Đó là ý kiến chỉ đạo các tổ chức tín dụng của Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến tại buổi làm việc với lãnh đạo thành phố Đà Nẵng và các tổ chức tín dụng trên địa bàn vào chiều 25-9.
Chính sách tín dụng đã hỗ trợ cho doanh nghiệp trong ổn định sản xuất kinh doanh. Ảnh: THÀNH LÂN
Đó là ý kiến chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) của Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Đồng Tiến tại buổi làm việc với lãnh đạo thành phố Đà Nẵng và các TCTD trên địa bàn vào chiều 25-9. Tham dự buổi làm việc có Phó Chủ tịch HĐND, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa; Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Võ Duy Khương.
Chính sách tín dụng phát huy tác dụng
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Võ Duy Khương đánh giá cao những đóng góp tích cực của hệ thống các TCTD trên địa bàn trong việc hỗ trợ cho phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Thời gian qua, lãi suất cho vay được điều chỉnh theo sự chỉ đạo của Chính phủ và Thống đốc NHNN; tín dụng được tập trung cho vay phục vụ sản xuất, kinh doanh, khu vực “tam nông”, xuất khẩu, DNNVV, cho vay nhà ở xã hội… Các TCTD triển khai nhiều gói tín dụng hỗ trợ với lãi suất 7% - 13%/năm, chủ động phối hợp với khách hàng vay để tháo gỡ khó khăn trong việc trả nợ và tiếp cận vốn vay, giúp các DN từng bước phục hồi, duy trì và mở rộng sản xuất, kinh doanh. Trong đó, đáng biểu dương là NH HSBC lãi suất thấp nhất 8,84%; tiếp đến là Vietcombank, BIDV Hải Vân, Indovina… Tuy nhiên, vẫn còn một số NH có lãi suất quá cao là NH Sài Gòn Hà Nội (trên 17%); Kiên Long, Sài Gòn (trên 16%)...
Làm rõ hơn vấn đề này, Giám đốc NHNN Chi nhánh Đà Nẵng Võ Minh cho biết, thời gian qua, các TCTD trên địa bàn đã tích cực triển khai nhiều gói sản phẩm, dịch vụ đồng bộ nhằm đẩy mạnh huy động vốn, đẩy mạnh cho vay theo các gói tín dụng với các mức lãi suất hấp dẫn, ưu đãi... Hoạt động tín dụng đã chuyển dịch mạnh mẽ sang một số lĩnh vực ưu tiên, DN sử dụng nhiều lao động và cho vay kích cầu thị trường để giảm tồn kho cho DN, cho vay mua nhà, sản xuất, xuất khẩu, xây dựng nông thôn mới… Dư nợ cho vay phát triển “tam nông” trên 1.000 tỷ đồng; dư nợ cho vay xây dựng nông thôn mới (NTM) đạt 212 tỷ đồng. Đồng thời, các TCTD giảm lãi suất các khoản cho vay cũ về mức bình quân 12,06%/năm, giảm 2,2% so với cuối năm 2012. Tính đến thời điểm 31-8-2013, dư nợ cho vay đồng Việt Nam (VND) với lãi suất <=13% trên địa bàn là 32.941 tỷ đồng, chiếm 72% tổng dư nợ VND.
Nhiều đề xuất tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp
Theo ông Đoàn Phúc, Phó Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Chi nhánh Đà Nẵng, việc tăng trưởng tín dụng đạt thấp phản ảnh đúng thực tế tình hình doanh nghiệp, cũng như nền kinh tế còn nhiều khó khăn. Riêng đối với Agribank, mức tăng trưởng tín dụng dù đạt 5% nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Bên cạnh đó, hiện nay nhiều người dân khi đi vay mua nhà ở, gặp vướng mắc trong khâu cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà. Vì vậy, ông Phúc đề nghị NHNN cũng như các cơ quan chức năng đẩy nhanh việc giải quyết này. Cùng quan điểm này, ông Lê Diệp, Giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Chi nhánh Đà Nẵng, đề nghị các NH cùng nhau giảm lãi suất để tháo gỡ khó khăn cho DN, đồng thời đề nghị các cơ quan, ban, ngành hỗ trợ các NHTM giải quyết nợ xấu…
Trong khi đó, theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, thành phố hiện có 12.400 DN hoạt động, trong đó 8 tháng đầu năm có đến 8% DN giải thể và tạm dừng kinh doanh, một số DN đang ở bên bờ vực phá sản, tạm nghỉ… Một trong những nguyên nhân là vẫn còn đến 28% số lãi vay trên 13%. Vì vậy, NHNN cần chỉ đạo các TCTD tiếp tục rà soát, đưa số lãi vay này dưới 13% trong thời gian tới; đồng thời cần nâng thời gian vay lên trung và dài hạn để DN có thêm điều kiện sản xuất kinh doanh…
