Nhận thấy tiềm năng phát triển du lịch đường sông kết hợp với du lịch biển nên nhiều doanh nghiệp (DN) “dòm ngó” đến các dự án đầu tư phát triển cầu cảng, bến du thuyền. Tuy nhiên, cũng rất khó để thành phố “gật đầu” ưng thuận vì cấp phép đầu tư tràn lan sẽ khó quản lý về sau.
Nhiều doanh nghiệp đăng ký đầu tư phát triển cầu tàu, bến du thuyền đôi bờ sông Hàn để khai thác du lịch. |
Theo quy hoạch, hàng loạt các điểm cầu tàu, bến du thuyền phục vụ du lịch được xác định để kêu gọi đầu tư. Từ phía bờ đông cầu Thuận Phước, quận Sơn Trà trở vào có các dự án cầu tàu, bến du thuyền như: Bến du thuyền tại khu vực vịnh Mân Quang đã được cấp phép đầu tư cho Công ty CP Dịch vụ bến du thuyền (VinaCapital) có sự liên kết với Tập đoàn Quốc Cường Gia Lai, tiếp đến bến du thuyền do SunGroup đầu tư tại khu vực cuối tuyến đường Trần Hưng Đạo thuộc dự án Olalani, cầu tàu phía đông cầu Rồng khu vực dự án Đà Nẵng World Travel. Kế đến có 2 vị trí cầu tàu nhỏ trước khách sạn Danang Riverside, bến du thuyền tại dự án Khu đô thị châu Âu (Tập đoàn SunGroup) tại khu vực Nhà máy đóng tàu Đà Nẵng (cũ).
Ở phía bờ tây là chuỗi các dự án cầu tàu và bến du thuyền có vệt bờ sông từ cảng cá Thuận Phước (cũ) đến cảng Sông Hàn, cầu tàu bờ tây phía bắc cầu Rồng, cầu tàu tại cảng Sông Thu.
Các vị trí cầu tàu, bến du thuyền do Tập đoàn VinaCapital và Sungroup dự kiến đầu tư gắn liền với các dự án phát triển đô thị trên bờ nên thu hút nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Theo đó, doanh nghiệp nước ngoài sau khi đầu tư thành công vào dự án Silver Shores Hoàng Đạt đã nhắm ngay đến việc đầu tư bến du thuyền tại khu vực cảng Thuận Phước (cũ). Đây là vị trí đắc địa có diện tích 5.286m2, hiện trạng đã có hai cầu cảng diện tích 1.341m2. Dự án này được Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Silver Shores đăng ký lập thủ tục cấp phép đầu tư. Chủ đầu tư dự kiến đầu tư 7 triệu USD (tương đương 145 tỷ đồng). Dự án hoàn thành có sức chứa 53 du thuyền, trong đó có 9 du thuyền lớn, 16 loại du thuyền trung bình và 4 du thuyền cỡ nhỏ. Dự án đưa vào khai thác 1 năm sau khi cấp phép đầu tư.
Công ty CP Đầu tư DHC (DHC) đề xuất đầu tư 4 cầu tàu và bến du thuyền trên sông Hàn nhằm đa dạng các loại hình dịch vụ và khai thác phù hợp với quy định tĩnh không thông thuyền qua các vị trí cầu qua sông Hàn. DHC nhắm đến việc đầu tư bến du thuyền tại cảng Sông Hàn với diện tích 25.000m2 và đang lập phương án thiết kế kiến trúc, bảo đảm mặt bằng cho việc tổ chức lễ hội bắn pháo hoa. Ngoài ra, DHC còn đề xuất đầu tư vào 3 địa điểm khác như cảng cá Thuận Phước, khu vực phía đông và tây cầu Rồng, khu vực cảng Sông Thu. Trong đó, có hai vị trí có doanh nghiệp khác cùng đề xuất đầu tư như khu vực cảng Thuận Phước có Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Silver Shores, vị trí phía tây cầu Rồng gần Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng (VTV Đà Nẵng) có Công ty TNHH IVC. Tại vị trí phía đông cầu Rồng cũng trùng lắp dự án cầu tàu của Công ty CP Vĩnh Thiện (chủ đầu tư khách sạn Danang Riverside) và Công ty TNHH Huynh Đệ nên DHC dịch chuyển vị trí đầu tư về hướng bắc của khách sạn Danang Riverside.
