(ĐTCK) Nhận định bất động sản Việt Nam đang chạm đáy và đang trên đà hồi phục, nhiều nhà đầu tư nước ngoài dành sự quan tâm lớn tới lĩnh vực này và M&A trong lĩnh vực bất động sản được dự báo sẽ còn sôi động.
Dòng vốn ngoại vẫn chảy mạnh vào bất động sản
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam đã thu hút hơn 12,63 tỷ USD từ đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong 8 tháng đầu năm nay, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, 769 dự án FDI mới được cấp giấy phép, với tổng số vốn đăng ký trên 7,4 tỷ USD, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, có 297 lượt dự án mở rộng vốn, với hơn 5,22 tỷ USD, tăng 31,7%.
Trong số 47 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam trong năm nay, Nhật Bản đứng đầu danh sách với vốn đăng ký mới và mở rộng đầu tư 4,35 tỷ USD (chiếm 34,5% tổng vốn đăng ký), tiếp theo là Singapore với 3,78 tỷ USD (chiếm 29,9%) và Nga với 1,01 tỷ USD (chiếm 8,1%).
Trong 18 lĩnh vực mà nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư, bất động sản là lĩnh vực đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 588,11 triệu USD, chiếm 4,7% tổng vốn đầu tư đăng ký(đứng sau công nghiệp chế biến, chế tạo). Tính lũy kế đến ngày 20/8/2013, trong số các dự án còn hiệu lực, bất động sản cũng là lĩnh vực thu hút FDI lớn thứ 2 với 400 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký 48,23 tỷ USD.
Thị trường bất động sản Việt Nam đang có nhiều lợi thế thu hút dòng vốn ngoại hơn các thị trường lân cận
Bất động sản Việt Nam có nhiều ưu thế
Những yếu tố thúc đẩy nguồn vốn ngoại vào bất động sản gia tăng, theo Savills Việt Nam, là do trong nửa đầu năm 2013, nền kinh tế Việt Nam đang dần hồi phục với những chuyển biến tích cực, lạm phát kìm lại, tăng trưởng GDP đạt 5%, lãi suất huy động tiếp tục giảm xuống mức 6 - 7%/năm và riêng tại TP. HCM, lượng kiều hối đạt xấp xỉ 1,9 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam cũng đang nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế với những chính sách và gói hỗ trợ doanh nghiệp như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, hạ trần lãi suất huy động vốn ngắn hạn, giảm 50% thuế VAT cho các giao dịch căn hộ thương mại với diện tích sàn dưới 70 m2 và giá bán dưới 15 triệu đồng/m2, cùng với gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng cho các dự án nhà ở xã hội. Trong số 400 dự án bất động sản có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký trên 48,23 tỷ USD hiện tại, Nhật Bản cũng là quốc gia đứng đầu danh sách các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư nhiều nhất vào thị trường bất động sản Việt Nam.
“Tại những hội thảo giới thiệu cơ hội cho các nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư vào thị trường Việt Nam do Savills Việt Nam tổ chức trong thời gian qua ở Nhật Bản, các nhà đầu tư Nhật Bản cho biết, họ rất quan tâm đến thị trường Việt Nam và kỳ vọng thị trường bất động sản là điểm đến đầu tư trung và dài hạn”, ông Neil MacGregor, Giám đốc điều hành Savills Việt Nam đánh giá và cho biết, ngoài Nhật Bản, nhiều nhà đầu tư đến từ Đài Loan, Singapore, Hàn Quốc cũng đang có mối quan tâm lớn tới những dự án đang được giao bán của các chủ đầu tư trong nước. Phần lớn các nhà đầu tư nước ngoài trên vẫn đang phát triển dự án của họ theo chiến lược dài hạn.
Ông Neil MacGregor nhìn nhận, thị trường bất động sản Việt Nam đang sở hữu những ưu thế nhất định so với các nước khác trong khu vực. Trong khi suất đầu tư của phân khúc bất động sản thương mại trên toàn thế giới vẫn có dấu hiệu giảm mạnh, thì thị trường TP. HCM và Hà Nội có dấu hiệu “chạm đáy” và đang trên đà hồi phục. Điều này mang lại lợi thế về giá cho các nhà đầu tư quốc tế so với các thị trường lân cận như Indonesia, Philippines và Malaysia.
“Nền tảng cơ bản của kinh tế Việt Nam vẫn đang vững mạnh. Theo Liên hợp quốc, Việt Nam đang sở hữu tháp dân số lý tưởng từ năm 2008 đến 2035 với số lượng dân số trong độ tuổi lao động vượt số dân số phụ thuộc. GDP được dự báo tiếp tục tăng trưởng khả quan và tình hình chính trị ổn định cũng là một lợi thế không nhỏ so với các nước khác. Hơn thế nữa, trên thị trường đang hiện hữu nhiều cơ hội đầu tư. Điều này sẽ giúp thúc đẩy tính hiệu quả của các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực bất động sản”, ông Neil MacGregor nói.
Minh Nhật
Theo Đầu tư chứng khoán
Các bản tin khác
- Cuối năm, thị trường bất động sản sẽ ra sao?
- Rắc rối từ CMND mới
- Đà Nẵng đề nghị xây dựng nút giao thông khác mức ngã ba Huế theo hình thức BT
- Vay tiền mua nhà: Thận trọng khi ngân hàng "đại hạ giá"
- Đấu giá 17 khu đất mặt tiền
- Giá đất kêu gọi đầu tư mặt tiền đường Nguyễn Văn Linh nối dài: 45,3 - 49,1 triệu đồng/m2
- LỐI RA CHO THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN
- Làm quy hoạch đô thị: "Không để hậu thế trách giận tiền nhân"
- Điều chỉnh quy hoạch Đà Nẵng đến 2030, tầm nhìn 2050: Chọn hình mẫu Singapore
- GIÁ TRỊ THỰC TÒA NHÀ HOÀNG ANH GIA LAI ĐÀ NẴNG
- Xây cầu đi bộ qua sông Hàn
- Khởi công Dự án Nhà ở xã hội liên doanh nước ngoài đầu tiên tại Đà Nẵng
- Thẩm định 8 đồ án quy hoạch, kiến trúc
- Giá đất tái định cư khu dân cư An Cư 5
- Bất động sản chiếm 70% vốn FDI tại Đà Nẵng
- Chiêu câu khách của môi giới thời địa ốc ế ẩm
- Thống nhất chọn 05 địa điểm tái định cư thuộc Dự án Phát triển bền vững TP Đà Nẵng
- PHÁT HIỆN NHIỀU TRƯỜNG HỢP GIẢ BÚT PHÊ, CHỮ KÝ CỦA BÍ THƯ THÀNH ỦY HÒNG TRỤC LỢI
- Phó thống đốc ngân hàng và lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đối thoại với doanh nghiệp: Sẽ bảo lãnh tín chấp đến 5.000 tỷ để doanh nghiệp được vay vốn ngân hàng
- Chính phủ sẽ ra tay "cứu" BĐS, chứng khoán