Đề nghị ban hành cơ chế ưu đãi vượt trội mới cho Đà Nẵng
Ngày 17-10, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì buổi làm việc của Bộ Chính trị với tập thể Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về kết quả 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW của Bộ Chính trị (Khóa IX) (gọi tắt là Nghị quyết 33) về “Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; đồng thời quyết định những cơ chế ưu đãi để Đà Nẵng tiếp tục tạo đột phá mới về kinh tế - xã hội, trở thành đô thị hiện đại, văn minh; là động lực phát triển của khu vực và cả nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí trong Bộ Chính trị với tập thể Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng.
Những đột phá quan trọng
Tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy báo cáo Bộ Chính trị những kết quả nổi bật sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 33. Theo đó, ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 33, Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Kế hoạch và Chương trình hành động về tổ chức thực hiện Nghị quyết, trong đó đề ra 12 chương trình trọng tâm trên các ngành, lĩnh vực để thực hiện Nghị quyết. UBND thành phố xây dựng và ban hành 24 quyết định cụ thể hóa và phân công các đồng chí lãnh đạo thành phố chủ trì chỉ đạo từng lĩnh vực.
Qua tổ chức tuyên truyền, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết, các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức được tầm quan trọng của Nghị quyết 33, xem đây là văn kiện có ý nghĩa lịch sử trong quá trình phát triển của thành phố. Đồng thời thấy rõ trách nhiệm và cơ hội phấn đấu để đưa thành phố phát triển toàn diện với tốc độ nhanh và bền vững trên tất cả các lĩnh vực, góp phần vào việc thúc đẩy kinh tế - xã hội khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
10 năm qua, trong bối cảnh kinh tế và đời sống gặp nhiều khó khăn, nhất là tình hình thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu diễn biến phức tạp nhưng Đảng bộ, quân và dân thành phố nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức. Kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng khá, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng định hướng, chú trọng phát triển các ngành, sản phẩm theo hướng công nghệ cao, tạo giá trị gia tăng lớn và có lợi thế cạnh tranh.
Tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn (GDP, giá cố định 2010) ước tăng trung bình 11,5%/năm, năm 2013 ước đạt 40.456,5 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với năm 2003. GDP bình quân đầu người năm 2013 ước đạt 55,98 triệu đồng (2.650 USD), gấp 5,4 lần năm 2003 và bằng 1,6 lần bình quân cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng từ “công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp” sang “dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp” vào năm 2008, trước 2 năm so với mục tiêu Nghị quyết 33.
Các ngành dịch vụ đạt tốc độ tăng trưởng cao, bình quân 15,5%/năm. Thành phố đã đầu tư lớn cho phát triển ngành du lịch, đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, doanh thu du lịch ước tăng 23,5%/năm. Du lịch phát triển đã tạo sôi động cho thị trường bất động sản, tạo nguồn thu lớn để đầu tư phát triển hạ tầng thành phố. Sản xuất công nghiệp duy trì tăng trưởng ổn định. Tiềm năng, lợi thế về kinh tế biển được chú trọng. Hệ thống hạ tầng cảng biển từng bước được đầu tư phát triển thành cảng container có quy mô lớn, hiện đại của khu vực miền Trung.
Thành phố đã thực hiện khá tốt công tác quy hoạch, tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh, xây dựng kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị tạo được dấu ấn rõ nét, quy mô đô thị mở rộng hơn 3 lần so với năm 2003. Việc phát triển các khu đô thị mới, khu tái định cư, khu công nghiệp, khu du lịch được tiến hành đồng thời với việc chỉnh trang đô thị, nhiều công trình có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp; nhiều khu đô thị mới có hạ tầng đồng bộ, hiện đại đã được khởi công xây dựng, hoàn thành, đưa vào sử dụng, vừa tạo cho Đà Nẵng có tốc độ phát triển kinh tế nhanh, vừa làm thay đổi cơ bản diện mạo đô thị thành phố theo hướng thành phố biển, xanh, sạch, đẹp, văn minh, an bình và thân thiện.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kết luận buổi làm việc. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Linh hoạt trong cơ chế
Tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Trần Thọ báo cáo nhanh với Bộ Chính trị về tình hình thiệt hại và công tác khắc phục hậu quả bão số 11 gây ra. Theo đó, mặc dù bão rất mạnh nhưng nhờ chủ động từ trước nên Đà Nẵng không thiệt hại về người. Ước tính thiệt hại chung gần 870 tỷ đồng. |
Trong quá trình thực hiện Nghị quyết 33, nhiều cơ chế, chính sách linh hoạt được chính quyền thành phố Đà Nẵng ban hành và tổ chức thực hiện, góp phần tạo dựng môi trường đầu tư thông thoáng, huy động được nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Trong đó, cải cách hành chính được đẩy mạnh, góp phần vào kết quả 3 năm liền từ 2005 đến 2007 đứng thứ nhì và 3 năm liên tiếp 2008 đến 2010 vươn lên dẫn đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Đà Nẵng vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách và có nhiều cách làm mới, sáng tạo phù hợp với thực tiễn để phát huy tối đa nội lực, như chủ trương “Khai thác quỹ đất”, “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, huy động vốn từ quỹ đầu tư phát triển..., tạo nguồn lực to lớn cho đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Công tác đền bù, giải tỏa, tái định cư ảnh hưởng đến cuộc sống của hơn 100.000 hộ dân, nhưng đã không để xảy ra điểm nóng, khiếu kiện đông người, số trường hợp bị cưỡng chế rất ít.
