Điều mà các ông chủ dự án cần lúc này chính là phải tăng được thanh khoản của dự án...
Việc có quá nhiều dự án chậm tiến độ đã khiến cho phần lớn khách hàng đánh mất niềm tin nơi các chủ đầu tư trong thời gian qua.
Cùng với hàng loạt động thái kích cầu khác, nhiều chủ đầu tư bất động sản đang dồn hết sức mình cho việc hoàn thành dự án với kỳ vọng có thể sớm vực lại niềm tin trên thị trường.
“Cuộc chiến” tiến độ
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam trong một cuộc đối thoại với các doanh nghiệp bất động sản gần đây từng thừa nhận, trong mấy năm qua, thị trường bất động sản đã để xảy ra tình trạng “hỗn loạn” theo kiểu nhà nhà, ngành ngành làm bất động sản, xây dựng án.
Tuy nhiên, càng về sau, với sự đi xuống của thị trường, sự đào thải tự nhiên cũng dần hiện rõ, những doanh nghiệp đầu tư theo kiểu ăn xổi, “tay không bắt giặc”, thiếu kinh nghiệm, tài chính đã dần phải rút lui khỏi cuộc chơi. Ngoại trừ một số doanh nghiệp có cổ phần của nhà nước, trên thị trường bất động sản hiện nay, đặc biệt tại Hà Nội, số doanh nghiệp tư nhân dường như chỉ đếm trên đầu ngón tay như Vingroup, Tân Hoàng Minh, Hoà Phát, Nam Cường…
Điều đáng nói ở đây, trong bối cảnh niềm tin thị trường vẫn chưa thực sự trở lại, dù thanh khoản tại một số dự án đã có cải thiện so với đầu năm, thì tên tuổi và danh tiếng dường như cũng chưa hẳn là thứ “vũ khí” lợi hại của chủ đầu tư để kéo khách hàng về với dự án của mình, nếu như tiến độ vẫn kiểu rùa bò.
Hiểu rõ điều đó, gần như đồng loạt các doanh nghiệp có tên tuổi nói trên đều thể hiện túi tiền của mình bằng cách tăng tốc tiến độ của dự án. Trong khi Vingroup chi hàng trăm tỷ đồng để hoàn thiện hạ tầng tại Times City và Royal City thì Tân Hoàng Minh cũng chính thức phát lễ khởi công dự án Hoàng Cầu để giành quyền chính thức tiếp nhận đăng ký mua căn hộ.
Tập đoàn Nam Cường cũng quyết định cho hàng trăm tỷ để hoàn thiện các toà chung cư tại CT Cổ Nhuế và Dương Nội, trong khi một số doanh nghiệp khác như Hòa Phát, Mai Linh, Ecopark thì “âm thầm” hoàn thiện hoặc tăng tốc xây thô để có thể khẳng định sức mạnh tài chính của mình trước sự do dự của khách hàng về thời điểm kết thúc dự án.
Trao đổi với VnEconomy, Phó tổng giám đốc Tân Hoàng Minh Đỗ Quang Lâm cho biết, mặc dù tại thời điểm hiện nay, thị trường bất động sản vẫn đang khá trầm lắng và gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên doanh nghiệp này vẫn tin tưởng rằng thị trường bất động sản sẽ quay trở lại phát triển mạnh mẽ trong một vài năm tới.
Sau khi cân nhắc “được và mất”, Tân Hoàng Minh đã quyết tâm đầu tư vốn để đẩy nhanh tiến độ. “Trong bối cảnh hiện nay, không gì có thể quảng bá với khách hàng bằng việc đưa dự án tiến hành về đích đúng thời hạn. Dự án Hoàng Cầu của chúng tôi, sau thời gian dài hoàn tất các thủ tục cho việc khởi công, trong tuần đầu tiên đã nhận hơn 60 hợp đồng đăng ký mua căn hộ”, ông Lâm nói.
Nhỏ lẻ, thứ cấp cũng tăng tốc
Không chỉ các chủ đầu tư dự án đang chạy đua với các đối thủ nhằm hút khách hàng đến với dự án của mình thông qua việc đẩy nhanh tiến độ, giới đầu tư thứ cấp, các chủ nhân của các bất động sản nhỏ lẻ cũng đang lên kế hoạch để có thể sớm đẩy được hàng sau một thời gian dài phải “ôm” bất đắc dĩ.
