Ngày 4-10, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh đã chủ trì hội nghị thẩm định Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050.
Tham dự hội nghị có ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng; lãnh đạo Sở Xây dựng Đà Nẵng; đại diện các Bộ, ngành liên quan, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hiệp hội các đô thị Việt Nam.
Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2000-2020
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn trình bày báo cáo tóm tắt nội dung điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố. Theo đó, Đồ án quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 465/QĐ-TTg ngày 17-6-2002. Qua hơn 10 năm thực hiện, đô thị Đà Nẵng đã được cải thiện rõ rệt: Nhiều khu đô thị mới ra đời; các khu du lịch và khu công nghiệp lớn đang được hình thành, tạo thế đi lên cho thành phố. Hạ tầng đô thị từng bước được đầu tư và cải thiện.
Bên cạnh những thành tựu đáng khích lệ, nhiều vướng mắc vẫn còn tồn tại như dân số tăng nhanh, tỷ lệ người chưa có việc làm còn cao; thời tiết khắc nghiệt, bão lũ thường xuyên cản trở đáng kể tới quá trình phát triển đô thị. Một số điểm nhấn kiến trúc ven sông, ven biển còn chưa được quản lý tốt; tỷ lệ cây xanh trong khu dân cư còn thiếu; các khu dân cư quy hoạch mới chưa theo kịp hướng phát triển hiện đại và bền vững… Do đó, việc điều chỉnh quy hoạch chung với tầm nhìn dài hạn để phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và của cả nước là rất cần thiết.
Trên cơ sở Quyết định số 882/QĐ-TTg ngày 23-6-2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, công văn số 2658/VPCP-KTN của Văn phòng Chính phủ ngày 3-4-2013 thống nhất thời hạn điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 tầm nhìn 2050, qua chỉ đạo của UBND thành phố, Viện Quy hoạch xây dựng Đà Nẵng lập đồ án điều chỉnh, với phạm vi nghiên cứu trực tiếp gồm toàn bộ ranh giới hành chính thành phố Đà Nẵng với diện tích 1.285 km2 và phạm vi nghiên cứu gián tiếp gồm những khu vực có ảnh hưởng trực tiếp tới không gian phát triển kinh tế trong mối liên quan vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên.
Mục tiêu của việc điều chỉnh quy hoạch chung nhằm xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng theo các hướng đột phá chiến lược: Phát triển các ngành dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ du lịch - thương mại; phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp công nghệ thông tin; xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đưa Đà Nẵng vươn lên thành một đô thị văn minh, năng động, hấp dẫn và đáng sống.
Trong nội dung điều chỉnh quy hoạch đã xác định rõ các nội dung cơ bản cần điều chỉnh, bổ sung trong chiến lược phát triển bền vững của Đà Nẵng. Đó là tính chất đô thị (là đô thị loại I trực thuộc TW, trung tâm của vùng miền Trung và Tây Nguyên, có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển đô thị quốc gia, đồng thời là trung tâm vùng phát triển kinh tế biển), các nội dung liên quan tới quy mô dân số, quy hoạch sử dụng đất, các định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo an ninh quốc phòng của Đà Nẵng.
Một góc đô thị Đà Nẵng nhìn từ Trung tâm Hành chính |
Tại hội nghị, các ủy viên phản biện và thành viên của Hội đồng thẩm định Bộ Xây dựng đều đánh giá cao nỗ lực của việc tư vấn xây dựng được một đồ án quy hoạch công phu, thể hiện nhiều ý tưởng mới. Hội đồng cũng thảo luận một số vấn đề về biến đổi khí hậu, định hướng không gian, định hướng hạ tầng - đặc biệt là hạ tầng giao thông, quỹ đất dành cho phát triển du lịch và giáo dục - đào tạo để tư vấn nghiên cứu rà soát, bổ sung hoàn chỉnh đồ án..
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh đã đánh giá cao tính khả thi của đồ án, cũng như các nội dung điều chỉnh. Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh lưu ý UBND thành phố Đà Nẵng chỉ đạo tư vấn rà soát quỹ đất, nhất là đất dành cho phát triển các trung tâm chuyên ngành. Đối với phần đánh giá hiện trạng, phân vùng chức năng trong đồ án cần được tư vấn tập trung làm rõ hơn, trên cơ sở đó các đề xuất tiền đề phát triển của thành phố mới có cơ sở và mang tính thuyết phục.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh đánh giá cao năng lực thực hiện quy hoạch và quản lý quy hoạch của UBND thành phố Đà Nẵng, cũng như quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố trong việc xây dựng và phát triển Đà Nẵng trở thành một đô thị đặc biệt, trung tâm cấp quốc gia, hướng tới đô thị quốc tế và phát triển bền vững.
Được biết sau khi hoàn thành bổ sung, điều chỉnh, Đồ án Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 tầm nhìn 2050 sẽ được Bộ Xây dựng trình Chính phủ phê duyệt.
Tin và ảnh: TRIỆU TÙNG
Theo Báo Đà Nẵng
Các bản tin khác
- Thị trường bất động sản: Lạc quan trong thận trọng
- Siết tín dụng bất động sản: Động thái cần thiết để thị trường phát triển bền vững
- Thế giới ước mơ và hạnh phúc qua màn trình diễn của đội Ý
- Bất động sản xoay chiều đầu tư
- Biệt thự trên không, khái niệm mới về nhà ở
- Chủ tịch nước Lệnh công bố 7 Luật
- Bất động sản miền Trung còn nhiều dư địa phát triển
- Nhà đầu tư ngoại nào đang dẫn đầu thị trường bất động sản Việt Nam?
- Gần 28 tỷ đồng xây bãi đỗ xe lắp ghép 6 tầng tại khu vực trung tâm thành phố
- GẶP MẶT NHÂN DỊP BÀ NGUYỄN VŨ MINH NGUYỆT ĐƯỢC PHONG TẶNG DANH HIỆU AHLLVTND
- Đà Nẵng qui hoạch lại 7 khu 'đất vàng' của các đại gia
- Doanh nghiệp chuyên doanh bất động sản đầu tiên ở Đà Nẵng lên sàn chứng khoán
- Đà Nẵng sẵn sàng cho tuần lễ GEF 6
- "Ma trận" sàn giao dịch bất động sản
- Bão vành đai (Bài cuối: Không nên đô thị hóa cưỡng bức)
- Đà Nẵng: Ra mắt liên minh doanh nghiệp bất động sản G3
- Rà soát các dự án đầu tư trọng điểm về giao thông
- Các tuyến đường thuộc dự án Khu dân cư bàu Gia Phước (Q. Sơn Trà): Chậm thi công do mặt bằng còn "vướng"
- Sẽ lập Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc tại Đà Nẵng
- Giải mã tại sao Liên Chiểu thu hút các nhà đầu tư lớn