(ĐNĐT) - Phiên chất vấn và trả lời chất vấn ngày 13-12 tại kỳ họp thứ 8, HĐND thành phố khóa VIII, “nóng” ngay từ đầu với các câu hỏi tập trung vào mục tiêu, giải pháp thực hiện “Năm Doanh nghiệp Đà Nẵng 2014”; các vấn đề về quản lý giá thuốc, hoạt động hành nghề y tế tư nhân; tội phạm gia tăng; xã hội hóa giáo dục; quản lý cấp phép các trạm BTS…
Đại biểu Võ Văn Thương tham gia chất vấn. Ảnh: VĂN NỞ |
Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận đất đai, vốn vay
Trả lời chất vấn của ĐB Trương Phước Ánh, Lê Vinh Quang, Nguyễn Thị Phượng, Nguyễn Thị Kim Hồng về giải pháp thực hiện “Năm Doanh nghiệp Đà Nẵng 2014” và hỗ trợ doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa theo Nghị định 56/2009/NĐ-CP, Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư Huỳnh Đức Thơ cho hay: Hơn 98% DN của thành phố có quy mô nhỏ và vừa (NVV). Đây cũng là đối tượng chủ yếu thụ hưởng chính sách hỗ trợ mà thành phố đã thực hiện như: Hỗ trợ cho thuê mặt bằng với giá ưu đãi, hỗ trợ lãi suất, tín dụng, đổi mới công nghệ, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực...
Đà Nẵng là địa phương làm tốt nhất việc giao đất sạch cho nhà đầu tư. Như vậy, chỉ số thành phần về tiếp cận đất đai tại Đà Nẵng do PCI xếp hạng thấp là chưa chính xác. Trong 2 năm 2012 và 2013, lãnh đạo thành phố đã có những cuộc đối thoại với Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh Đà Nẵng và các ngân hàng (NH) thương mại trên địa bàn để hỗ trợ lãi suất cho DN. Năm 2014, thành phố tiếp tục rà soát đất đai trong và ngoài khu công nghiệp, qua đó, thu hồi đất của DN không triển khai dự án sản xuất, kinh doanh, giao lại cho các DN khác.
Về tình hình sử dụng đất đai ở KCN, ông Thái Bá Cảnh, Trưởng ban Quản lý các KCN và chế xuất Đà Nẵng, cho biết ban quản lý sẽ tiến hành rà soát và báo cáo UBND thành phố. Đối với các DN đã cho thuê đất mà chưa sử dụng hoặc sử dụng chưa hết thì trong năm 2014, Ban Quản lý sẽ tiếp tục nghiên cứu đề xuất UBND thành phố thu hồi hoặc chuyển nhượng cho DN khác. |
Liên quan đến giải pháp thực hiện “Năm Doanh nghiệp Đà Nẵng 2014”, Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Thanh Sang trả lời: Thành phố đã lập Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho Đà Nẵng, bước đầu tạm ứng ngân sách Trung ương 30 tỉ đồng để hỗ trợ DN ngay trong năm 2014. Quỹ sẽ tiếp tục huy động sự đóng góp của các DN, tổ chức khác để đến năm 2015 sẽ đạt 100 tỉ đồng. Trước đó, Quỹ Đầu tư phát triển của thành phố (lập năm 2008) đã hỗ trợ hàng trăm tỉ đồng cho các DN của thành phố. Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Thị Anh Đào cho rằng, 30 tỉ đồng ban đầu của Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DN là con số quá nhỏ so với 12 ngàn DN của thành phố.
Giải đáp câu hỏi của các ĐB: Nguyễn Đăng Hải, Lê Thị Nam Phương, Nguyễn Thị Anh Đào vì sao có tình trạng các NH thương mại huy động nhiều, cho vay ít, tình trạng vốn huy động được trên địa bàn Đà Nẵng lại chuyển về Hội sở chính (ở ngoài Đà Nẵng) để sử dụng cho vay, liệu có lợi ích nhóm ở đây không? Giám đốc NHNN-Chi nhánh Đà Nẵng Võ Minh cho biết: Vốn huy động trên địa bàn Đà Nẵng năm 2013 tăng 12,76% nhưng do khó khăn chung của nền kinh tế nên tăng trưởng tín dụng chỉ có 1,26%, dẫn đến mất cân đối giữa vốn và dư nợ. Như vậy là khách quan.
