(Cadn.com.vn) - Có lẽ chưa kỳ họp nào HĐND TP Đà Nẵng lại đề cập nhiều đến văn hóa như kỳ họp đang diễn ra, ngỡ như một sự giật mình của các vị đại biểu và chính quyền thành phố sau chặng đường dài mải miết theo đuổi các mục tiêu phát triển kinh tế.
Chủ trì phiên thảo luận toàn thể ở hội trường chiều 12-12, đồng chí Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Trần Thọ cho biết, vào phiên thảo luận ở các tổ vào buổi sáng các đại biểu đã đề cập nhiều đến việc Đà Nẵng còn đầu tư quá thấp cho văn hóa. Ông dẫn chứng một khảo sát gần đây cho thấy, trong khi đứng ở vị trí số 1 về cơ sở hạ tầng thì Đà Nẵng đứng thứ 39/63 tỉnh, thành phố trong cả nước về văn hóa. Và điều này phù hợp với suy nghĩ của các cấp lãnh đạo cũng như người dân TP.
Thực ra, ngay từ trước kỳ họp, trao đổi với Báo Công an TP Đà Nẵng, một số đại biểu HĐND TP Đà Nẵng cũng nêu lên sự bất cân xứng giữa kinh tế và văn hóa của TP Đà Nẵng. Sự bất cân xứng này không chỉ diễn ra ở chỗ đầu tư cho văn hóa quá thấp so với kinh tế mà còn trên bình diện không gian bố trí các thiết chế văn hóa. Một vị đại biểu dẫn chứng, trong khi đô thị phát triển mạnh về phía Tây – Tây Bắc thì các công trình văn hóa lại bố trí chủ yếu ở phía Nam – Đông Nam của thành phố. Thêm vào đó, ngay cả những dự án như Thư viện, Bảo tàng mỹ thuật... cũng đã nằm trên giấy quá lâu rồi.
Đó là mới nói về phần “cứng”, còn nói về phần “mềm” của văn hóa Đà Nẵng thì còn quá nhiều việc để bàn. Chẳng hạn, sức sống của văn hóa - văn nghệ dân gian, ca - nhạc - kịch, điện ảnh... bây giờ ra sao? Trong lĩnh vực điện ảnh, cả TP Đà Nẵng có được ai đáng gọi là ngôi sao không? Vì sao người làm phim được công chúng biết đến nhiều nhất lại là một em học sinh (em Hiếu Hiền)? Vì sao việc tìm ra một ca khúc “địa phương ca” về Đà Nẵng lại khó đến thế?...
Tại phiên thảo luận chiều 12-12 ở Hội trường, đại biểu Lê Vinh Quang nói rằng, phải công nhận là đầu tư cho văn hóa của Đà Nẵng còn thấp nhưng văn hóa Đà Nẵng không thấp. Đại biểu Quang so sánh: Vừa qua ở Đồng Nai xe chở bia gặp nạn thì bị cướp, ở Đà Nẵng cũng có xe chở bia bị nạn nhưng người dân đã giúp đỡ tài xế dọn dẹp hiện trường chứ không hôi của. Đây là một dẫn chứng thú vị, dù rằng, Đà Nẵng cũng không phải là hoàn toàn “trong sạch”, ví như vụ đổi mũ bảo hiểm gây bức xúc dư luận cách đây ít lâu, hay sự chen lấn trong các mùa lễ hội pháo hoa...
Dẫu sao, dẫn chứng của đại biểu Lê Vinh Quang cũng một lần nữa cho thấy văn hóa ứng xử của người dân TP Đà Nẵng đã tương xứng với tư cách là cư dân của một đô thị văn minh. Đó cũng là điều đã được bạn bè, du khách ghi nhận rất nhiều trong những năm qua. Nó chứng minh rằng, Đà Nẵng có một nền tảng xã hội vững chắc để phát triển văn hóa, đó chính là nhận thức văn hóa, tư cách đạo đức, tri thức xã hội... của gần một triệu người dân. Nhìn sâu xa hơn nữa, nền tảng đó còn là trầm tích văn hóa xứ Quảng đang được giao thoa, lĩnh hội, kết tinh, hội tụ vô cùng sinh động và phong phú trong quá trình phát triển, hội nhập của thành phố. Vấn đề còn lại là chính quyền thành phố dành sự quan tâm, đầu tư một cách thỏa đáng để những nhân tố ấy tỏa sáng, phát huy, đáp ứng nhu cầu tinh thần chính đáng của người dân thành phố hôm nay và mai sau.
Có lẽ, hiếm có khoản đầu tư nào đem lại hiệu quả... và như những khoản đầu tư cho văn hóa! Nhưng cũng hiếm có khoản đầu tư nào cần thiết hơn các khoản đầu tư cho văn hóa. Bởi lẽ, đó là khoản đầu tư cho tâm hồn, tính cách, nhu cầu hưởng thụ cái hay, cái đẹp của mỗi con người cũng như toàn xã hội.
Mọi thành tựu kinh tế không thể nào tồn tại vững bền trên nền tảng của một xã hội khiếm khuyết nặng nề về văn hóa. Vì thế việc HĐNDTP đặt vấn đề chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần trong kỳ họp lần này là dấu hiệu đáng mừng.
Nguyễn Lê
Theo Báo CA ĐN
Các bản tin khác
- Bán 100 căn hộ chung cư thu nhập cho cán bộ công chức
- BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP HÀ HÙNG CƯỜNG: TP.HCM là điển hình về xã hội hóa công chứng
- Bong bóng bất động sản còn tiếp tục xì hơi
- Cuối năm, căn hộ sẽ còn giảm giá?
- Một số vấn đề về công tác quản lý Đăng ký và Công chứng theo quy định của pháp luật Tây Ban Nha, kinh nghiệm cho Việt Nam trong quá trình nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật công chứng năm 2006
- Rắc rối số nhà
- MUA LẠI PHIẾU ĐẤT TÁI ĐỊNH CƯ VẪN ĐƯỢC HỖ TRỢ VAY VỐN
- Nhà băng vào cuộc đua giảm lãi suất
- Gắn mác vỡ nợ để bán nhà đất
- Hơn 714 tỷ đồng đền bù giải tỏa và tái định cư Dự án Phát triển bền vững TP Đà Nẵng
- Bất động sản “đóng băng”: Từ ông chủ trở thành nhân viên... giữ xe
- Chuyển giao sơ đồ quỹ đất để bố trí tái định cư cho các hộ giải toả
- Hưởng lợi từ xã hội hóa dịch vụ công chứng
- Hộ tái định cư vay vốn ngân hàng trả nợ tiền sử dụng đất như thế nào?
- Phê duyệt phương án bồi thường, tái định cư dự án khu ký túc xá sinh viên tập trung phía tây tại KCN Hòa Khánh
- Đà Nẵng: Doanh nghiệp được hỗ trợ vay vốn để tiếp tục triển khai dự án
- Rắc rối vì không biết người ủy quyền đã chết
- ĐỀ NGHỊ CÁC NGÂN HÀNG NHANH CHÓNG GIẢM LÃI SUẤT
- Thị trường BĐS đang diễn ra quá trình "chọn lọc tự nhiên"
- Đà Nẵng: Không cho chia nhỏ các lô đất lớn