Đây là thành công lớn trong công tác vận động quần chúng và là bước đột phá trong việc huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển thành phố. Văn hóa, xã hội phát triển phù hợp với sự phát triển kinh tế và vị thế mới của Đà Nẵng. Giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ phát triển đáng kể, từng bước khẳng định vai trò là trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học của khu vực. Nhiều chính sách an sinh xã hội đậm tính nhân văn được triển khai thực hiện và đạt kết quả tốt. Chương trình thành phố “5 không” cơ bản hoàn thành, được duy trì thực hiện. Chương trình thành phố “3 có” đạt kết quả tích cực. Quốc phòng-an ninh được giữ vững, công tác nội chính và cải cách tư pháp đạt được những kết quả quan trọng. An ninh-chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị đạt nhiều kết quả tích cực. Công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng luôn bám sát yêu cầu nhiệm vụ, chất lượng, hiệu quả được nâng cao, góp phần củng cố sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội. Việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được đẩy mạnh, từng bước đưa việc “học tập và làm theo” đi vào chiều sâu, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.
Từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết 33, vai trò của Đà Nẵng đối với sự phát triển của Vùng ngày càng được nâng cao. 10 năm qua, với sự hỗ trợ tích cực của Trung ương và sự chủ động phát huy nội lực của địa phương, thành phố triển khai thực hiện nhiều giải pháp thiết thực, tạo điểm nhấn quan trọng trong việc phát triển liên kết Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung.
Tuy vậy, thành phố cũng thẳng thắn nêu lên những hạn chế, yếu kém. Trong đó, trọng tâm là xuất phát điểm của kinh tế thành phố còn thấp, quy mô nhỏ. Khó khăn chung của miền Trung và Đà Nẵng về kết cấu hạ tầng còn chưa đồng bộ, thị trường nhỏ hẹp, sức mua thấp, thường xuyên xảy ra thiên tai... dẫn đến việc chưa tạo sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Sự hợp tác, liên kết giữa thành phố với các địa phương khác trong vùng còn mang tính đơn lẻ, chưa khai thác, phát huy được tiềm năng, thế mạnh liên vùng. Để Đà Nẵng tiếp tục có những đột phá mới, phát triển nhanh và mạnh theo hướng văn minh, hiện đại, tại buổi làm việc, thành phố Đà Nẵng đề nghị Bộ Chính trị tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu ban hành các cơ chế ưu đãi vượt trội mới cho thành phố Đà Nẵng để có thêm nguồn lực đầu tư nhằm đẩy nhanh quá trình phát triển thành phố.
Phát triển Đà Nẵng thành đô thị hiện đại, văn minh
Tại buổi làm việc, các đồng chí trong Bộ Chính trị bày tỏ sự đồng thuận và nhất trí cao về những nỗ lực, thành quả và cách làm sáng tạo, đột phá được Đà Nẵng triển khai thành công trong 10 năm qua, bày tỏ mong muốn thành phố tiếp tục phát huy và đẩy mạnh, tạo những cách làm mới hơn nữa trong thời gian đến.
Một góc đô thị Đà Nẵng. Ảnh: NGUYỄN TIẾN |
Kết luận buổi làm việc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao và biểu dương những thành tựu quan trọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Đà Nẵng qua 10 năm thực hiện Nghị quyết 33. Tổng Bí thư cho rằng, những thành tựu mang tính đột phá mà Đà Nẵng đạt được không chỉ góp phần phát triển thành phố mà còn đóng góp tích cực vào thành tựu chung của đất nước. Qua đó, khẳng định chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước đã và đang mang lại những thành quả to lớn và rõ nét trong phát triển cho từng địa phương và cả nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, đạt được những thành tựu nêu trên có nhiều nguyên nhân, nhưng quan trọng nhất là thành phố Đà Nẵng đã xây dựng được khối đoàn kết nhất trí cao trong Đảng bộ và sự đồng thuận sâu rộng toàn xã hội trong quá trình xây dựng, phát triển thành phố. Bám sát tinh thần và nội dung Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị, thành phố đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo các cơ chế, chính sách của Trung ương. Bên cạnh đó, Đà Nẵng chủ động khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế và các nguồn lực của địa phương, lựa chọn đúng và chỉ đạo thực hiện có kết quả những vấn đề lớn, mang tính đột phá trong công tác tổ chức thực hiện.
