Ngày 2-8, tại Hội nghị tổng kết dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên TP Đà Nẵng (CSHTƯT), ông Đặng Việt Dũng, Giám đốc Sở Giao thông vân tải thành phố cho biết, sau gần 5 năm triển khai thực hiện (2008-2013), dự án đã hoàn thành theo đúng thời gian quy định của Hiệp định tài trợ dự án và đáp ứng các mục tiêu của dự án, bao gồm nâng cao tính hiệu quả và tính bền vững của các dịch vụ đô thị ở Đà Nẵng thông qua việc nâng cấp đô thị, cải thiện cơ sở hạ tầng môi trường và xây dựng các tuyến đường giao thông chiến lược ở các khu vực đã được lựa chọn và tăng cường thể chế trong hoạch định đầu tư và quản lý các dịch vụ đô thị.
Hội nghị tổng kết dự án
Cụ thể, đối với Hợp phần A, dự án đã đầu tư xây dựng 13 khu thu nhập thấp (TNT); 3 khu tái định cư (TĐC) có tổng diện tích 18,3 ha (gồm Thanh Khê Tây, Hòa Minh và Hòa Quý) và 3 chung cư có diện tích sàn là 18.000 m2. Các khu TĐC đã cung cấp 212 căn hộ chung cư và 586 lô đất phục vụ nhu cầu TĐC của dự án. Đến thời điểm tháng 6-2013, Quỹ tín dụng nhỏ cải tạo nhà ở với giá trị 1 triệu USD do Hội liên hiệp phụ nữ TP quản lý đã giải ngân gần 2.000 món vay với tổng số tiền hơn 28,3 tỷ đồng.
Hợp phần B của dự án đã hỗ trợ cho thành phố quản lý tốt hơn sự xuống cấp về môi trường do sự tăng trưởng dân số và không gian đô thị mở rộng. Dự án đã cải tạo môi trường xung quanh sông Phú Lộc; đầu tư hơn 17,2 km cống thoát nước chính nhằm đảm bảo thoát nước và giải quyết tình trạng ngập úng trên địa bàn các quận Hải Châu, Thanh Khê, Liên Chiểu, Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn; xây dựng hệ thống thoát nước thải tại các quận Liên Chiểu, Sơn Trà, Cẩm Lệ và Ngũ Hành Sơn. Đầu tư xây dựng mới trạm xử lý nước thải Hòa Xuân với công suất giai đoạn 1 là 20.000m3/ngày đêm. Thí điểm đấu nối hộ gia đình, xây dựng Chiến lược quản lý nước thải đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2040; và xây dựng Mô hình thủy lực cho hệ thống thoát nước - một công cụ quan trọng, hiệu quả giúp thành phố quản lý, vận hành, thực hiện quy hoạch phát triển chuyên ngành thoát nước và đô thị trong tương lai, chống ngập úng một cách toàn diện và hiệu quả.
Hợp phần C của dự án giúp thúc đẩy sự phát triển kinh tế bền vững theo định hướng phát triển của thành phố thông qua việc đầu tư 2 tuyến đường chiến lược nối liền trung tâm với các khu vực ven đô thị của thành phố, làm nền tảng cho sự mở rộng toàn bộ đô thị thành phố về phía nam. Đó là tuyến đường Nguyễn Tri Phương nối dài đi Hòa Quý (nay là đường Võ Chí Công), cầu Nguyễn Tri Phương và cầu Khuê Đông; tuyến đường vành đai phía Nam thành phố, cầu Hòa Phước và cầu Cổ Cò.
Hợp phần D đã góp phần tăng cường thể chế trong hoạch định đầu tư; hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo năng lực cho các sở ban ngành của thành phố để thực hiện trách nhiệm của mình trong việc quản lý đất và nhà, phát triển đô thị, cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị, tài chính đô thị và hỗ trợ Ban QLDA trong việc thực thi dự án.
Dự án CSHTƯT được đầu tư bằng nguồn vốn ODA của Ngân hàng Thế giới (WB) và vốn đối ứng của TP Đà Nẵng. Dự án có tổng mức đầu tư là 218,471 triệu USD, trong đó nguồn vốn IDA (vốn vay ưu đãi dành cho các nước đang phát triển có thu nhập thấp) của WB là 152,438 triệu USD và vốn đối ứng trong nước là 66,033 triệu USD.
QUỲNH ĐAN
Theo Cổng TTĐT ĐN