sơn; xây dựng Trạm xử lý nước thải Hòa Xuân, góp phần giảm tải việc xử lý nước thải ở Trạm xử lý nước thải Hòa Cương.
Đối với hợp phần C, đã xây dựng cầu Nguyễn Tri Phương, cầu Khuê Đông và đường Võ Chí Công, mở rộng không gian đô thị thành phố về phía Nam. Trong hợp phần D, đã tổ chức 24 khóa đào tạo chuyên ngành góp phần nâng cao năng lực quản lý, điều hành, đấu thầu quốc tế... cho hơn 400 lượt học viên là cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật của 20 sở, ban, ngành tại thành phố.
Phát biểu tại buổi tổng kết, Chủ tịch UBND thành phố Văn Hữu Chiến đánh giá cao sự hỗ trợ tích cực từ Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam và các bộ, ngành Trung ương. Với quy mô lớn của dự án, bao trùm lên nhiều lĩnh vực đời sống xã hội cũng như về xây dựng hạ tầng cơ sở, dự án này đã góp phần thay đổi diện mạo đô thị, cũng như giảm thiểu ô nhiễm môi trường cho thành phố. Chủ tịch Văn Hữu Chiến hy vọng sự hỗ trợ và hợp tác rất hiệu quả của Ngân hàng Thế giới thông qua Dự án Thoát nước và vệ sinh môi trường, Dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên sẽ là điều kiện thuận lợi để Dự án Phát triển bền vững thành phố Đà Nẵng (cũng do Ngân hàng Thế giới tài trợ cho Đà Nẵng đang được triển khai) tiếp tục gặt hái thành công.
Đánh giá về dự án, bà Keiko Sato - Quyền Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam khẳng định, Dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên đã hoàn thành xuất sắc các mục tiêu ban đầu đề ra, đảm bảo cả về thời gian thực hiện dự án lẫn chất lượng các công trình khi đưa vào sử dụng. Chính nhờ dự án này mà gần 400.000 người dân thành phố đã hưởng lợi trực tiếp nhờ hạ tầng giao thông, nhà ở và cả chất lượng không khí - nước được cải thiện rất rõ rệt. Sắp tới đây, khi Trạm xử lý nước thải Hòa Xuân được hoàn thành và đưa vào sử dụng thì số người dân hưởng lợi từ dự án sẽ lên con số gần nửa triệu người, đây là một điều rất có ý nghĩa với Đà Nẵng.
Tuy nhiên theo bà Keiko Sato, thông qua dự án này, còn một điều rất có ý nghĩa là Đà Nẵng đã xây dựng được đội ngũ cán bộ quản lý, điều hành dự án rất lành nghề. Bên cạnh đó, Đà Nẵng đã trở thành địa phương đầu tiên của cả nước xây dựng được các thể chế quan trọng về chính sách quản lý nước thải và mô hình thủy lực cho hệ thống thoát nước của thành phố. Đó chính là những cơ sở để thành phố theo đuổi mục tiêu xây dựng Đà Nẵng trở thành đô thị văn minh, hiện đại, thân thiện với môi trường.
Tin, ảnh: Trần Luân Sơn
Theo Báo Đà Nẵng
Các bản tin khác
- Đà Nẵng hoán đổi 6.000 m2 đất để mở rộng công viên APEC
- Luật Kinh doanh Bất động sản đang ‘bất lực’ với condotel
- Kết nối điểm tham quan bằng xe buýt
- Mặt tiền biển tác động giá trị bất động sản nghỉ dưỡng biển
- Cho phép chuyển đổi công năng nhà ở sang khách sạn, văn phòng, nhà hàng
- Bốn lý do giá đất sốt cao nhưng khó giảm
- Vicoland Group hợp tác đầu tư với tập đoàn bất động sản hàng đầu thế giới Extell của Hoa Kỳ
- Có nên mua lúc thị trường diễn ra sốt đất?
- "Đỏ mắt" tìm mua nhà ở
- Câu chuyện dài về thị trường bất động sản
- "Đổi đời" nhờ đất?
- Ra mắt trang zalo Công ty Bất động sản VIP
- Hàng ngàn hộ dân ở Đà Nẵng khổ vì quy hoạch treo, dự án dang dở
- Nhiều hoạt động hấp dẫn tại "Đà Nẵng-Điểm hẹn mùa hè 2018"
- Điểm nhấn văn hóa, thể thao tại khu phố An Thượng
- Tháp đôi 1.800 tỷ tại Đà Nẵng ra mắt phân khu căn hộ nghỉ dưỡng
- Căn hộ chỉ 24m2 này có gì hay ho mà ai cũng mơ ước được sở hữu?
- Thị trường bất động sản: Lạc quan thận trọng
- Đề xuất đầu tư 870 tỷ đồng làm hầm chui nút giao phía tây cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý
- Khu Công viên Văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn: Bao giờ triển khai?