Triển khai phương án tổ chức giao thông xe buýt nhanh (BRT), UBND thành phố Đà Nẵng đã có chủ trương mở rộng tuyến đường Vành đai phía nam rộng 33 mét và đường Nguyễn Tất Thành (nối dài) rộng 34 mét lên 39 mét. Với việc điều chỉnh này, Đà Nẵng có tuyến đường riêng cho xe buýt nhanh dài hơn 17 km.
Đường Nguyễn Tất Thành nối dài đoạn do Trung Nam Group đầu tư BT qua khu đô thị GoldenHills đang được thi công. Ảnh: TRIỆU TÙNG
Tại cuộc họp quy hoạch và thiết kế xây dựng ngày 14-8 với các sở, ngành liên quan, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, việc điều chỉnh quy hoạch mở rộng mặt cắt đường là cần thiết để đáp ứng cho yêu cầu phát triển của thành phố. Theo Sở Giao thông vận tải (GTVT), tuyến đường Vành đai phía nam và đường Nguyễn Tất Thành đang tổ chức thi công ở hai đoạn tuyến. Tuyến 1, thi công đường Nguyễn Tất Thành nối dài đoạn giáp quốc lộ 1A đến giáp đường tránh nam Hải Vân. Tuyến Vành đai phía nam tổ chức thi công từ đường Trần Đại Nghĩa đến quốc lộ 1A thuộc địa bàn xã Hòa Phước.
Đối với đường Nguyễn Tất Thành nối dài, theo quy hoạch được duyệt, bề rộng mặt đường 2 làn ô-tô 7,5 mét, dải phân cách rộng 9 mét. Tổng mặt cắt đường rộng 33 mét. Hiện nay, đoạn tuyến từ Km 0 (giáp quốc lộ 1A) đến Km 2 + 715 mét được đầu tư theo hình thức BT do Công ty CP Trung Nam (Trung Nam Group) thi công. Đoạn Km 2 + 715 mét đến giáp đường tránh nam Hải Vân được đầu tư và điều hành dự án do Ban Quản lý dự án phát triển bền vững triển khai và đã thẩm định xong hồ sơ giao thông, thoát nước, bản vẽ thi công.
Ông Trần Văn Chương, Phó Giám đốc Sở GTVT, cho biết với tình hình thi công hiện tại không ảnh hưởng nhiều đến việc điều chỉnh mặt cắt đường từ 33 mét lên 39 mét. Việc mở rộng dải phân cách từ 9 mét lên 15 mét để triển khai tuyến đường BRT và hành lang nhà ga BRT. Ở tuyến đường Vành đai phía nam, theo quy hoạch cũ có hai làn đường ô-tô 10,5 mét, dải phân cách rộng 3 mét, tổng mặt cắt đường rộng 34 mét. Hiện nay tuyến đường đã thi công nền đường 4,2/5,5km. Sở GTVT đề xuất phương án mở rộng mặt cắt đường lên 39 mét theo hướng giữ nguyên bó vỉa, vỉa hè; tổ chức thi công mặt đường rộng 7 mét; mở rộng dải phân cách từ 3 mét lên 10 mét.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn thống nhất phương án điều chỉnh mở rộng mặt cắt các tuyến đường lên 39 mét. Đối với đường Nguyễn Tất Thành nối dài, điều chỉnh lại quy hoạch khai thác vệt quỹ đất mỗi bên từ 25 mét xuống 22 mét; điều chỉnh đất ở tái định cư cho hộ giải tỏa. Đối với đoạn tuyến đường Vành đai phía nam, nâng nền đường ô-tô từ 7 mét lên 7, 5 mét; giảm bề rộng dải phân cách xuống 9 mét. Viện Quy hoạch xây dựng điều chỉnh diện tích đất ở tái định cư để trình lãnh đạo UBND thành phố xem xét theo hướng giảm chiều dài, rộng chiều ngang, bảo đảm quyền lợi của hộ có đất tái định cư. Đối với tuyến đường Vành đai phía nam đoạn quốc lộ 1A- Hòa Khương, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn đồng ý cũng thực hiện theo phương án điều chỉnh quy hoạch mặt cắt đường như tuyến Trần Đại Nghĩa - quốc lộ 1A. Tuy nhiên, đoạn giao cắt với đường sắt tại xã Hòa Tiến có thu hẹp phần vỉa hè và dải phân cách để đảm bảo hành lang an toàn giao thông đường sắt. Viện Quy hoạch xây dựng tổ chức điều chỉnh quy hoạch báo cáo lãnh đạo thành phố phê duyệt và công bố quy hoạch để người dân biết và thực hiện công tác đền bù giải tỏa.