Chi nhánh NHNN đã phát hiện hiện tượng huy động nhiều cho vay ít hoặc huy động rồi chuyển về Hội sở chính ở 6 NH thương mại cổ phần (TMCP Sài Gòn, TMCP Xây dựng, TMCP Phương Tây-Nam Việt, TMCP Bắc Á). Qua đó, NHNN Chi nhánh Đà Nẵng đã nhắc nhở, tuy nhiên sự ảnh hưởng của hiện tượng này không đáng kể. Theo ông Minh, nhờ sự điều hành, tác động của NHNN nên lãi suất cho DN trên địa bàn thành phố vay sản xuất kinh doanh với lãi suất trên 13%/năm đã giảm từ 35% trước đây xuống còn 17%, tương đương với 7.700 tỉ đồng. Hiện tại, chưa phát hiện việc chuyển vốn huy động từ NH này sang NH khác. Ông đề nghị các DN phản ánh cho NHNN biết nếu NH thương mại nào khi cơ cấu lại nợ cho DN mà đặt điều kiện đi kèm là buộc phải trả hết nợ cũ mới cho vay nợ, NHNN sẽ xử lý ngay.
Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ yêu cầu NHNN-Chi nhánh Đà Nẵng phải có biện pháp tích cực hơn nhằm đưa các NH thương mại trở về mức lãi suất cho vay dưới 13%/năm theo quỹ đạo chung của Chính phủ.
Trả lại tiền cấp trùng thẻ BHYT, giám sát tình trạng học trái tuyến
Trả lời câu hỏi của các ĐB: Lê Thị Như Hồng, Hoàng Giang Yên Thủy và Đỗ Thị Kim Lĩnh về tình trạng gần 48% cơ sở hành nghề y tế tư nhân (HNYTTN) có sai phạm, dùng thuốc giả, thuốc kém chất lượng, Giám đốc Sở Y tế Phạm Hùng Chiến cho biết: Năm 2013, Sở đã tiến hành kiểm tra, thanh tra 145 cơ sở HNYTTN trong tổng số 989 cơ sở trên địa bàn, là những cơ sở có dấu hiệu vi phạm. Do vậy, việc phát hiện ra 70 cơ sở vi phạm không đại diện cho tất cả các cơ sở mà chỉ chiếm 48% trong tổng số được kiểm tra, thanh tra. Sở đã phạt tiền 26 cơ sở vi phạm, chủ yếu là không có giấy phép hoạt động, không có chứng chỉ hành nghề, không niêm yết giá dịch vụ và cảnh cáo 44 cơ sở khác, trong đó đình chỉ hoạt động 15 cơ sở không có giấy phép.
ĐB Cao Thị Huyền Trân hỏi có bao nhiêu cơ sở HNYTTN vừa khám vừa kê toa, vừa bán thuốc và có xử lý dứt điểm được không? Ông Chiến không trả lời cụ thể số lượng cơ sở HNYTTN tây y nhưng thừa nhận vi phạm trên nhiều hơn cả số phát hiện qua kiểm tra. Ông Chiến kêu gọi cử tri nếu phát hiện vi phạm này ở các cơ sở HNYTTN tây y nên báo cho sở biết qua điện thoại đường dây nóng.
Trả lời câu hỏi của ĐB Hoàng Giang Yên Thủy về việc liệu Đà Nẵng có xảy ra vụ cơ sở thẩm mỹ viện gây chết người như vụ Cát Tường ở Hà Nội không, ông Chiến khẳng định chắc chắn Đà Nẵng chỉ có 6 cơ sở tương tự và sẽ không xảy ra chuyện như ở Hà Nội. Nếu để xảy ra, ông sẽ nhận trách nhiệm ngay chứ không đổ cho ai cả. Ông Chiến cũng cho biết qua kiểm tra các cơ sở kinh doanh thuốc, chưa phát hiện thuốc giả, trong khi số thuốc kém chất lượng bị phát hiện chiếm 4%.
