Bỏ công chứng mua bán nhà đất (CCMBNĐ) để giảm thủ tục hành chính, mặc dù mới chỉ là ý kiến của Bộ Xây dựng, nhưng đã không nhận được sự đồng thuận của xã hội.
Dự kiến bỏ công chứng mua bán nhà đất:
Rắc rối khi xảy ra tranh chấp
Thứ Năm, 30.6.2011 | 08:53 (GMT + 7)
Bỏ công chứng mua bán nhà đất (CCMBNĐ) để giảm thủ tục hành chính, mặc dù mới chỉ là ý kiến của Bộ Xây dựng, nhưng đã không nhận được sự đồng thuận của xã hội.
Nếu bỏ CCMBNĐ thì gặp nhiều rắc rối khi có xảy ra tranh chấp, nhất là giá trị tranh chấp lớn. Gánh nặng lại được trút lên “vai” toà dân sự và cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận (GCN) của Bộ Tài nguyên - Môi trường.
Bán - mua đều sợ
Khi chưa có Luật Công chứng, việc giao dịch mua bán nhà đất chỉ được hai bên mua và bán thực hiện qua giấy viết tay, thêm người làm chứng. Tuy nhiên mua bán nhà đất thường giá trị tài sản rất lớn và xảy ra nhiều tranh chấp, nhiều vụ gây khó cho tòa khi giải quyết, đặc biệt còn phải nhờ khoa học giám định chữ viết để khẳng định có hay không việc mua bán thể hiện qua hợp đồng viết tay.
Theo quy định của pháp luật hiện hành thì hợp đồng mua bán viết tay không được pháp luật công nhận, nếu xảy ra tranh chấp thì giao dịch có thể coi là bị vô hiệu hóa.
Theo luật sư Hoàng Khắc Mai (VPLS Đông Đô) thì khi Luật Công chứng có hiệu lực thi hành, người dân khi giao dịch mua bán, nhất là mua bán nhà đất rất coi trọng việc hợp đồng mua bán phải có công chứng. Cả người mua và bán đều ký trước mặt công chứng viên, giấy chứng minh nhân dân, hộ khẩu của hai bên đều được công chứng kiểm tra chặt chẽ. Nếu phát sinh tranh chấp thì chính hợp đồng mua bán có công chứng sẽ là chứng cứ chứng minh hai bên đã thống nhất việc giao dịch, bảo vệ được cả quyền lợi của cả hai bên mua và bán. LS Mai cho rằng, không nên bỏ công chứng trong giao dịch mua bán nhà đất, vì nếu bỏ thì phải sửa cả Luật Dân sự.
Trong thực tế, khi hai bên thực hiện giao dịch mua bán thì họ đã thỏa thuận giá cả, thậm chí người mua còn phải đặt tiền cọc trước, trong đó đã thoả thuận mức phạt trong trường hợp vi phạm hợp đồng. Tất cả đều thực hiện bằng một hợp đồng viết tay, sau đó họ ra công chứng để thực hiện công chứng hợp đồng. Văn bản công chứng này được đính kèm trong hồ sơ mua bán nhà đất, gửi đến văn phòng đăng ký cấp GCN (sổ đỏ) thuộc quận, huyện địa phương (tùy theo phân cấp của Bộ Tài nguyên - Môi trường). Cán bộ VP đăng ký cấp GCN không cần phải làm thủ tục thẩm định tính pháp lý trong giao dịch của hai bên mua và bán (công chứng viên đã làm thay).
Ý kiến bạn đọc gửi về tòa soạn đều bày tỏ lo ngại nếu bỏ công chứng mua bán nhà đất thì tính rủi ro rất cao khi có tranh chấp xảy ra. Theo dự tính của Bộ Xây dựng, ước tính bỏ công chứng mỗi năm tiết kiệm 2.700 tỉ đồng. Bạn đọc Bùi Minh (Hà Nội) cho rằng, nhìn tổng số tiền đó lớn thật, nhưng Bộ Xây dựng có tính đến “gánh nặng” dồn về tòa án và cơ quan tài nguyên - môi trường thì số tiền đó không thấm vào đâu khi quyền lợi của người dân trong giao dịch mua bán bị mất khi có tranh chấp; nhất là phải “phình” thêm nguồn nhân lực của VP đăng ký cấp GCN.