Qua quy hoạch điều chỉnh, thành phố Đà Nẵng có tuyến đường riêng dành cho 2 làn xe buýt nhanh (BRT) dài trên 17km.
“Dự án đường Nguyễn Tất Thành nối dài và đường Vành đai phía nam thành phố (đoạn đường Hòa Phước - Hòa Khương; đoạn Trần Đại Nghĩa - quốc lộ 1A) với tổng kinh phí đầu tư khoảng 2.137 tỷ đồng. Đây là các hợp phần của Dự án phát triển bền vững và Dự án cơ sở hạ tầng ưu tiên thành phố Đà Nẵng được đầu tư qua nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới. Theo đó, đường Nguyễn Tất Thành nối dài từ quốc lộ 1A dẫn lên đường tránh Hải Vân – Túy Loan bằng hầm chui và kết nối vào trục chính của Khu Công nghệ thông tin tập trung. Tổng chiều dài tuyến đường gần 4km. Đường vành đai phía Nam bắt đầu từ quốc lộ 1A, vượt sông Quá Giáng, đi theo hướng Tây Bắc, cắt qua ĐT 605 tại nút giao đường sắt, đấu nối vào đầu tuyến ĐT 604 mới (Khu Trung tâm hành chính của huyện Hòa Vang) dài 8km. Đường Vành đai phía nam đoạn Trần Đại Nghĩa đến quốc lộ 1A dài 5,1km. Đoạn đường này đang thi công và hoàn thành trong năm 2013”. |
TRIỆU TÙNG
Theo Báo Đà Nẵng
Các bản tin khác
- Cân bằng, hài hòa giữa bảo tồn và phát triển Sơn Trà
- Bùng nổ "dạ tiệc trắng" kỷ niệm 3 năm SKY36 Đà Nẵng
- “Thủ phủ” condotel: Sức hút từ cách làm du lịch chuyên nghiệp
- Công bố quyết định công nhận quận Liên Chiểu là đơn vị hành chính loại I
- Kịch bản nào cho bất động sản cuối năm 2017?
- Dự án không gian làm việc chung hút nhà đầu tư ngoại
- Quy định giá đất ở tái định cư hộ chính tại một số dự án quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn
- Cocobay sắp khai trương tạo cơ hội sinh lời với nhà đầu tư
- Đội Ý đăng quang DIFF 2017
- Trao giải cuộc thi phương án quy hoạch, thiết kế Quảng trường trung tâm Đà Nẵng
- Nhà cổ 650 tỷ: Đại gia Đà Nẵng khiến dân chơi ngả mũ
- Trực tiếp Tọa đàm: Đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng - Cơ hội, rủi ro?
- Đà Nẵng: Điều chỉnh quy hoạch, xây khách sạn khu đất góc đường Trần Hưng Đạo và Hà Thị Thân
- Phố mới bên sông Cổ Cò
- Đề xuất thành lập Lãnh sự quán Hàn Quốc tại Đà Nẵng
- Cựu Chủ tịch Hiệp hội môi giới Mỹ chia sẻ kỹ năng bán bất động sản
- Cơ hội đầu tư 790 triệu, nhận về hơn 200 triệu/năm
- Đà Nẵng cơ bản hoàn tất các hạng mục chuẩn bị cho tuần lễ cấp cao APEC
- Hoà Bình Green Đà Nẵng - công trình phục vụ APEC 2017
- Có nên đặt cọc mua nhà chưa có sổ đỏ?