TT - Chúng tôi mua lại nền đất của những người được tái định cư từ ba năm trước, nay chủ đất cũ yêu cầu trả 30-50 triệu đồng mới chịu làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và ký hợp đồng chuyển nhượng, sang tên...
Nhiều người dân ở khu tái định cư Vĩnh Lộc (P.Bình Hưng Hòa B, Q.Bình Tân, TP.HCM) lo lắng vì bị chủ đất cũ “làm khó” khi làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất - Ảnh: H.T.Vân |
Năm 2010, chúng tôi mua lại nền đất trong khu tái định cư của dự án khu đô thị mới Vĩnh Lộc (P. Bình Hưng Hòa B, Q.Bình Tân, TP.HCM) và nhiều người đã xây nhà ở ổn định. Nói là “mua” nhưng do đất chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (giấy chứng nhận), nên người mua và chủ đất (người được cấp đất tái định cư) chỉ ký với nhau giấy mua bán. Chủ đất làm hợp đồng ủy quyền cho người mua đi làm thủ tục cấp giấy chứng nhận tại phòng công chứng. Trong giấy mua bán, chủ đất cam kết “có trách nhiệm ký các giấy tờ để làm thủ tục sang nhượng và chuyển quyền cho người mua mà không đòi hỏi bất cứ một khoản tiền nào khác”, hoặc “có trách nhiệm làm các thủ tục pháp lý để người mua hoàn tất quyền sử dụng nhà ở và đất ở theo quy định”...
Giữa tháng 10 vừa qua, ban quản lý dự án khu đô thị mới Vĩnh Lộc (thuộc Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ công ích Q.5, TP.HCM) thông báo sẽ làm giấy chứng nhận trong khu tái định cư và yêu cầu người dân nộp hồ sơ. Trong thành phần hồ sơ phải nộp, ngoài những giấy tờ liên quan còn phải có bản sao chứng minh nhân dân và hộ khẩu hiện tại của chủ đất. Chúng tôi liên hệ với chủ đất để lấy bản sao chứng minh nhân dân, hộ khẩu và nhờ họ làm các thủ tục như đi nhận giấy chứng nhận, ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại phòng công chứng... Rất bất ngờ, nhiều chủ đất ra giá 30-50 triệu đồng để làm công việc trên. Chỉ có vài người làm theo cam kết trong giấy mua bán đã ký trước kia, vui vẻ cung cấp hết các loại giấy tờ cần thiết mà không yêu cầu gì thêm.
Trước khi mua đất, chúng tôi biết đây là đất tái định cư và sau này Nhà nước chỉ cấp giấy chứng nhận cho chủ đất chứ không cấp cho người mua đất, nên đã có ràng buộc trách nhiệm của chủ đất trong giấy mua bán. Chúng tôi cũng nghĩ là có thể trả tiền “trà nước” cho chủ đất khi đi làm giấy chứng nhận 3-5 triệu đồng một trường hợp, như là cách thể hiện sự biết ơn từ hỗ trợ của họ để hoàn tất các thủ tục pháp lý một cách suôn sẻ. Tuy nhiên số tiền 30-50 triệu đồng mà các chủ đất ra giá cho chúng tôi quá cao, không khác nào lợi dụng tình thế để ép chúng tôi. Chúng tôi đã mua đất ngay tình, về ở đây ổn định, cũng mong sớm được cấp giấy chứng nhận. Để giúp chúng tôi không bị chủ đất cũ “làm khó”, các cơ quan nhà nước nên có một giải pháp linh động giải quyết cấp giấy chứng nhận cho người mua trong trường hợp này.
(Nhiều người dân trong khu đô thị mới Vĩnh Lộc, Q.Bình Tân, TP.HCM)
D.N.HÀ ghi
D.N.HÀ ghi
Theo quy định, người mua thiệt thòi
Theo ông Đinh Trí Dũng - phó giám đốc Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ công ích Q.5, qua triển khai cấp giấy chứng nhận, ban quản lý dự án khu đô thị mới Vĩnh Lộc biết được đa số người dân được hoán đổi đất tái định cư đã bán nền đất bằng giấy tay. Thống kê trong 1.000 nền tái định cư ở dự án này hiện có 12 trường hợp không tìm được chủ đất cũ, 2 trường hợp chủ đất đang ở nước ngoài và 3 trường hợp chủ đất đã chết. Còn lại là trường hợp chủ đất vẫn sinh sống tại địa phương hoặc đi làm ăn nơi khác, có thể liên lạc được. Trong số này, nhiều trường hợp yêu cầu người mua đất phải trả tiền mới làm các thủ tục. Để giải quyết nguyện vọng của số đông người dân, công ty sẽ rà soát, thống kê tất cả những trường hợp người mua đất bị chủ đất đòi tiền khi đi làm các thủ tục và đề xuất với UBND Q.Bình Tân hướng giải quyết. Công ty sẽ kiến nghị giải quyết trên cơ sở vì quyền lợi của số đông người dân. Trước mắt, công ty sẽ nhận hết hồ sơ làm giấy chứng nhận của người dân đến nộp. Trường hợp nào còn thiếu giấy tờ gì theo quy định thì người dân cứ tường trình rõ vì sao thiếu, nếu có chuyện chủ đất yêu cầu trả tiền thì cũng ghi rõ để công ty có thống kê chính xác.
