Nói đến trí thức - nữ trí thức cũng như nam trí thức - là nói đến một thái độ sống mẫu mực, chứ không phải nói đến một bộ sưu tập bằng cấp, danh hiệu.
Các nữ doanh nhân góp phần vào sự phát triển của thành phố Đà Nẵng. Trong ảnh: Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng chúc mừng các nữ doanh nhân tại lễ tôn vinh nữ doanh nhân tiêu biểu, thành đạt năm 2012. Ảnh: TÚ PHƯƠNG |
Sống hết mình vì quê hương
Trong phong trào đấu tranh đòi quyền dân sinh dân chủ của sinh viên học sinh miền Nam vào đầu thập niên 70 thế kỷ XX đã vang lên một lời ca hào sảng hùng hồn như mệnh lệnh của trái tim: “Nếu là Người tôi sẽ chết cho quê hương” (Trương Quốc Khánh - Tự nguyện). Người trí thức - học sinh trung học hay sinh viên đại học cũng có thể được xem là trí thức - càng phải sẵn lòng chết cho quê hương đất nước.
Tuy nhiên, Tổ quốc không chỉ cần những người sẵn lòng chết cho quê hương mà còn cần, thậm chí rất cần những người sẵn lòng sống cho quê hương. Vì thế, nói đến trí thức - nữ trí thức cũng như nam trí thức - là nói đến thái độ sống hết mình vì quê hương, vì sự giàu mạnh của quê hương. Và nói đến trí thức - nữ trí thức cũng như nam trí thức - cũng là nói đến một thái độ sống mẫu mực, chứ không phải nói đến một bộ sưu tập bằng cấp, danh hiệu.
Thế nhưng, nếu chỉ thống kê theo cách hiểu không thật đầy đủ xem trí thức thời nay là những người có học vị từ cử nhân trở lên thì đội ngũ nữ trí thức ở Đà Nẵng bây giờ khoảng hơn 4.000 người. Và nếu thành phố bên bờ sông Hàn có hơn 4.000 nữ trí thức thực sự có thái độ sống hết mình vì quê hương, vì sự giàu mạnh của quê hương thì mục tiêu đưa Đà Nẵng vươn lên thành “thành phố đáng sống” chắc cũng không phải là khát vọng quá đỗi xa vời.
Tài năng
Sống hết mình vì thành phố quê hương với tư cách một nữ trí thức, trước hết là sống hết mình vì công việc, vì công vụ mà mình đang đảm trách. Muốn thế phải có tài năng. Có điều từ chỗ được học hành bài bản theo hệ thống trường lớp, có nhiều bằng cấp đến chỗ khẳng định tài năng trong thực tế vẫn còn một khoảng cách có khi khá xa. Học không giỏi khó mà làm nghề cho giỏi, song không phải ai học giỏi cũng đều làm nghề giỏi. Và điều quan trọng là thời chúng ta đang sống đây không ai chỉ học một lần mà có thể ung dung làm nghề một đời, nhất là trong thời đại bùng nổ thông tin, lạc hậu trong nghề xem như đã đứng ngoài cuộc.
Đối với người trí thức, tài năng không ngừng tỏa sáng mới chính là đạo đức nghề nghiệp, chẳng hạn một bác sĩ có y đức đáng nể trọng phải là người có tay nghề cao đủ để trị bệnh cứu người. Cũng có người cho rằng nữ trí thức do phải chịu cảnh việc nước việc nhà hai vai cùng gánh nặng nên không thể học tập không ngừng giống như nam trí thức. Thật ra, việc học tập không ngừng sau khi được đào tạo cơ bản cũng đòi hỏi phải có thời gian nhưng đòi hỏi nhiều hơn là lòng đam mê và chí tiến thủ. Thiếu hai thứ đó thì - nam cũng như nữ - có thời gian nhàn rỗi cũng chỉ để… lãng phí mà thôi.
Tinh thần hợp tác
Sống hết mình vì công việc, vì công vụ mà mình đang đảm trách còn đòi hỏi nữ trí thức Đà Nẵng phải có tinh thần hợp tác, sẵn lòng hợp tác với người khác. Nhiều người nói rằng người Việt - nam cũng như nữ - rất coi trọng cá nhân, khác với thiên hạ năm châu bốn biển thường coi trọng tập thể. Đây cũng là một cách nhìn không phải không có sức thuyết phục.
