Giao dịch nhà đất luôn liên quan đến những khoản tiền lớn, đồng thời có thể xảy ra nhiều rủi ro với cả người mua lẫn người bán, dẫn đến giao dịch không thành công, thậm chí còn làm hao tổn tiền bạc...
Thỏa thuận xong giá mua bán căn nhà hẻm ở Q.Phú Nhuận (TP.HCM) là 3,2 tỉ đồng, chị Ngân, người mua nhà, mới đề nghị được xem giấy tờ gốc thì chủ nhà cho hay giấy tờ nhà đang cầm cố ở ngân hàng. Chủ nhà đề nghị chị Ngân đặt cọc mua nhà 500 triệu đồng, bằng số tiền đang nợ ngân hàng, để họ lấy giấy tờ ra. Sau khi tham khảo ý kiến người thân và bạn bè, chị Ngân dù tiếc, vì chọn được căn nhà ưng ý, giá rẻ, nhưng vẫn quyết định không mua căn nhà này. “Xét về tính pháp lý, ngân hàng nhận thế chấp căn nhà thì phần nào mình cũng an tâm là nhà đã có đầy đủ giấy tờ. Thế nhưng mình đâu biết thực sự họ đang nợ ngân hàng bao nhiêu, nếu đặt cọc 500 triệu mà vẫn không lấy được giấy tờ nhà ra thì sao mua bán? Chưa kể, nhà đang thế chấp thì việc chuyển nhượng có thể bị hạn chế, việc đặt cọc mua căn nhà liệu có được công nhận...”, chị Ngân chia sẻ.
Săn nhà thế chấp ngân hàng - Ảnh: D.Đ.Minh |
Những lo lắng của chị Ngân không hề quá, bởi thực tế đã xảy ra rất nhiều trường hợp tương tự, dẫn đến việc mua bán kéo dài, thậm chí không thành. Lúc đó, người mua đòi lại tiền cọc cũng trần ai.
Một thực tế trong giao dịch nhà đất là thường người mua đặt cọc khoảng 10% giá trị căn nhà, sau khi ra công chứng xong mới trả hết phần còn lại, người bán giao giấy tờ. Đã có trường hợp công chứng hợp đồng xong xuôi, người mua mới cho biết không đủ tiền thanh toán hết toàn bộ theo thỏa thuận và xin... “phần còn thiếu trả sau”. Về pháp lý, hợp đồng đã công chứng tức việc mua bán đã xong, chỉ còn chờ... sang tên đổi chủ. Nếu không thực hiện tiếp hợp đồng chỉ có cách xin hủy công chứng, chấp nhận mất phí công chứng; còn nếu thực hiện tiếp thì không thể biết trước bên mua có thanh toán tiền theo đúng cam kết hay không...
Sử dụng trung gian
Theo giám đốc chi nhánh một ngân hàng ở TP.HCM, vẫn có cách giải quyết với trường hợp căn nhà đã được thế chấp và kể cả người mua có nhu cầu thế chấp chính căn nhà mua để vay vốn, trả tiền thanh toán căn nhà này, đó là ngân hàng sẽ làm đơn vị trung gian trong giao dịch. Khi đó, người mua, người bán và ngân hàng sẽ ký một hợp đồng thỏa thuận 3 bên. Bên mua phải nộp một khoản tiền vào tài khoản của ngân hàng (mà bên bán đang nợ). Khi ra công chứng mua bán nhà, ngân hàng sẽ thu hồi khoản mà bên bán đang nợ và trả lại phần còn dư cùng giấy tờ nhà đất đang cầm cố.
Hiện nay, hầu hết các ngân hàng đều thực hiện dịch vụ trung gian thanh toán mua bán bất động sản, không những với trường hợp nhà đang cầm cố thế chấp mà còn với các giao dịch nhà đất bình thường khác. Khi đó, hai bên mua bán cùng đến ngân hàng để được tư vấn và tiến hành ký hợp đồng ủy nhiệm thanh toán tiền chuyển nhượng bất động sản; bên bán giao giấy tờ chủ quyền bản chính cho ngân hàng; bên mua nộp tiền một lần hoặc nhiều lần (tùy theo thỏa thuận của hai bên và được thể hiện trong hợp đồng ủy nhiệm thanh toán) vào tài khoản đảm bảo thanh toán của ngân hàng... Trong quá trình mua bán, ngân hàng có vai trò như “trọng tài”, đảm bảo việc mua bán, thanh toán, giao nhà đúng theo các điều kiện thỏa thuận. Trường hợp phát sinh trục trặc về pháp lý, hầu hết các ngân hàng đều có các chuyên viên tư vấn cách giải quyết hoặc trợ giúp pháp lý khi được yêu cầu.
Tuy nhiên, lưu ý là các dịch vụ này ngân hàng đều có thu phí, mức phí tùy theo ngân hàng nhưng thường ở mức khoảng 0,2% giá trị giao dịch. Ngoài ra, khi mua bán thông qua ngân hàng, giá bất động sản sẽ phải ghi rõ ràng trong hợp đồng công chứng. Trong khi đó, thực tế nhiều trường hợp hai bên thỏa thuận giá mua bán ghi trên hợp đồng thấp hơn nhiều giá mua bán thực, nhằm né thuế thu nhập cá nhân (2% trên giá bán hay 25% trên lợi nhuận, nếu người bán có 2 căn nhà trở lên) và phí công chứng (tính trên giá trị giao dịch ghi trong hợp đồng)... “Chính vì thực tế này mà dịch vụ thanh toán qua ngân hàng chưa được nhiều người sử dụng”, một cán bộ ngân hàng nhìn nhận.
Thanh Xuân
Theo Báo Thanh niên
Các bản tin khác
- Người thuê nhà cần biết 5 thay đổi lớn từ 01/7/2021
- Cách tính tiền Bảo hiểm xã hội một lần năm 2021
- Nhiều quy định về nâng lương cán bộ, công chức sắp thay đổi?
- Đà Nẵng điều chỉnh giảm 10% giá đất so với hiện nay
- Từ 01/7/2021, đăng ký thường trú, tạm trú có thể bị thu hồi Sổ hộ khẩu
- Vì sao Chứng minh nhân dân không nên ép dẻo?
- Thủ tục sang tên xe máy mới nhất: Kinh nghiệm thực hiện từ A đến Z
- Cách ghi số và ký hiệu văn bản đúng chuẩn Nghị định 30
- Hướng dẫn mới nhất về cấp Giấy xác nhận số CMND từ 18/11/2019
- Từ 22/5, chính thức cấp bản sao điện tử cho người dân
- Trường hợp nào gây thiệt hại mà không phải bồi thường?
- Một năm, người lao động được nghỉ việc riêng mấy lần?
- Đất không có Sổ đỏ có được chia thừa kế không?
- Hôm nay (15/5), nhiều chính sách mới bắt đầu có hiệu lực
- Từ 20/4/2020: Giấy ủy quyền chỉ được chứng thực trong 4 trường hợp
- 6 giao dịch về nhà ở không cần đến Sổ đỏ
- Các Văn phòng Công chứng tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định về phòng chống dịch Covid 19
- Đà Nẵng: Mức giá đất ở cao nhất là 98,8 triệu đồng/m2
- Có Sổ đỏ trong tay, người dân được hưởng lợi thế nào?
- Thủ tục cấp Sổ đỏ khi mua bán nhà đất bằng giấy viết tay