Bất chấp các quy định pháp luật hiện hành, nhiều chủ đầu tư bất động sản tìm cách “lách” để cứu vốn; khách hàng ham rẻ sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề tranh chấp pháp lý, thậm chí thua thiệt.
Đủ “chiêu” lách luật
Để vượt cơn “bĩ cực” bất động sản đóng băng, thời gian gần đây một số chủ đầu tư nhà ở tìm cách lách luật để huy động vốn từ khách hàng: Thông báo huy động vốn vượt quá 70% giá trị hợp đồng khi chưa bàn giao nhà (trái Luật Nhà ở). Một số dự án đã lách, như: Sky Garden Định Công (Hoàng Mai, HN) thu 80% giá trị hợp đồng khi hoàn thành xây thô, 20% còn lại khách nộp khi nhận nhà; Hạ Đình Tower (Thanh Xuân, HN) thu 95% khi hoàn thành căn hộ phần thô, 5% khi nhận nhà; Hà Đô Park View (Cầu Giấy, HN) thu 80% khi xong phần thô, 10% hoàn thiện mặt ngoài tòa nhà, 10% khi nhận nhà…
Bất động sản đóng băng, dùng đủ “chiêu” lách luật, khách hàng nên thận trọng. |
Cũng vì lý do này, cuối năm 2012, khách hàng và chủ đầu tư dự án Văn Phú Victoria (Hà Đông, HN) từng xảy ra tranh cãi pháp lý. Theo hợp đồng, chủ đầu tư yêu cầu khách hàng nộp hơn 90% giá trị căn hộ khi xây xong phần thô.
Không chỉ huy động vốn vượt quá quy định, nhiều đơn vị tìm cách “chia” nhỏ căn hộ lớn thành 2 hộ cùng chung một sổ hồng (giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở). Cách làm này đáp ứng nhu cầu người thu nhập thấp cần nhà ở, lách quy định diện tích căn hộ thương mại không được thấp hơn 45m2 của Luật Xây dựng.
“Hai nhà một sổ là vi phạm, sau này có thể xảy ra tranh chấp. Chủ đầu tư không thể băm nhỏ nhà thành các khu ổ chuột, gây sức ép lên hạ tầng, cấp, thoát nước…”. Phó chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội |
Theo chủ một doanh nghiệp (xin không nêu tên) đang thực hiện cách này, những khách hàng lựa chọn căn hộ kiểu chia nhỏ thường là mua để ở. Họ không có nhu cầu thế chấp, chỉ cần có sổ để yên tâm về mặt sở hữu, nên chấp nhận chung sổ hồng với hộ bên cạnh. Khi nào có quy định cấp sổ cho diện tích nhỏ hơn 45m2 sẽ tách sổ. “Hai hộ chung sổ có thể là quen nhau, hoặc chủ đầu tư đứng ra làm “mối” để họ thỏa thuận, trên cơ sở tin tưởng nhau. Cái này chính quyền cấm, nhưng nhiều đơn vị vẫn lặng lẽ làm”, vị này nói.
Một cách khác là chuyển đổi phần cho thuê thương mại, văn phòng thành nhà ở. Một số sàn giao dịch bất động sản vẫn đang chào bán căn hộ diện tích nhỏ 30-40m2/căn, giá chỉ 9,5-11 triệu đồng/m2 ở chung cư Nam Xa La (Hà Đông, HN). Những căn này đều ở tầng 1, 2, 3 vốn được cấp phép làm sàn thương mại cho thuê. Chị Kiều Oanh, nhân viên môi giới sàn bất động sản Lanmak giải thích, vì chuyển đổi từ sàn thương mại sang căn hộ nhỏ để bán nên chỉ có ở tầng 2, 3.
“Chủ đầu tư đang xin chuyển đổi nên nhà chưa có sổ. Khách ký hợp đồng với chủ đầu tư, khi nào có hướng dẫn sẽ làm sổ sau”, chị Oanh nói. Theo nhân viên này, những căn hộ này chỉ bán cho cán bộ nhân viên trong công ty, nhưng họ không có nhu cầu nên bán.
“Khi nhận nhà, khách chỉ phải đóng 65% giá trị hợp đồng, 35% còn lại sẽ đóng rải rác thành nhiều đợt trong 2 năm sau đó. Đấy cũng là thời gian để chủ đầu tư làm thủ tục chuyển đổi công năng sử dụng”, chị Oanh nói. Theo đó, đã có một số người mua 2 căn rồi đập tường thông nhau để thành một căn lớn. Thậm chí, vì thiết kế ban đầu là sàn thương mại nên trần cao 4m, khách hàng có thể lắp thêm gác xép.