Vì vậy, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đề nghị ngành Ngân hàng tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi và có cơ chế, chính sách phù hợp để tháo gỡ những khó khăn về vốn đối với doanh nghiệp, hộ gia đình sản xuất kinh doanh, nhất là trong việc giảm lãi suất cho vay, có các cơ chế, xử lý các trường hợp còn cho vay quá cao. Đà Nẵng là địa phương đang triển khai mạnh việc quy hoạch, di dời, giải tỏa nên nhu cầu vay mua nhà, xây nhà, trả nợ tiền sử dụng đất rất cao nên các NHTM nên quan tâm đến lĩnh vực này. Riêng đối với Ngân hàng Chính sách xã hội, kiến nghị giảm lãi suất phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Bên cạnh đó, các NHTM cũng nên tham gia vốn vào Quỹ bảo lãnh tín dụng của thành phố; đồng thời có biện pháp quyết liệt để xử lý nợ xấu, cho vay gói 30.000 tỷ đồng… Đặc biệt, các TCTD cần tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến đề nghị các TCTD tiếp tục bám sát các mục tiêu của chính quyền thành phố Đà Nẵng để hỗ trợ phát triển kinh tế địa phương; triển khai thực hiện tốt các chủ trương của NHNN trong hoạt động ngân hàng; tăng cường phối hợp với các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương xây dựng chương trình cụ thể để hỗ trợ công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn. Phó Thống đốc đề nghị tiếp tục thực hiện các giải pháp tín dụng, lãi suất đã triển khai trong năm 2012 để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu; yêu cầu các TCTD trên địa bàn giảm lãi suất tất cả các khoản vay về mức dưới 13%/năm; tập trung triển khai cho vay hỗ trợ nhà ở. Tiếp tục thực hiện các giải pháp mở rộng tín dụng an toàn, hiệu quả, nhất là đối với 5 lĩnh vực ưu tiên; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ cho doanh nghiệp vay vốn, duy trì và mở rộng sản xuất, thị trường, tiêu thụ sản phẩm, nhất là các sản phẩm sản xuất trên địa bàn để phục vụ các dự án, công trình đầu tư từ ngân sách thành phố.
Tổng nguồn vốn huy động ước 53.500 tỷ đồng Đến cuối tháng 9-2013, tổng nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn ước thực hiện là 53.500 tỷ đồng, tăng 9,33% so với cuối năm 2012. Tổng dư nợ cho vay trên địa bàn thực hiện là 53.000 tỷ đồng, tăng 4,46% so với cuối năm 2012. Trong đó, dư nợ cho vay bằng đồng Việt Nam ước thực hiện 46.100 tỷ đồng, tăng 7,08%; cho vay bằng ngoại tệ ước thực hiện 6.900 tỷ đồng, giảm 10,24% so với cuối năm 2012, dư nợ cho vay ngắn hạn ước thực hiện 29.500 tỷ đồng, tăng 3,76%; dư nợ cho vay trung, dài hạn ước thực hiện 23.500 tỷ đồng, tăng 5,34% so với cuối năm 2012. Dư nợ cho vay khu vực ngoài quốc doanh chiếm trên 85,7%. |
THÀNH LÂN
Theo Báo Đà Nẵng
Các bản tin khác
- Nghỉ dưỡng giữa lòng thành phố
- Thu hồi toàn bộ nhà, đất tại khu tập thể 57 Hùng Vương, phường Hải Châu 1
- Đấu giá cho thuê sử dụng đất đối với nhiều lô đất có diện tích lớn
- Việt kiều có được mua nhà ở tại Việt Nam?
- STDA ký kết hợp tác chiến lược tại miền Trung
- Cuộc chơi condotel
- Cái gì cũng tăng giá: Nhà đất bắt đầu sốt
- Có tiền mua chung cư hay đất nền?
- Giá đất tái định cư hộ chính các khu TĐC trên địa bàn quận Liên Chiểu
- Sun Group vào top 10 chủ đầu tư hàng đầu Việt Nam
- Sẽ có gói 300 - 400 nghìn tỷ đồng cho vay ưu đãi mua nhà ở xã hội
- Ngày 24-5, thông tuyến nhánh 4 trục I Tây Bắc
- Bán nhà ‘trên giấy’, Bitexco bị phạt 150 triệu đồng
- Mua nhà cũ với 3 lưu ý tuyệt đối không thể bỏ qua
- 6 lưu ý khi công chứng nhà, đất
- Xếp hàng mua nhà ở sinh thái tại Đà Nẵng
- M&A bất động sản: Thay đổi tích cực trong cơ cấu pháp lý
- Mời giao lưu trực tuyến về công chứng, chứng thực hợp đồng nhà, đất
- Lễ cất nóc chung cư và tri ân khách hàng ở dự án F. Home Đà Nẵng
- Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phú Quốc là "thiên đường nghỉ dưỡng mới" tại Việt Nam