Cập nhật lúc 17:12, Thứ Hai, 12/08/2013 (GMT+7)
(ĐNĐT) - Không được tham gia gói ưu đãi 30.000 tỷ đồng, các ngân hàng (NH) cổ phần cũng rục rịch vào cuộc đua cho vay mua nhà. Trong đó, ưu ái nhất phải kể đến đối với đối tượng khách hàng đang có nhu cầu về nhà ở.
Gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng cho người thu nhập thấp, công chức, viên chức đã được kích hoạt từ đầu tháng 6. Tuy nhiên, chỉ có 5 NH quốc doanh được chỉ định tham gia cho vay theo chương trình này, với lãi suất (LS) ưu đãi không quá 6%/năm. Cũng từ cuối tháng 5, đầu tháng 6, khối các NH cổ phần bắt đầu tung những chương trình ưu đãi cho vay mua nhà ở một cách rầm rộ hơn hẳn trước kia.
Thời gian gần đây, nhiều NH đã "mạnh tay" cho vay mua BĐS với LS ưu đãi. Trong ảnh: Khách hàng đến giao dịch vay vốn tại Seabank Đà Nẵng
Theo ghi nhận của chúng tôi, hầu hết LS của các gói cho vay mua nhà ở thời điểm này đều được các “nhà băng” quảng cáo khá hấp dẫn, 6-9%/năm trong vài ba tháng hoặc một năm đầu tiên như: ngân hàng VPBank, DaiABank, BIDV, Vietcombank… Ngoài các NH trên, các NH thương mại khác trên địa bàn thành phố cũng đã triển khai hàng loạt gói cho vay mua nhà với nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ khách hàng. Một số NH đang triển khai gói cho vay BĐS ưu đãi mua nhà, căn hộ chung cư, biệt thự liền kề, vay để chuyển quyền sử dụng đất với LS cạnh tranh.
Tuỳ theo nhu cầu, khách hàng có thể chọn hạn mức vay từ 100 triệu đồng lên đến 20 tỷ đồng. Thời hạn trả từ 3 năm đến 20 năm. Quy trình thủ tục vay vốn đơn giản, giải ngân nhanh chóng từ 3-5 ngày. Đối tượng khách hàng có thu nhập ổn định (từ 5 triệu đồng/tháng) đã có thể tiếp cận gói vay này... thậm chí, một số NH còn chủ động bắt tay với các dự án để bán chéo sản phẩm và cho vay ưu đãi.
Ông Nguyễn Đức Hồng, giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh bất động sản (BĐS) cho biết nếu trước đây cho vay mua BĐS từng là kênh đầu tư bị hạn chế tại tất cả các NH trong thời gian dài, thì đến thời điểm này, cùng với hàng loạt chính sách ưu đãi của Nhà nước, các NH đã bắt đầu quay trở lại bỏ vốn cho lĩnh vực BĐS với hàng loạt gói vay ưu đãi, khuyến khích khách hàng vay vốn sử dụng. Trong đó, ưu ái nhất phải kể đến đối tượng khách hàng đang có nhu cầu về nhà ở. “Trong thời gian qua, khách hàng có nhu cầu mua nhà đất, chúng tôi cũng kiêm luôn cả việc giới thiệu với các NH để khách hàng dễ tiếp cận được nguồn vốn vay mua nhà. Với cách làm này, DN cũng tháo gỡ được khó khăn phần nào khi mà thị trường BĐS chưa có tín hiệu khởi sắc”, ông Hồng nói.
Trong khi thị trường BĐS chưa thấy dấu hiệu khởi sắc, không ít NH vẫn “mạnh tay” tung nhiều gói ưu đãi cho vay mua BĐS. Về vấn đề này, các chuyên gia cho rằng nguồn vốn để cho vay của khối NH không được tham gia gói ưu đãi 30.000 tỷ đồng hoàn toàn khác với các NH quốc doanh - được ngân sách hỗ trợ trong gói vay mua nhà nói trên. "Bản thân NH cũng là doanh nghiệp. Vì phải tự lực vốn nên rất khó yêu cầu họ chú trọng cho vay nhà thu nhập thấp. Thay vì thế, họ cần đầu tư vào nhóm khách hàng có thu nhập cao để tạo lợi nhuận", một chuyên gia phân tích. Còn theo ông Nguyễn Trọng Vinh, Giám đốc NH Đông Á - Chi nhánh Đà Nẵng, mở rộng cho vay cá nhân, đặc biệt là vay mua nhà trong bối cảnh thị trường đang trầm lắng như hiện nay là bước đi chiến lược nếu muốn dẫn đầu trong lĩnh vực bán lẻ. Vì vậy, không ít NH “mạnh tay” cho vay mua BĐS ở thời điểm này để đón đầu cơ hội khi mà thị trường BĐS rất có thể sẽ ấm dần lên vào những tháng cuối năm.