Rủi ro luôn ở phía khách hàng
Trả lời Tiền Phong, ông Vũ Văn Giản, Tổng Giám đốc Cty Đầu tư Kinh doanh và Phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Phúc Hà (chủ đầu tư dự án Nam Xa La) khẳng định: “Không có việc chia nhỏ tầng cho thuê thương mại thành nhà ở để bán. Ngoài thị trường thông tin vô cùng, chúng tôi kiểm soát sao được”. Đại diện chủ đầu tư cam đoan phần diện tích các tầng 2,3 vẫn là sàn thương mại, văn phòng cho thuê.
Về vấn đề huy động vốn của khách hàng vượt quá 70% như quy định của Luật Nhà ở, ông Nguyễn Trọng Hiền, Trưởng phòng Quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản (Sở Xây dựng Hà Nội), cho rằng, đấy là vấn đề hợp đồng thỏa thuận dân sự giữa người mua và người bán. “Chủ đầu tư thu quá, nhưng vấn đề người mua có nộp hay không. Nếu không phải hợp đồng mua bán chủ đầu tư có thể thu hơn. Nếu hợp đồng mua bán phải do Thanh tra Sở kiểm tra mới kết luận đúng sai”, ông Hiền nói. Theo ông, có loại tên hợp đồng mua bán, nhưng nội dung bên trong chưa chắc là mua bán.
Cục trưởng Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) Nguyễn Mạnh Hà, khẳng định: “Trước khi bàn giao nhà, chủ đầu tư huy động tiền từ khách hàng vượt quá 70% giá trị hợp đồng là không đúng quy định”. Còn việc chủ đầu tư tự ý chia nhỏ căn hộ để bán và chung một sổ hồng, ông Hà nói chưa nắm được. “Dự án nằm ở địa phương nào thì cơ quan chức năng địa phương đấy phải kiểm tra xử lý. Các quy định pháp luật đều phân cấp rõ”, ông Hà cho biết.
Ông Trần Viết Ngôn, Phó chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng, việc chia nhỏ căn hộ, thay đổi kết cấu căn hộ phải được đồng ý của cơ quan cấp phép. Nếu chủ đầu tư cố tình làm, người mua sẽ không được cấp sổ hồng.
Luật sư Bùi Quang Hưng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cảnh báo, chủ đầu tư thu quá tiền theo quy định, khách hàng có quyền không nộp. “Mua nhà không có sổ hồng chẳng khác mua chung cư mini. Thậm chí chung cư mini còn tốt hơn, vì có khả năng làm được sổ”, luật sư Hưng nói. |
Các bản tin khác
- Ngân hàng Nhà nước từ chối gia hạn gói 30.000 tỷ đồng
- Đầu tư theo kênh nào để sinh lời?
- Đà Nẵng: Cấm chủ đầu tư bán nhà đất dưới mọi hình thức khi dự án chưa đủ thủ tục pháp lý
- 5.581 tỷ đồng xây dựng cảng Liên Chiểu giai đoạn 1
- Ô tô Indonesia 300 triệu, xe Thái 400 triệu đổ về Việt Nam
- Du lịch Đà Nẵng 2017 kỳ vọng bùng nổ với lễ hội pháo hoa
- Đà Nẵng siết chặt hoạt động quản lý đất đai, nhà ở, căn hộ
- NGHỊ QUYẾT HĐND THÀNH PHỐ: Đặt, đổi tên một số đường trên địa bàn thành phố Đà Nẵng năm 2016
- Kinh nghiệm chọn mua chung cư
- Đà Nẵng sẽ đầu tư 9.677 tỷ đồng tái cấu trúc phát triển đô thị
- Bất động sản làm tăng áp lực lên hạ tầng của Đà Nẵng
- WB và ADB ủng hộ dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng
- Khẩn trương giải quyết việc đền bù, giải tỏa dự án Trung tâm thương mại Chợ Cồn và công viên thành phố
- Nghiên cứu khả thi dự án Di dời ga đường sắt và Tái phát triển đô thị TP Đà Nẵng do Tư vấn quốc tế của WB thực hiện
- Đấu giá lô đất lớn góc đường Ngô Quyền–Võ Văn Kiệt
- Dự án KCN Hòa Khánh mở rộng: Chia lô cho công nhân xây nhà ở
- Nhiều điểm mới trong quy chế cho vay mới
- Xác định khu vực tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Đà Nẵng
- Không lo tiền bị 'chôn' trong bất động sản
- Đà Nẵng đáng sống, cần thêm “đáng đầu tư”