Quá tải
Ông Nguyễn Đức Khoa (khu đô thị Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng: Hiện nay việc cấp GCN cho người dân vẫn bị ách tắc. Tôi nộp tại cơ quan chức năng mà đến nay đã hơn bốn tháng vẫn không biết bao giờ mới nhận được GCN, trong khi đó theo quy định của Bộ Tài nguyên - Môi trường thì thời hạn làm thủ tục cấp GCN không quá 50 ngày. Nhưng người dân ở các khu đô thị mua nhà đến cả dăm bảy năm vẫn chưa được công nhận là chủ quyền. Tâm lý người dân khi mua bán nhà đất đều muốn được cấp GCN, việc chậm cấp GCN khiến người dân gặp khó khăn, nhất là việc người dân có nhu cầu vay vốn của ngân hàng thì sổ đỏ là “vật” duy nhất được ngân hàng chấp thuận.
Theo Nghị quyết 07 của Quốc hội, việc cấp GCN phải được thực hiện trong năm 2010, chỉ riêng Hà Nội, qua tiến hành kiểm tra thì còn tồn đọng tới 98.000 hộ dân chưa được cấp GCN, nếu tính số phát sinh do giao dịch mới thì con số tồn đọng khá lớn. Một cán bộ VP đăng ký cấp GCN quận Cầu Giấy than thở rằng, nếu bỏ công chứng hợp đồng mua bán nhà đất thì sự ách tắc còn tăng theo cấp số nhân vì phải “gánh” thêm khâu thẩm định thay việc của công chứng viên.
Tại kết luận của Thanh tra Bộ Tài nguyên - Môi trường, những thiếu sót, tồn tại của Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội chủ yếu là thủ tục hành chính, phân cấp chưa rõ ràng, chức năng, nhiệm vụ, phân công một số nhiệm vụ còn chồng chéo, không điều chỉnh cho phù hợp yêu cầu; thiếu sự phối hợp và quy định không rõ giữa các phòng, ban đơn vị thuộc sở trong việc cấp sổ đỏ. Đặc biệt là việc đo đạc bản đồ địa chính ở các cấp còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu lập, quản lý hồ sơ địa chính.
Theo ghi nhận của PV Lao Động tại VP đăng ký cấp GCN của hai nơi có nhiều khu đô thị nhất Hà Nội, là quận Cầu Giấy và huyện Từ Liêm, khi được hỏi ý kiến về việc dự kiến bỏ công chứng mua bán nhà đất thì hầu hết nhân viên của hai văn phòng đều lắc đầu, vì nơi gặp khó đầu tiên sẽ là VP đăng ký cấp GCN thuộc cơ quan tài nguyên - môi trường.
Ý kiến của người dân cần được các cơ quan thẩm quyền xem xét trước khi đưa ra quyết định. Chính đại diện Bộ Xây dựng cũng bày tỏ lo ngại sự quá tải đối với các cơ quan có thẩm quyền của Bộ Tài nguyên - Môi trường.
Nhóm P.V Bạn đọc
Nguồn: http://laodong.com.vn
Các bản tin khác
- Bộ Xây dựng: Thị trường bất động sản đang được kiểm soát tốt
- Shophouse vị trí vàng vẫn là lựa chọn hàng đầu
- Phê duyệt quy hoạch cụm công nghiệp Hòa Khánh Nam
- Lãi suất quay đầu giảm, thời cơ cho địa ốc đã tới?
- Hiệp hội công chứng Việt Nam chính thức được thành lập
- Kế hoạch 2019 đầy tham vọng của “ông lớn” địa ốc
- Vicoland bàn giao sổ hồng đợt cuối cho khách hàng mua nhà thu nhập thấp
- Thị trường bất động sản 2018 những con số biết nói
- Doanh nghiệp địa ốc ráo riết lên kế hoạch năm 2019
- Cơ hội cho tuyến đường biển Nguyễn Tất Thành
- Báo Đầu tư chính thức phát hành ấn phẩm Toàn cảnh thị trường bất động sản Việt Nam
- Không phân lô bán nền dọc đường vành đai phía Nam
- Hình dung đô thị Đà Nẵng vào năm 2030
- Chủ đầu tư tính kế "vợt" dòng kiều hối cuối năm
- Việt Nam và những lợi thế phát triển bất động sản nghỉ dưỡng ven biển
- Năm 2019 nhà đầu tư nên lựa chọn kênh đầu tư nào?
- Không gian du lịch sinh thái dưới chân Sơn Trà
- Xu hướng bất động sản năm 2019: Phân khúc condotel tiếp tục khó khăn
- Chính phủ giao thành phố Đà Nẵng đầu tư cảng Liên Chiểu
- [Infographic] Tổng quan thị trường bất động sản năm 2018