Nếu Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc quyền sở hữu nhà ở bị mất, người dân phải làm thủ tục gì để được cấp lại?. Thời gian để được cấp Giấy chứng nhận (GCN) lần đầu là bao nhiêu ngày?… Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) vừa ban hành Thông tư 16/2011 quy định sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến thủ tục hành chính về lĩnh vực đất đai để hướng dẫn những vấn đề này.
Thủ tục cấp lại GCN bị mất
Để được cấp lại GCN bị mất, người đề nghị cấp lại GCN cần nộp hồ sơ tại Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất thuộc cấp có thẩm quyền cấp GCN. Hồ sơ gồm: Đơn đề nghị cấp lại GCN; Giấy tờ chứng minh đã đăng tin mất GCN 3 lần trong thời gian không quá 10 ngày trên một trong các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương đối với tổ chức trong nước, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Đối với hộ gia đình và cá nhân thì phải có giấy xác nhận của UBND cấp xã về việc đã niêm yết thông báo mất giấy tại trụ sở UBND cấp xã trong thời gian 15 ngày.
Ảnh minh họa
Trường hợp mất giấy do thiên tai, hỏa hoạn thì không phải có giấy tờ chứng minh đã đăng tin mất, giấy thông báo niêm yết mất giấy nhưng phải có giấy xác nhận của UBND cấp xã về việc thiên tai, hỏa hoạn đó. Việc nộp hồ sơ để làm thủ tục cấp lại GCN bị mất chỉ được thực hiện sau thời gian 30 ngày kể từ ngày đăng tin lần đầu hoặc từ ngày niêm yết thông báo mất GCN hoặc ngày ký giấy xác nhận của UBND cấp xã về việc thiên tai, hỏa hoạn.
Sau các bước trên, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất kiểm tra hồ sơ, trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký quyết định hủy Giấy chứng nhận bị mất, đồng thời ký cấp lại GCN cho người đề nghị.
Thể thời gian cấp GCN lần đầu
Theo Khoản 1, Điều 12 Nghị định số 88/2009/NĐ-CP của Chính phủ về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, thời gian thực hiện thủ tục cấp GCN kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ là không quá 50 ngày làm việc đối với trường hợp cấp GCN lần đầu.
Về vấn đề này, Thông tư 16 quy định về thời gian thực hiện thủ tục đối với các trường hợp là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam như sau: thời gian thực hiện các công việc tại UBND cấp xã là không quá 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, không kể thời gian công khai kết quả thẩm tra.
Thời gian thực hiện các công việc tại Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất trực thuộc Bộ TN&MT không quá 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Thời gian thực hiện các công việc tại cơ quan quản lý nhà nước về nhà ở, xây dựng, cơ quan quản lý nông nghiệp không quá 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được phiếu lấy ý kiến của Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất gửi đến. Thời gian thực hiện việc ký GCN của UBND cấp huyện không quá 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Đối với các tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức và cá nhân nước ngoài thì thời gian thực hiện các công việc tại Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất trực thuộc Sở TNMT không quá 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, và không quá 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được Phiếu lấy ý kiến của Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất gửi đến nếu thực hiện công việc tại cơ quan quản lý nhà nước về nhà ở, xây dựng, cơ quan quản lý nông nghiệp.
Thời gian thực hiện việc ký GCN của UBND cấp tỉnh hoặc Sở TNMT (đối với trường hợp được ủy quyền) là không quá 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Không được đặt thêm thủ tục cho người sử dụng đất.
Thông tư 16 cũng giải thích thêm những thủ tục mà người dân cần làm khi có những biến động về sử dụng đất, về tài sản gắn liền với đất do thay đổi tên; giảm diện tích sử dụng đất (do sạt lở tự nhiên) cũng như thay đổi về quyền, về nghĩa vụ tài chính…
Cụ thể: Trường hợp cá nhân hoặc người đại diện hộ gia đình thay đổi họ, tên phải có bản sao văn bản công nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; trường hợp hộ gia đình thay đổi người đại diện là chủ hộ gia đình, phải có bản sao sổ hộ khẩu của hộ đó, nếu thay đổi người đại diện là thành viên khác trong hộ thì phải có văn bản thỏa thuận của hộ gia đình được UBND cấp xã xác nhận.
Trường hợp đã thực hiện xong nghĩa vụ tài chính ghi nợ trên Giấy chứng nhận thì phải có chứng từ về việc hoàn thành nghiã vụ tài chính đó, trừ trường hợp người sử dụng đất được miễn giảm hoặc không phải nộp do thay đổi quy định của pháp luật đất đai…
Bộ TN&MT cũng đặc biệt lưu ý, trường hợp trên trang 4 của GCN đã cấp không còn chỗ trống để xác nhận việc thay đổi thì Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp để quản lý và viết Giấy chứng nhận mới (theo nội dung thông tin đã thay đổi) để trình cơ quan có thẩm quyền ký cấp mà không phải làm thủ tục cấp đổi GCN riêng và không được yêu cầu người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thực hiện thêm bất cứ thủ tục hành chính nào…
– Theo PLVN
Các bản tin khác
- Thủ tướng “thúc” tiến độ gói 30.000 tỷ
- Ngóng chờ được giải tỏa, di dời
- Hấp dẫn bến du thuyền
- Góp bàn thêm về vấn đề khai thác quỹ đất
- "Cuộc chiến" chung cư: Luật Nhà ở mâu thuẫn với Luật Xây dựng
- Luật Đất đai sửa đổi: Cho phép làm sổ đỏ qua mạng
- Mẫu Chứng minh nhân dân mới có hiệu lực từ ngày 29/12
- Đà Nẵng: Năm 2014 được chọn là “Năm Doanh nghiệp”
- Công bố quyết định bố trí đất tái định cư cho nhân dân khu nhà liền kề phường Nại Hiên Đông
- Báo Mỹ nhận định bất động sản Việt Nam đã thoát đáy
- Giao dịch nhà đất tăng mạnh vào cuối năm
- Tiếp tục mở bán đất nền đợt 2 tại Khu Đô thị Phước Lý
- Từ Liêm lên quận: Mặt bằng giá nhà đất hiện nay ra sao?
- Nâng tuổi nghỉ hưu của quản lý nữ lên 60
- Xây dựng Bến tàu và Nhà ga tàu cánh ngầm tại bờ biển Xuân Thiều
- Tản mạn về đội ngũ nữ trí thức ở Đà Nẵng
- Văn phòng công chứng Bảo Nguyệt tiếp tục làm từ thiện hỗ trợ cháu bé chưa đầy 1 tuổi bị bệnh tim
- Các thông tin thị trường tiêu biểu trong tuần qua (25/11 - 30/11)
- Được phép làm nhà trong khu vực dự án chậm triển khai
- Khung giá đất Hà Nội 2014: Tối đa vẫn 81 triệu đồng/m2