Giao dịch nhà đất luôn liên quan đến những khoản tiền lớn, đồng thời có thể xảy ra nhiều rủi ro với cả người mua lẫn người bán, dẫn đến giao dịch không thành công, thậm chí còn làm hao tổn tiền bạc...
Thỏa thuận xong giá mua bán căn nhà hẻm ở Q.Phú Nhuận (TP.HCM) là 3,2 tỉ đồng, chị Ngân, người mua nhà, mới đề nghị được xem giấy tờ gốc thì chủ nhà cho hay giấy tờ nhà đang cầm cố ở ngân hàng. Chủ nhà đề nghị chị Ngân đặt cọc mua nhà 500 triệu đồng, bằng số tiền đang nợ ngân hàng, để họ lấy giấy tờ ra. Sau khi tham khảo ý kiến người thân và bạn bè, chị Ngân dù tiếc, vì chọn được căn nhà ưng ý, giá rẻ, nhưng vẫn quyết định không mua căn nhà này. “Xét về tính pháp lý, ngân hàng nhận thế chấp căn nhà thì phần nào mình cũng an tâm là nhà đã có đầy đủ giấy tờ. Thế nhưng mình đâu biết thực sự họ đang nợ ngân hàng bao nhiêu, nếu đặt cọc 500 triệu mà vẫn không lấy được giấy tờ nhà ra thì sao mua bán? Chưa kể, nhà đang thế chấp thì việc chuyển nhượng có thể bị hạn chế, việc đặt cọc mua căn nhà liệu có được công nhận...”, chị Ngân chia sẻ.
Săn nhà thế chấp ngân hàng - Ảnh: D.Đ.Minh |
Những lo lắng của chị Ngân không hề quá, bởi thực tế đã xảy ra rất nhiều trường hợp tương tự, dẫn đến việc mua bán kéo dài, thậm chí không thành. Lúc đó, người mua đòi lại tiền cọc cũng trần ai.
Một thực tế trong giao dịch nhà đất là thường người mua đặt cọc khoảng 10% giá trị căn nhà, sau khi ra công chứng xong mới trả hết phần còn lại, người bán giao giấy tờ. Đã có trường hợp công chứng hợp đồng xong xuôi, người mua mới cho biết không đủ tiền thanh toán hết toàn bộ theo thỏa thuận và xin... “phần còn thiếu trả sau”. Về pháp lý, hợp đồng đã công chứng tức việc mua bán đã xong, chỉ còn chờ... sang tên đổi chủ. Nếu không thực hiện tiếp hợp đồng chỉ có cách xin hủy công chứng, chấp nhận mất phí công chứng; còn nếu thực hiện tiếp thì không thể biết trước bên mua có thanh toán tiền theo đúng cam kết hay không...
Sử dụng trung gian
Theo giám đốc chi nhánh một ngân hàng ở TP.HCM, vẫn có cách giải quyết với trường hợp căn nhà đã được thế chấp và kể cả người mua có nhu cầu thế chấp chính căn nhà mua để vay vốn, trả tiền thanh toán căn nhà này, đó là ngân hàng sẽ làm đơn vị trung gian trong giao dịch. Khi đó, người mua, người bán và ngân hàng sẽ ký một hợp đồng thỏa thuận 3 bên. Bên mua phải nộp một khoản tiền vào tài khoản của ngân hàng (mà bên bán đang nợ). Khi ra công chứng mua bán nhà, ngân hàng sẽ thu hồi khoản mà bên bán đang nợ và trả lại phần còn dư cùng giấy tờ nhà đất đang cầm cố.
Hiện nay, hầu hết các ngân hàng đều thực hiện dịch vụ trung gian thanh toán mua bán bất động sản, không những với trường hợp nhà đang cầm cố thế chấp mà còn với các giao dịch nhà đất bình thường khác. Khi đó, hai bên mua bán cùng đến ngân hàng để được tư vấn và tiến hành ký hợp đồng ủy nhiệm thanh toán tiền chuyển nhượng bất động sản; bên bán giao giấy tờ chủ quyền bản chính cho ngân hàng; bên mua nộp tiền một lần hoặc nhiều lần (tùy theo thỏa thuận của hai bên và được thể hiện trong hợp đồng ủy nhiệm thanh toán) vào tài khoản đảm bảo thanh toán của ngân hàng... Trong quá trình mua bán, ngân hàng có vai trò như “trọng tài”, đảm bảo việc mua bán, thanh toán, giao nhà đúng theo các điều kiện thỏa thuận. Trường hợp phát sinh trục trặc về pháp lý, hầu hết các ngân hàng đều có các chuyên viên tư vấn cách giải quyết hoặc trợ giúp pháp lý khi được yêu cầu.
Tuy nhiên, lưu ý là các dịch vụ này ngân hàng đều có thu phí, mức phí tùy theo ngân hàng nhưng thường ở mức khoảng 0,2% giá trị giao dịch. Ngoài ra, khi mua bán thông qua ngân hàng, giá bất động sản sẽ phải ghi rõ ràng trong hợp đồng công chứng. Trong khi đó, thực tế nhiều trường hợp hai bên thỏa thuận giá mua bán ghi trên hợp đồng thấp hơn nhiều giá mua bán thực, nhằm né thuế thu nhập cá nhân (2% trên giá bán hay 25% trên lợi nhuận, nếu người bán có 2 căn nhà trở lên) và phí công chứng (tính trên giá trị giao dịch ghi trong hợp đồng)... “Chính vì thực tế này mà dịch vụ thanh toán qua ngân hàng chưa được nhiều người sử dụng”, một cán bộ ngân hàng nhìn nhận.
Thanh Xuân
Theo Báo Thanh niên
Các bản tin khác
- “Chiến lược đại dương xanh” đã lấn sang thị trường bất động sản
- Cuộc đối đầu kỳ thú giữa shophouse và thương mại điện tử
- Tháo gỡ vướng mắc về tách thửa đất, cấp sổ hồng
- CEO Sun Group và những câu chuyện bây giờ mới kể
- "Bom tấn" Golden Bridge khiến du khách quốc tế khao khát check-in Đà Nẵng
- Cách thức xác định đối tượng mua nhà ở xã hội do doanh nghiệp đầu tư
- Bất động sản: Thời của trải nghiệm khách hàng lên ngôi
- "Cách mạng 4.0 đang tác động mạnh mẽ đến bất động sản Việt Nam"
- Yên bình bãi Tiên Sa
- Chờ khung pháp lý, "đứa con lai" condotel dần hạ nhiệt
- Đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng tại quận Liên Chiểu
- Đà Nẵng: Đấu thầu dự án khu đô thị 50ha từ việc chuyển đổi KCN Đà Nẵng
- Thị trường bất động sản: "Sẽ không biến động lớn đến 2019"
- Đề xuất phương án thu hồi dự án sân vận động Chi Lăng
- Chuyển đổi Khu công nghiệp Đà Nẵng thành đất ở đô thị: Cần đúng quy định pháp luật và phù hợp điều kiện cụ thể
- 15 NĂM THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 33-NQ/TW CỦA BỘ CHÍNH TRỊ (KHÓA IX) Đà Nẵng - thành phố động lực của sự phát triển
- Đấu thầu xây dựng bãi đỗ xe công cộng nhiều tầng tại 18 vị trí khu vực trung tâm thành phố
- Khai thác thị trường bất động sản công nghiệp
- Cuối năm nay sẽ có văn bản pháp lý cho condotel
- Pháp lý cho condotel chưa rõ ràng