Theo NH Nhà nước - Chi nhánh Đà Nẵng, bên cạnh việc thực hiện gói hỗ trợ cho vay mua nhà của Chính phủ, từ đầu năm, các tổ chức tín dụng đã tích cực triển khai các gói hỗ trợ cho cá nhân vay xây dựng, sửa chữa, mua nhà ở với lãi suất ưu đãi trong khoảng 9 - 12%/năm (thấp hơn từ 3-5% so với năm 2012). Ông Võ Minh, Giám đốc NH Nhà nước - Chi nhánh Đà Nẵng cho biết: Do hiện nay, nhà nước đang tập trung nhiều chính sách ưu đãi để hỗ trợ thị trường BĐS nên các NH khi mở vốn cho lĩnh vực này cũng không sợ nhiều rủi ro như trước đây. Hơn nữa, lĩnh vực cho vay để xây dựng, sửa chữa, mua nhà ở đang được coi là lĩnh vực rất tiềm năng. Nếu NH hướng tới đúng đối tượng khách mua thì bản thân ngân hàng cũng có lợi. Thời gian qua, thị trường BĐS đóng băng do nhiều nguyên nhân, nay đã có tín hiệu khởi động lại theo mục tiêu giảm phát của Chính phủ. Nhiều NH thương mại cổ phẩn đã tiếp cận thị trường BĐS, triển khai các gói cho vay ưu đãi là một tín hiệu tốt, bởi nếu đầu tư cho thị trường này sẽ tác động đến nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác như: giải phóng được tồn kho vật tư, vật liệu xây dựng...
Bài và ảnh: Trọng Hùng
Theo Báo Đà Nẵng
Các bản tin khác
- Bán 100 căn hộ chung cư thu nhập cho cán bộ công chức
- BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP HÀ HÙNG CƯỜNG: TP.HCM là điển hình về xã hội hóa công chứng
- Bong bóng bất động sản còn tiếp tục xì hơi
- Cuối năm, căn hộ sẽ còn giảm giá?
- Một số vấn đề về công tác quản lý Đăng ký và Công chứng theo quy định của pháp luật Tây Ban Nha, kinh nghiệm cho Việt Nam trong quá trình nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật công chứng năm 2006
- Rắc rối số nhà
- MUA LẠI PHIẾU ĐẤT TÁI ĐỊNH CƯ VẪN ĐƯỢC HỖ TRỢ VAY VỐN
- Nhà băng vào cuộc đua giảm lãi suất
- Gắn mác vỡ nợ để bán nhà đất
- Hơn 714 tỷ đồng đền bù giải tỏa và tái định cư Dự án Phát triển bền vững TP Đà Nẵng
- Bất động sản “đóng băng”: Từ ông chủ trở thành nhân viên... giữ xe
- Chuyển giao sơ đồ quỹ đất để bố trí tái định cư cho các hộ giải toả
- Hưởng lợi từ xã hội hóa dịch vụ công chứng
- Hộ tái định cư vay vốn ngân hàng trả nợ tiền sử dụng đất như thế nào?
- Phê duyệt phương án bồi thường, tái định cư dự án khu ký túc xá sinh viên tập trung phía tây tại KCN Hòa Khánh
- Đà Nẵng: Doanh nghiệp được hỗ trợ vay vốn để tiếp tục triển khai dự án
- Rắc rối vì không biết người ủy quyền đã chết
- ĐỀ NGHỊ CÁC NGÂN HÀNG NHANH CHÓNG GIẢM LÃI SUẤT
- Thị trường BĐS đang diễn ra quá trình "chọn lọc tự nhiên"
- Đà Nẵng: Không cho chia nhỏ các lô đất lớn