Thủ tướng đồng ý xem xét mở quy định cho đối tượng nước ngoài được mua nhà ở Việt Nam theo hạn định.
Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng. Ảnh: Linh Thư |
Dự thảo luật Nhà ở sửa đổi được Chính phủ bàn thảo trong phiên họp về xây dựng pháp luật ngày 25/12.
Theo Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng, dự thảo dự kiến sửa đổi làm rõ hơn các quy định về quản lý, sử dụng nhà chung cư, đặc biệt là việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ để đáp ứng các yêu cầu quản lý các khu nhà chung cư, giải quyết các vướng mắc, tồn tại trong việc phá dỡ, xây dựng lại các nhà chung cư cũ, xuống cấp, nguy hiểm.
Nhưng một trong những vấn đề quan trọng có tính quyết định đó là nguồn vốn. Theo Bộ trưởng, các nhà ở có tuổi đời 100 năm như ở Hà Nội bán cho các cá nhân hộ gia đình sử dụng, giờ muốn sửa chữa thì dân không nộp tiền. Và Nhà nước phải bỏ tiền xây dựng.
Do đó, dự thảo luật cũng sẽ thiết kế các quy định cho phép hình thành hệ thống tài chính nhà ở đầy đủ và hiệu quả nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc huy động các nguồn lực tài chính ổn định, dài hạn với lãi suất phù hợp cho phát triển nhà ở, kể cả vốn cho đầu cung và tín dụng cho đầu cầu, thay vì trước đây nguồn vốn cho nhà ở chủ yếu từ các tổ chức tín dụng thương mại với nguồn vốn vay ngắn hạn, lãi suất cao.
Khó?
Đề cập cụ thể, Bộ trưởng Xây dựng so sánh vay mua nhà ở các nước lãi suất rất thấp chỉ từ 1-3%. Trong khi gói 30000 tỉ có mục tiêu tốt nhưng lãi suất vẫn rất cao, đến 6% nên theo ông cần có các định chế chuyên biệt như Quỹ Phát triển nhà ở ở Singapore bắt buộc người mua nhà phải đóng góp để được mua nhà.
Về một mô hình mà ông tạm gọi là ngân hàng tiết kiệm nhà ở, Bộ trưởng cho hay hiện nay việc cấp vốn cho nhà ở chủ yếu từ thuế, NSNN, hoặc từ người dân, các thành phần kinh tế mua nhà, muốn có nhà ở. Đa số dân thiếu nguồn lực để có nhà ở. Việc tạo lập nhà ở chủ yếu dựa vào việc vay của ngân hàng thương mại, nơi vốn cho vay không nhiều, tổng cho vay dư nợ với bất động sản không quá 10%.
Do đó, nêu Việt Nam có một mô hình kiểu ngân hàng tiết kiệm nhà ở hoạt động theo cơ chế tín dụng thương mại nhưng chỉ dành riêng cho lĩnh vực nhà ở, cho vay, thuê mua nhà ở thì sẽ ổn định lâu dài hơn. Trong khi vốn nhàn rỗi được dùng mua trái phiếu chính phủ hoặc trái phiếu do Chính phủ bảo lãnh để được an toàn. Theo ông có thể tiến hành thực hiện thí điểm để xem xét tính hiệu quả.
Tuy nhiên, đại diện Ngân hàng Nhà nước VN cho rằng có hai vấn đề nằm ở khâu kỹ thuật và pháp lý. Một mô hình ngân hàng như trên cho vay với kỳ hạn phải dài, nhưng lại liên quan câu chuyện biến động lãi suất và giá cả bất động sản chưa ổn định như ở Việt Nam. Do đó, sẽ khó thực hiện nếu không có sự hỗ trợ từ vĩ mô và mô hình này không thể hoạt động theo dạng ngân hàng thương mại, chỉ có thể là dạng ngân hàng chính sách Nhà nước.
Trong khi đó về pháp lý, cần có điều kiện cụ thể để chứng minh sự cần thiết của mô hình ngân hàng trên. Theo vị đại diện trên, điều kiện hiện nay chưa phù hợp, cần thêm thời gian để đón điểm khả thi của chính sách. Nhưng trong lúc đón thời điểm chin, có thể tiến hành thí điểm để có kinh nghiệm thực tiễn.
Mở cho người nước ngoài mua nhà?
Một trong những nội dung của dự thảo luật sửa đổi đó là mở rộng đối tượng và điều kiện được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài để thu hút nhân tài, nguồn lực, kinh nghiệm cho đầu tư, phát triển đất nước.
Bộ trưởng KH&ĐT Bùi Quang Vinh phản ánh hiện có nhiều cộng đồng người nước ngoài lớn tại Việt Nam như cộng đồng người Hàn Quốc đến 130.000 người. Nhưng họ phản ánh sống và làm việc lâu dài tại Việt Nam không thể mua được nhà mà phải đi thuê.
Theo ông, nên chăng mở quy định có thể cho những đối tượng này mua nhà với hạn định 50-70 năm theo luật pháp Việt Nam, hết hạn thì thôi. Trong khi đó nhiều biệt thự để trống mà số lượng người nước ngoài vào sống và làm việc ở Việt Nam ngày càng tăng lên.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đồng ý xem xét mở quy định cho đối tượng nước ngoài được mua nhà ở Việt Nam theo hạn định. Đó cũng là cách khuyến khích đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam thuận lợi. Nếu không việc quản lý nhập nhằng cũng sẽ rất khó. Ông cho hay, quan trọng là dùng chính sách thuế quản lý đối với các hoạt động mua đi bán lại, kể cả ở không cũng thu thuế như kinh nghiệm nước ngoài từng làm.
Linh Thư
Các bản tin khác
- Đà Nẵng: Hộ tái định cư được vay vốn trả nợ tiền sử dụng đất
- Địa ốc thêm nhiều thông tin ảm đạm
- “Băm nát” làng đại học Đà Nẵng
- Doanh nghiệp đề xuất chống bán phá giá bất động sản
- Không cho phép tách, nhập thửa trong Khu Di tích lịch sử - Làng văn hóa K20
- 'Bất động sản sẽ hồi sinh vào cuối 2013'
- Đà Nẵng xóa quy hoạch sân golf Đa Phước
- “SĂN” NHÀ, ĐẤT GIÁ RẺ !
- Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Bá Thanh yêu cầu kiểm soát chặt chẽ công tác quy hoạch
- Nhân tố mới: Bóng hồng nơi xứ Quảng anh hùng
- Khó vay tiền quỹ phát triển nhà
- Chuyên gia hiến kế cứu 1 triệu tỷ đồng "chôn" ở bất động sản
- SAU 3 THÁNG THÍ ĐIỂM CẤP SỔ ĐỎ VỀ MỘT MỐI: THUẬN LỢI VÀ KHÓ KHĂN BẮT ĐẦU LỘ RÕ
- “Phá băng” bất động sản
- Khởi tố đối tượng làm giả giấy tờ đất
- TÍN DỤNG THỜI KHỐN KHÓ!
- Xây dựng cơ sở dữ liệu liên thông về hợp đồng, giao dịch liên quan đến bất động sản
- Ba giải pháp gỡ khó cho thị trường BĐS
- Công chứng viên phải giữ gìn đạo đức nghề nghiệp
- Sổ chủ quyền nhà đất và những cạm bẫy vô hình