Liên quan đén việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí mua BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi và người thuộc hộ nghèo tại 7 quận, huyện có sự trùng lắp và trách nhiệm thuộc về ai, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Võ Duy Khương cho rằng, nguyên nhân một phần là do sự phối hợp giữa các phường, xã, quận và Sở LĐ-TB&XH chưa tốt. UBND thành phố đã họp, chỉ đạo khắc phục và giao cho Sở LĐ-TB&XH chỉ đạo các phòng LĐ-TB&XH quận xử lý các thẻ cấp trùng; đồng thời lập danh sách và chuyển số tiền thừa 9 tỷ đồng cho Sở Tài chính.
Giải đáp câu hỏi của các ĐB Phan Thị Thúy Linh, Cao Thị Huyền Trân, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lê Trung Chinh khẳng định sẽ đảm bảo đúng tiến độ việc giảm tải học sinh để đến năm học 2015-2016 tất cả học sinh tiểu học đều học 2 buổi/ngày. Năm 2014, thành phố sẽ bố trí 73 tỉ đồng xây thêm 135 phòng học. Mặt khác, từ năm học 2014-2015 thành phố không cho phép tuyển sinh trái tuyến nữa. Về việc xã hội hóa 2 trường mầm non 29-3 và Tiên Sa đúng hay sai, ông Chinh cho biết: Đối với việc xã hội hóa Trường mầm non 29-3, Sở đồng ý là do phải thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, còn Trường mầm non Tiên Sa thì Sở chưa biết. Trả lời câu hỏi này, ông Lê Anh, Chủ tịch UBND quận Hải Châu thừa nhận, quận ra chủ trương này do tình hình các trường mầm non xuống cấp nhưng đối với Trường mầm non Tiên Sa thì mới chỉ có ý tưởng, chưa thực hiện(?!).
Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội Vũ Hùng phân tích thêm: Việc xã hội hóa trường mầm non nói trên gây bức xúc dư luận do chưa có lộ trình, chưa có đề án trình HĐND thành phố. Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ kết luận việc xã hội hóa Trường mầm non 29-3 của quận Hải Châu là vượt quá thẩm quyền. Vấn đề này thuộc thẩm quyền HĐND thành phố, UBND quận Hải Châu phải rút kinh nghiệm. Nói về vấn đề học sinh trái tuyến, Chủ tịch HĐND thành phố khẳng định chủ yếu là con em cán bộ, con của dân rất ít. Việc này phải chấm dứt từ năm học tới.
Đại biểu Cao Thị Huyền Trân chất vấn tại hội trường. Ảnh: VĂN NỞ |
Tội phạm vẫn tăng
Trả lời chất vấn về nguyên nhân tội phạm trong năm 2013 vẫn gia tăng, ông Lê Văn Tam, Phó Giám đốc Công an thành phố cho biết: Cả năm 2013 có 583 vụ phạm pháp, tăng 34 vụ. Các loại tội phạm tăng là: Cướp giật, trộm tài sản, giết người cướp của, ma túy, cờ bạc. Nguyên nhân là do thanh niên không có việc làm hoặc lười lao động, cuộc sống khó khăn. Ngành Công an và các ngành chức năng đã có nhiều nỗ lực trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, đặc biệt là khám phá 100% các vụ phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.
Ông Tam cũng nêu những bất cập gây khó khăn cho công tác phòng, chống tội phạm là việc tuyên truyền pháp luật tại tổ dân phố thì đối tượng thanh niên là đối tượng đáng phải nghe lại không được nghe. Quy định của Nhà nước về việc phát hiện lần đầu đối tượng nghiện ma túy chỉ phạt hành chính rồi giao về gia đình giáo dục thì khó mà giảm người nghiện ma túy trong cộng đồng. Chính đối tượng nghiện ma túy có nguy cơ cao phạm các tội khác. ĐB Nguyễn Hoàng Sơn vẫn chưa đồng ý vì kỳ họp đầu năm đã báo cáo tội phạm tăng và giải pháp kéo giảm nhưng cuối năm vẫn báo cáo tăng.
