Ngày 1-1-2014, Hiến pháp nước CHXH Việt Nam và 6 Luật sẽ có hiệu lực thi hành. Các luật này bao gồm Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp; Luật Khoa học và công nghệ; Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh; Luật Hòa giải ở cơ sở.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ký Lệnh công bố Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam ngày 8-12-2013. |
Hiến pháp thể hiện ý Đảng, lòng dân và sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị
Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6 đã kết tinh được trí tuệ, ý chí, nguyện vọng của tuyệt đại đa số nhân dân, thể hiện được ý Đảng, lòng dân và sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị.
Với 11 chương, 120 điều (giảm 1 chương và 27 điều so với Hiến pháp năm 1992), Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam được Quốc hội thông qua năm 2013 thực sự là Hiến pháp của thời kỳ đổi mới toàn diện, đồng bộ về kinh tế và chính trị, đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế trong thời kỳ mới.
So với Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp sửa đổi có nhiều điểm mới cả về nội dung và kỹ thuật lập hiến; thể hiện rõ và đầy đủ hơn bản chất dân chủ, tiến bộ của Nhà nước và chế độ ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; quy định rõ ràng, đúng đắn và đầy đủ về chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học, cộng nghệ và môi trường, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, bảo vệ Tổ quốc, tổ chức bộ máy nhà nước, về hiệu lực và quy trình sửa đổi Hiến pháp.
Hiến pháp đã thể hiện rõ hơn bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước dân chủ, Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Dân chủ và chủ quyền nhân dân được thể hiện rõ hơn trong bản Hiến pháp thông qua việc ghi nhận chủ quyền nhân dân ngay từ Lời nói đầu với quy định: "... Nhân dân Việt Nam xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp này vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh."
Bên cạnh đó, Hiến pháp còn quy định cụ thể hơn các phương thức để nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước mà không chỉ thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân như Hiến pháp năm 1992.
Thừa nhận, tôn trọng và bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, Hiến pháp làm rõ nội dung quyền con người, quyền công dân, trách nhiệm Nhà nước và xã hội trong việc tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân; bổ sung một số quyền mới là kết quả của quá trình đổi mới 25 năm qua ở Việt Nam, phù hợp với các điều ước quốc tế về quyền con người mà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Trên cơ sở đó, Hiến pháp sắp xếp lại các điều theo nhóm quyền để bảo đảm tính thống nhất giữa quyền con người và quyền công dân.
Hiến pháp tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với nhà nước và xã hội, trách nhiệm của Đảng trước nhân dân; khẳng định sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Công đoàn và các tổ chức chính trị-xã hội và các tổ chức khác trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hiến pháp tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, bảo đảm công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; tiếp tục bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Hiến pháp tiếp tục khẳng định yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Hiến pháp đã khẳng định giá trị cao nhất của đạo luật cơ bản của Nhà nước, quy định sửa đổi Hiến pháp, trách nhiệm của Quốc hội, các cơ quan của Nhà nước cũng như toàn dân trong việc bảo vệ Hiến pháp.
Để có căn cứ pháp lý cho việc triển khai thi hành Hiến pháp mới, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết quy định một số điểm thi hành Hiến pháp, trong đó quy định rõ thời điểm Hiến pháp mới có hiệu lực là từ ngày 1-1-2014; đồng thời quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức hữu quan trong việc tổ chức thi hành Hiến pháp, trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến Hiến pháp nhằm bảo đảm Hiến pháp được tuân thủ và chấp hành nghiêm trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về dân cư
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú sửa đổi, bổ sung 5 điều trên tổng 42 điều của Luật Cư trú. Luật bổ sung những quy định để góp phần khắc phục những vướng mắc, bất cập nổi cộm nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về dân cư trong giai đoạn hiện nay; đồng thời, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Luật quy định các hành vi bị nghiêm cấm bao gồm thuê, cho thuê, làm giả, sửa chữa, làm sai lệch nội dung sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, giấy tờ khác có liên quan đến cư trú; sử dụng giấy tờ giả về cư trú; cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật về cư trú; giả mạo điều kiện để được đăng ký thường trú; đồng ý cho người khác đăng ký cư trú vào chỗ ở của mình để vụ lợi hoặc trong thực tế người đăng ký cư trú không sinh sống tại chỗ ở đó.
Để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân đang cư trú tại thành phố, làm chậm tốc độ tăng dân số cơ học, giảm sức ép về các vấn đề xã hội liên quan, Luật quy định tăng thời gian tạm trú để được đăng ký thường trú vào quận thuộc thành phố trực thuộc trung ương từ 1 năm lên 2 năm.
Luật cũng đã mở rộng một số đối tượng có quan hệ họ hàng thân thích về ở với nhau thì được đăng ký thường trú vào thành phố trực thuộc trung ương khi được người có sổ hộ khẩu đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu của mình.
