(TNO) Nhiều chuyên gia bất động sản cho rằng, chính sách cho cá nhân, tổ chức nước ngoài mua nhà ở trong nước đang quá chặt chẽ là một trong những rào cản khiến thị trường bất động sản Việt Nam “bỏ quên” lượng lớn khách hàng tiềm năng từ bên ngoài.
Nhiều người kỳ vọng nếu kiến nghị nới điều kiện mua nhà cho khách hàng nước ngoài của Bộ Xây dựng được chấp thuận, phân khúc bất động sản cao cấp sẽ ấm dần lên - Ảnh: Lê Quân |
Theo thống kê mới nhất của Bộ Xây dựng, đến nay cả nước mới có 126 trường hợp cá nhân, tổ chức nước ngoài mua nhà ở Việt Nam (80% cá nhân, 20% tổ chức). Trong đó, mới có 108 trường hợp người nước ngoài mua nhà ở trong nước theo diện kết hôn với công dân Việt Nam, còn mua theo các diện khác thì hầu như không có.
Căn cơ của tình trạng này do, giá nhà đất ở Việt Nam luôn có mặt bằng giá cao nên nhiều tổ chức, cá nhân đến làm việc ở Việt Nam chọn phương án thuê để giảm chi phí. Mặt khác, ở nhiều tỉnh có lượng người nước ngoài làm việc nhiều như Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bình Dương, Đồng Nai… chưa có loại nhà phù hợp, thuận tiện cho với sinh hoạt của người nước ngoài.
"Bỏ quên' nguồn lực tiềm năng ngoại
Tuy nhiên, theo Bộ Xây dựng, nguyên nhân chính là do chính sách đã hạn chế và vô tình bỏ qua lượng lớn khách hàng tiềm năng từ bên ngoài.
Theo đó, Nghị quyết số 19/2008/QH12 quy định về cá nhân, tổ chức nước ngoài mua nhà ở Việt Nam còn quá chặt, chỉ có 5 loại đối tượng được mua. Trong khi đó, trên thực tế vẫn còn nhiều đối tượng người nước ngoài khác cũng có nhu cầu sở hữu nhà ở tại Việt Nam như: người nước ngoài làm việc tại các chi nhánh, văn phòng đại diện nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam, người nước ngoài làm việc dưới 1 năm, nghiên cứu hoặc giảng dạy cho các cơ sở giáo dục tư nhân...
Bên cạnh đó, chính sách nước ta mới chỉ cho mua căn hộ chung cư trong dự án phát triển nhà ở thương mại, không được mua nhà ở riêng lẻ, nhà biệt thự. Nhưng lại đang có nhiều tổ chức, cá nhân người nước ngoài có nhu cầu cao về phân khúc này. Quy định về hạn chế các quyền đối với chủ sở hữu nhà ở như không được cho thuê, không được góp vốn, không được kinh doanh như cá nhân trong nước mà chỉ để ở cũng đang làm hẹp cửa mua nhà ở Việt Nam của khách hàng nước ngoài.
Thêm vào đó, quy định của ta chỉ cho phép sở hữu một một căn hộ chung cư. Trong khi đó, nhiều trường hợp có khả năng tài chính và nhu cầu sở hữu nhiều hơn thì lại không được phép cũng không phù hợp.
Điều kiện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam còn tương đối chặt chẽ cũng khiến nhiều khách hàng e ngại. Cụ thể, quy định cá nhân nước ngoài phải được phép vào Việt Nam và phải được phép cư trú tại Việt Nam từ 1 năm trở lên mới được mua nhà.
Việc sở hữu nhà ở của tổ chức, cá nhân nước ngoài cũng bị hạn chế về thời gian, bởi vì theo quy định thì cá nhân nước ngoài chỉ được sở hữu căn hộ trong thời gian 50 năm. Còn doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được sở hữu nhà ở tương ứng với thời gian ghi trong Giấy chứng nhận đầu tư. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến không khuyến khích được các tổ chức, cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
Nên cởi “trói”
Nhiều chuyên gia trong giới bất động sản tỏ ra rất ủng hộ đề xuất nới điều kiện mua nhà ở Việt Nam cho người nước ngoài của Bộ Xây dựng vừa kiến nghị với Chính phủ.
Ông Trần Đức Diễn, Giám đốc sàn giao dịch bất động sản Maxland, đánh giá đây không phải là đòn bẩy hữu hiệu tháo gỡ thị trường bất động sản nhưng cũng sẽ tác động rất tích cực đến thị trường đang nằm bất động như hiện nay, đặc biệt là phân khúc cao cấp: chung cư cao cấp, biệt thự, biệt thự liền kề, biệt thự nghỉ dưỡng…
Nhiều chuyên gia về thị trường bất động sản khác cũng cho rằng, đến bây giờ ta mới đề xuất nới điều kiện cho người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam là hơi chậm nhưng cũng là tín hiệu đáng mừng và có thêm một tia hy vọng phá băng thị trường bất động sản.