Trả lời chất vấn về công tác quản lý hoạt động kinh doanh quán bar, karaoke, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Ngô Quang Vinh cho biết: Qua công tác quản lý, chưa phát hiện mua bán ma túy, hoạt động mại dâm liên quan đến quán bar, karaoke. Tuy nhiên, đã phát hiện có tổ chức múa cột tại các bar: TV Club, F3, New Phương Đông. Quán Karaoke Mắt Biếc và Đại Thế Giới đã sử dụng 2 nhân viên trong một phòng hát. Ông Vinh nêu khó khăn vì chưa có quy định quản lý quán bar như quy định quản lý vũ trường nên đã có biểu hiện đối phó cấm múa cột thì chuyển sang múa vòng.
Dân không đồng tình, vẫn lắp đặt trạm BTS
Trả lời câu hỏi chất vấn về việc thành phố có 1.043 cột ăng ten thu phát sóng thông tin di động (BTS) có nguy cơ gãy đổ khi có bão mạnh và gây mất mỹ quan đô thị, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Phạm Kim Sơn cho biết việc cấp phép là của Sở Xây dựng, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp thẩm định. Ông Sơn cho hay, các trụ BTS có thể chịu được cấp gió 12, 13. Việc cấp phép được thực hiện đúng quy trình, quy định của Nhà nước là sở hoàn thành nhiệm vụ của mình rồi. Trong thời gian qua mới chỉ có 2 trạm BTS ngã đổ do bão nhưng không gây thiệt hại cho người dân.
ĐB Nguyễn Đăng Hải không đồng tình nội dung trả lời chưa nói rõ nếu có rủi ro xảy ra thì cơ quan nào chịu trách nhiệm. ĐB Hải nói thêm, việc lắp đặt trạm BTS trong thời gian qua thường thì chính quyền phường, xã không được biết. ĐB Kiều Văn Toàn khẳng định thêm: Quy định trước khi lắp đặt trạm BTS phải tham khảo ý kiến nhân dân nhưng 100% hộ dân được hỏi đều không đồng tình nhưng vẫn cho lắp đặt. ĐB Toàn đề nghị thành phố dừng cấp phép lắp đặt thêm trạm BTS và phải có quy hoạch cụ thể, tránh lắp đặt quá nhiều như hiện nay. Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ đồng tình với các ĐB về việc có quy định đầy đủ nhưng ngành chức năng của thành phố chưa thực hiện đầy đủ, dân không đồng ý vẫn cấp phép. Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Xây dựng phải xem xét lại việc này.
Phê bình chuyện cây xanh ngã đổ
Về trách nhiệm đối với việc cây xanh ngã đổ hàng loạt sau bão số 11, Phó Chủ tịch Võ Duy Khương cho biết, kế hoạch triển khai đấu thầu theo luật do các ban quản lý, các công trình dự án đảm nhiệm nên Công ty Công viên - Cây xanh Đà Nẵng không nằm trong hội đồng nghiệm thu và cũng không nắm rõ. UBND thành phố sẽ tiến hành chỉ đạo kiểm điểm, phê bình và rút kinh nghiệm, đồng thời chỉ đạo Công ty Công viên - Cây xanh Đà Nẵng sửa sai quy trình, kỹ thuật trồng và thực hiện xã hội hóa cây xanh.
Chỉ đạo về vấn đề này, Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ yêu cầu lãnh đạo thành phố rút kinh nghiệm và không nên đổ hết trách nhiệm cho phía Công ty Công viên - Cây xanh Đà Nẵng vì họ chỉ trồng ở các khu dân cư nhỏ lẻ, còn những dự án quan trọng thì họ không theo dõi trồng, cũng không tiến hành nghiệm thu.
Đối với tình trạng ô nhiễm môi trường tại Âu thuyền Thọ Quang, ông Nguyễn Điểu cho rằng, tình trạng ô nhiễm ở đây là do Âu thuyền Thọ Quang tích lũy nhiều chất thải trong nhiều năm. Sở đã đề nghị thành phố cho phép đấu thầu xây dựng trạm xử lý nước thải Sơn Trà, dự kiến đầu năm 2014 sẽ thi công và phải đến năm 2015 mới hoàn thành. Trong thời gian chờ đợi trạm xử lý nước thải xây dựng xong, Sở tăng cường 1 công ty thoát nước để xử lý. Ông Điểu cũng lạc quan cho rằng, trong thời gian tới, một số doanh nghiệp sẽ đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải và đến năm 2014 môi trường ở khu vực này sẽ có cải thiện tốt.
Kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp, Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ cho biết, trong phần chất vấn của kỳ họp lần này, có 16 đại biểu được phân công trả lời, trong đó có 14 giám đốc sở và 2 Phó Chủ tịch UBND thành phố. So với các kỳ họp trước, kỳ họp này đã tăng cả số lượng nội dung câu hỏi, người chất vấn và đại biểu được phân công trả lời. Nhiều câu trả lời đã đáp ứng phần nào mong đợi của đại biểu HĐND trên tinh thần cởi mở, thẳng thắn. Những câu hỏi chưa được trả lời ở hội trường thì được trả lời bằng văn bản. Các đại biểu đã tỏ rõ quan điểm chính kiến của mình và thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trước nhân dân.
Sẽ đánh giá tác động môi trường - xã hội của dự án Thủy điện Sông Nam - Sông Bắc: Giải đáp câu hỏi liên quan đến tác động xấu về mặt môi trường và xã hội của việc xây dựng công trình thủy điện Sông Nam-Sông Bắc (xã Hòa Bắc) và quá trình vận hành của công trình này, Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường Nguyễn Điểu cho biết, công trình Thủy điện Sông Nam-Sông Bắc cung cấp điện cho lưới điện quốc gia và cung cấp nước cho Nhà máy nước Hòa Liên nhưng sẽ làm ảnh hưởng đến nguồn nước hạ lưu sông Nam, sông Cu Đê, sông Thủy Tú và khoảng hơn 860 ha đất rừng và nông nghiệp. Nhà máy thủy điện vận hành theo nguyên tắc tích nước vào mùa nắng và xả nước vào mùa mưa nên sẽ làm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Do đó, Sở đề nghị thành phố cho phép Sở có thời gian để xem xét, đánh giá tác động về môi trường và xã hội. Chỉ đạo vấn đề này, Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ đã đồng ý giao Sở Tài nguyên-Môi trường thực hiện xem xét đánh giá tác động về môi trường và xã hội, có báo cáo chính thức trình UBND thành phố để báo cáo HĐND thành phố trong kỳ họp tới. |
Sơn Trung - Đoàn Lương
Theo Báo Đà Nẵng
Các bản tin khác
- THƯ CẢM ƠN!
- NỮ ANH HÙNG HẾT LÒNG VÌ CỘNG ĐỒNG
- UBND TP Đà Nẵng trao cờ thi đua năm 2022 cho VPCC Bảo Nguyệt
- Bỏ sổ hộ khẩu, người mua bán nhà đất cần nhớ điều này để tránh không chuyển nhượng được “sổ đỏ”
- 3 việc cần làm ngay trước ngày Sổ hộ khẩu bị khai tử
- Những việc cần làm trước khi bỏ sổ hộ khẩu từ 1/1/2023
- Bỏ Sổ hộ khẩu từ ngày 1/1/2023: Phương án nào để chứng minh thông tin cư trú?
- 31 trường hợp nhà đất được miễn phí trước bạ từ ngày 1/3/2022
- 5 Quy Định Mới Về Sổ Đỏ, Chuyển Mục Đích Sử Dụng Đất
- Hộ chiếu cấp trước 2022 được dùng đến khi hết hạn
- Khuyến khích cấp mới, cấp đổi Sổ đỏ ghi tên cả vợ và chồng
- Đã có hướng dẫn về trường hợp bị thu hồi Sổ hộ khẩu từ 01/7/2021
- Cách hợp thức hóa đất mua bằng giấy viết tay
- 3 quy định mới người mua nhà từ ngày 01/7/2021 cần biết
- 6 chính sách mới quan trọng có hiệu lực tháng 7/2021
- Từ 01/7/2021, khách đến chơi qua đêm có cần khai báo xã, phường?
- Rủi ro khi để lộ số CMND, Căn cước công dân
- Chính sách mới có hiệu lực tháng 5
- Bị xóa đăng ký thường trú, cuộc sống bị ảnh hưởng thế nào?
- 5 điều những người đang dùng Chứng minh nhân dân phải biết