UBND thành phố Hà Nội đang có những động thái tích cực với kỳ vọng sẽ hỗ trợ thanh khoản cho thị trường bất động sản trong những tháng cuối năm 2013.
Việc chia nhỏ diện tích căn hộ được cho là một hướng đi đáng chú ý của các chủ đầu tư cũng như cơ quan quản lý trong bối cảnh thị trường vẫn chưa cải thiện được nhiều
Theo đó, ngoài việc cho phép hoặc chấp thuận về chủ trương đối với một số dự án từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, hiện thành phố đã và đang xem xét điều chỉnh cơ cấu căn hộ nhà thương mại tại 14 dự án bất động sản với số căn hộ dự kiến điều chỉnh là 4.051 căn thành 5.976 căn hộ.
Riêng dự án CT2 Trung Văn, do Công ty Vinaconex 3 làm chủ đầu tư, đã được thành phố cho phép điều chỉnh cơ cấu, diện tích căn hộ từ ngày 17/10 vừa qua. 13 dự án còn lại, như CT6 Văn Khê, N02 Đặng Xá, K35 Tân Mai, CT2 232 Phạm Văn Đồng, Licogi 16 tại D25 khu đô thị Cầu Giấy, N04 – B1 Dịch Vọng, CT2A, 2B khu nhà ở Xuân La…đang được thành phố xem xét phê duyệt.
Theo Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu, việc cho phép chuyển đổi hoặc điều chỉnh cơ cấu căn hộ nằm trong kế hoạch thực hiện Nghị quyết 02 nhằm mục đích góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trên địa bàn, trong đó có các doanh nghiệp bất động sản.
“Những bất cập của thị trường bất động sản đã được nhắc tới nhiều, trong đó có sự lệch pha cung cầu, thiếu căn hộ nhỏ nhưng thừa căn hộ lớn. Nếu không cho phép điều chỉnh diện tích, cơ cấu thì doanh nghiệp cũng không bán được hàng mà người dân cũng không có nhà ở”, lãnh đạo Hà Nội lý giải.
Khảo sát của VnEconomy cho thấy, dù mới chấp thuận duy nhất một dự án được điều chỉnh cơ cấu căn hộ, song những chuyển biến trên thị trường chung cư đã có những tích cực bước đầu. Tại dự án CT2 Trung Văn, sau khi được “chia nhỏ” căn hộ, thanh khoản của dự án đã có phần cải thiện so với thời gian trước đó dù dự án này có không ít ưu thế so với một vài dự án khác lân cận.
Hiện căn hộ tại dự án này dao động từ khoảng 60m2 đến trên 100m2 với giá bán hơn 15 triệu đồng/m2 đã thu hút không những khách hàng có nhu cầu thực mà còn cả các sàn giao dịch bất động sản nhòm ngó để có thể trở thành đơn vị bán hàng.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Phú Quý Land, các dự án khu vực Tây Hà Nội, dọc tuyến đường Lê Văn Lương, Mỹ Đình… trong suốt gần 2 năm qua trầm lắng cũng có nguyên nhân không nhỏ từ việc diện tích căn hộ quá lớn. Chính vì vậy, trong số các dự án mà doanh nghiệp này đang là đơn vị bán hàng, dự án CT2 Trung Văn dường như được quan tâm hơn cả nhờ diện tích căn hộ khá hợp lý, sau khi được thành phố đồng ý “chia nhỏ”.
