(Cadn.com.vn) - Được sự tài trợ của Quỹ Châu Á, nhóm nghiên cứu do GS-TS Nguyễn Thị Cành, PGS-TS Nguyễn Ngọc Điện, TS Đỗ Phú Trần Tình, TS Nguyễn Tấn Phát cùng 7 chuyên gia thuộc trường Đại học Kinh tế - Luật TPHCM thực hiện nghiên cứu phát triển chính quyền đô thị tại TPHCM và Đà Nẵng.
Nhóm nghiên cứu đặc biệt chú trọng một số chính sách “xé rào” trong quản lý quy hoạch đô thị mở đường cho kinh tế Đà Nẵng phát triển, nâng cao chất lượng sống cho người dân.
Nhóm nghiên cứu đánh giá: Quy hoạch đô thị Đà Nẵng được khuyến khích nhân rộng. (trong ảnh: Khu vực cạnh cầu Sông Hàn) |
Hiệu quả của chính sách “đổi đất lấy hạ tầng”
Nhóm nghiên cứu đánh giá hiệu quả tài chính và hiệu quả kinh tế của chính sách được cho là nổi bật nhất để thu hút đầu tư vào Đà Nẵng là “đổi đất lấy hạ tầng”. Cụ thể, Đà Nẵng đã áp dụng thành công phương thức đấu thầu đất hai bên đường dự kiến xây dựng theo quy hoạch, cùng với phương thức thanh toán đầu kỳ với giá chiết khấu (giảm giá) 10%. Cũng theo nhóm nghiên cứu, khi thực hiện phương thức này tuy có “lách luật” so với quy định của Chính phủ về chiết khấu, gây thất thoát giá trị sổ sách. Tuy nhiên, lại thu hút được một lượng vốn lớn đầu tư vào cơ sở hạ tầng, thúc đẩy, thu hút đầu tư tư nhân và tăng trưởng GDP cho TP (trong những năm qua Đà Nẵng là địa phương có tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất cả nước (trên 11,30% mỗi năm). Bên cạnh đó, giải pháp trên cũng đem lại hiệu quả tài chính rõ rệt so với phương thức cũ (trả chậm 1 năm), với mức chênh lệch là hơn 287 tỷ đồng. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng đưa ra phương thức nếu Đà Nẵng áp dụng phương thức thanh toán chậm không chiết khấu – giảm giá theo quy định của Chính phủ sẽ làm cho GDP của TP giảm tương ứng mỗi năm 333,7 tỷ đồng (trong vòng 9 năm từ 2003 – 2011, tương ứng với 3.003 tỷ đồng).
Với biện pháp so sánh, GS-TS Nguyễn Thị Cành cho rằng, nếu thời gian thủ tục dự án xây dựng của các doanh nghiệp (DN) ngành xây dựng ở TPHCM giảm bằng thời gian thủ tục của DN tại TP Đà Nẵng sẽ giảm được chi phí cơ hội của dự án, thu hút vốn nhanh vào nền kinh tế và ước tính sẽ tăng GDP của thành phố lên 0,21%/năm. Cũng theo GS.TS Cành, không chỉ hiệu quả về hạ tầng đô thị, mà mức độ hài lòng của người dân và cộng đồng DN đối với các dịch vụ công, dịch vụ đô thị do chính quyền cung cấp tại TP Đà Nẵng cao hơn tại TPHCM và các thành phố trực thuộc trung ương khác. Ngoài ra, DN và người dân Đà Nẵng hài lòng hơn là do cơ sở hạ tầng như chất lượng đường sá; cầu cống; các khu dân cư; trật tự an ninh được đảm bảo, thời gian, thủ tục hành chính cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép xây dựng được thực hiện nhanh gọn hơn.
Nhóm nghiên cứu đánh giá: Quy hoạch đô thị Đà Nẵng được khuyến khích nhân rộng. |
Thủ tục nhanh, gọn
Nhóm nghiên cứu cũng đưa ra nhận định, chính quyền TP Đà Nẵng quy định, những vấn đề liên quan đến quận mà trình quận không trả lời thì trực tiếp đưa lên Sở. Sở Xây dựng thực hiện chức năng cả về quy hoạch – kiến trúc và bố trí mặt bằng có thể quyết định chung hai vấn đề xây dựng và quy hoạch. Trong khi đó, TPHCM lại chia ra các chức năng nhỏ cho các Sở khác nhau (Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch – Kiến trúc, Sở Giao thông,...) nên phải mất thời gian chờ đợi ý kiến của nhiều Sở, nhiều cấp. Theo GS-TS Cành, nhờ có tập trung chức năng và có Hội đồng Quy hoạch - Kiến trúc nên quy hoạch của Đà Nẵng là quy hoạch tích hợp không bị phân cấp, cắt khúc, thiếu đồng bộ như quy hoạch của TP Hồ Chí Minh và một số TP khác. Do đó, quản lý đô thị của Đà Nẵng hiệu quả hơn nhiều so với các TP khác. Bên cạnh đó, thời gian thực hiện thủ tục cho dự án xây dựng của DN ở Đà Nẵng thường nhanh hơn từ 4 – 5 lần so với tại TP Hồ Chí Minh và một số TP khác.
Các chuyên gia nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, tốc độ tăng trưởng kinh tế, tỷ trọng xuất khẩu, thu hút đầu tư trực tiếp (FDI) của Đà Nẵng lại có xu hướng gia tăng, đầu tư phát triển và trình độ nguồn nhân lực cao hơn hẳn các thành phố lớn.