Tuy nhiên, nhìn sâu hơn vào thực tế, có thể thấy người Việt rất dễ cá nhân ở những chỗ cần tinh thần tập thể, song lại rất hay tập thể ở những chỗ cần sự khẳng định của cái tôi cá thể. Sáng tạo trong văn học nghệ thuật cũng như trong khoa học kỹ thuật chẳng hạn, thị hiếu thẩm mỹ chẳng hạn, tinh thần trách nhiệm sẵn sàng nhận lỗi nhận sai chẳng hạn… rất cần sự khẳng định của cái tôi cá thể thì mình lại rất tập thể; trong khi đó chung tay nâng tầm ý tưởng chẳng hạn, liên kết hợp tác để phát triển chẳng hạn… rất cần tinh thần tập thể, cần tiếng vỗ tay đều khắp nhịp nhàng thì mình lại rất cá nhân, một mình một cõi hẹp hòi. Cho nên, muốn sống hết mình vì thành phố quê hương với tư cách một nữ trí thức, cần phải vượt lên trên/thoát ra ngoài nhược điểm cố hữu ấy của người Việt mình.
Khoan dung về văn hóa
Sống hết mình vì công việc, vì công vụ mà mình đang đảm trách còn đòi hỏi nữ trí thức Đà Nẵng phải có lòng khoan dung về văn hóa, biết chấp nhận cái khác mình.
Có thể nói khoan dung về văn hóa, biết chấp nhận cái khác mình là phẩm tính hàng đầu của người trí thức. Nhờ vậy, người trí thức không chỉ sẵn lòng xem người khen mình là bạn mà còn sẵn lòng tôn người chê mình làm thầy - tất nhiên khen/chê đều phải đúng mực và chân thành. Và kỷ sở bất dục vật thi ư nhân - điều gì mình không muốn thì chớ làm đối với người khác, đến lượt mình, người trí thức cũng phải biết khen/chê đúng mực và chân thành. Biết khen/chê đúng mực và chân thành là dấu hiệu đặc trưng để nhận diện những người trí thức chân chính. Người trí thức chân chính - nam cũng như nữ - có thể vẫn chấp nhận kiểu khen ngợi xã giao lấy lòng nhưng hoàn toàn xa lạ với kiểu chê bai mang màu sắc dè bỉu, đố kỵ. Người trí thức chân chính chê ai/phê ai là phải đàng hoàng đường đường chính chính, không a dua theo đám đông để “ném đá” vào người khác, càng không ném đá giấu tay. Đây không phải là dĩ hòa vi quý mà là văn hóa ứng xử của người có học - của người có học bình thường thôi chứ chưa nói là của các chuyên gia, càng chưa nói là của các trí thức.
Tham chính
Sống hết mình vì công việc, vì công vụ mà mình đang đảm trách còn đòi hỏi nữ trí thức Đà Nẵng phải sẵn sàng tham gia chính sự, tham dự chính trường, trước hết là trên địa hạt khoa học, bao gồm khoa học chính trị và các khoa học chuyên ngành khác, tùy theo sở trường và chuyên môn sâu được đào tạo. Đây chính là địa hạt chủ yếu để đông đảo các nữ trí thức phát huy năng lực sáng tạo, tích cực đóng góp tài năng và tâm huyết của mình vào tiến bộ xã hội, cũng là cách để thể hiện vai trò nữ trí thức trong lĩnh vực chính trị - một lĩnh vực đòi hỏi phải không ngừng đổi mới tư duy, không ngừng tìm tòi cách nghĩ cách làm mới mẻ.
Một nữ trí thức hoạt động trong lĩnh vực y học nghiên cứu và đề xuất được một phác đồ điều trị nội khoa hoặc một kỹ thuật giải phẫu mới, từ đó tạo được thương hiệu cho bệnh viện địa phương, hay một nữ trí thức hoạt động trong lĩnh vực kinh tế học nghiên cứu và tổng kết được thực tiễn phát triển một ngành dịch vụ mũi nhọn trên địa bàn, từ đó giúp lãnh đạo địa phương hoạch định đúng bước đi của ngành dịch vụ ấy... là đã tham chính một cách hiệu quả, chứ không phải chờ đến khi trở thành lãnh đạo ngành y tế hoặc ngành kinh tế của địa phương mới gọi là tham chính.
Tất nhiên tham chính ở đây bao hàm cả việc nữ trí thức tham gia các sinh hoạt chính trị của cộng đồng, trở thành thành viên của các tổ chức trong hệ thống chính trị hoặc mang tính chính trị, được đứng/đứng được vào những vị trí lãnh đạo và ra quyết định.
Vì thế, khi nói nữ trí thức tham gia chính sự, tham dự chính trường, trước hết là trên địa hạt khoa học hoàn toàn không có nghĩa là hạn chế phạm vi tham chính của nữ trí thức, càng không có nghĩa khuyến khích nữ trí thức tự khuôn mình vào “tháp ngà” học thuật thuần túy - mặc dầu cái “tháp ngà” ấy vẫn luôn gắn bó và phụng sự cộng đồng. Trí thức là người luôn thể hiện chủ kiến của mình trong học thuật nên rất phù hợp với sinh hoạt chính trị là loại sinh hoạt đòi hỏi người tham gia/tham dự phải bộc lộ chính kiến cá nhân.