Đối với trường hợp đăng ký thường trú vào chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân, tổ chức, Luật bổ sung một số điều kiện chặt chẽ hơn để khắc phục tình trạng nhiều hộ, nhiều người nhập khẩu vào một chỗ ở mặc dù chỗ ở đó quá chật hẹp. Trường hợp đăng ký thường trú vào chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân, tổ chức thì phải có đủ các điều kiện sau đây: Bảo đảm điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của Hội đồng Nhân dân thành phố; có xác nhận của Ủy ban Nhân dân xã, phường, thị trấn về điều kiện diện tích bình quân; được người cho thuê, cho mướn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản.
Với quy định này, Hội đồng nhân dân thành phố sẽ căn cứ vào điều kiện cụ thể của địa phương mình để quy định diện tích bình quân cho phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội, bảo đảm yêu cầu quản lý dân cư tại địa phương. Trên cơ sở quy định của Hội đồng Nhân dân thành phố, khi công dân kê khai điều kiện diện tích bình quân để được đăng ký thường trú thì sẽ được Ủy ban Nhân dân xã, phường, thị trấn xác nhận về điều kiện diện tích bình quân đó nhằm bảo đảm sự chặt chẽ, tránh việc tuỳ tiện, thiếu trung thực trong việc kê khai điều kiện đăng ký thường trú.
Góp phần chống gian lận trong hoàn thuế giá trị gia tăng
Nội dung sửa đổi, bổ sung của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng liên quan đến 7/16 điều của Luật hiện hành, gồm các nhóm vấn đề về đối tượng không chịu thuế; giá tính thuế; thuế suất giá trị gia tăng; ngưỡng đăng ký nộp thuế giá trị gia tăng và phương pháp tính thuế; khấu trừ thuế giá trị gia tăng; hoàn thuế giá trị gia tăng; giải pháp giảm thuế giá trị gia tăng nhằm hỗ trợ người có thu nhập thấp mua nhà ở và thị trường bất động sản.
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Luật bổ sung quy định khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào không được bồi thường của hàng hóa, dịch vụ bị tổn thất; bỏ khống chế thời hạn được kê khai, khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào tối đa là 6 tháng trong trường hợp có sai sót kể từ tháng phát sinh hóa đơn, theo đó doanh nghiệp được kê khai bổ sung vào bất kỳ thời điểm nào trước khi cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra, thanh tra thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế; bỏ quy định thuế giá trị gia tăng đầu vào của tài sản cố định sử dụng đồng thời cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng và không chịu thuế giá trị gia tăng được khấu trừ toàn bộ để đảm bảo nhất quán với nguyên tắc chỉ khấu trừ giá trị gia tăng đầu vào sử dụng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng...
Đặc biệt, để góp phần chống gian lận trong hoàn thuế giá trị gia tăng, Luật sửa đổi quy định về hoàn thuế do 3 tháng liên tục có số thuế giá trị gia tăng đầu vào chưa khấu trừ hết được chuyển trừ vào số thuế phải nộp của các kỳ tiếp theo và sau tháng thứ 12 hoặc quý thứ 4 mà vẫn còn số thuế giá trị gia tăng đầu vào chưa khấu trừ hết thì được hoàn thuế...
Luật có hiệu lực từ ngày 1-1-2014, trừ một số điều khoản quy định cụ thể về bán, cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội và nhà ở thương mại.
Thu hút đầu tư, khuyến khích sản xuất kinh doanh
Sửa đổi, bổ sung 12/20 điều của Luật hiện hành, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp nhằm thu hút đầu tư, khuyến khích sản xuất kinh doanh, phù hợp với xu thế cải cách thuế của thế giới và đúng lộ trình của Chiến lược cải cách thuế giai đoạn 2011-2020; bảo đảm chính sách rõ ràng, minh bạch, đơn giản, giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người nộp thuế và công tác quản lý thuế.
Thực hiện Chiến lược cải cách thuế đến năm 2020 làm giảm dần mức động viên, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp quy định từ 1-1-2014, áp dụng mức thuế suất phổ thông là 22%, doanh nghiệp có tổng doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng được áp dụng thuế suất phổ thông 20% kể từ 1-7-2013. Từ ngày 1-1-2016, mức thuế suất phổ thông là 20% và mức thuế suất ưu đãi 20% được giảm xuống còn 17%.
Nhằm đảm bảo sự nhất quán với Luật Đầu tư; tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, Luật sửa đổi quy định đối tượng hưởng ưu đãi thuế là doanh nghiệp, căn cứ ưu đãi thuế theo dự án đầu tư của doanh nghiệp và bổ sung thêm lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn ưu đãi.