Cũng theo ông Hà, hiện khu vực phía Tây Hà Nội có rất nhiều dự án đã hoàn thiện hoặc xong phần thô nhưng thanh khoản cũng không cải thiện nhiều do diện tích căn hộ khá lớn hoặc giá bán vẫn quá cao, điển hình là Mulberrylane (Mộ Lao, Hà Đông) diện tích phổ biến từ 88 - 185m2 với giá khoảng 24,5 triệu/m2, dự án Vinaconex 1 (Khuất Duy Tiến) diện tích từ 115 - 148m2, giá 27 triệu/m2, dự án HH2 Bắc Hà Lê Văn Lương diện tích phổ biến 91 - 196m2, giá khoảng 24 triệu/m2…
Theo một lãnh đạo Bộ Xây dựng, động thái cho “chia nhỏ” căn hộ là khá phù hợp với tình hình và nhu cầu của thị trường hiện nay. Việc điều chỉnh cơ cấu căn hộ ở một tỷ lệ nhất định sẽ không làm ảnh hưởng đến sự quá tải về hạ tầng, môi trường, dân số…như một số ý kiến quan ngại trước đây. Tất nhiên vị này cũng lưu ý, việc “chia nhỏ” căn hộ là một việc làm bất đắc dĩ, bên cạnh chủ trương chính là cơ cấu lại diện tích căn hộ đối với các dự án vẫn đang “trên giấy”.
Được biết, cùng với Hà Nội, hiện UBND Tp.HCM cũng đã “bật đèn xanh” cho phép các chủ đầu tư chia nhỏ căn hộ để tăng thanh khoản cho thị trường bất động sản.
Phó chủ tịch UBND Tp.HCM Nguyễn Hữu Tín cho biết, về mặt chủ trương, thành phố cho phép điều chỉnh chuyển đổi dự án nhà ở từ căn hộ có diện tích lớn thành diện tích nhỏ với điều kiện Sở Xây dựng kiểm tra, xác định việc điều chỉnh này tuân thủ quy định về chỉ tiêu kiến trúc, quy hoạch; tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định hiện hành về đầu tư xây dựng trên cơ sở đảm bảo yêu cầu kết nối đồng bộ với hạ tầng khu vực.
Trước mắt, Sở Xây dựng giải quyết thủ tục điều chỉnh chuyển đổi dự án nhà ở này cho các dự án đủ điều kiện tại các quận ven và huyện ngoại thành. Đối với việc điều chỉnh chuyển đổi dự án nhà ở tại các quận nội thành, Sở Xây dựng cần kiểm tra, cân nhắc kỹ để đảm bảo không phá vỡ quy hoạch.
BẢO ANH
Các bản tin khác
- “Chiến lược đại dương xanh” đã lấn sang thị trường bất động sản
- Cuộc đối đầu kỳ thú giữa shophouse và thương mại điện tử
- Tháo gỡ vướng mắc về tách thửa đất, cấp sổ hồng
- CEO Sun Group và những câu chuyện bây giờ mới kể
- "Bom tấn" Golden Bridge khiến du khách quốc tế khao khát check-in Đà Nẵng
- Cách thức xác định đối tượng mua nhà ở xã hội do doanh nghiệp đầu tư
- Bất động sản: Thời của trải nghiệm khách hàng lên ngôi
- "Cách mạng 4.0 đang tác động mạnh mẽ đến bất động sản Việt Nam"
- Yên bình bãi Tiên Sa
- Chờ khung pháp lý, "đứa con lai" condotel dần hạ nhiệt
- Đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng tại quận Liên Chiểu
- Đà Nẵng: Đấu thầu dự án khu đô thị 50ha từ việc chuyển đổi KCN Đà Nẵng
- Thị trường bất động sản: "Sẽ không biến động lớn đến 2019"
- Đề xuất phương án thu hồi dự án sân vận động Chi Lăng
- Chuyển đổi Khu công nghiệp Đà Nẵng thành đất ở đô thị: Cần đúng quy định pháp luật và phù hợp điều kiện cụ thể
- 15 NĂM THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 33-NQ/TW CỦA BỘ CHÍNH TRỊ (KHÓA IX) Đà Nẵng - thành phố động lực của sự phát triển
- Đấu thầu xây dựng bãi đỗ xe công cộng nhiều tầng tại 18 vị trí khu vực trung tâm thành phố
- Khai thác thị trường bất động sản công nghiệp
- Cuối năm nay sẽ có văn bản pháp lý cho condotel
- Pháp lý cho condotel chưa rõ ràng