Còn TS Phạm Sĩ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, bày tỏ quan điểm ủng hộ kiến nghị của Bộ Xây dựng, cho rằng nên nới điều kiện cho người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam. Ở nhiều nước trên thế giới như Pháp, Ý, Mỹ quy định cho người nước ngoài mua nhà cũng rất mở, nhưng cũng có nhiều nước khá chặt chẽ.
Mở cửa nhưng phải kiểm soát tốt
Ủng hộ chính sách mở cho cá nhân, tổ chức nước ngoài mua nhà ở Việt Nam, nhưng TS Liêm cũng lưu ý, trước khi Nhà nước ban hành chính sách về vấn đề này cần lưu ý đến 2 yếu tố quan trọng là an ninh quốc gia và bản sắc văn hóa dân tộc.
“Chính sách dù mở cũng vẫn phải có quy định hạn chế, ví dụ quy định rõ phạm vi bán kính ở gần những khu vực: biên giới, bờ biển, vị trí trọng yếu… thì không được mua”, TS Liêm nói.
Một vấn đề khác cũng được Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam đặt ra là, hiện ta đang rất vất vả kiểm soát những khu phố tập trung nhiều người nước ngoài sinh sống như phố người Trung Quốc ở Quảng Ninh, nơi tập trung nhiều người Hàn Quốc thuê ở khu đô thị Trung Hòa Nhân Chính, khu đô thị Ciputra (Hà Nội), Phú Mỹ Hưng (TP.HCM)… Nếu thời gian tới, những người này mua nhà sẽ hình thành khu phố của riêng họ, mang đặc trưng văn hóa khác ngay trong lòng văn hóa Việt.
“Đề điều này không xảy ra, theo tôi, cũng cần phải có hạn chế cho người nước ngoài mua nhà không quá 49% trên một khu phố hay đơn vị hành chính cụ thể”, TS Liêm nêu ý kiến.
Đánh giá về tác động của kiến nghị Bộ Xây dựng nếu được chấp thuận, TS Liêm cho rằng, nếu được phê duyệt thì cũng không nên đặt quá nhiều hy vọng sẽ làm ấm thị trường bất động sản vì còn phải tùy vào lực cầu đến đâu mới biết được tác động của chính sách này lên thị trường bất động sản.
“Nếu kiến nghị của Bộ Xây dựng được chấp thuận và có nhiều người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam thì cũng là tín hiệu tốt đối với tình hình thị trường bất động sản nước ta đang đóng băng như hiện nay, đặc biệt đối với phân khúc cao cấp. Cá nhân tôi đánh giá, kiến nghị của Bộ Xây dựng chỉ mang tính thúc đẩy thêm chứ không phải là yếu tố chính làm đòn bẩy nâng thị trường bất động sản”, TS Liêm đánh giá.
Ngoài ra, cũng cần nghĩ đến khả năng, khi được mua nhà ở Việt Nam, người, tổ chức nước ngoài với tiềm lực kinh tế mạnh sẽ đầu cơ, đẩy giá lên cao khiến người trong nước khó mua được nhà.
|
Bài, ảnh: Lê Quân
Theo Báo Thanh niên
Các bản tin khác
- Đà Nẵng được vinh danh 'Thành phố xuất sắc trong chuyển đổi'
- Nhà giàu Hà Thành mua mặt biển Đà Nẵng: Tiền không phải nghĩ?
- Vì sao 75% gói hỗ trợ nhà ở chưa được giải ngân?
- Nhà chồng cho tiền mua đất, nhà tự xây là tài sản chung hay riêng?
- Đến lượt cổ phiếu Bất động sản “dẫn sàn”
- Đà Nẵng lọt top 10 điểm đến lý tưởng do Skyscanner bình chọn
- Cải cách hành chính ở Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Tạo thuận lợi tối đa cho người dân
- Tiếp nhận tờ khai miễn giảm tiền thuê đất đến hết 31/12
- Nụ cười công sở
- Không giao dịch qua sàn, người mua nhà có lợi gì?
- Đất KĐT Sinh thái Hòa Xuân Đà Nẵng: Chỉ từ 437 triệu đồng/lô
- Thị trường bất động sản đón dòng vốn mới
- Đấu giá chuyển quyền sử dụng đất tái định cư
- Bốc thăm bố trí TĐC đối với các lô có cùng địa điểm, diện tích
- Không gian Pháp trên độ cao 1.400 m ở Đà Nẵng
- Bán đấu giá 300 lô đất cho cán bộ chưa có nhà
- Công khai quỹ đất để hộ giải tỏa hưởng lợi
- Tôn vinh 16 sáng kiến của cán bộ công chức viên chức trên địa bàn thành phố
- Bán nhà chung cư không chờ đủ số lượng đăng ký
- Xử lý vướng mắc trong công tác đền bù giải tỏa, thi công dự án Trục 1 Tây Bắc