Ông Nguyễn Gia Thái Bình, phó chủ tịch UBND Q.Bình Tân, cho biết chủ trương của quận là tạo điều kiện tối đa cho người dân làm giấy chứng nhận. UBND quận sẽ chỉ đạo văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất xem xét từng trường hợp để có hướng xử lý theo đúng quy định.
Một lãnh đạo Sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM cho rằng theo quy định, không có cơ sở để cấp giấy chứng nhận cho những người mua lại đất tái định cư trong trường hợp trên bởi việc mua đất bằng giấy tay sau ngày 1-7-2004 (Luật đất đai có hiệu lực) không được chấp nhận. Nếu như du di, chấp nhận việc mua bán giấy tay trong trường hợp này sẽ tạo tiền lệ không hay về sau. Bên cạnh đó, chủ đầu tư xây dựng khu tái định cư đã được Nhà nước miễn tiền sử dụng đất để giảm giá thành của đất tái định cư nhằm hỗ trợ người dân bị thu hồi đất. Nếu như nay cấp giấy chứng nhận cho những đối tượng không thuộc diện tái định cư thì ai sẽ đóng tiền sử dụng đất cho Nhà nước?
|
Tiền “cà phê”...
Ông T.N.L., người bán nền đất số...: “Hôm trước vợ chồng người mua đến mượn chứng minh nhân dân và hộ khẩu của tôi để nộp hồ sơ làm giấy chứng nhận, tôi có nói là đưa 40 triệu đồng thì tôi sẽ làm hết các công đoạn để nhận giấy chứng nhận và ký hợp đồng sang tên đất cho người mua. Hiện nay giấy tờ gốc của lô đất do tôi đứng tên, giờ sang tên cho người mua thì phải chi tiền “cà phê” cho tôi chứ”.
D.N.HÀ
|
Theo Tuổi Trẻ
Các bản tin khác
- Phát triển Sơn Trà thành trọng điểm du lịch
- Xu hướng đầu tư biệt thự biển năm 2017
- Hầm qua sông Hàn vì mai sau
- Phê duyệt giá khởi điểm để tổ chức đấu giá 50 lô đất
- Cuối năm nên gửi tiết kiệm, đầu tư bất động sản, vàng hay chứng khoán?
- Đà Nẵng - dấu ấn 20 năm đổi mới Khởi sắc diện mạo đô thị
- Xây hầm qua sông Hàn từ tư duy giao thông đi trước
- Phương án hỗ trợ do giảm mặt cắt đường sau khi hình thành Nút giao Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương
- Tận hưởng Thiên đường giáng sinh 2016 tại Asia Park
- Hội thảo "Đà Nẵng-20 năm quy hoạch và phát triển đô thị": Khuyến nghị chưa vội xây hầm chui qua sông Hàn
- TPP sẽ xoay chuyển bất động sản Việt Nam
- Cận cảnh khu nghỉ dưỡng 5 sao+ quốc tế vừa khai trương tại Phú Quốc
- Sun Group mời khách hàng ra đảo Ngọc đón bình minh rạng rỡ
- 20 năm nhìn lại công tác quản lý quy hoạch, xây dựng đô thị TP Đà Nẵng
- Sân vận động Hòa Xuân: "Ngôi nhà mới" của bóng đá Đà Nẵng
- VinaCapital đầu tư 650 tỷ đồng phát triển khu biệt thự biển
- Bất động sản nghỉ dưỡng “bình dân” dậy sóng
- Đà Nẵng sẽ xây hầm vượt sông Hàn
- Tại sao phải công chứng các hợp đồng, giao dịch bất động sản?
- Mùa cao điểm bắt đầu, Ngân hàng Nhà nước đảo chiều cho vay