Giới thiệu dự án khu đô thị mới Phú Mỹ An (Đà Nẵng). |
Không “nóng” khiếu kiện
Một điểm nổi bật của Đà Nẵng được nhóm nghiên cứu đánh giá cao đó là, tình hình khiếu kiện, tố cáo liên quan đến đất đai ở Đà Nẵng không “nóng” như ở nhiều tỉnh, thành phố thực hiện đô thị hóa khác. Kết quả nghiên cứu phân tích: TP Đà Nẵng đã sớm nhìn ra các bất cập trong quy định phân cấp quản lý đất đai theo Luật Đất đai (giải quyết cấp quyền sử dụng đất chậm) nên gần đây thành phố đã bỏ phân cấp cho quận/huyện mà tập trung về thành phố do Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) quản lý, trong khi thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tất cả các đối tượng. Do đó, khi tập trung chức năng quản lý và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất về Sở TN-MT thực hiện thì thời gian cấp được rút ngắn, chuyên nghiệp hơn. Với cách “xé rào” này, TP Đà Nẵng đã quản lý tập trung các đầu mối thủ tục giấy tờ, cấp được khoảng 95% giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Sở TN-MT TP đã bố trí các tổ chuyên trách làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại từng địa bàn quận, còn quận thì hỗ trợ công tác điều tra, kiểm tra, xác nhận và thực hiện các dịch vụ hành chính khác.
Theo GS-TS Cành, cho đến nay Đà Nẵng giải tỏa và tái định cư hơn 95.000 hộ dân, là một con số rất lớn. Thế nhưng, khiếu nại của dân chủ yếu về áp giá đền bù. Có một số trường hợp áp giá chưa chính xác, làm không đến nơi đến chốn, Chủ tịch quận là Chủ tịch ban giải tỏa đền bù (giải phóng mặt bằng) trên địa bàn quận nên có điều kiện tiếp xúc trực tiếp với dân, lắng nghe, giải đáp khúc mắc cho người dân. Ngoài ra, các tổ chức chính trị ở Đà Nẵng cũng cùng xuống cơ sở để làm công tác dân vận, hòa giải,... đã làm cho dân tin tưởng, hiểu được chính sách của TP. Đặc biệt, khi còn hộ dân khiếu nại, Chủ tịch quận sẽ trực tiếp giải thích cho dân công khai nên giảm bớt đi tình trạng khiếu kiện vượt cấp, kéo dài.
Đột phá và vai trò của người đứng đầu
Để có được một số kết quả hiệu quả trên, nhóm nghiên cứu nhận định Đà Nẵng đã có những biện pháp quản lý mang tính đột phá sáng tạo, thể hiện được vai trò của người đứng đầu, mặc dù trên một khía cạnh nào có thể bị coi là “phá rào”. Nhưng những biện pháp mà Đà Nẵng đã và đang áp dụng là hướng đến một mô hình chính quyền đô thị, quản lý một cách thống nhất trên toàn TP, tập trung cơ quan tham mưu và cơ quan hành chính về một đầu mối, cơ quan giám sát là HĐND đã làm việc có trách nhiệm cao đảm bảo quyền lợi của người dân và cộng đồng DN. Hoặc chính sách thu hút nhân tài của Đà Nẵng bằng việc cấp đất, nhà chung cư, tiền thưởng, cơ hội cống hiến đang mang lại hiệu quả cao so với một số TP khác...
GS-TS Cành nhấn mạnh, việc minh bạch thông tin, hài hòa lợi ích thỏa đáng của người dân với lợi ích chung của thành phố, các chính sách “xé rào” của Đà Nẵng đã và đang giúp TP này đổi thay từng ngày, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Thiết nghĩ, nếu mỗi đô thị linh hoạt “xé rào” như Đà Nẵng để đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho dân và sự phát triển chung thì đó là quyết sách đột phá rất nên làm và rút bài học kinh nghiệm cần được khuyến khích.
Xuân Đương
Theo CAĐN
Các bản tin khác
- Bất động sản 2019 “xuôi ngược” về đâu?
- Công viên 29-3 - không gian xanh giữa lòng thành phố
- Phải có câu trả lời hết sức khoa học, khách quan
- Trao giải cuộc thi thiết kế cảnh quan và mẫu biệt thự dự án Golden Hills City
- Hàng loạt chính sách mới có hiệu lực từ tháng 12/2018
- Đà Nẵng rực rỡ qua cuộc thi ảnh "Tuyệt vời Đà Nẵng ơi"
- Những điều cần biết về phong thủy khi tìm hiểu một dự án bất động sản
- Đẩy mạnh giải ngân các dự án, công trình trọng điểm
- Góp ý việc chuyển quyền sử dụng đất đã đầu tư hạ tầng tại Dự án Golden Hills City
- Đà Nẵng đề xuất nộp 1.251 tỷ đồng để giữ lại sân vận động Chi Lăng
- Đà Nẵng xem xét tổ chức đấu giá lại các “khu đất vàng”
- Hạ tầng sẽ quyết định đến đô thị hóa bền vững
- Kêu gọi đầu tư tuyến tàu điện 15.000 tỉ đồng nối Đà Nẵng với Hội An
- Đà Nẵng kêu gọi đầu tư vào 7 dự án chiến lược
- Phân khúc nào khuấy động thị trường cuối năm?
- Báo Mỹ 'sững sờ' trước nhà nghỉ độc, lạ tại Đà Nẵng
- Khởi động cuộc bình chọn “Dự án dẫn đầu xu thế”
- Bất ngờ với sự xuất hiện của một dàn sao đình đám tại Cầu Vàng
- Đà Nẵng nghiêm cấm mở bán nhà ở khi chưa đủ điều kiện
- Nhiều đại gia đổ vốn vào dự án condotel