(TNO) Đó là một trong những kiến nghị của UBND TP.HCM gửi đến Thủ tướng Chính phủ, liên quan đến thị trường bất động sản trên địa bàn thành phố.
TP.HCM kiến nghị cho thế chấp bất động sản ở ngân hàng nước ngoài |
Hàng trăm dự án nhà ở 'đứng bánh'
Ngày 11.11, UBND TP.HCM cho biết qua kết quả điều tra, khảo sát bước đầu, trên địa bàn thành phố có khoảng 1.386 dự án phát triển nhà ở với tổng diện tích 11.770,71 ha; tổng số căn hộ 496.272 căn, trong đó có 85 dự án (chiếm 6,13%) bị thu hồi hoặc hủy bỏ chủ trương đầu tư; 689 dự án (chiếm 49,71%) đang ngưng triển khai đầu tư xây dựng với diện tích đất 7.253 ha, tổng số căn hộ 310.218 căn; 184 dự án (chiếm 13,3%) đang triển khai đầu tư xây dựng với tổng số căn hộ 116.717 căn; 426 dự án (chiếm 30,7%) đã xây dựng hoàn thành đưa vào sử dụng với tổng số căn hộ 69.337 căn.
Hiện nhiều dự án có sản phẩm hoàn chỉnh nhưng không bán được, hàng tồn cao. Trên địa bàn thành phố đang tồn kho khoảng 10.053 căn hộ chung cư và hơn 120 ha đất nền nhà thấp tầng.
Toàn thành phố có đến 239 sàn/tổng số 479 sàn giao dịch bất động sản ngưng hoạt động hoặc chuyển địa điểm khác (không liên lạc được) nhưng không thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền (chiếm tỷ lệ 49,9%)
Theo đánh giá của UBND TP.HCM, nhìn chung thị trường bất động sản thành phố vẫn còn nhiều khó khăn, bên cạnh những dự án có kết quả bán hàng tốt, vẫn có không ít dự án dù được chủ đầu tư giảm giá, khuyến mãi, nhưng vẫn không bán được hàng. Bên cạnh đó, phần lớn các dự án phát triển nhà ở trên địa bàn thành phố tạm ngưng triển khai đầu tư xây dựng, do thiếu vốn đầu tư và thị trường đóng băng, thanh khoản kém.
Hàng loạt kiến nghị tháo gỡ khó khăn
Để gỡ khó cho thị trường bất động sản, TP.HCM đưa ra nhiều đề nghị.
Theo đó, thành phố đề nghị cho phép thế chấp bất động sản bằng quyền sử dụng đất ở ngân hàng nước ngoài nhằm giải quyết vướng mắc hiện nay trong việc hợp tác kinh doanh và nhận nguồn vốn đầu tư bất động sản với đối tác nước ngoài.
Liên quan đến việc mở rộng hơn việc sở hữu nhà ở tại Việt Nam của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài, theo UBND TP.HCM, đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì nên bổ sung quy định cho phép họ được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở để xây dựng nhà ở như cá nhân trong nước.
Đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài thì quy định mở rộng đối tượng, điều kiện được sở hữu nhà ở, mở rộng loại nhà được sở hữu, mở rộng quyền được mua nhà ở từ chỉ được mua căn hộ sang được mua nhà biệt thự, nhà ở riêng lẻ... góp phần kích cầu thị trường nhà ở.
Cũng theo UBND TP.HCM, cần hạn chế việc thu tiền sử dụng đất lần đầu quá lớn mà duy trì nguồn thu bền vững, lâu dài cho nhà nước. Việc thu tiền sử dụng đất một lần khi giao đất tạo áp lực vốn cho nhà đầu tư, hạn chế việc tăng cung bất động sản cho thị trường đồng thời tạo áp lực tăng giá bất động sản...
Có nhiều diện tích đất thì mức thuế sẽ càng cao?
Liên quan đến các vấn đề về thuế, UBND TP.HCM đề xuất xây dựng chính sách thuế nhà đất theo hướng bổ sung thuế sở hữu nhà ở.
Theo đó, thuế sử dụng đất và nhà trên cơ sở thuế suất lũy tiến từng phần dựa trên tiêu chuẩn diện tích nhà ở bình quân (xây dựng tùy thuộc vào loại đô thị, vị trí). Hộ gia đình, cá nhân càng có nhiều diện tích đất thì mức thuế càng cao, sở hữu nhiều nhà mức thuế càng tăng, nhà cao cấp mức thuế cao hơn nhà trung bình.
UBND TP.HCM cho rằng thực hiện điều này, nhà nước không những tăng thu ngân sách, mà còn hạn chế được nạn đầu cơ đẩy giá bất động sản tăng lên quá cao gây bất ổn cho phát triển kinh tế, đồng thời thúc đẩy việc sử dụng nhà đất có hiệu quả, không lãng phí và thực hiện công bằng trong thu thuế nhà đất.
Đối với thuế thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất, chuyển dịch bất động sản và các loại phí, lệ phí, theo UBND TP.HCM, cần nghiên cứu điều chỉnh ở mức thuế suất hợp lý theo nguyên tắc ở mức thấp để khuyến khích các giao dịch chính thức công khai, hạn chế thấp nhất các giao dịch “ngầm” trên thị trường (ở các nước, mức thuế này thường 1% để khuyến khích người dân giao dịch chính thức có đăng ký nộp thuế).
UBND TP.HCM cũng kiến nghị giảm lệ phí trước bạ nhằm khuyến khích người dân đăng ký sở hữu (sử dụng) nhà đất, tạo điều kiện pháp lý cho bất động sản giao dịch đúng quy định của pháp luật và tăng cường sự quản lý của nhà nước.
Ngoài ra, cũng cần giảm thuế giá trị gia tăng đối với người mua nhà lần đầu...
|
Tin, ảnh: Đình Phú
Theo Báo Thanh niên
Các bản tin khác
- Quy hoạch phân khu phía tây nam thành phố
- Đà Nẵng: quy hoạch 1/5000 Khu vực phía Tây Nam với 9.955 ha
- Khởi công Khu Công viên Phần mềm Đà Nẵng 15 ha vào tháng 11/2017
- Đầu tư vào bất động sản sẽ tiếp tục gặt hái thành công
- Danh sách các dự án đã thực hiện chuyển quyền theo NĐ11/CP
- Bất động sản Đà Nẵng: Du lịch tạo đà
- Ngỡ ngàng căn nhà tự “biết thở” độc đáo ở Đà Nẵng
- Sớm đưa Làng Đại học Đà Nẵng đi vào hoạt động
- Bất động sản Đà Nẵng và câu chuyện đầu tư "đúng thời điểm"
- Đi lạc vào thánh địa hoa tại Bà Nà Hills
- Minh bạch thông tin dự án bất động sản
- Du lịch đang tạo đòn bẩy cho bất động sản Đà Nẵng
- Công bố 18 dự án được thực hiện mua bán, chuyển quyền sử dụng đất
- Đà Nẵng đang chạy đua cùng APEC
- Chọn môi giới bất động sản còn hơn chọn mặt gửi vàng
- Bất động sản nghỉ dưỡng ven biển thu hút nhà đầu tư
- Phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu khu vực phía đông và bán đảo Sơn Trà
- Trao tay thành công 100% sản phẩm dự án Coco Riverside City giai đoạn 2 đến khách hàng
- Hoà Bình Green Đà Nẵng - Kỷ lục thi công trên thị trường xây dựng Việt Nam
- [HÌNH ẢNH] Đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình phục vụ APEC 2017