Các cá nhân có đất nhưng diện tích quá nhỏ, không đủ điều kiện xin giấy phép xây dựng nhà cũng sẽ được vay vốn từ gói 30.000 tỷ để mua căn hộ.
Bộ Xây dựng vừa ban hành Thông tư 18 về việc sửa đổi, bổ sung một số Điều tại Thông tư số 07 về hướng dẫn việc xác định các đối tượng được vay gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng. Với doanh nghiệp, bên cạnh các đối tượng cũ thì hiện những chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở sinh viên, công nhân khu công nghiệp cũng được vay vốn. Trước đây, chỉ đơn vị xây nhà ở xã hội hoặc dự án chuyển đổi công năng từ nhà thương mại sang xã hội mới được vay vốn.
Bên cạnh dự án nhà thu nhập thấp, các doanh nghiệp xây nhà ở cho sinh viên, công nhân cũng được vay vốn từ gói 30.000 tỷ đồng Ảnh: Ngọc Tuyên
Với cá nhân, Thông tư cũng mới bổ sung thêm những đối tượng được tiếp cận gói hỗ trợ. Cụ thể những người chưa có nhà mà đã có đất ở được cấp sổ đỏ nhưng diện tích tại đây nhỏ hơn mức quy định được cấp phép xây dựng của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cũng sẽ được vay vốn. Ví dụ, TP Hà Nội quy định các khu đất diện tích dưới 30m2 không được cấp phép xây dựng. Theo đó, chủ sở hữu những lô đất này cũng thuộc đối tượng được vay.
Một điểm mới của Thông tư 18 là quy định trường hợp con, cháu của chủ hộ đã lập gia đình (có giấy chứng nhận kết hôn) và người ở nhờ nhưng có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú cùng với chủ hộ thì được coi là gia đình độc lập cũng thuộc đối tượng được vay vốn hỗ trợ nhà ở. Trong khi đó, theo quy định cũ mỗi hộ gia đình chỉ được vay một lần từ gói trên.
Ngoài ra, Thông tư mới cũng quy định chi tiết, cụ thể hơn về việc xin xác nhận điều kiện được vay vốn. Việc chứng minh thu nhập cũng được Bộ Xây dựng nới hơn. Cụ thể, đối tượng vay vốn hỗ trợ nhà ở không yêu cầu phải xác nhận về thu nhập. Tuy nhiên, văn bản cũng nêu rõ, nếu trường hợp các ngân hàng yêu cầu khách hàng chứng minh về thu nhập để bảo đảm cho phương án trả nợ thì thực hiện theo quy định của nhà băng.
Theo Thông tư này, việc tính diện tích căn hộ được quy định linh hoạt hơn. Cụ thể, phần diện tích sàn ghi trong hợp đồng mua, bán nhà ở hình thành trong tương lai giữa chủ đầu tư và khách hàng là tạm tính theo thiết kế nhưng với quy mô nhỏ hơn 70 m2. Tuy nhiên, khi hoàn công, diện tích này có thể thay đổi theo thực tế nhưng không vượt quá 5%. Văn bản này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/11 tới.
Trước đó, một số ý kiến cho rằng, việc giải ngân gói 30.000 tỷ còn trở ngại do quỹ nhà giá rẻ vẫn hạn chế. Ngoài ra, các thủ tục chứng minh thu nhập, xác nhận thực trạng nhà ở, hoặc xin chuyển công năng dự án... còn chưa thực sự thuận lợi cũng cản trở việc giải ngân.
Vụ Tín dụng - Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến 30/9, các ngân hàng mới tiếp nhận được 619 hồ sơ cá nhân với số tiền 203 tỷ đồng, trong đó chỉ có 590 khách hàng được giải ngân với tổng số tiền 142,5 tỷ đồng. Riêng khách hàng doanh nghiệp, các nhà băng cũng mới giải ngân 54,8 tỷ đồng.
Ngọc Tuyên
Theo vnexpress
Các bản tin khác
- “Bong bóng” bất động sản: Chưa đáng lo nhưng phải đề phòng
- Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM cấp đổi chủ quyền nhà đất từ 1-7
- Hướng dẫn thực hiện quản lý nhà nước về ĐKGDBĐ bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất
- Từ 1-7, người nước ngoài được phép mua nhà ở Việt Nam: Cú hích cho thị trường "rã đông"
- Thủ tục cấp sổ đỏ khi mua đất được thừa kế
- 7 lý do nên đầu tư căn hộ hoàn thiện
- “Coi chừng bong bóng bất động sản”
- Nhà thì nhiều mà mua không dễ
- Mở cửa cho người nước ngoài mua nhà: Hàng loạt nỗi lo trước giờ G
- NHNN yêu cầu báo cáo việc từ chối cho vay gói 30.000 tỷ
- Đà Nẵng - Điểm hẹn mùa hè 2015
- “Nỗi niềm” chung cư không sổ hồng
- Xác định giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất
- Để có một sông Hàn lung linh và huyền ảo
- Đất nền vùng ven hút tiền nhàn rỗi
- Lý giải vì sao người nước ngoài vẫn ngại mua nhà tại Việt Nam
- Khách Nhật quan tâm điều gì nhất khi chọn căn hộ dịch vụ?
- Tìm "áo khoác" đẹp cho hai bờ sông Hàn
- Giao dịch bất động sản tăng mạnh
- Sông Hàn sẽ trở thành một điểm nhấn tuyệt đẹp giữa lòng thành phố