Theo tìm hiểu của VnEconomy, hầu hết các cá nhân đã mua căn hộ dạng thô tại một số dự án có tên tuổi ở khu vực trung tâm Hà Nội với mục đích đầu tư hiện đang rốt ráo công đoạn tự hoàn thiện để có thể sang tên cho chủ mới trước Tết Nguyên đán sắp tới. Trong giai đoạn thị trường khó khăn, số lượng nhà đầu tư theo phương thức “năng nhặt chặt bị” này hiện không phải là ít.
Bởi lẽ, nếu mua căn hộ xây thô, khách hàng có thể giảm được khoảng 7 - 10 triệu đồng/m2, trong khi chi phí do mình bỏ ra có thể thấp hơn từ 2 - 4 triệu đồng/m2 tuỳ theo khả năng và nhu cầu tự mình. Do đó, nếu giá thị trường vẫn giữ ở mức như hiện nay hoặc nhích dần lên, nhà đầu tư có thể dễ dàng đẩy hàng với mức giá cạnh tranh với chính chủ đầu tư mà vẫn có thể thu về một khoản lợi nhuận tương đối.
Trong khi đó, trong phân khúc nhà đất thổ cư, nhỏ lẻ, hầu hết các hộ gia đình có nhu cầu chuyển nhượng cũng đã giảm giá khá mạnh. Một lô đất có diện tích 30m2 tại chân cầu Vĩnh Tuy hồi đầu năm nay được một gia đình rao bán với giá 38 triệu/m2, thì nay được “báo giá” lại chỉ với 31 triệu/m2.
Khu vực Mỹ Đình, Tây Hồ, Hà Đông… đất thổ cư tiếp tục được rao bán khá nhiều so với thời điểm đầu năm. Ngoại trừ mức giá hầu hết đều được điều chỉnh giảm nhẹ, các chủ nhân rao bán đều cam kết hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ chi phí sang tên, chuyển nhượng, thậm chí có hộ gia đình tại khu Mễ Trì khi người viết hỏi mua đất đã xởi lởi tuyên bố, nếu mua ngay trong tuần này sẽ được khuyến mại luôn một xe ôtô mà theo định giá của gia đình này là “vẫn phải gần 200 triệu”.
Đại diện một sàn giao dịch bất động sản tại Cầu Giấy cho biết, số lượng người tìm hiểu mua nhà, đất hai tháng nay đã cải thiện hơn trước. Điều đáng chú ý là số người có nhu cầu mua nhà, đất diện tích lớn hoặc căn hộ chung cư khu vực nội thành vẫn chiếm phần lớn so với số có nhu cầu mua nhà giá mềm nhưng ở các khu xa trung tâm.
Theo VNeconomy
Các bản tin khác
- Vingroup muốn đầu tư ga Đà Nẵng
- Quỹ Đầu tư phát triển TP Đà Nẵng tiếp tục hạ lãi suất
- Đường Vương Thừa Vũ: Bỏ hoang, dở dang đến bao giờ?
- Thận trọng với sông Hàn
- Đến lượt phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng khởi sắc
- Lấn cấn với căn hộ áp mái
- Gỡ "nút thắt" gói tín dụng hỗ trợ nhà ở cho người nghèo
- Ngân hàng sẽ rộng tay cho vay
- Mua nhà, trồng cây, xây ao thả cá: Ai cũng nên mơ một lần!
- Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Thị trường phục hồi do đầu cơ là không đúng
- Ngày 25-8: Khởi công phố chuyên doanh đường Lê Duẩn (đoạn Ông Ích Khiêm - Điện Biên Phủ)
- Căn cứ áp dụng Luật Nhà ở khi chưa có văn bản hướng dẫn thi hành
- Giữ bản sắc đô thị qua quy hoạch
- Bất động sản hút kiều hối
- Kỳ họp thứ 14 HĐND khoá VIII: “nóng” những vấn đề người dân bức xúc
- Tờ rơi bán nhà và chuyện mất thời gian với những “bánh vẽ”
- Bà Nà Hills đoạt giải thưởng "Điểm tham quan du lịch hàng đầu Việt Nam"
- Mỗi người được sở hữu bao nhiêu bất động sản?
- Sky Han River: Viên ngọc bên dòng sông Hàn
- Giải quyết dứt điểm việc giải phóng mặt bằng dự án Trung tâm thương mại chợ Cồn