Đào tạo, thu hút đội ngũ nhân lực khoa học và công nghệ
Luật Khoa học và công nghệ năm 2013 gồm 11 chương, 81 điều, so với Luật Khoa học và Công nghệ năm 2000, có nhiều nội dung mới, quy định rõ hơn, hợp lý hơn, phù hợp với yêu cầu của Nghị quyết Trung ương 6 về nhiệm vụ, nguyên tắc của hoạt động khoa học và công nghệ, chính sách của Nhà nước về phát triển khoa học và công nghệ; các cơ chế, chính sách và biện pháp đào tạo, thu hút và sử dụng hiệu quả đội ngũ nhân lực khoa học và công nghệ; các biện pháp sử dụng và quản lý hiệu quả nguồn vốn ngân sách Nhà nước, khuyến khích mạnh mẽ và huy động nguồn lực xã hội cho hoạt động khoa học và công nghệ; đẩy mạnh việc ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ vào sản xuất, kinh doanh...
Đối với quy định về cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ; phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ, Luật quy định rõ các nội dung về chức danh nghiên cứu khoa học, chức danh công nghệ; quyền và nghĩa vụ của cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ; đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài về khoa học; ưu đãi trong việc sử dụng nhân lực, nhân tài khoa học và công nghệ; thu hút cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài.
Nâng cao ý thức, trách nhiệm, tự giác thực hiện nhiệm vụ quốc phòng và an ninh
Với 8 chương, 47 điều, Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh quy định nguyên tắc, chính sách, nội dung cơ bản, hình thức giáo dục quốc phòng và an ninh; nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, quyền và trách nhiệm của công dân về giáo dục quốc phòng và an ninh.
Luật quy định mục tiêu của việc giáo dục quốc phòng và an ninh là nhằm giáo dục cho công dân về kiến thức quốc phòng và an ninh để phát huy tinh thần yêu nước, truyền thống dựng nước và giữ nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, nâng cao ý thức, trách nhiệm, tự giác thực hiện nhiệm vụ quốc phòng và an ninh, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Công dân có quyền và trách nhiệm học tập, nghiên cứu để nắm vững kiến thức quốc phòng và an ninh.
Nhà nước bảo đảm nguồn lực cho hoạt động giáo dục quốc phòng và an ninh, có chính sách ưu tiên đối với khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Bảo đảm chất lượng, hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở
Luật Hòa giải ở cơ sở gồm 5 chương, 33 điều, quy định nguyên tắc, chính sách của Nhà nước về hòa giải ở cơ sở, hòa giải viên, tổ hòa giải; hoạt động hòa giải ở cơ sở; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong công tác hòa giải ở cơ sở... Hoạt động hòa giải của tòa án, trọng tài, hòa giải thương mại, hòa giải lao động và hòa giải tại Ủy ban Nhân dân xã, phường, thị trấn không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật.
Luật quy định việc hòa giải ở cơ sở được tiến hành đối với các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật, trừ các trường hợp mâu thuẫn, tranh chấp xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng; vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình, giao dịch dân sự mà theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự không được hòa giải; vi phạm pháp luật mà theo quy định phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị xử lý vi phạm hành chính; mâu thuẫn, tranh chấp khác không được hòa giải ở cơ sở theo quy định pháp luật.
Để bảo đảm cho hoạt động của tổ hòa giải và hòa giải viên, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở; đồng thời phù hợp với tính chất của hoạt động hòa giải ở cơ sở là hoạt động tự nguyện, tự quản của cộng đồng dân cư, Luật quy định Nhà nước hỗ trợ kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở. Ngân sách trung ương chi bổ sung cho các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách để hỗ trợ kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở./.
TTXVN
Các bản tin khác
- Đà Nẵng “bùng nổ” condotel
- Cần cẩn trọng với tín dụng bất động sản
- Thiết kế cảnh quan sông Hàn: Hành động nhanh với ý tưởng mới
- Đà Nẵng chính thức xin vay gần 6.400 tỷ di dời ga đường sắt
- Thị trường bất động sản Đà Nẵng sẽ đi về đâu?
- Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng DIFF 2017: Để người dân và du khách được hưởng lợi
- Năm 2017 chưa có bong bóng bất động sản
- Miễn giảm tiền sử dụng đất cho thân nhân liệt sỹ
- Đà Nẵng: Đề xuất Chính phủ phương án đầu tư dự án Di dời ga đường sắt Đà Nẵng
- Thị trường condotel 2017: Luồng “gió mới” của thị trường
- Dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng
- Đà Nẵng có thêm khách sạn 4 sao
- Đà Nẵng – đầu tư bất động sản gắn liền với định hướng phát triển kinh tế bền vững
- Hội nghị Thành ủy lần thứ 8: Tăng cường công tác quản lý xây dựng và trật tự đô thị
- Công bố 6 dự án nhà ở thương mại được giao dịch mua bán
- Đà Nẵng đăng cai Liên hoan kiến trúc Việt Nam 2017
- Không có chuyện "mất trắng" căn hộ chung cư sau 50 năm
- Công nhận kết quả đấu giá đối với các lô đất thuộc phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà và phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ
- 1.500 tỷ đồng thực hiện dự án tuyến đường vành đai phía tây
- Đề nghị Thủ tướng cho phép lập quy hoạch tổng thể phát triển Đà Nẵng