Thủ tướng đồng ý xem xét mở quy định cho đối tượng nước ngoài được mua nhà ở Việt Nam theo hạn định.
Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng. Ảnh: Linh Thư |
Dự thảo luật Nhà ở sửa đổi được Chính phủ bàn thảo trong phiên họp về xây dựng pháp luật ngày 25/12.
Theo Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng, dự thảo dự kiến sửa đổi làm rõ hơn các quy định về quản lý, sử dụng nhà chung cư, đặc biệt là việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ để đáp ứng các yêu cầu quản lý các khu nhà chung cư, giải quyết các vướng mắc, tồn tại trong việc phá dỡ, xây dựng lại các nhà chung cư cũ, xuống cấp, nguy hiểm.
Nhưng một trong những vấn đề quan trọng có tính quyết định đó là nguồn vốn. Theo Bộ trưởng, các nhà ở có tuổi đời 100 năm như ở Hà Nội bán cho các cá nhân hộ gia đình sử dụng, giờ muốn sửa chữa thì dân không nộp tiền. Và Nhà nước phải bỏ tiền xây dựng.
Do đó, dự thảo luật cũng sẽ thiết kế các quy định cho phép hình thành hệ thống tài chính nhà ở đầy đủ và hiệu quả nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc huy động các nguồn lực tài chính ổn định, dài hạn với lãi suất phù hợp cho phát triển nhà ở, kể cả vốn cho đầu cung và tín dụng cho đầu cầu, thay vì trước đây nguồn vốn cho nhà ở chủ yếu từ các tổ chức tín dụng thương mại với nguồn vốn vay ngắn hạn, lãi suất cao.
Khó?
Đề cập cụ thể, Bộ trưởng Xây dựng so sánh vay mua nhà ở các nước lãi suất rất thấp chỉ từ 1-3%. Trong khi gói 30000 tỉ có mục tiêu tốt nhưng lãi suất vẫn rất cao, đến 6% nên theo ông cần có các định chế chuyên biệt như Quỹ Phát triển nhà ở ở Singapore bắt buộc người mua nhà phải đóng góp để được mua nhà.
Về một mô hình mà ông tạm gọi là ngân hàng tiết kiệm nhà ở, Bộ trưởng cho hay hiện nay việc cấp vốn cho nhà ở chủ yếu từ thuế, NSNN, hoặc từ người dân, các thành phần kinh tế mua nhà, muốn có nhà ở. Đa số dân thiếu nguồn lực để có nhà ở. Việc tạo lập nhà ở chủ yếu dựa vào việc vay của ngân hàng thương mại, nơi vốn cho vay không nhiều, tổng cho vay dư nợ với bất động sản không quá 10%.
Do đó, nêu Việt Nam có một mô hình kiểu ngân hàng tiết kiệm nhà ở hoạt động theo cơ chế tín dụng thương mại nhưng chỉ dành riêng cho lĩnh vực nhà ở, cho vay, thuê mua nhà ở thì sẽ ổn định lâu dài hơn. Trong khi vốn nhàn rỗi được dùng mua trái phiếu chính phủ hoặc trái phiếu do Chính phủ bảo lãnh để được an toàn. Theo ông có thể tiến hành thực hiện thí điểm để xem xét tính hiệu quả.
Tuy nhiên, đại diện Ngân hàng Nhà nước VN cho rằng có hai vấn đề nằm ở khâu kỹ thuật và pháp lý. Một mô hình ngân hàng như trên cho vay với kỳ hạn phải dài, nhưng lại liên quan câu chuyện biến động lãi suất và giá cả bất động sản chưa ổn định như ở Việt Nam. Do đó, sẽ khó thực hiện nếu không có sự hỗ trợ từ vĩ mô và mô hình này không thể hoạt động theo dạng ngân hàng thương mại, chỉ có thể là dạng ngân hàng chính sách Nhà nước.
Trong khi đó về pháp lý, cần có điều kiện cụ thể để chứng minh sự cần thiết của mô hình ngân hàng trên. Theo vị đại diện trên, điều kiện hiện nay chưa phù hợp, cần thêm thời gian để đón điểm khả thi của chính sách. Nhưng trong lúc đón thời điểm chin, có thể tiến hành thí điểm để có kinh nghiệm thực tiễn.
Mở cho người nước ngoài mua nhà?
Một trong những nội dung của dự thảo luật sửa đổi đó là mở rộng đối tượng và điều kiện được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài để thu hút nhân tài, nguồn lực, kinh nghiệm cho đầu tư, phát triển đất nước.
Bộ trưởng KH&ĐT Bùi Quang Vinh phản ánh hiện có nhiều cộng đồng người nước ngoài lớn tại Việt Nam như cộng đồng người Hàn Quốc đến 130.000 người. Nhưng họ phản ánh sống và làm việc lâu dài tại Việt Nam không thể mua được nhà mà phải đi thuê.
Theo ông, nên chăng mở quy định có thể cho những đối tượng này mua nhà với hạn định 50-70 năm theo luật pháp Việt Nam, hết hạn thì thôi. Trong khi đó nhiều biệt thự để trống mà số lượng người nước ngoài vào sống và làm việc ở Việt Nam ngày càng tăng lên.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đồng ý xem xét mở quy định cho đối tượng nước ngoài được mua nhà ở Việt Nam theo hạn định. Đó cũng là cách khuyến khích đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam thuận lợi. Nếu không việc quản lý nhập nhằng cũng sẽ rất khó. Ông cho hay, quan trọng là dùng chính sách thuế quản lý đối với các hoạt động mua đi bán lại, kể cả ở không cũng thu thuế như kinh nghiệm nước ngoài từng làm.
Linh Thư
Các bản tin khác
- Thị trường bất động sản: Lạc quan trong thận trọng
- Siết tín dụng bất động sản: Động thái cần thiết để thị trường phát triển bền vững
- Thế giới ước mơ và hạnh phúc qua màn trình diễn của đội Ý
- Bất động sản xoay chiều đầu tư
- Biệt thự trên không, khái niệm mới về nhà ở
- Chủ tịch nước Lệnh công bố 7 Luật
- Bất động sản miền Trung còn nhiều dư địa phát triển
- Nhà đầu tư ngoại nào đang dẫn đầu thị trường bất động sản Việt Nam?
- Gần 28 tỷ đồng xây bãi đỗ xe lắp ghép 6 tầng tại khu vực trung tâm thành phố
- GẶP MẶT NHÂN DỊP BÀ NGUYỄN VŨ MINH NGUYỆT ĐƯỢC PHONG TẶNG DANH HIỆU AHLLVTND
- Đà Nẵng qui hoạch lại 7 khu 'đất vàng' của các đại gia
- Doanh nghiệp chuyên doanh bất động sản đầu tiên ở Đà Nẵng lên sàn chứng khoán
- Đà Nẵng sẵn sàng cho tuần lễ GEF 6
- "Ma trận" sàn giao dịch bất động sản
- Bão vành đai (Bài cuối: Không nên đô thị hóa cưỡng bức)
- Đà Nẵng: Ra mắt liên minh doanh nghiệp bất động sản G3
- Rà soát các dự án đầu tư trọng điểm về giao thông
- Các tuyến đường thuộc dự án Khu dân cư bàu Gia Phước (Q. Sơn Trà): Chậm thi công do mặt bằng còn "vướng"
- Sẽ lập Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc tại Đà Nẵng
- Giải mã tại sao Liên Chiểu thu hút các nhà đầu tư lớn