Cách bộc lộ chính kiến cá nhân phổ biến rộng rãi nhất là việc tự quyết định lựa chọn những người đại diện cho quyền làm chủ xã hội của mình thông qua các cuộc bầu cử Quốc hội hay HĐND cấp tỉnh. Vì thế, nữ trí thức có thể dùng lá phiếu trong các cuộc bầu cử Quốc hội hay HĐND cấp tỉnh để bộc lộ chính kiến cá nhân theo một hoặc hai tư cách: trước hết là tư cách cử tri - cân nhắc bầu cho ai/không bầu cho ai và tiếp nữa là vừa tư cách cử tri, vừa tư cách ứng cử viên - không chỉ cân nhắc bầu cho ai/không bầu cho ai mà còn vận động thuyết phục mọi người dồn phiếu cho chính mình.
Một vấn đề không thể không đề cập khi bàn đến câu chuyện nữ trí thức tham chính: tương quan giữa tham chính trên địa hạt khoa học và tham chính trên lĩnh vực sinh hoạt chính trị. Tham chính trên lĩnh vực nào cũng đều đòi hỏi người nữ trí thức phải giỏi chuyên môn, phải trở thành chuyên gia trong chuyên ngành của mình và quan trọng hơn là phải có niềm đam mê sáng tạo và nỗi khát khao được vươn lên đỉnh cao trong khoa học. Nhưng khi đã tham chính trên lĩnh vực sinh hoạt chính trị, nhất là khi mong muốn nhận sứ mệnh xã hội để được đứng, đứng được vào những vị trí lãnh đạo và ra quyết định của địa phương và của đất nước, người nữ trí thức phải có thêm một số tố chất cần thiết của chính khách, nếu không xã hội sẽ vừa mất đi một chuyên gia giỏi lại vừa không có thêm được một chính khách đúng tầm, thiệt đơn thiệt kép. Điều đáng nói hơn là cần cân nhắc trên quan điểm lợi ích toàn cục rằng một chuyên gia giỏi - chẳng hạn một “bàn tay vàng” trong phẫu thuật tim mạch từng cứu sống nhiều người thập tử nhất sinh - có nên bớt đi quỹ thời gian tham chính trên địa hạt khoa học cực kỳ quý giá như vậy để tham chính trên lĩnh vực sinh hoạt chính trị, chẳng hạn trở thành một đại biểu Quốc hội hay không? Làm sao để những nữ trí thức thực sự tài năng trên địa hạt khoa học có thể tận hiến cho chuyên môn của mình mà vẫn được tôn vinh trọng vọng về mặt tinh thần, vẫn được ưu đãi chăm lo về mặt vật chất ngang bằng hoặc thậm chí cao hơn những chính khách có quyền lực đang kinh bang tế thế - vẫn đương còn là vấn đề mang tính thời sự khi nghĩ về đội ngũ nữ trí thức của thành phố chúng ta và không chỉ của thành phố chúng ta. |
BÙI VĂN TIẾNG
Theo Báo Đà Nẵng
Các bản tin khác
- Đà Nẵng: Cất nóc khu phức hợp cao cấp DITP TOWER
- Cơ hội mới cho bất động sản công nghiệp
- Phê duyệt nhiều dự án công cộng phục vụ người dân
- Quy hoạch mở rộng Công viên APEC
- Ủn ỉn BBQ: không chỉ để thưởng thức đồ nướng
- Phát triển du lịch phía Tây Bắc: Chưa khai thác hết tiềm năng
- Thu hồi dự án khu du lịch Hòn Ngọc Á Châu làm công viên ven biển
- Cần khai thác cảnh quan đường Thăng Long
- Kinh nghiệm đầu tư nhà cho người nước ngoài thuê
- Đà Nẵng kiến nghị Chính phủ bố trí hơn 3.400 tỉ đồng triển khai giai đoạn 1 cảng Liên Chiểu
- Bất động sản lại vào mùa tặng nhà, tặng xe...
- Thành lập Trung tâm Quản lý và Khai thác nhà Đà Nẵng
- Nhộn nhịp ở phố chuyên doanh điện tử, kỹ thuật số
- Phố bích họa mới giữa lòng Đà Nẵng
- Dự báo mới về thị trường bất động sản
- Không phát triển dự án tái định cư và nhà ở công vụ
- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Quy hoạch cảng Liên Chiểu theo hướng hiện đại
- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Xây dựng cảng Liên Chiểu là vấn đề cấp bách, cần thiết
- Chuỗi thương hiệu bất động sản nghỉ dưỡng cao cấp Risemount vươn tầm ra thế giới
- Đề nghị bố trí vốn đầu tư dự án cảng Liên Chiểu