Cơ bản tán thành với mục tiêu, phương hướng xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2020 và những đề xuất, kiến nghị của thành phố, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị trước mắt, Đà Nẵng cần quan tâm quán triệt và nhận thức sâu sắc hơn vị trí, vai trò của thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Bởi nhiệm vụ xây dựng và phát triển Đà Nẵng có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước.
Vì vậy, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố cần tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần tự lực tự cường, năng động sáng tạo, tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế; phát huy cao độ mọi nguồn lực để phát triển nhanh, hiện đại. Phấn đấu xây dựng thành phố là đô thị lớn của cả nước, là một trong những thành phố trực thuộc Trung ương tiêu biểu. Cần tập trung rà soát thực hiện tốt các quy hoạch phát triển thành phố theo tinh thần Nghị quyết 33. Trong đó, phát triển kinh tế đi đôi với tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng tập trung nâng cao quy mô và chất lượng tăng trưởng.
Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu thành phố theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp. Xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm thương mại, dịch vụ chất lượng cao của khu vực và cả nước. Phát triển mạnh du lịch, hình thành trung tâm du lịch ven biển tầm cỡ quốc gia và quốc tế. Phát triển Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế biển, trung tâm nghề cá, gắn với bảo vệ an ninh và chủ quyền biển, đảo ở khu vực.
Tiếp tục rà soát, quy hoạch phát triển không gian đô thị của thành phố, tạo nền tảng hình thành đô thị hiện đại, văn minh. Tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định trật tự xã hội trong mọi tình huống. Tiếp tục củng cố tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, đặc biệt là công tác xây dựng Đảng, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4; làm tốt công tác cán bộ. Phòng, chống có hiệu quả những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Về tổ chức thực hiện, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị Thành ủy Đà Nẵng, các đảng đoàn, ban cán sự Đảng, Đảng ủy trực thuộc Trung ương và các địa phương có liên quan xây dựng chương trình kế hoạch cụ thể để tiếp tục thực hiện Nghị quyết 33 đạt kết quả cao nhất. Trên cơ sở phân tích những kiến nghị, đề xuất của thành phố, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị Ban cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương tiếp tục cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết 33; đồng thời quan tâm giải quyết nhanh chóng, phù hợp trước những kiến nghị của thành phố Đà Nẵng.
Mục tiêu đến năm 2020 Tập trung xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước, là trung tâm kinh tế - xã hội lớn của miền Trung với vai trò là trung tâm dịch vụ; là thành phố cảng biển, đầu mối giao thông quan trọng về vận tải và trung chuyển hàng hóa trong nước và quốc tế; trung tâm bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin và tài chính - ngân hàng; một trong những trung tâm y tế, văn hóa - thể thao, giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ cao của miền Trung; là địa bàn giữ vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh của khu vực miền Trung và cả nước; một động lực phát triển của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và khu vực miền Trung - Tây Nguyên. |
VIỆT DŨNG
Theo Báo Đà Nẵng
Các bản tin khác
- Lộ diện nhà đầu tư dự án "tỷ đô" ở Nam Phú Quốc
- Mở đường vành đai phía Tây: “Cú hích” cho thị trường bất động sản Tây Bắc Đà Nẵng sôi động
- Thêm dự án đất nền được thực hiện chuyển quyền sử dụng đất theo Nghị định 11/CP
- Nhà chật đến đâu cũng trồng được những loại rau quả "dễ tính" này
- Hé lộ thiết kế cực đỉnh cho căn hộ 25m2 đang dậy sóng
- Giảm tải giao thông song hành với quy hoạch du lịch
- Đổ tiền vào condotel: Không biết "chơi", dễ "cầm dao đằng lưỡi"
- Xây dựng niềm tin giữa chính quyền và doanh nghiệp
- Condotel đua lợi nhuận khủng, khách hàng ôm rủi ro
- Đà Nẵng: Công bố 7 dự án với 3.185 sản phẩm được phép bán nhà ở hình thành trong tương lai
- Bất động sản Đà Nẵng: Đẩy nhanh hạ tầng, KĐT ven biển Sea View ngày càng "sáng"
- 12 loại giấy tờ về đất đai đủ điều kiện để cấp phép xây dựng
- Công trình phục vụ APEC 2017 khẩn trương về đích
- 7 dự án bất động sản đủ điều kiện bán nhà ở
- Còn 5.000 hộ nợ tiền đất quá hạn
- Những ưu thế của căn hộ hometel
- Thị trường bất động sản: Sẽ "hết khát" nhà giá rẻ
- Thị trường bất động sản: Săn mặt bằng dự án qua hoạt động M&A
- Đầu tư xây dựng mới Tuyến đường vành đai phía Tây thành phố
- Chấn chỉnh hoạt động giao dịch, kinh doanh bất động sản