Dù có nhiều DN đăng ký đầu tư nhưng đến nay UBND thành phố mới đồng ý cho Công ty CP Đầu tư DHC sớm lập dự án đầu tư cầu tàu, bến du thuyền tại vị trí phía đông cầu Rồng khu vực kế cận khách sạn Danang Riverside để nhanh chóng đưa vào khai thác, phục vụ bến đậu tàu thuyền du lịch đang là nhu cầu bức thiết hiện nay. Theo đó, dự án cầu tàu và bến du thuyền Danang Marina do DHC làm chủ đầu tư đồng bộ từ xây dựng hệ thống bến và dịch vụ bến, các thuyền du lịch cao cấp nhằm tổ chức vận hành khai thác có hiệu quả các tour du lịch đường sông và biển tại thành phố, làm nền tảng để phát triển du lịch đường thủy kèm theo các loại hình kinh doanh mua bán du thuyền, bảo trì bảo hành sửa chữa du thuyền tại Việt Nam.
Tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 là 123,7 tỷ đồng, bao gồm các hạng mục: cầu cảng dài 87m, rộng 6m, được thiết kế dạng bến cầu tàu hình vòng cung; nhà bến 1 tầng; khu vực dịch vụ du lịch mô phỏng tàu du lịch đại dương cao 5 tầng, được bố trí ở điểm giữa khu vực, sẽ là nơi đậu đỗ và bảo quản cho các du thuyền tư nhân, nơi tổ chức các hoạt động hội thảo trưng bày du thuyền, câu lạc bộ du thuyền, dạ hội, khiêu vũ, ca nhạc… Ông Lê Minh Đức, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư DHC, nhận định tương lai khu vực dự án rất nhộn nhịp do lượng du khách tham quan đường sông, đường biển kết nối tham quan các điểm đến ven bờ sẽ là một sản phẩm du lịch đặc sắc.
Bài và ảnh: TRIỆU TÙNG
Theo Báo Đà Nẵng
Các bản tin khác
- Đà Nẵng hoán đổi 6.000 m2 đất để mở rộng công viên APEC
- Luật Kinh doanh Bất động sản đang ‘bất lực’ với condotel
- Kết nối điểm tham quan bằng xe buýt
- Mặt tiền biển tác động giá trị bất động sản nghỉ dưỡng biển
- Cho phép chuyển đổi công năng nhà ở sang khách sạn, văn phòng, nhà hàng
- Bốn lý do giá đất sốt cao nhưng khó giảm
- Vicoland Group hợp tác đầu tư với tập đoàn bất động sản hàng đầu thế giới Extell của Hoa Kỳ
- Có nên mua lúc thị trường diễn ra sốt đất?
- "Đỏ mắt" tìm mua nhà ở
- Câu chuyện dài về thị trường bất động sản
- "Đổi đời" nhờ đất?
- Ra mắt trang zalo Công ty Bất động sản VIP
- Hàng ngàn hộ dân ở Đà Nẵng khổ vì quy hoạch treo, dự án dang dở
- Nhiều hoạt động hấp dẫn tại "Đà Nẵng-Điểm hẹn mùa hè 2018"
- Điểm nhấn văn hóa, thể thao tại khu phố An Thượng
- Tháp đôi 1.800 tỷ tại Đà Nẵng ra mắt phân khu căn hộ nghỉ dưỡng
- Căn hộ chỉ 24m2 này có gì hay ho mà ai cũng mơ ước được sở hữu?
- Thị trường bất động sản: Lạc quan thận trọng
- Đề xuất đầu tư 870 tỷ đồng làm hầm chui nút giao phía tây cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý
- Khu Công viên Văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn: Bao giờ triển khai?